Bàn luận

Chúng ta nhìn bằng mắt, bằng não, hay bằng tim? 22. 11. 12 - 7:04 am

Phạm Huy Thông

Tranh của Alborozo

Hôm nay, nhân một ngày lạnh trời ngại thò đầu ra ngoài đường, tôi ngồi gõ bài viết này. Vừa như một câu chuyện làm quà cho đa số bạn đọc, vừa là một câu trả lời gián tiếp cho một số câu hỏi mà trước đây tôi không muốn trả lời trực tiếp. Việc tác giả cãi nhau tay bo, ăn miếng trả miếng với một bộ phận công chúng về tác phẩm của mình xem ra cũng không phải là việc gợi hứng cho tôi nữa. Vì vậy hôm nay tôi xin bàn về một tác phẩm của người khác. Ví dụ tôi có thể đem ra nhiều hơn, vì tôi là người rất chịu khó đi xem nghệ thuật. Nhưng hôm nay chỉ nói về một tác phẩm mà thôi. Dù rằng chính với tác phẩm đó, khi trước được xem trực tiếp, tôi thậm chí chẳng nhớ chụp lấy một cái ảnh cho tử tế.

Tôi quan niệm, nghệ sĩ là người sống giữa xã hội (dạng nghệ sĩ hoàn toàn ẩn cư ngày nay không có nữa, hoặc chỉ có loại giả vờ tưởng mình tách được ra với đời, vừa rởm rít, vừa nhạt toẹt). Tác phẩm mà nghệ sĩ sinh ra, muốn hay không, vẫn ngay từ đầu được quy định bởi bối cảnh mà nó được thai nghén. Về phía người xem cũng vậy, chúng ta đi xem một tác phẩm mà chỉ để xem nó không thôi thì chán chết. Vì tác phẩm (chân chính) từ khi thai nghén trong đầu nghệ sĩ (chân chính) đã phải là thành quả của một sự giao phối đời sống tinh thần giữa tác giả và môi trường sống xung quanh rồi. Chúng ta nên nhìn xem, tác phẩm đó mang nét nào của cha, mang nét nào của mẹ. Tác phẩm đó phản ánh được gì trong đời sống này, nêu được tiếng nói nào. Mà cho dẫu tác phẩm nó thất bại trong việc phản ánh, lên tiếng này nọ, thì việc thất bại cũng đáng để xem hơn là chỉ nhìn chăm chăm đơn thuần thị giác vào bề mặt sơn. Người ta đẻ ra hẳn một ngành (dùng từ “ngành” đúng không nhỉ) Lịch sử Mỹ thuật đâu chỉ để đơn thuần và máy móc ghi nhõn ngày sinh tháng đẻ của nghệ sĩ và kích thước chất liệu tác phẩm.

Mỗi người xem, với vốn sống và tầm hiểu biết của riêng mình sẽ có những biên dịch khác nhau khi đứng trước một tác phẩm. Một tác phẩm vì vậy sẽ có người khen người chê. Chuyện thường. Bởi vậy, giá trị của tác phẩm, không bao giờ được đánh giá bởi tác giả mà là tổng hợp đánh giá từ công chúng, hay nói đúng hơn là từ khả năng “biên dịch” của công chúng đối với tác phẩm đó. Tôi định lôi Vangogh ra đây làm ví dụ nhưng sẽ lại có người suy diễn tôi ảo tưởng này nọ, nên thôi.

Quay sang một chuyện khác – chuyện mèo máy Đô Rê Mon. Trong chúng ta 10 người thì có đến 8 người đã đọc và đã thích bộ truyện này. Tôi thích việc các tác giả tưởng tượng ra đủ các loại máy móc thần kỳ khác nhau như “đường hầm thu nhỏ”, “bánh mì trí nhớ”, “chong chóng tre”… Đường hầm thu nhỏ thì như cái phễu, một đầu to người thường đi vào, đầu nhỏ đi ra biến người thành tí hon. Đây là sự lai ghép giữa cái cổng thành và cái phễu, một dạng photoshop ghép hình trong tưởng tượng giữa hai vật thể khác nhau. Bánh mì trí nhớ giúp học trò học thật nhanh, ẹp bánh mì vào trang vở, cho chữ bị in vào đó (giống như cái tẩy trong vẽ hình họa than, chì vậy) rồi ăn vào bụng là nhớ “như in” bài học. Nhưng những ghi nhớ đó chỉ có tác dụng đến trước khi đi toilet. Ha ha. Một sự tưởng tượng thật tài tình khi hai tác giả truyện lai ghép “photoshop” một cái bánh mì (vật thể) với một chức năng kỳ diệu mà đứa học trò nào cũng “thèm”… Thế nhưng những lai ghép tưởng tượng đó, dẫu có tài tình, vẫn chỉ là truyện tranh, phục vụ giải trí, chứ không phải nghệ thuật.

Bánh mì trí nhớ của Doraemon

Sau này tôi thấy rất nhiều sự lai ghép tài tình khác, như các nhân vật trong game, trong phim, lai người và thú, lai người với… người ngoài hành tinh. Chẳng hạn như nhân vật Vua Bọ Cạp lắp ghép một anh diễn viên nhiều thịt với một con Bọ Cạp thân giáp. Tay anh ý cầm giáo đâm đâm, đuôi anh ý lắc lư chọc chọc. Một sự lắp ghép chuẩn không cần chỉnh, hình ảnh chuyển động hẳn hoi, như thật. Tất nhiên, sự lắp ghép đó dẫu có nuột nà và ngoe nguẩy sống động, vẫn chỉ là sản phẩm phục vụ ngành giải trí, không phải nghệ thuật gì, chẳng phản ánh gì cái xã hội đương đại này hết.

Giờ đến tác phẩm chính của bài hôm nay.

Năm 2009, tôi có một chuyến sang Singapore, và đương nhiên là tôi tót ngay vào Bảo Tàng Nghệ Thuật (SAM). Có triển lãm của một nghệ sĩ Tàu là LU HAO (đọc là Xu Hào), triển lãm có tên Cities Here and Now (Những Thành Phố – Ngay Bây Giờ, Ngay Chỗ Này). Tác phẩm thì nhiều, trong đó có một phòng lớn bày một tác phẩm điêu khắc sắp đặt hoành tráng. Cả một căn phòng sơn đen, ánh sáng tập trung vào một cánh tay máy xúc kích thước thật. Điểm khác duy nhất là những cái răng thông thường của gàu xúc nay được thay bằng một hàng răng nanh gớm ghiếc lởm chởm của loài thú khổng lồ nào đó.

 

Chúng ta ai cũng đã nhìn thấy máy xúc làm việc, thấy sức mạnh phi thường của chiếc máy này khi gặm từng mảng lớn đất đá, trần nhà, cột trụ, phế liệu để bốc lên xe tải. Chúng ta hẳn ai cũng tưởng tượng nếu chiếc máy kia là một sinh vật sống, rồi nổi điên đuổi theo con người thì hậu quả sẽ thảm khốc nhường nào. Tác giả Lu Hao có lẽ cũng từ những tưởng tượng đó mà tạo ra một cánh tay gàu xúc gớm ghiếc. Lai ghép giữa sinh vật sống với máy móc trong một kích thước hoành tráng và sức mạnh kinh người. Nếu về thị giác đơn thuần mà nói, đây cũng chỉ là một sản phẩm lai ghép “photoshop” bằng điêu khắc giữa hai vật thể khác nhau mà bất cứ học viên vi tính tập tọe nào cũng có thể lai tạo ra trên ảnh kỹ thuật số.

Nhưng vấn đề là Lu Hao đã vươn ra ngoài những lắp ghép tình cờ mang tính giải trí. Anh ta đang nhắc nhớ tới quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc cũng như nhiều nước đang phát triển khác. Đô thị hóa theo đà phát triển kinh tế là điều tất yếu, nhưng đương nhiên đem lại nhiều mặt trái xã hội. Đô thị hóa như con dao hai lưỡi hay nói chính xác hơn cho giống với tác phẩm này, như con hổ mà bất cứ nhà quản lý nào cũng phải nhắm mắt mà cưỡi lên. Tác phẩm tuy tĩnh lặng, nhưng gợi mở nhiều suy nghĩ, phản ánh vấn đề và xu thế của xã hội, mang hơi thở đương đại, vân vân và vân vân.. rồi lại vân vân…

Thế là tốt rồi, tôi đã hiểu tác phẩm, tôi thấy vốn hiểu biết của tôi đâu có tệ. Tôi lúc đó cũng đã vẽ vài bức về mặt trái của đô thị hóa, về bê tông cốt thép hay về đời sống người nông dân ven đô nên tôi hiểu điều tác giả muốn nói lắm chứ. Ghé mắt đọc phần giới thiệu, cũng thấy nghệ sĩ nói về những thứ đại loại như vậy. Chuẩn. Tác phẩm đúng chất hiện thực Tàu với độ hoành tráng rất Tàu.

Tôi vui vẻ ra về khi thấy mình vừa xem và hiểu được một tác phẩm theo cách rất “chuyên sâu” và lành nghề. Chuyện có lẽ kết thúc ở đó và bài viết có lẽ nên kết thúc ở đây.

Rồi đến một hôm khác tôi ngồi lướt mạng, xem các video về quá trình đô thị hóa. Có một video clip về quá trình đô thị hóa ở một nước nào đó tôi không tiện nói tên nhưng lại khiến tôi bàng hoàng nhớ về tác phẩm của anh nghệ sĩ Tàu khựa. Việc thu hồi đất đai dành cho phát triển đô thị ở Trung Quốc hẳn cũng khốc liệt không kém.

Tôi không biết phải nói nhân vật máy xúc trong video clip giống với tác phẩm của Lu Hao theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Nhưng thực ra việc đó không quan trọng. Tôi chợt thấy hàm răng nanh gắn lên gàu xúc ở tác phẩm kia không chỉ là biểu tượng của sức mạnh cơ bắp, quyền lực mà còn ẩn chứa bên trong nó một kho chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Xung quanh tác phẩm như có những hàng người, dùi cui súng điện có, gậy gộc cuốc xẻng có, đang dàn hàng cho một cuộc chiến mà ai cũng có lý lẽ để sinh tồn. Hàm răng lởm chởm như của loài thú săn hoang dã, chắc là sống trong môi trường nghiệt ngã, ăn thịt hoặc bị ăn thịt. Giống như xã hội loài người vậy.

Tôi chợt thấy mình là kẻ vô cảm, đi xem triển lãm với tư thế chắp tay sau đít, nghĩ mình đã biết hết. An tâm rằng những gì mình “đọc” được từ tác phẩm đã đúng với “đáp án” mà tác giả trình bày trên tường phòng triển lãm. Như một đứa học trò hí hửng khỏi phòng thi với toàn bộ các câu hỏi đã được trả lời. Nhưng hóa ra tác phẩm nghệ thuật khác với một sản phẩm giải trí ở chỗ, nó không có đáp án sau cùng, giá trị của nó được nhân lên theo hiểu biết và trải nghiệm của người xem.

Ý kiến - Thảo luận

19:45 Thursday,22.11.2012 Đăng bởi:  IQ ABC
Hôm nay gặp bác La Dương lại nhớ về bác Văn Giang độ nào...
...xem tiếp
19:45 Thursday,22.11.2012 Đăng bởi:  IQ ABC
Hôm nay gặp bác La Dương lại nhớ về bác Văn Giang độ nào... 
13:41 Thursday,22.11.2012 Đăng bởi:  Hà Trà đá yết kiêu

Bạn Thông nói rất đúng... Hôm bạn Việt viết cmt mìnhh đọc cũng thấy buồn cười, định viết một bài bênh bạn Thông tí nhưng thấy mất thì giờ quá nên thui... Nhưng quan điểm cua mình lai hơi khác Thông 1 chút là: khi Thông phát hiện ra quá nhiều người sử dụng
...xem tiếp

13:41 Thursday,22.11.2012 Đăng bởi:  Hà Trà đá yết kiêu

Bạn Thông nói rất đúng... Hôm bạn Việt viết cmt mìnhh đọc cũng thấy buồn cười, định viết một bài bênh bạn Thông tí nhưng thấy mất thì giờ quá nên thui... Nhưng quan điểm cua mình lai hơi khác Thông 1 chút là: khi Thông phát hiện ra quá nhiều người sử dụng hình tượng như mình, mà họ nổi tiếng quá rùi, nhất là họa sĩ mình không nhớ tên lắm - người mà cũng vẽ tay cắm vào đầu mà Thông nói rằng kĩ thuật thuộc hàng khủng bố đó - thì mình sẽ dừng ngay, không vẽ nữa, mặc dù concept khác nhau đi nữa thì mình cũng không thich... Đó là quan điểm của mình thui, đừng tự con bà ái nhé....

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả