Nora tại Manzi: từ 1990s đến 2000s – nhiều thứ đã đổi, chỉ một thứ không đổi
05. 01. 13 - 7:03 am
Người xem Hà Nội tường thuật. Ảnh: Tịch Ru
Manzi, địa chỉ 14 Phan Huy Ích, là một không gian nghệ thuật, quán bar và café mới được khai trương.
Đó là một địa điểm đẹp, một căn biệt thự hai tầng xây từ thời Thuộc địa. (Ảnh của FB Manzi).
Tầng trên của Manzi là nơi bày các tác phẩm nghệ thuật.
Và là không gian để ngồi tán gẫu rất tuyệt.
Tầng dưới của Manzi là không gian cho café và các buổi nói chuyện. 18h ngày 30 tháng 12 vừa qua là cuộc nói chuyện của Tiến sĩ Nora Taylor. Bà là Giáo sư về Nghệ Thuật Nam Á và Đông Nam Á của Trường Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật Chicago. Bà từng giảng dạy tại Đại học Arizona, Đại học California tại Los Angeles và Đại học Quốc gia Singapore. Đặc biệt, Nora có thời gian sống tại Việt Nam, chơi với các nghệ sĩ Việt Nam, và quan tâm tới nghệ thuật Việt Nam một cách đặc biệt.
Đến nơi, đã thấy diễn giả Nora Taylor và ông Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.
Lần này sang Việt Nam, ngoài việc đang làm cùng với bà Natasha Hàng Bông về một dự án để hệ thống lại toàn bộ dữ liệu hoạt động của salon Natasha, Nora còn có nhiệm vụ tạo cầu nối cho việc trao đổi kinh nghiệm giữa bảo tàng Singapore và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học. Trước giờ diễn ra cuộc art talk tại Manzi, người ta thấy có ông Phan Văn Tiến, giám đốc bảo tàng Mỹ thuật, ngồi cạnh ông Nguyễn Văn Huy, cựu giám đốc bảo tàng Dân tộc học, trong một cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở và là tiền đề cho sự hợp tác giữa các bảo tàng.
Đây là chủ đề cho cuộc trò chuyện củng Nora tại Manzi: “Lịch sử Nghệ thuật ở nơi không có Lịch sử Nghệ thuật”.
Chuẩn bị cho cuộc nói chuyện, ghế nhựa được bày ra cho khách. Theo thông tin của Manzi, khách đăng kí tham dự cho buổi hôm nay khá đông, có tới hơn 100 người. Chắc chắn số lượng đến còn nhiều hơn vì ai cũng biết, phần lớn các họa sĩ sẽ đến nhưng thường ngại làm một số thao tác đăng kí trên email. Những người ở Manzi hơi có một chút lo lắng về việc làm sao cho đủ chỗ ngồi.
Nhưng sự lo lắng của Manzi quả không thừa. Quá đông người tới.
Rất nhiều người đã phải đứng.
Hoặc phải ngồi tràn ra cả sau lưng của diễn giả.
Hoặc phải đứng ở cửa ra vào đằng sau. Mặc dù biết là thiệt thòi vì không thể xem được hình ảnh minh họa được chiếu lên.
Mở đầu cuộc nói chuyện, Nora nói bằng tiếng Việt: “Xin chào tất cả các bạn, tôi xin phép nói bằng tiếng Anh.”
Người dịch cho Nora hôm nay là Bill Nguyễn, thỉnh thoảng có sự trợ giúp của sinh viên phê bình nghệ thuật Đỗ Tương Linh, vợ của họa sĩ Dương Zơi. Ngồi cạnh Bill Nguyễn là nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung.
Nora nói: ”Buổi nói chuyện hôm nay của tôi sẽ không nói về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, tôi cũng không nói đây là một chuyến đi về ký ức. Buổi nói chuyện hôm nay đánh dấu 20 năm sau lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam với vai trò là một sinh viên nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam…” Hôm nay chỉ là một buổi nói chuyện về cái cách tôi tiếp cận lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Tôi không hề có ý định đưa ra danh sách các nghệ sĩ đáng giá hay là không đáng giá cũng như để phê phán ai, phê bình ai hay là để nhắc nhở ai cả. Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh hơn tầm quan trọng việc lưu giữ lịch sử, ở đây dưới khía cạnh lịch sử của nghệ thuật.”
Nora tiếp: “Về tương lai của mỹ thuật Việt, có một nhà giám tuyển từng nói: ‘Các nhà giám tuyển không phải là những người xem bói’. Vì vậy họ không thể nói được những gì về tương lại, chỉ có thể nói về hiện tại và quá khứ. Tương lai thuộc về các nghệ sĩ .” (Trong ảnh: Nora những ngày đầu đến Việt Nam nghiên cứu).
“…Tất cả các kết quả trong nghiên cứu của tôi trong từng ấy năm ở Việt Nam đã được xuất bản trong cuốn sách có tên ‘Họa sĩ ở Hà Nội, một cái nhìn nhân học về nghệ thuật ở VIệt Nam.’ Tại sao tôi dùng chữ ‘nhân học’ này một cách có chủ đích? Vì phương pháp của tôi làm nghiên cứu về Việt Nam chính là nghiên cứu cách làm việc, phỏng vấn những người nghệ sĩ. Tôi muốn tìm hiểu các nghệ sĩ Việt Nam sáng tác trong bối cảnh nào, họ quan hệ và làm việc với nhau như thế nào. Và đây là cách nghiên cứu rất con người và một cách nhìn nhân học về nghệ thuật Việt Nam…”
Đây là danh sách những bài tiểu luận tôi viết từ năm 1997 đến 2011, tôi muốn cho các bạn thấy rằng để viết về nghệ thuật Việt Nam là một công việc tốn rất nhiều thời gian và có thể sẽ không bao giờ dừng lại được. Hôm nay tôi cũng nói một chút về những điều đã thay đổi và những điều chưa thay đổi ở cộng đồng làm nghệ thuật Việt Nam. Tôi cũng không đánh giá về những thay đổi hoặc không thay đổi này tốt hay là không. Cái đó sẽ dành cho buổi thảo luận sau buổi nói chuyện này. Nhưng các bạn có thể thấy ngay rằng, hệ thống giáo dục hoặc hệ thống bảo tàng ở Việt Nam chưa thay đổi nhiều trong khi những phương tiện, kỹ thuật và cách làm nghệ thuật đã thay đổi rất nhiều rồi.
Sau đó Nora cho chiếu slide một số hình ảnh bà chụp khi lần đầu đến Việt Nam vào những năm 1990s.
Ở ga
Ngoài phố
Lớp học hình họa của trường Mỹ thuật Hà Nội những năm 1990s.
“…Tôi cho các bạn xem những hình ảnh này là để các bạn thấy cái cách của tôi khi lần đầu tiên đến đây. Như bất kỳ sinh viên nghiên cứu nào, việc đầu tiên của tôi là đến thư viện, và tất nhiên là ở đó đã không tìm được thông tin gì. Sau đó tôi đến các trường nghệ thuật và tôi được chứng kiến cách mà nghệ sĩ thời đó hoạt động nghệ thuật như thế nào. Tôi mất khá nhiều tháng để tìm hiểu thế nào là nghệ thuật hiện đại của Việt Nam…”
Và nhậu cũng là một cách để tiếp cận họa sĩ – Ảnh chụp những năm 90.
“… Những câu hỏi tôi quan tâm là tại những không gian nghệ thuật này, cái gì đã diễn ra và ai đã xem chúng. Tôi đã phải tìm những người đã có mặt ở những nơi này để hỏi và tìm hiểu về chính ký ức của họ về những không gian đó. Thời gian đầu, tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ viết được bài luận về VIệt Nam, phải 6 tháng sau tôi mới có thể viết được. Vào thời điểm đó, 1992 không ai ở ngoài Việt Nam biết về nghệ thuật VIệt Nam cả…” (Nora chiếu một ảnh rất hay là ảnh chụp nhóm Gang of Five hồi những năm 1990s.)
“..Tôi đã tìm ra chủ đề tôi muốn viết khi nghe về người nghệ sĩ tên là Bùi Xuân Phái.”
”Năm 1992, khi tôi nói chuyện với các người hoạt động nghệ thuật, họ đều nói đến Bùi Xuân Phái như một mặt trời và các hành tinh đều xoay xung quanh. Và bài viết đầu tiên khi tôi viết là về huyền thoại Bùi Xuân Phái…”
“..Vào thời điểm này tôi cũng bắt đầu quan sát được nghệ thuật Việt Nam thay đổi như thế nào, từ cửa hàng lụp xụp, rồi các gallery xuất hiện, cho đến những giá tranh thay đổi chóng mặt, từ các tác phẩm chỉ 5$ bây giờ đã là hàng nghìn dollar”.
”Đây là tranh biếm họa nói về việc các du khách nước ngoài quan tâm hơn về huyền thoại Hà Nội chứ không phải về Hà Nội như là chính nó…”
“Vào thời điểm đó tôi có cơ hội gặp ông Lâm, một người bạn thân của Bùi Xuân Phái và là chủ quán café Lâm nổi tiếng.
Một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ ông Lâm.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người giúp tôi hiểu thêm về chủ nghĩa Hiện đại của Việt Nam cũng như trong trường Mỹ thuật Đông Dương.
“Tôi gặp họa sĩ Mai Văn Hiến và bắt đầu có thắc mắc…”
“… tại sao một nghệ sĩ được nhớ, còn một nghệ sĩ thì bị lãng quên.” Trong ảnh: Một bức tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến
Và tôi cũng đồng thời quan tâm đến các nhóm nghệ sĩ, các cộng đồng tại Hà Nội nhưng chưa thật sự là hợp nhau. Ảnh: Uống bia vỉa hè với Nguyễn Quân và Mai (Mai Gallery) những năm 1990s.
Một người ảnh hưởng rất nhiều đến nghiên cứu của tôi là Nguyễn Quân, hiện đang sống ở Sài Gòn. Ông giới thiệu tôi với nhiều nghệ sĩ, và viết nhiều sách về nghệ thuật Việt Nam.
Tôi cũng gặp họa sĩ Lưu Công Nhân.
Những tác phẩm của Lưu Công Nhân, một số hình ảnh những tác phẩm ký họa không có trong bảo tàng.
“Còn đây là một tác phẩm của nghệ sĩ Đặng Thị Khuê…”
“… Các bạn có thể thấy được sự thay đổi của một người nghệ sĩ khi làm việc vào những năm 1979s và cuối những năm 1990s.”
Ví dụ như Đỗ Sơn là một trong những người trong những năm 90 đã triển lãm rất nhiều. Nhưng liệu bây giờ còn mấy ai biết về những tác phẩm của ông?
“Mỗi nghệ sĩ tôi gặp đều chỉ dạy cho tôi một mặt về nghệ thuật Việt Nam. Ví dụ như Đỗ Sơn đã chỉ dạy cho tôi khía cạnh của nghệ thuật làng quê. Bản thân ông thì được sống trong một ngôi làng được chia cắt bởi một con sông, vì vậy phải đi thuyền mới sang đến bờ bên kia, và điều đó luôn được thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông.”
“Đây là một số hình ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Trung.”
“Tôi đã viết một cuốn sách về Nguyễn Trung nhưng chưa xuất bản.”
“Đây là ảnh chụp tác phẩm của một họa sĩ khá nổi tiếng vào những năm 90 và bây giờ cũng không được quan tâm nhiều…”
“… Đó là họa sĩ Mộng Bích”
“Tôi cũng theo dõi Trần Lương trong quá trình phát triển nghệ thuật của ông. Ông cũng giới thiệu cho tôi một số hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt và trình diễn.”
“Gần đây tôi quan tâm nhiều đến nghệ thuật trình diễn. Thứ nhất đó là dấu hiệu của hướng đi mới, thứ hai là nó khiến cho nghệ sĩ phải suy nghĩ có tính khái niệm hơn, và thứ ba nghệ sĩ cũng phải liều lĩnh hơn trong việc sáng tạo của mình. Chất liệu nghệ thuật trình diễn cũng làm cho nghệ sĩ được đi nhiều hơn và được kết nối giao lưu với các nghệ sĩ ở các quốc gia khác.”
Có những câu hỏi mà nghệ sĩ nước ngoài cũng gặp phải, và tôi thấy nghệ sĩ Việt Nam cũng không khác gì và luôn gặp phải những khó khăn tương tự. Tuy nhiên điều này khiến tôi nghĩ về việc thế nào là một nghệ sĩ Việt Nam và thế nào không phải là một nghệ sĩ Việt Nam.
“Thí dụ tôi cũng gặp Trần Trọng Vũ vào những năm 90, bản thân tôi không nghĩ Trần Trọng Vũ là một người nghệ sĩ Việt Nam, và tôi đặt ra câu hỏi thế nào là một người nghệ sĩ Việt Nam…”
“Nghiên cứu về Trần Trọng Vũ thì tôi cũng viết thêm về những chủ đề nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa và nghệ thuật Việt Nam tồn tại ở bên ngoài Việt Nam. Tôi cũng nghiên cứu về những nghệ sĩ lớn lên ở Việt Nam nhưng lại ra ngoài Việt Nam làm việc.” (Ảnh: tranh Trần Trọng Vũ)
“Hay gần đây nhất tôi có dịp gặp và nghiên cứu về Danh Võ…”
“Có nhiều câu hỏi với Danh Võ, thí dụ: ‘Nghệ thuật Việt Nam được định nghĩa như thế nào?’, ‘Một người nghệ sĩ có nguồn gốc là người Việt có nhất thiết phải làm tác phẩm về Việt Nam hay không?’ và ‘Làm những tác phẩm về Việt Nam có giúp đỡ (ích?) gì cho họ hay không?’…”
“Với vai trò nghiên cứu cũng như người làm về lịch sử nghệ thuật, tôi cố gắng nhìn nhận nghệ thuật nhiều góc độ, về công việc sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, các cộng đồng nghệ thuật hoạt động khác nhau như thế nào. Tôi nhìn nhận nó dưới góc độ lịch sử chứ không phải dưới góc độ phê phán”.
Nora cho biết: “Tôi làm rất nhiều những cuộc so sánh về nghệ thuật Việt Nam ở những năm 90 với những năm 2000. Năm 1992, nghệ thuật Việt Nam chỉ xuất hiện ở bảo tàng nhỏ, nhưng đến những năm 2012 nghệ thuật Việt Nam có thể thấy trên nhiều bảo tàng lớn của thế giới.
“Tôi thấy mặc dù có rất nhiều việc thay đổi, nhưng có một việc vẫn còn giữ nguyên, đó là quan hệ giữa con người với con người. Các nhóm nghệ sĩ vẫn giữ cách làm việc với nhau dựa trên mối quan hệ tình bạn hoặc dựa trên nền tảng mà họ được giáo dục. Đó là một trong những cái mà tôi cảm thấy là không thay đổi.”
Bài nói chuyện của Nora kéo dài khoảng 20 phút. Sau đó đến phần đối thoại. Người nghe hỏi và Nora trả lời. Chúng tôi sẽ giới thiệu ở bài sau.