Gẫm & Bình

Âm nhạc hay hú hét? 23. 03. 10 - 12:33 am

SOI

 

.

Trong ba tối diễn ra Cầu âm thanh (gồm cả đêm tổng duyệt 23. 2), chỉ một tối duy nhất chương trình được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại – 24/2. Khách muốn đến xem tối hôm đó, đừng quên mang theo vé mời!

Cầu Âm Thanh “được dựng lên từ ngay sau chương trình Hội tụ ánh sáng, từ 1. 11. 2009, tôi đã cật lực chỉ huy công trình, 20 nhân công làm việc liên tục. Xây nhà, vượt khung dự tính 50% đã chóng mặt. Đằng này, vượt khung tới 5 lần. Sân khấu chính ngoài trời 800 m², nơi có cây cầu tạo bởi 2.000 cây luồng, đóng hết 6 tạ đinh (loại 7,10cm). Vườn 600 m², mất 2.000 cây nứa để tạo 3 tầng sân khấu”. (Theo lời của Tổng đạo diễn chương trình Đào Anh Khánh).

Thế nhưng, khi xem xong Cầu âm thanh, không ít người tiếc số tre, công thợ, và công sức của chính chủ nhân để có sân khấu cao chót vót 3 tầng ấy. Vì ngoài việc dùng cho “nhảy múa hú hét”, cầu âm thanh chẳng có liên quan gì đến âm thanh hay những người làm âm thanh (như Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc, Sơn X, Nguyễn Văn Cường…) cả.

Đào Anh Khánh nhảy múa trên cầu. Ảnh: VnExpress

Chương trình nhằm “lấy âm thanh làm chủ đạo” (cũng theo lời nghệ sĩ Đào Anh Khánh), thế nhưng khán giả hoàn toàn bị chi phối bởi màn múa lửa, đèn pin, uốn éo tay chân thân người dưới ánh sáng trắng hoặc nhiều màu sắc (không khác lắm so với các màn múa của Đáo xuân các năm trước). Trang phục của người trình diễn cũng không thay đổi gì đáng kể, vẫn áo quần bó sát người trắng toát.

Ảnh: VnExpress

Trừ người trình diễn chính (Đào Anh Khánh), các “diễn viên” múa có phần rời rạc và không theo nhịp điệu nhạc, các động tác chậm chạp đến mệt mỏi cùng những khuôn mặt không cảm xúc. Bên sân khấu ngoài khuôn viên Nhà sàn Anh Khánh, chỗ sân khấu chính được trang trí bằng “Cây nêu”* (một tác phẩm cũ từ Hội tụ ánh sáng) gồm nhiều cây tre sơn đỏ buộc lại với nhau – tác giả Doãn Hoàng Kiên – tiếng nhạc khuếch đại ầm ĩ đập thẳng vào màng nhĩ, bóp nghẹt tim người nghe.

Cùng lúc, sân khấu bên trong sân Nhà sàn cũng mở nhạc nhưng vì công suất âm thanh nhỏ hơn nhiều nên nếu đứng ở tại đó hay di chuyển dịch ra phía ngoài cổng, sẽ thấy hai làn sóng âm thanh đập thẳng vào nhau, cộng thêm tiếng nói cười ầm ĩ đúng kiểu đi trảy hội của hàng ngàn người, làm cho người nghe bị rối loạn.

Đêm tổng duyệt nhạc sĩ Kim Ngọc không xuất hiện. Ảnh: Bùi Hoài Mai

Thật tiếc cho nhiều người chờ đúng ngày khai mạc hoành tráng mới tìm đến Cầu âm thanh. Nếu muốn nghe và cảm nhận đúng chất nhạc được sáng tạo từ các nghệ sĩ nhạc đương đại tiên phong như Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc, Sơn X, Nguyễn Văn Cường… thì nên đến từ hôm tổng duyệt. Khi đó, âm nhạc đúng là âm nhạc, bớt bị các kiểu trình diễn hú hét, loa thùng, đám đông gây ảnh hưởng.

Thật tiếc (hay thật may?) là họa sĩ/nghệ sĩ Sound Art Nguyễn Mạnh Hùng đã không tham gia chương trình này.

Trong hai đêm chính của Cầu âm thanh, ta đã được thỏa nhãn nhưng thỏa nhĩ thì chưa.

Người nghe được thỏa... nhãn. Ảnh: VnExpress

(*) Nhìn Cây nêu của Doãn Hoàng Kiên không thể không chạnh nhớ đến một “Cây nêu” khác trong triển lãm Hanoi Windows của Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Ý Larry D’Attilio tại Campus Hà Nội, số 7 Nguyễn Khắc Nhu, vào cuối năm 2006.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả