Điện ảnh

Beasts of the Southern wild: phim Mỹ không chỉ có Hollywood 26. 01. 13 - 5:22 am

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “Beast of the southern wild”

Không hiểu sao, chê phim dở lúc nào cũng dễ hơn khen phim hay. Mình có thể chỉ ra những chi tiết dở, hầm hè rằng chỗ nọ thiếu lô-gíc, chỗ kia làm chưa tới; nhưng phim hay thường khiến mình mất lời, không cẩn thận thì khen sẽ thành quảng cáo.

Nhưng tôi cho rằng, Beasts of the Southern wild (Quái vật miền Nam hoang dã) cần một chút quảng cáo.

Đây là một phim độc lập, kinh phí thấp, do những người lần đầu làm phim và các diễn viên chưa bao giờ đóng phim thực hiện. Cốt truyện thì cực kỳ đơn giản: tại một thành phố ở vùng bị bão Katrina tàn phá, một cộng đồng nhỏ – trong đó có hai cha con Wink và Hushpuppy – quyết định ở lại nơi mình sinh ra chứ không di tản theo mọi người. Biết mình bệnh nặng sắp chết, nhưng bố Wink không đưa con gái đến nhờ chính quyền tìm người nuôi hộ, mà tự tay chỉ con cách sống sót trong thiên nhiên lẫn thiên tai.

Bé Hushpuppy trôi nổi trên con “tàu” tạm bợ

Bộ phim là một ví dụ sáng ngời cho thấy rằng dù ít tiền bạn vẫn có thể làm phim hay. Mà cũng nhờ kinh phí thấp nên đạo diễn Benh Zeitlin rất chịu khó cũng như tiết kiệm, anh đi lùng khắp bang Louisiana cũng như thành phố New Orleans để tìm thấy một nơi bị bão Katrina tàn phá thật và quay phim. Vì cảnh như thế nào đạo diễn quay thế nấy chứ không dựng cảnh giả, vẻ đẹp thị giác của phim có chút gì đó um tùm, mất trật tự, xanh xanh đen đen, nhầy nhụa, bẩn bẩn theo kiểu vô cùng… dễ chịu. Sự dễ chịu càng tăng lên khi người xem quan sát cuộc sống hàng ngày của bé Hushpuppy 6 tuổi. Bé yêu thiên nhiên, thích lắng nghe gà vịt chó mèo, nhưng bé hiểu rằng thú dữ sẽ không từ bi với ai hết nếu chúng đói, và bé cũng sẽ không từ bi với chó mèo nếu bé… đói. Bé cẩn thận khám phá xung quanh, và dù biết được cái bản chất nguy hiểm, ít thi vị của những gì hoang dã, bé vẫn yêu nó, chứ không dơn giản là “yêu vì thiên nhiên đẹp”. Bộ phim phần nào còn làm tôi nhớ đến “Ông hàng xóm Totoro“; cả hai cho chúng ta thấy rằng đối với trẻ em, mảnh vườn, con sông, khu rừng nhỏ gần nhà chẳng khác gì một cửa hàng đồ chơi bất tận, nếu biết sử dụng thì cửa hàng đồ chơi này sẽ thú vị và thậm chí còn bổ ích hơn Ipad và Nintendo.

Bé Hushpuppy chơi trước sân nhà. Bé Wallis lần đầu đóng phim nhưng nhận rất nhiều lời khen ngợi. Chẳng biết giải Oscar năm nay có châm chước cho bé không?

Đây không phải một phim “kể khổ”, giống các phim bi về các thành phần “khốn khổ” thường gặp, xem xong là nhức hết cả đầu. Người xem thấy rằng cha con Hushpuppy lẫn cộng đồng nhỏ này thật nghèo thê thảm. Nước Mỹ đây sao? New York đẹp thế nhưng New Orleans trông chả khác gì vùng quê của một nước đang phát triển (kém). Chính phủ trong phim cũng cho rằng cộng đồng này khổ và cần được sơ tán. Nhưng người dân không khóc lóc gì hết, đôi lúc nỗi khổ xảy đến vì mình tự hành hạ mình, còn cộng đồng của bé Hushpuppy lại không ngó vào cái sướng của kẻ khác để rồi kêu than, mà tự tìm cái đẹp cũng như xây dựng cuộc sống cho bản thân. Ở bên cạnh những người kỳ quặc nhưng dũng cảm này, Hushpuppy tự lập từ nhỏ. Lúc bố vắng nhà vì bệnh, bé chăm sóc mình theo “kiểu của bé”, kiểu này không được sạch sẽ, an toàn, khiến người xem phải nhăn mặt. Nhưng chẳng hề chi, bé vẫn khỏe mạnh. Tôi luôn tin rằng, nếu mình muốn có một đứa con cứng cáp, can đảm như Hushpuppy, mình phải như bố Wink: không càm ràm về bệnh tật, biết cách sống sót giữa thiên tai, có mặt lúc cần kíp để bảo vệ con, nhưng quan trọng nhất là không tối ngày giữ rịt con bên mình rồi xuýt xoa khi thấy con té, con đau.

Wallis và anh Dwight (vai bố Wink) trong một cảnh quay.

Hushpuppy, bố Wink, và cộng đồng ở New Orleans hoang dã chẳng kém gì thiên nhiên xung quanh họ, họ gần như trở thành một phần của đất trời, nước, cây cối, và muông thú. Người văn minh mà xem thì sẽ thấy các nhân vật của phim lắm lúc hành xử kém văn minh. Nhưng thật cảm động khi chính những con người này lại không nhát gan và ích kỷ. Bé Hushpuppy nói “Kẻ can đảm sẽ ở tại nhà của mình”, và đúng vậy thật. Những con người này bướng bỉnh không chịu rời tổ ấm dù mưa, dù lụt, dù bão, vì đấy là “nhà”. Nếu ai cũng chạy trốn hết lúc khó khăn, thiên tai, thì “nhà” sẽ về đâu? Ai sẽ là người đứng lên giữ nhà, bảo vệ nhà, xây dựng cuộc sống nếu chúng ta di tản hết trong sợ hãi? Bộ phim này thể hiện ý chí của những ai đang sống chung với lũ, vất vả giữa thiên nhiên tại Mỹ, Việt Nam, và các nước khác. Nó được quay với tình yêu vô bờ dành cho môi trường, tổ quốc, quê hương, gia đình, chòm xóm, và thế hệ tương lai gồm những cô cậu bé can đảm, mạnh mẽ như Hushpuppy.

Cộng đồng người dân cùng nhau dựng nhà giữa lũ.

Phim tế nhị nhắc tới vấn nạn ô nhiễm môi trường, và thực tế thì bão Katrina đã làm điêu đứng nhiều gia đình Mỹ. Trái đất nóng dần lên, từ từ nó sẽ kéo theo bao thảm họa, không chừng tận thế cũng sắp tới đến nơi nếu chẳng ai chịu quan tâm chăm sóc hành tinh (gần hết) xanh. Nhưng nếu có tận thế thật thì người sống sót sẽ là nhưng người có trái tim, ý chí, và hiểu biết về thế giới hoang dã như Hushpuppy. Khi bố Wink biết rằng con mình là người có thể tự lập và kiên cường thì cũng là lúc ông an tâm nhất.

Bộ phim này làm chao đảo nhiều khán giả lẫn nhà phê bình dù những người làm ra nó là người không tên tuổi. Anh Dwight Henry đóng vai Wink là một thợ… làm bánh mì, bé Quvenzhané Wallis 5 tuổi đóng vai Huspuppy cũng chưa từng đóng phim lần nào. Đạo diễn thì chẳng ai biết danh, trước giờ chỉ làm 2, 3 phim ngắn. Hội đồng để cử các giải lớn như Oscar hay Quả cầu Vàng bĩu môi với phim vì nó không thể theo các luật “chính quy”, rằng đạo diễn chưa đăng ký giấy tờ nọ kia, khiến nhiều người yêu điện ảnh tức tối. Ai cũng ấm ức nói rằng ít nhất thì bé Wallis phải nhận đề cử nữ chính và Benh nên có tên trong danh sách đạo diễn, tuyệt vời nữa là “Beasts…” cũng được đề cử giải phim hay.

Đạo diễn trẻ Benh và bế bé Wallis lên để giúp bé phát biểu khi nhận giải tại Liên hoan Phim Sundance. Vài người gọi phim này là “cục cưng của Sundance” vì Sundance không câu nệ phép tắc, hoan nghênh phim này dù nó thiếu giấy tờ. Oscar nên noi theo.

Giải Quả cầu Vàng đã từ chối Beasts of the Southern wild, Oscar thì còn phải xem, nhưng các bạn yêu nghệ thuật không nên dựa quá nhiều vô mấy cái tiêu chuẩn chính quy đó, mà hãy ra tiệm đĩa mua phim này về thưởng thức. Như lời một nhà phê bình đã viết “Phim cho thấy rằng điện ảnh Mỹ không chỉ có mỗi Hollywood.”

Ý kiến - Thảo luận

11:52 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Rất tiếc là chưa xem phim để có thể cảm nhận một cách đầy đủ, tuy vậy, theo bạn Van, người bố ngoài việc bản thân sống, bảo vệ con mình, dạy con cách sống và tồn tại giữa thiên nhiên, thiên tai thì còn phải đi ra khỏi lũy tre New Orleans (không biết xứ này có tre không nữa) để mua Rollsr
...xem tiếp

11:52 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Rất tiếc là chưa xem phim để có thể cảm nhận một cách đầy đủ, tuy vậy, theo bạn Van, người bố ngoài việc bản thân sống, bảo vệ con mình, dạy con cách sống và tồn tại giữa thiên nhiên, thiên tai thì còn phải đi ra khỏi lũy tre New Orleans (không biết xứ này có tre không nữa) để mua Rollsroyce hay lãnh giải Fields mới xứng hả bạn?.

 
11:08 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  van

Theo tôi ông bố trong phim này tiêu biểu cho kiểu người có tố chất nhưng vẫn còn bảo thủ, kém hiểu biết. Cách tư duy của ông bố trong phim rất phiến diện, chưa vượt ra khỏi lũy tre làng. Và nếu ý nghĩa, tư tưởng của bộ phim chỉ dừng lại ở mức như bạn Pha Lê cảm nhận ở trên thì thật đ&aac
...xem tiếp

11:08 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  van

Theo tôi ông bố trong phim này tiêu biểu cho kiểu người có tố chất nhưng vẫn còn bảo thủ, kém hiểu biết. Cách tư duy của ông bố trong phim rất phiến diện, chưa vượt ra khỏi lũy tre làng. Và nếu ý nghĩa, tư tưởng của bộ phim chỉ dừng lại ở mức như bạn Pha Lê cảm nhận ở trên thì thật đáng buồn.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả