Luala Concert

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Nghệ thuật phải thuộc về đám đông 23. 11. 12 - 4:14 am

Báo Lao Động

SOI: Trong các bài tường thuật về LUALA Concert, thường chúng ta chỉ thấy hình ảnh các nghệ sĩ biểu diễn, các khán giả, nhưng còn những người khác phía sau âm thầm mà có vai trò rất quan trọng cho chương trình. Mời các bạn xem bài phỏng vấn sau trên báo Lao Động.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – cố vấn dàn nhạc – tại buổi họp báo LUALA Concert Thu Đông 2011

 

LUALA Concert – mùa thứ ba (10.11 – 9.12.2012) vừa làm người ta nhớ đến Trần Mạnh Hùng – người đã gắn bó với dự án này ngay từ mùa đầu và vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng nó trong vai trò cố vấn nghệ thuật.

Nhưng người tài đó hiện không còn ở Hà Nội, chỉ vì “người nghèo thì nên sống ở Sài Gòn” – như anh nói. Một người nghèo, dù sở hữu một bộ sưu tập giải thưởng giàu có hơn bất cứ ai, không chỉ ở độ tuổi của anh (1973): Chỉ trong vòng 4 năm từ 2007 – 2011, anh đã 6 lần liên tiếp giành giải nhất về sáng tác khí nhạc (có năm là thanh nhạc) của Hội Nhạc sĩ VN, chưa kể hai lần giành giải nhì và là tay phối khí đáng tin cậy, thường được các nhạc sĩ, ca sĩ hàng đầu ở ta hiện nay như Dương Thụ, Thanh Lam, Trọng Tấn… mời cộng tác.


Buồn nhỉ, sau Huy Tuấn, làng nhạc Hà Nội thêm lần nữa lại phải nhường cho Sài Gòn một người được việc…  

Một người nghèo thì đúng hơn và lại còn không được khỏe nữa, và đó cũng chính là lý do khiến tôi quyết định chuyển hẳn vào Sài Gòn – nơi có thời tiết tốt hơn (cho căn bệnh viêm họng mạn tính của tôi), nhà cửa lại rẻ hơn… Một người nghèo thì tốt nhất là nên sống ở Sài Gòn, tôi nghĩ thế. Thêm nữa, Hà Nội thì có bao giờ là thiếu người tài, đất lại chật nữa, nên nếu có “nhường” bớt cho nơi khác thì kể cũng phải!   


Chứ không phải vì Sài Gòn là đất của nhạc nhẹ, mà nhạc nhẹ lúc này lại đang có “mốt” dùng giao hưởng, nên biết đâu anh sẽ… “đổi đời”?

Ô, tôi không nghĩ thế đâu! Một cái “chợ” mà có thêm, hay thiếu đi một “người bán hàng” thì có là gì! Sẽ không thay đổi gì đâu, với những gì tôi đã lựa chọn. Nói chung, những người liên quan đến nhạc thính phòng ở VN thì đều nghèo hết, dù là ở Sài Gòn hay Hà Nội.


Nhưng khác Sài Gòn, Hà Nội có… Luala?

Đúng, đó là một nét đẹp mới của Hà Nội mà sau đây, người ta sẽ còn phải nhắc đến khi nhớ lại cái thời nhạc giao hưởng đang phải loay hoay tìm chỗ đứng cho mình ở VN.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (áo trắng), tại họp báo LUALA Concert 2011. Anh ngồi thứ hai, từ phải sang, giữa nghệ sĩ Khắc Thành (áo đen – ngoài cùng), và nghệ sĩ Xuân Huy (áo đen, đeo kính)


Năm nay, lần đầu tiên Luala thuyết phục được ba diva “xuống đường”, anh có thấy mừng?

Thực ra thì phải nói là các diva mê Luala hơn là Luala cần cậy nhờ các diva vì đương nhiên là trước một vẻ đẹp như thế, một tâm huyết đẹp như thế, làm sao những người làm nghề nghiêm túc như Mỹ Linh, Hồng Nhung… lại không phấn khích cho được!

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng với ca sĩ Thanh Lam tại LUALA Concert Thu Đông 2011

 

Tâm huyết thì rõ rồi, nhưng việc đưa nhạc giao hưởng ra khỏi không gian biểu diễn lý tưởng của nó, chắc gì đã phải là một giải pháp khôn ngoan?

Chị nghĩ là ở VN mình có một không gian trình diễn lý tưởng cho nhạc giao hưởng sao? Nếu như không muốn nói là ngay cả một nơi được coi là thích hợp hơn cả là Nhà hát Lớn Hà Nội (thực ra chỉ thích hợp với opera) thì cũng đã không đạt được chuẩn âm thanh rồi, kể từ sau khi được tu sửa. Và kể cả là có, thì tôi nghĩ, cũng không nên cầu toàn một cách cứng nhắc. Vì nếu thế, thì thế giới người ta đã… bẻ hết đĩa CD rồi, khi một đằng là âm thanh đến với người nghe từ nhiều phía (nếu nghe ở nhà hát), một đằng chỉ còn có hai điểm âm thanh (nếu nghe đĩa CD).

Nói thật là một người làm nghề chuyên nghiệp như tôi mà còn chẳng mấy khi được nghe âm thanh chuẩn, huống hồ gần 90 triệu dân của ta… Và một khi nhà hát mà không còn đạt chuẩn âm thanh thì tốt nhất là nên để nhạc giao hưởng “xuống đường”, nhất là khi nó có được những nhà tài trợ có tiền và có văn hóa như Luala; để ít nhất người ta cũng được nghe nhạc giao hưởng và từ đó có nhu cầu tìm đến cái hoàn hảo hơn khi có thể. Cũng giống như khi bạn được đọc một trích đoạn hay, hay một kiệt tác rút gọn, bạn sẽ có nhu cầu tìm đến bản gốc, bản full (đầy đủ) của nó vậy!


Việc nhạc nhẹ “cầm tay” nhạc giao hưởng lúc này (tới nỗi Bùi Công Duy còn kéo đàn cho cả… Đàm Vĩnh Hưng hát), anh thấy có ổn?

Trước tiên là tôi vui vì ít nhất văn hóa thưởng thức ở ta ít nhiều cũng đã có được một chuyển biến tích cực: Lúc này người ta tìm đến nhạc giao hưởng cũng giống như ngày lễ, ngày tết, người ta bỗng có nhu cầu mặc một cái áo vest bước vào những chỗ sang trọng vậy – đấy không phải là sự trân trọng sao? Tuy nhiên, để có được một sự kết hợp cho ăn khớp thì quả là không dễ, khi phần nhiều người thạo nhạc giao hưởng ở ta thì lại không rành nhạc trẻ, và ngược lại, người rành nhạc trẻ ở ta thì lại thường mù mờ về nhạc giao hưởng…

Giờ giải lao của LUALA Concert, các thành viên của dàn nhạc tại bàn cà phê với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

 

“Rằng sang thì thật là sang”, nhưng anh nghĩ sao về việc vé xem một chương trình nhạc giao hưởng hiện nay ở ta hầu hết chỉ bằng… 1/4 – 1/5 so với một chương trình nhạc nhẹ?

Chuyện tiền cao-tiền thấp ở đây theo tôi không nói lên đẳng cấp của mỗi loại hình. Có những chương trình ca nhạc thậm chí còn bán vé tới 4 – 5 triệu đồng đấy thôi, thậm chí còn gấp 9 – 10 lần, chứ đừng nói là 4 – 5 lần so với một chương trình giao hưởng. Nhưng vấn đề là chúng ta có thể hy vọng gì ở một nền âm nhạc mà hầu hết tên tuổi đều nằm “sau lũy tre làng”?


Vậy điều gì theo anh có thể giúp thay đổi?

Những người dẫn dắt. Công chúng luôn cần những người dẫn dắt, vì chỉ có những người dẫn dắt mới giúp được họ thay đổi và đi đến được những cái đích xa hơn.


“Nghệ thuật không thuộc về đám đông” – anh quên câu đó sao?

Trái lại, tôi lại luôn nghĩ nghệ thuật phải thuộc về đám đông. Đám đông cho nó hay thì nó mới hay được. Và đó cũng là lý do khiến những người như tôi, hay nhà tổ chức Luala nặng lòng đến thế với nhạc giao hưởng, khi nó là một giá trị đã được cả thế giới thừa nhận.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả