Điện ảnh

Cuộc đời của Pi: xem để đời ta thêm đẹp 19. 12. 12 - 2:11 pm

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “Life of Pi”

Làm người, ai cũng có lúc than thở về công việc, như tôi đây lâu lâu cũng cảm thấy bực mình khi viết bài giới thiệu phim. Phim hay lúc nào cũng ít hơn phim dở, kêu bà con đi xem phim giải trí thì bị chê là thiếu tinh thần nghệ thuật, còn một số phim nghệ thuật mình khen nát họng để rồi cuối cùng rất ít người chịu khó đi xem; chưa kể, phim mình thấy hay thì bà con lại chê rằng không hay.

Nhưng sau khi được xem bộ phim “Cuộc đời của Pi thì tôi lại thấy yêu nghề trở lại và chẳng muốn than thở gì nữa, một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc luôn truyền cảm hứng cho chúng ta và khiến ta thấy rằng những rắc rối của mình thật… nhỏ xíu so với vẻ đẹp của thế giới này.

Nếu chịu khó để ý tình hình thế giới một chút, thì ai cũng biết rằng bộ phim Cuộc đời của Pi dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của Yann Martel. Và những ai từng đọc truyện này đều có cảm giác rằng không đạo diễn nào có thể dựng nó thành phim được. Lúc Hollywood công bố Lý An sẽ chuyển thể cuốn sách lên màn ảnh, rất nhiều người đã cau mày nghi ngờ khả năng của Lý An. Thực tế thì ngay cả nếu đạo diễn là Spielberg, tôi cũng sẽ nghi ngờ, lý do vì sao?

Lý do nằm ở chỗ: cuốn truyện có rất nhiều tầng ý nghĩa hay ho nhưng diễn biến và nhân vật thì vừa chậm lại vừa ít. “Cuộc đời của Pi” may ra chỉ có nhiều nhân vật ở khúc đầu; và quả thật, lúc mở màn thì bộ phim vô cùng màu sắc. Cậu bé Pi có tên đầy đủ là Piscine Molitor Patel – với chữ Piscine đặt theo tên của một hồ bơi ở Pháp; nhưng cậu là người Ấn Độ, mà ở Ấn họ nói tiếng Anh nên bé đổi chữ Piscine thành Pi; do trong tiếng Anh, Piscine đọc nghe rất giống pissing (đi tè). Gia đình Pi mở một sở thú tại Ấn, nên Pi lớn lên cùng nhiều loài động vật phong phú. Ngoài thiên nhiên, Pi còn thích tìm hiểu về tôn giáo, và bé theo đến… 3 đạo giáo khác nhau.

Mẹ, anh Ravi (trái) và Pi lúc nhỏ khi còn sống ở Ấn Độ

Lúc Pi lớn thành thiếu niên, Ấn Độ rơi vào thời kỳ chính trị hỗn loạn, nên gia đình Pi rất lo lắng. Bố của Pi quyết định đem các con thú sang Canada bán, và dùng số tiền này để giúp gia đình xây dựng một cuộc sống mới tại một đất nước mới. Thế là cả nhà Pi, gồm bố, mẹ, và anh trai cùng các loại cọp, beo, sưu tử… lên con tàu chở hàng của Nhật và rời Ấn.

Trong chuyến hải trình, con tàu gặp bão, Pi chạy được lên thuyền cứu hộ và thoát chết, nhưng con tàu bị đắm, kéo theo cái chết của toàn bộ hành khách, trong đó có gia đình Pi. Chưa kịp hoàn hồn vì mất bố, mẹ, và anh hai, Pi phát hiện ra rằng con cọp tên Richard Parkers của sở thú (mà bố Pi đem lên con tàu để chở sang Canada bán) cũng vô tình trốn được lên chiếc thuyền nhỏ. Pi lạc lõng giữa biển khơi vô tận với một con thú ăn thịt.

Pi và cọp Richard Parkers hầm hè nhau trên thuyền

Thế là, gần như nguyên bộ phim, mọi người sẽ không thấy gì ngoài Pi, biển, và con cọp. Ý tưởng thì rất tuyệt, nhưng đây là một phim cực kỳ khó quay. Ngay cả những phim có nhân vật chính “đứng im một chỗ” như “Man on ledge” còn có thể bám vào yếu tố nhiều diễn viên, vào tình tiết nọ kia. “Cuộc đời của Pi” thì chỉ có mỗi một con tàu bé xíu, biển khơi vô tận, và hai nhân vật không ưa nhau. Thế mà Lý An quay được hết các triết lý của cuốn truyện. Pi bị buộc phải sống sót sau nạn đắm tàu, đã vậy cậu còn phải dè chừng một con cọp; chú cọp Richard Parkers thì vốn chẳng phải loại sống chung được với người, cứ thấy Pi là nó nhào ra vồ. Lúc ta đói, bị lạc trên biển, đã vậy còn bị lạc cùng với con thú dữ, việc sống sót trở thành một cái gì đó cấp bách, cùng cực, và dã man. Nhưng dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn họ Lý, những thứ lẽ ra là đau khổ lại trở nên vô cùng thơ mộng lẫn cảm động.

Thử tưởng tượng xem, mặt biển trong vắt, in bóng bầu trời, đẹp đến nỗi trời và biển gần như gắn kết với nhau trong cùng không gian. Lúc đêm xuống, biển phản chiếu các vì sao, khiến con thuyền trông như đang lơ lửng giữa vũ trụ. Người xem không thể phân biệt được đâu là trời, đâu là biển; nhưng phân biệt để làm gì nhỉ? Thế giới này thực chất chỉ là một thôi, và dù rằng Pi đang gặp nạn, chính trong gian khó mà cậu bé thấy được những thứ không ai thấy, được cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống ở một góc độ cực gần. Người xem vừa lo cho Pi, vừa ghen tị rằng mình chỉ chiêm ngưỡng được đàn cá bay (thật hoàn toàn, mỗi con bay được hơn trăm mét), thấy được cảnh cá voi lưng gù nhảy vọt qua đầu trên màn ảnh thôi, còn Pi thì được sống giữa những vẻ đẹp phi thường đấy.

Giữa trời và biển: để tránh cọp, Pi tự làm chiếc bè nhỏ và cột bè vào chiếc thuyền, chú cọp nằm ở dưới bạt vải và chuyên nhào ra vồ Pi khi cậu muốn lên thuyền trú.

 

Pi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chú cá voi lưng gù.

Và ai có cơ hội nhìn vào mắt một chú cọp dữ và bất thình lình nắm bắt được linh hồn của nó? Ít hay nhiều thì cũng có người thuần hóa được cọp, nhưng để một con thú hoang tôn trọng mình, chia sẻ linh hồn với mình, xem mình như một loài khác cũng đáng được tồn tại như nó, cùng vượt qua hiểm nghèo với mình… lại là chuyện khác. Lúc sung sướng thì không mấy ai chịu để ý tìm hiểu những gì có vẻ “khác biệt và hoang dã” mà chỉ muốn (phần nào) thuần hóa nó; nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, những cái khác nhau có cơ hội gặp nhau, tìm hiểu nhau, để rồi nhận ra rằng dù khác biệt cỡ nào thì cả hai vẫn là một giống loài của trái đất.

Bảo đảm mối quan hệ giữa Pi và Richard Parkers sẽ lấy nước mắt của nhiều khán giả. Bộ phim thơ mộng đến thắt ruột, càng xem càng thấy khâm phục Lý An.

 

Giống với sách, linh hồn của bộ phim nằm ở cái triết lý của nó về tôn giáo cũng như cuộc sống. Triết lý này được diễn giải ra sao thì mọi người nên xem phim, chứ một bài viết vài ngàn chữ chẳng thể nào tả hết . Tôi chỉ dám nói rằng dù Lý An giảm nhẹ bớt sự kinh khủng của câu chuyện thứ 2 (câu chuyện “phi tôn giáo” mà Pi kể cho các nhà điều tra Nhật ở cuối phim), nhưng mức độ đau đớn mà nó đem lại cho người xem thì chẳng khác gì trong truyện; và nhờ nỗi đau đó mà những cái đẹp của phim lại càng đẹp hơn. Tôi từng mất ngủ sau khi đọc xong truyện, và sau khi xem xong phim tôi lại… mất ngủ tiếp. Tôi cứ trằn trọc mãi, khi mơ lại mơ thấy… con cọp. Thiết nghĩ, tôn giáo tồn tại để tô điểm cho cuộc sống, dạy cho ta điều hay lẽ phải; tin vào chúa, vào thần cho ta hy vọng lúc khó khăn, ít nhiều đẹm đến chất thơ cho đời khi ta gặp nạn, biến cái xấu xa thành cái chịu đựng được. Thế nhưng, các tôn giáo khác nhau không hiểu được nhau, cứ thế xâu xé nhau, thậm chí một bộ phận người còn cho rằng đạo mình là nhất để rồi đâm chém con chiên của đạo khác. Như Pi theo đến 3 tôn giáo, và điều này khiến bố của Pi phật lòng vì đã theo cái này là không thể theo cái kia. Vậy mà đến lúc lênh đênh giữa biển, một cậu bé, một con thú hoang vốn không có chung ngôn ngữ, cách nhìn, cách sống… lại tìm được sự đồng cảm, lại chịu đựng và tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại giữa thiên nhiên tuy tàn khốc nhưng bao dung và đẹp đến nín thở.

Năm nay, thể nào “Cuộc đời của Pi” cũng sẽ nhận được đề cử Oscar, nhưng tôi nghi rằng nó sẽ không được giải phim suất xắc nhất vì Hollywood luôn chuộng các đề tài có tính thời sự, và sẽ ưu ái Lincoln hay Argo hơn. Nhưng dù Hollywood có trao giải kiểu gì thì tôi vẫn cho rằng đây là bộ phim hay nhất năm, vì tôi cảm thấy mình trở thành một người tốt hơn sau khi xem nó. Vì thế, những ai đã cất công đọc đến dòng cuối của bài này, hãy bỏ công mua vé vào rạp xem phim “Cuộc đời của Pi“, bạn sẽ thấy rằng cuộc đời của mình đẹp lên rất nhiều nhờ một cậu bé và một con cọp.

 

*
Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật thêm, nhưng có thể còn chiếu thêm nữa)

Hà Nội
Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 23. 12
Pico Mall (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) đến  20. 12
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 20. 12
Platinum cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 20. 12
 
Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) đến 20. 12
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) đến 27. 12
Parkson Paragon (Tầng 5, toà nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) đến 19. 12
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) đến 20. 12
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Quận Tân Phú) đến 20. 12
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) đến 27. 12
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) đến 27. 12
Galaxy Tân Bình (246 Hồng Đào, Q. Tân Bình) đến 27. 12
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) đến 27. 12
Cinebox 212 (212 Lý Chính Thắng, Q.3) đến 27. 12
Cinebox Hòa Bình (240 Ba tháng Hai, Q.10) đến 27. 12
Rạp Đống Đa (890 Trần Hưng Đạo, Q.5) đến 26. 12

Ý kiến - Thảo luận

22:48 Saturday,11.10.2014 Đăng bởi:  Katty
Bình hay tuyệt! Cảm ơn Pha Lê.
...xem tiếp
22:48 Saturday,11.10.2014 Đăng bởi:  Katty
Bình hay tuyệt! Cảm ơn Pha Lê. 
17:30 Saturday,11.10.2014 Đăng bởi:  vinh
Phát mãi phim"cuộc đời của Pi" không sự thật toàn hão huyền, nên cắt bớt đi xem muốn đập lát ti vi lắm, nhưng vì vợ say nên cú Truyền hình VN.
...xem tiếp
17:30 Saturday,11.10.2014 Đăng bởi:  vinh
Phát mãi phim"cuộc đời của Pi" không sự thật toàn hão huyền, nên cắt bớt đi xem muốn đập lát ti vi lắm, nhưng vì vợ say nên cú Truyền hình VN. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả