Ở Đâu - Làm Gì

Chung tay vẽ Phật 31. 07. 10 - 12:42 pm

Phạm Phú

Chiều 29. 7. 2010, tại phòng triển lãm trong khuôn viên bảo tàng Mỹ thuật, 14 họa sỹ  với 30 tác phẩm thuộc nhóm họa sỹ Phật Tử – Mặc Hương, đạo tràng Chân Tịnh – Hà Nội ra mắt  triển lãm Mỹ thuật Phật Giáo có tên: Sen đầu hạ 4.

Như vậy đây là lần thứ tư nhóm họa sỹ phật tử ra mắt triển lãm chuyên đề mỹ thuật Phật giáo. Nhưng lần này khá đặc biệt vì nó là một sự kiện vệ tinh mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long, lại nằm trong chuỗi những hoạt động văn hóa Phật giáo mà ngày càng nở rộ, ví dụ như liên hoan âm nhạc Phật giáo vừa được tổ chức cuối tháng 7 tại Hà Nội.

Nhóm họa sỹ Phật tử Mặc Hương  được dẫn dắt bởi curator đặc biệt: đại đức Thích Minh Hiền, trưởng ban văn hóa thành hội Phật giáo Hà Nội.
Lễ khai mạc được chứng kiến với nhiều chức sắc Phật giáo.

Khác với các lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật thông thường với trang phục các họa sỹ rất “phủi”, rất phóng khoáng, áo phông quần bò; hôm nay họ cực kì nghiêm chỉnh trong những bộ áo nâu của người tu hành. Trông họ hiền hẳn và chả giống với khuôn mặt của “họa sỹ” mấy. Rất nghiêm chỉnh, họ kiên nhẫn đứng  hơn nửa tiếng đồng hồ chờ đợi cho ba lời diễn văn khai mạc khá dài: của Đại đức Thích Minh Hiền, Đại đức Thích Bảo Nghiêm (trưởng ban tổ chức của Phật giáo kỉ niệm ngàn năm Thăng Long) và lời đáp từ của họa sỹ Thành Chương (đại diện hội Mỹ thuật Việt Nam – chủ nhân Phủ Thành Chương).

 

Đại đức Thích Minh Hiền đọc lời khai mạc

 

Họa sĩ Thành Chương

Điều đặc biệt nhất trong triển lãm này là một tác phẩm  được vẽ chung của 14 họa sỹ. Một bức tranh bằng acrylic (160cm x 240cm) vẽ Mandala Quan Thế Âm. Họa sĩ thì cá tính đầy mình, mỗi người mỗi khác, đặc thù của giới này mà, ấy vậy nhưng khi ngồi lại vẽ chung với nhau một thời gian dài thì quả thật tinh thần Phật giáo đã kết nối rất tốt các cá nhân lại với nhau.

 

 

Tác phẩm Mandala vẽ chung của các họa sĩ

Có thể nhận thấy khá nhiều bức vẽ hoa sen, rồi những bức với thủ pháp và cảm hứng được lấy từ các mandala. Tuy nhiên cảm giác của toàn triển lãm vẫn là tranh của những Phật tử hiền lành, kính nhi viễn chi với đạo Phật, vẽ tranh để tô điểm cho điều mình kính trọng, nhưng dường như chưa đạt được tới mức tranh của những người có trăn trở, có băn khoăn, có hỏi và có (tự) giải đáp về đạo.

 

Thập nhị nhân duyên – Lương Xuân Thành

 

 

Một tác phẩm trong triển lãm

 

Vô thường nhị thường – sơn mài của Vũ Việt Hùng

 

Ngàn năm Phật pháp Thăng long – Đỗ Minh Tâm

 

Xem triển lãm tôi lại nhớ tới những bức tượng thiền sư của họa sĩ Chinh Lê ngày nào (nay ở phòng tranh của chị Suzane vẫn còn những bức tranh thiền của cô) – mỗi bức tượng nhỏ như đều lấp lánh ánh mắt tinh quái hoặc cái cười hóm hỉnh hiểu đời của các bậc giác ngộ – kết quả của một sự suy nghĩ sâu về Thiền, về đời của họa sĩ.

Không gian triển lãm của viện bảo tàng Mỹ thuật quả thực vẫn là lí tưởng cho các triển lãm Mỹ thuật. Phòng đẹp, ánh sáng tốt. Tuyệt nhất là có một sân rộng lớn và một bãi cỏ đẹp, thoải mái cho mọi người gặp gỡ nhau, và cực kỳ thích hợp cho các buổi nghệ thuật trình diễn – nếu nơi đây dung nạp loại hình này. Hy vọng một ngày nào đó…

Sân trước của bảo tàng

Ý kiến - Thảo luận

8:51 Tuesday,10.8.2010 Đăng bởi:  nguyễn đức Long
Nghệ thuật Phật giáo có từ xa xưa, tính đến nay ngót 2500 năm, Mỹ thuật Phật giáo Việt nam đã xuất hiện thời "Văn hóa Đông sơn" đồng hành với đời sống của cư dân Việt Nam cổ xưa. Vì vậy tranh tượng Phật giáo với người Việt Nam không có gì là mới lạ, là khó hiểu! Triển lãm nhóm mặc Hương - "Sen đầu hạ IV" xuất hiện giữa thời đại thông tin, kỹ thuật số
...xem tiếp
8:51 Tuesday,10.8.2010 Đăng bởi:  nguyễn đức Long
Nghệ thuật Phật giáo có từ xa xưa, tính đến nay ngót 2500 năm, Mỹ thuật Phật giáo Việt nam đã xuất hiện thời "Văn hóa Đông sơn" đồng hành với đời sống của cư dân Việt Nam cổ xưa. Vì vậy tranh tượng Phật giáo với người Việt Nam không có gì là mới lạ, là khó hiểu! Triển lãm nhóm mặc Hương - "Sen đầu hạ IV" xuất hiện giữa thời đại thông tin, kỹ thuật số, con người đã chinh phục vũ trụ, đã bay vào các hành tinh một cách thực sự bằng thực thể - bằng cơ thể con người với sự hỗ trợ của máy móc vv... Nhưng vẫn có một cách bay vào không gian vũ trụ bằng Tâm linh - bằng Thiền định Phật giáo, Thiền Định mà Đức Phật đã dạy và đã tái hiện lại qua tranh vẽ - đó là những Họa sĩ Phật tử Nhóm Mạc Hương - Họa sĩ Phật tử của thế kỷ 21. Nêu lên những vấn đề rất cũ (tâm linh Phật giáo trong bối cảnh mới, hiện đại của khoa học tự nhiên để người xem vẫn thấy sức hấp dẫn, lôi cuốn và có niềm tin vào "từ bi" của Đức Phật đó là điều khó khăn vô cùng của chính những họa sĩ là tác giả của triển lãm này. Công chúng yêu mỹ thuật sẽ phải dựa vào niềm tin Phật giáo để trải nghiệm tâm mình cùng các tác phẩm, sự đối thoại không lời này sẽ dẫn đến những thụ cảm thẩm mỹ đặc biệt đôi khi vượt khỏi khung thẩm mỹ của thị giác (theo phật giáo gọi là con mắt nhục nhãn - túc con mắt của cơ thể con người bình thường) Khi vẽ họa sĩ Phật tử phải thực hành nhiều động tác Mật giáo của hành giả KIM Cương thừa, vì vậy buộc người xem khi xem tranh cũng phải có những cảm nhận nghệ thuật vượt theo lối cảm nhận thông thường. Kính mong bạn đọc ghi nhận vài lời thô thiển của tác giả trong thế giới 10 phương chư Phật nhiệm màu. om ah hung. bài viết bởi Nguyễn Đức Long .tel :0904511256. Đây là bài gửi chính thức xin cảm ơn! 
18:03 Tuesday,3.8.2010 Đăng bởi:  admin
Sửa rồi Bích Khuê ơi, cảm ơn bạn.
...xem tiếp
18:03 Tuesday,3.8.2010 Đăng bởi:  admin
Sửa rồi Bích Khuê ơi, cảm ơn bạn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả