Ăn uống

Wakako-zake (tập 8): mặt mịn nhờ khổ qua Okinawa 18. 09. 16 - 7:08 am

Pha Lê

(Tiếp theo tập 7)

Ngày nọ, nàng Wakako soi gương, sờ mặt và thấy da dẻ mình xấu quá, nên vừa làm việc xong là nàng suy nghĩ xem phải ăn món gì để cân bằng lại cơ thể. Cảm thấy rằng không muốn xơi thịt (hay nói đúng hơn là quá nhiều thịt), Wakako ngó nghiêng, nhìn thấy quán chuyên thực phẩm Okinawa, thế là nàng sung sướng bước vào.

Wakako trước quán chuyên món ăn Okinawa.

Okinawa liên quan gì nhỉ?

Đảo Okinawa trên bản đồ (Hình từ bumblebeemum)

Hòn đảo này tuốt ở phía nam, cách xa vùng đất chính của Nhật Bản nhưng nhờ lợi thế địa lý mà nó trở thành trung tâm trao đổi buôn bán với các nước Đông nam Á. Bởi vậy văn hóa, ẩm thực, nông nghiệp… ở Okinawa hơi lạ so với các tỉnh thành còn lại. Đây gần như là nơi duy nhất tại Nhật có thể trồng tốt các loại rau của vùng nhiệt đới, và trong một thời gian dài nó từng là vùng hiếm hoi chịu ăn thịt động vật bốn chân. Do đó xuyên suốt lịch sử Nhật, người Okinawa nổi tiếng sống lâu và có tuổi thọ trung bình cao hơn người dân ở nhiều tỉnh thành khác tại xứ anh đào. Lúc Nhật bắt đầu hiểu về dinh dưỡng và tập tành nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng ẩm thực truyền thống của Okinawa rất lợi sức khỏe.

Món ăn Okinawa, có nhiều loại rau nhiệt đới, đặc biệt còn có cả một phần… thịt heo kho trứng. (Hình từ đây)

Đang đi lùng đồ bổ, chả trách sao Wakako hò reo sung sướng khi thấy một quán chuyên phục vụ món Okinawa. Nàng bước vô, gọi ngay một phần mướp đắng (khổ qua) xào thập cẩm.

Vốn là giống ưa nắng phía nam, nên ở Nhật khổ qua gần như chỉ sinh trưởng tốt tại Okinawa, thành thử nó không xuất hiện trong món ăn địa phương nào của xứ mặt trời mọc ngoài hòn đảo này. Người Nhật bản tính không ưa rau trái đắng, khổ qua còn đắng và khó ăn gấp mấy lần nên ít dân Nhật xơi được, dù biết tỏng nó tốt, lợi thận.

Giàn khổ qua vẽ trong tập Wakako này.

 

Món khổ qua xào của Okinawa, món Nhật mà nhìn… quen quen. (Hình từ trang này)

May cho Wakako, chẳng biết có phải nhờ nàng thích ăn đủ thứ chịu ăn đủ thứ mà nàng rơi vào thành phần người Nhật hiếm hoi có thể sung sướng măm khổ qua. Wakako cảm thấy rằng món này có độ giòn đặc biệt, nàng thích thưởng thức vị đắng của nó, do nếu không có vị đắng là món xào mình đang ăn sẽ “chẳng khác gì mấy món xào bình thường”. Nhờ khổ qua tiếp sức nên món ăn mới đặc biệt như vậy. Wakako bèn buông câu cảm thán “Thật tuyệt khi mình biết ăn khổ qua”. Ừ thì biết ăn quả đắng nghét mới thấy nó ngon thế. Tính cách này của nàng cũng hay, biết ăn món khó xơi sẽ thầm cảm ơn bản thân chứ chẳng ngồi đó chê bai kẻ khác vì không ăn được như mình.

Wakako thích thú xơi khổ qua đắng, ai không chịu được món này là vừa ăn vừa mếu chứ chẳng tươi cười được như nàng đâu.

Lần này Wakako không dùng món với rượu, chuyển hệ đi uống bia Orion. Trong các hãng bia của Nhật, Orion là hãng nhỏ, kém bề thế hơn Asahi với Sapporo hay Kirin nhiều. Orion khởi nguồn từ Okinawa. Theo lợi thế bản địa, nó nắm phần lớn thị trường bia trên hòn đảo này, nhưng tính theo diện “toàn nước Nhật” nó lại không phải hiệu bia phổ biến. May mắn cho hãng sản xuất, người Nhật lúc ăn uống thường để ý vùng miền, nên dù ở đâu chăng nữa, nếu họ gọi một món đậm hương vị truyền thống Okinawa thì họ sẽ dùng nó kèm với bia Orion nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với địa phương. Wakako cũng không phải ngoại lệ.

Nhấm nháp bia bản địa lúc ăn món bản địa.

 

Mì soba đặc sản của Okinawa, cộng với khổ qua xào thịt heo và trứng, thức uống có lon bia Orion. Chẳng biết bia có ngon không (bia Nhật đa số là không) nhưng ủng hộ địa phương khi ăn món địa phương thế cũng tốt. (Hình từ wiki)

Tuy nhiên, cũng có điểm không dám đồng ý với Wakako khi món xào thịt spam mà nàng kêu là bổ. Wakako bình rằng “vị mặn hết biết” với mùi kỳ lạ của spam rất hợp với khổ qua. Ờ thì, spam là thịt công nghiệp đóng hộp, gần như chẳng ma nào biết thịt heo trong đấy là thịt của con heo được nuôi thế nào (nhưng có thể đoán chúng không phải heo chăn thả). Ngoài nỗi sợ xơi heo chích thuốc tăng trọng với tiêm lắm kháng sinh và lớn lên nhờ bắp GMO, thịt spam còn kéo theo một lô chất bảo quản, chất điều vị, cộng với một đống muối nên Wakako nói nó mặn là phải.

Món khổ qua xào rau và thịt spam trong tập này.

 

Spam đóng hộp (Hình từ trang này)

Nhìn chung chỉ cần đọc thành phần của spam là hết dám xơi nhiều. Lâu lâu chiên spam thay thịt tất nhiên không chết, nhưng tống cái của công nghiệp này vào người mà bảo bổ là chẳng dám tin. Theo truyền thống, người Okinawa xào thịt heo với khổ qua, nhưng hiện nay thành phần thế thịt heo bằng thịt spam “do nó hợp hơn” như Wakako giải thích cũng nhiều.

Khổ qua xào giá, đậu phụ, thịt heo… kiểu truyền thống Okinawa. (Hình từ đây)

 

Còn loại xào với spam này, chẳng biết có nên nghi ngờ cái sự bổ (Hình từ trang kaldi)

Ngặt một nỗi, nhà tôi có người khoái spam lắm. Tôi không tới mức cấm spam nhưng đâu dám cho ăn nhiều. Thế mà xem xong tập này người ấy được thể, muốn thử spam xào khổ qua, nên lý do lý trấu là muốn biết vị của nó sẽ như thế nào. Bấm bụng chiều người ấy, mua spam về xào. Hậu quả: nhoắng cái đĩa khổ qua xào hết veo, người ấy hí hửng bảo món ngon lắm, ăn được nhiều khổ qua hơn. Chẳng hiểu món bổ xào kèm món không bổ thì lúc lọt xuống bao tử nó có “bù trừ” được không, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ cho ăn thường xuyên của nợ gì có spam.

Lâu lâu xơi thì được, ăn vui vẫn tốt hơn ăn toàn món bổ mà không vui. Wakako xơi xong món khổ qua xào spam cũng hí hửng ra mặt, còn ngồi đó suy tính xem liệu có nên gọi một ly rượu awamori không. Nhờ buôn bán từ lâu với Đông nam Á mà Okinawa dồi dào gạo Thái, họ dùng gạo Thái ủ ra rượu awamori nổi tiếng. Hòn đảo này có lắm hèm awamori trên trăm năm tuổi như đã kể trong bài về rượu sake. Bởi vậy sau khi xơi đặc sản Okinawa, uống bia Okinawa, nàng nhân vật chính muốn nhấm nháp thêm chút rượu đặc sản của Okinawa nữa, vui vẻ với tràn trề sinh khí như thế là tốt rồi.

Ai mê Whiskey là sẽ uống được Awamori, loại trăm tuổi nghe đồn đặc biệt ngon.

*

Xem tập này tại đây

Ý kiến - Thảo luận

9:06 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Candid
Để em tìm hiểu xem sao nhé em chỉ biết từ Lưu Cầu có nhiều thuyền buôn Châu Ấn đến Đàng trong để buôn bán đồ chở đến Nhật. Trong danh sách đồ họ mang đến Việt Nam có nhiều dao kiếm của Nhật.
...xem tiếp
9:06 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Candid
Để em tìm hiểu xem sao nhé em chỉ biết từ Lưu Cầu có nhiều thuyền buôn Châu Ấn đến Đàng trong để buôn bán đồ chở đến Nhật. Trong danh sách đồ họ mang đến Việt Nam có nhiều dao kiếm của Nhật. 
7:48 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Claymore
Bác Candid : Đã lâu rồi em có đọc đâu đó ở Okinawa có 1 làng là hậu duệ của người Việt, nổi tiếng với nghề rèn dao kiếm. Hình như là tài liệu của tác giả Trần Đức Anh Sơn. Em tìm trên internet nhưng không thấy còn nhắc đến chuyện này. Không biết anh có biết không ?
...xem tiếp
7:48 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Claymore
Bác Candid : Đã lâu rồi em có đọc đâu đó ở Okinawa có 1 làng là hậu duệ của người Việt, nổi tiếng với nghề rèn dao kiếm. Hình như là tài liệu của tác giả Trần Đức Anh Sơn. Em tìm trên internet nhưng không thấy còn nhắc đến chuyện này. Không biết anh có biết không ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả