Khác

Tate mở cửa chào châu Phi – hay đây là một chính sách thực dân mới? 25. 11. 12 - 12:56 pm

Hoàng Lan dịch

Sảnh Turbine của Tate Modern, chuyên để trưng bày các tác phẩm cực lớn

Để nới rộng tầm với ra khỏi châu Âu cũng như Bắc Mỹ, thời gian qua, bảo tàng Tate đã mở một loạt các hoạt động tập trung vào nghệ thuật Châu Phi.

Từ lúc các bảo tàng nghệ thuật hiện đại lớn đua nhau mọc lên tại New York, Paris, và London, đại tự sự của thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại chủ yếu được kể qua những câu chuyện của các thành phố lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Nhưng Tate vừa tuyên bố đã đến lúc họ cần nhìn xa hơn. “Thị trường nghệ thuật Anh Quốc và châu Âu không gặp khủng hoảng gì, nhưng chúng tôi ý thức rằng cả thế giới này sáng tác nghệ thuật, và những nước nằm ngoài châu Âu và Bắc Mỹ không thể bị coi là ngoại vi,” Giám đốc Tate – Ngài Nicolas Serota – nói.

Tate sẽ tập trung vào thị trường quốc tế qua một chương trình dài 2 năm với nhiều hoạt động liên quan đến châu Phi, bắt đầu vào ngày 24. 11. 2012. Đặc biệt, chương trình sẽ có các tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Otobong Nkanga (Nigeria) và Nástio Mosquito (Angola) tại khu Tate Tanks mới xây dựng.

Otobong Nkanga, Alterscape 01, 50 x 67cm. (Ảnh chụp từ trình diễn, in 99 bản thêm 8 bản đối chứng màu)

 

Nghệ sĩ trình diễn Nástio Mosquito

Năm tới, bảo tàng Tate Modern sẽ trưng bày bộ tác phẩm của nghệ sĩ Meschac Gaba (người Benin) mà họ vừa mua. Triển lãm sẽ mang tên “Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi Đương đại 1997-2002“, nằm gọn trong 12 phòng, có tác dụng như một bảo tàng đùa mà đặt ra chất vấn, nhấn mạnh rằng trên thực tế, chẳng hề có bảo tàng nghệ thuật Châu Phi đương đại nào.

Một phòng trong “Bảo tàng Đương đại châu Phi” của Meschac Gaba

Vào hè 2013, tại Anh cũng sẽ có cuộc triển lãm lớn đầu tiên các tác phẩm của Ibrahim El-Salahi ở bảo tàng Tate Modern. Ibrahim El-Salahi sinh tại Sudan, theo học trường nghệ thuật Slade ở London, và trở lại Sudan vào những năm 1970s – nơi ông bị bắt giam một cách bất công. Ibrahim phải sống lưu vong ở Qatar một thời gian, và hiện ông an cư tại Oxford; tác phẩm của Ibrahim pha trộn những ảnh hưởng của nghệ thuật châu Âu hiện đại với các ý tưởng thị giác đến từ Ả Rập, châu Phi, và Islam.

El Salahi, “The last sound” (Âm thanh cuối cùng), 1964

Chúng tôi nhận ra Tate cần sưu tập tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới. Chẳng có nơi nào là trung tâm duy nhất của nghệ thuật hiện đại và đương đại, và chắc chắn trung tâm ấy không phải là London hay New York,” Serota nói. Chris Dercon, giám đốc của Tate Modern, cho biết thêm: “Trong các thập kỷ trước, chúng ta viết lịch sử nghệ thuật thông qua cách ‘tập trung vào lịch sử quốc gia’. Chúng tôi đang cố gắng mở rộng điều đó và cho người xem thấy một lịch sử nghệ thuật mang tính quốc tế.”

Tính từ thập kỷ trước, Tate đã bắt đầu năng nổ sưu tập các tác phẩm nằm ngoài châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2002, một ủy ban sưu tập – gồm các giám tuyển của Tate và nhiều nhà sưu tầm tư nhân – ra đời để theo đuổi các tác phẩm đến từ những nước Mỹ Latin. Từ từ, các ủy ban dành cho châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á, Nga, Đông Âu, và châu Phi lần lượt nối nhau xuất hiện.

Frances Morris – người chỉ huy các hoạt động quốc tế của Tate – miêu tả các ủy ban này “giống như những câu lạc bộ sách riêng biệt” (là có chọn lọc, muốn vô phải qua giấy mời, kiểm tra). Trong câu lạc bộ này là “những người mang tư tưởng giống nhau”, họ có thể có gốc gác từ vùng mà ủy ban đấy tập trung sưu tập. Mỗi thành viên trả 10 ngàn bảng để nằm trong hội đồng; số tiền trên sẽ hỗ trợ phí sưu tập của từng ủy ban. Kinh phí này – ngoài tiền đóng góp từ thành viên – còn lấy từ các nguồn khác, gồm: trợ cấp chính phủ dành cho Tate, vốn của Tate, và các kế hoạch làm ăn giữa Tate và bạn bè. Những thành viên riêng lẻ có thể quyên thêm tiền để ủng hộ các cuộc mua bán riêng lẻ. Bảo tàng Tate bỏ từ 4 đến 5 triệu bảng một năm cho việc thu mua nghệ thuật, trong số đó, các ủy ban sưu tập quốc tế chi dưới 2 triệu bảng.

Ibrahim El-Salahi, “The Bull and the Mint Shrub” (Con bò mộng và rượu bạc hà) 1972

Serota bác bỏ rằng Tate đang tạo ra nhiều “chi nhánh” ở nước ngoài, nhưng ông nhấn mạnh tính “có qua có lại” của Tate trong các mối quan hệ với những hội, những viện khác trên thế giới. Ví dụ, Tate vừa ký một bản giao kèo hợp tác với bảo tàng Pinacoteca ở Sao Paulo, bản giao kèo này sẽ cho phép hai bên “đồng tổ chức các buổi triển lãm, trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu”. Brazil nói chung đang có một thị trường nghệ thuật sôi nổi, số lượng hội chợ và biennales* quan trọng tại Brazil ngày càng tăng; ‘đội quân’ các nhà buôn và nhà sưu tập Brazil trông mạnh rõ rệt tại hội chợ Frieze London hồi tháng trước.

Serota phủ nhận rằng Tate có thể sẽ bị buộc tội là đang ấp ủ một chương trình “thực dân kiểu mới” – đem hết các tác phẩm tuyệt nhất ra khỏi đất nước đã sáng tác nên chúng. Elvira Dyangani Ose – một giám tuyển chuyên về nghệ thuật châu Phi tại Tate – phát biểu: “Thật quan trọng để nghệ thuật châu Phi trở thành một phần của ‘chuyện kể nghệ thuật quốc tế‘. Chúng tôi không đem hết mọi tác phẩm ra khỏi châu Phi, nhưng chúng tôi cần kể một câu chuyện đầy đủ về (nghệ thuật) hiện đại.”

Serota cũng công bố rằng Tate đã ký một bản thỏa thuận với Hồi Quốc Oman (Sultanate of Oman). Năm 2010, bảo tàng tổ chức một triển lãm về nghệ thuật Anh Quốc để mừng kỷ niệm 40 năm ngày Sultan của Oman* lên ngôi. Sultan nước này đã tặng 2 triệu bảng cho Tate, và Tate đang giúp Oman mở một bảo tàng quốc gia mới ở Muscat.

 *

Biennales: hội chợ/triển lãm diễn ra hai năm một lần
Sultan: tên hiệu của các nhà vua xứ Hồi Giáo, na ná Pharaoh của Ai Cập

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả