Bàn luận

Về sự hạnh phúc của người Việt Nam (bài 2): Vì sao người Việt khó hạnh phúc? 01. 04. 17 - 9:34 pm

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo bài 1)

… khác với cái hạnh phúc rởm do cảm nhận chủ quan nhất thời của mỗi người tại mỗi thời điểm thì số lượng các loại bộ rễ tiên nghiệm, các loại nền tảng đạo đức trên thế giới không có nhiều. Ở bài tiếp theo, ta sẽ xét qua những kiến giải chính và xem Việt Nam có thể nằm ở đâu.

Hy Lạp và khoa học phương Tây – Hạnh phúc dựa trên cái “Biết”

Theo Aristote thì một cuộc sống tốt là một cuộc sống phù hợp tối ưu với bản chất con người, và chỉ đạt được bằng tư duy mạch lạc, khoa học, tức là làm gì cũng đúng lúc, đúng chỗ, có lý do (perfect rationality). Những đức hạnh quan trọng nhất của Hy Lạp là niềm tin vào một vị trí đặc biệt cao quý của con người là trung tâm, thước đo của vũ trụ, vào sự bình đẳng giữa con người, và vào năng lực cũng như nghĩa vụ của con người trong việc khám phá ra những quy luật của vũ trụ.

Minh họa của Maurobiani.it 

Một hành động được coi là có lý do không phải vì nó sẽ dẫn tới một kết quả cụ thể nào, một lợi ích vật chất gì, mà vì nó nằm trong vai trò cao quý của loài người nói trên. Chúng ta hay nghe câu cửa miệng “biết đủ là hạnh phúc”. Tưởng là đơn giản, nhưng vấn đề là “biết” chứ không phải “cảm thấy”. Ai dám nói mình thực sự “biết” đủ, dựa vào đâu để nói câu đó? Đó là lý do tại sao Socrates với câu nói nổi tiếng “Tôi biết là tôi không biết gì” lại được coi là người thông thái nhất. “biết là không biết gì”, khác hẳn với “không biết gì”.

Nếu tạm coi tư duy của Aristote là tư duy khoa học thì hạnh phúc là kết quả của tư duy khoa học. Như vậy kẻ dốt không thể hạnh phúc bằng người giỏi, một người ngẫn không thể hạnh phúc như một nhà thông thái, vì cái sướng vô căn cứ không thể so sánh với cái sướng có lý do. Suy rộng ra thì một đất nước ngu dốt, kém phát triển về khoa học, về tư duy lý tính, không thể hạnh phúc hơn một đất nước phát triển.

Tất nhiên, khoa học không phải con đường duy nhất để dẫn đến cái “biết”. Ta có thể tin là Phật khi giác ngộ cũng biết, bằng con đường khác. Nhưng chừng nào ta chưa phải là Phật thì chưa thể nói là cảm nhận được về loại hạnh phúc đó. Còn cái Biết của khoa học thì khiêm tốn hơn, chỉ cần là biết trong khuôn khổ những nguyên tắc khoa học đề ra, tức là cái biết về “như thế nào”, chứ không cần là cái biết “tại sao” là có thể coi là biết một chút, và do đó hạnh phúc một chút rồi.

Minh họa từ Pinterest 

Đạo giáo ở phương đông về cơ bản không khác nhiều so với quan điểm Hy Lạp, vì thế những quan điểm của Đạo giáo rất giống thời kỳ Hy Lạp tiền Socrates. Theo Đạo giáo thì một người đức hạnh là một người hành động thuận theo tự nhiên, nhưng để làm được việc đó thì phải biết tự nhiên hành động thế nào. Chỉ có điều những phát kiến của Đạo Giáo về lĩnh vực này thì không đi được xa như phương Tây.

Thiên Chúa giáo: Hạnh phúc dựa trên tình yêu và lao động hay sự biết xấu hổ

Đối với Thiên Chúa giáo thì hạnh phúc cuối cùng là được Chúa cho lên Thiên đàng. Nhưng khi nào thì được lên Thiên đàng?

Tương tự như quan điểm của Aristote thì theo Thomas von Aquin, một hành động được coi là đức hạnh không phụ thuộc vào kết quả của nó, mà khi nó có một lý do chính đáng, bởi vì Chúa sẽ xét theo lý do đó chứ không xét theo kết quả.

Thời Trung cổ, muốn như vậy thì hãy làm theo gương JesuS (imitatio Christie), mà quan trọng nhất là tình yêu vô bờ bến đối với tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, xuất xứ, năng lực, chủng tộc (bác ái). Trong cấu trúc đạo đức này, sự giàu có không những không có tác dụng, mà thậm chí còn phản tác dụng, vì người giàu khó có thể cho hết của cải của mình như người nghèo. Vì thế nói người giàu lên thiên đàng còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim.

Đến thời tư bản sau này, ta có lý thuyết của Weber về hệ đạo đức tân giáo (protestant), cho rằng con người sẽ chỉ có đức hạnh thông qua lao động không ngừng nghỉ, và chỉ với sự lao động đó, con người mới được Chúa đón vào thiên đàng. Lao động là vinh quang theo đúng nghĩa tự thân của nó, không phụ thuộc vào kết quả đạt được của nó. Sự giàu có không phải là điều kiện quan trọng đối với hạnh phúc, nhưng do sự giàu có thường là tác dụng phụ của việc lao động hết mình cả đời nên nó không phải là một chỉ số xấu, mà thậm chí là một chỉ số tốt.

Hí họa của geomateo 

Theo triết gia Thiên Chúa giáo người Nga Soloviev thì cơ sở cho đạo đức Thiên Chúa giáo là sự xấu hổ, xuất phát tự tội tổ tông truyền. Chính trực giác về cảm giác xấu hổ sẽ dẫn người ta biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Ta thường nói một việc không đạo đức là một việc làm trái với lương tâm, cũng chính là nhờ vào cái năng lực tiên nghiệm về việc cái gì là đáng xấu hổ, cái gì là không. Một người “không biết xấu hổ” không thể là một người đức hạnh. Và chính cảm giác xấu hổ này cho người ta thấy rõ những thứ liên quan đến xác thịt, vật chất đều khá là thấp kém, không đáng hướng tới.

Phật giáo – Hạnh phúc nhờ buông bỏ

Theo như Phật giáo thì hành động đức hạnh được định nghĩa bằng bát chánh đạo, và kết quả của nó là cái phúc vĩnh hằng, hay là trạng thái niết bàn, một trạng thái cân bằng tuyệt đối, không còn khổ. Bản chất của đức hạnh này là năng lực buông bỏ, cũng có thể coi như tuệ căn, hay phật tính, được cho là tiền nghiệm trong mỗi sinh linh, chẳng qua là có phát huy được đến đâu thôi.

Minh họa từ Pinterest 

Nietzsche – Hạnh phúc nhờ hy sinh

Theo như Nietzsche thì con người không thể đạt tới hạnh phúc bằng cách trực tiếp hướng tới nó. Vì những nỗ lực nhằm đạt những cảm giác sung sướng, hài lòng v.v. chỉ dẫn tới những tham vọng mông muội. Ngược lại, hạnh phúc chỉ đến với những ai nỗ lực, khổ đau, trăn trở. Nó là phần thưởng cho những sự hy sinh cao quý, sự dũng cảm từ chối con đường dễ dãi. Cây nhân sâm sống lâu trong vùng núi đá cực khắc nghiệt mới quý, đá bị ép dưới điều kiện cực khắc nghiệt mới thành ngọc, hai hòn đá phải đánh vào nhau mới toé lửa, muốn có lãi thì phải đầu tư. Còn người sống vô tư vô lự trên đời, tận hưởng mọi điều kiện thiên nhiên tạo ra, thì không khác gì hươu nai chồn thỏ, có gì đáng để gọi là hạnh phúc.

Nho giáo – hạnh phúc trên cơ sở sự mủi lòng.

Nho giáo có rất nhiều khái niệm đạo đức, đức hạnh, nhưng chốt lại đều từ một chữ Nhân. Tất cả những thứ khác như: lễ nghĩa trí tín v.v. đều chỉ là công cụ, là triển khai cụ thể, nhằm đạt được chữ nhân mà thôi. Mà chữ nhân này lại gần như không có nội hàm gì, vì nó chỉ là tính người chung chung. Đối với mỗi học trò, Khổng tử lại dạy một chữ nhân khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và xuất phát điểm của người đó. Vì thế rất khó mà hiểu được khi nào thì một hành động được coi là đức hạnh, khi nào thì không. Đó chính là lý do để rất nhiều trường hợp, việc thực hành những nguyên lý đạo đức Nho giáo trở thành cổ hủ, cứng nhắc.

Theo Francoise Julien thì cơ sở đạo đức của Nho giáo có thể được nhận ra ở quan điểm của Mạnh tử về “xích tử chi tâm”*, có nghĩa là sự “mủi lòng”. Sự “mủi lòng” này gần giống với bác ái của Thiên Chúa giáo. Nó giống ở chỗ cũng cần phải có đối tượng cho sự mủi lòng đó. Có nghĩa là tự ta không thể có cơ sở cho hành động đạo đức, mà hành động đó phải nằm trong bối cảnh chung của xã hội, phải có kẻ cho ta mủi lòng.

Minh họa từ trang này 

Tuy nhiên, sự mủi lòng hạn hẹp hơn bác ái. Tinh thần bác ái có thể được áp dụng với mọi đối tượng, trong mọi trường hợp, kể cả trước kẻ thù, vì thế mới có câu nếu ai tát vào má phải thì giơ nốt má trái ra cho tát. Nhưng sự mủi lòng thì tiền giả định là đối tượng phải yếu đuối, đáng thương. Thánh nhân nho giáo nhìn mọi người như con đỏ, như trẻ sơ sinh, cần phải được dạy bảo, thương yêu. Mà riêng cái tiền giả định này đã đẩy người ta vào một vị thế không cứu được nữa. Như vậy, để một người có thể hạnh phúc vì mủi lòng với kẻ khác thì luôn phải có những kẻ bất hạnh để người ta phải mủi lòng. Đó là lý do tại sao trong Nho giáo, quân tử luôn đi đôi với tiểu nhân, và luôn cho rằng tiểu nhân là nhiều, quân tử là ít.

Ngoài những khái niệm trên, những nền văn hóa khác cũng có thể có những khái niệm về hạnh phúc khác nữa. Như vậy, ta có thể nói là những nền văn minh khác nhau có những khái niệm về hạnh phúc rất khác nhau, vì thế, không thể so sánh những loại hạnh phúc này với nhau.

Nền tảng đạo đức vs hệ thống đạo đức

Tất cả các nền tảng đạo đức đều là tiên nghiệm, có nghĩa là nó có sẵn trong cấu trúc tự nhiên của con người, trước mọi kinh nghiệm, tương tự như những đoạn DNA của một bộ gien. Tuy nhiên cũng như bản thân bộ gien không phải lúc nào cũng được thể hiện ra thành kiểu hình, yếu tố tiên nghiệm nào được kích hoạt và đưa vào hành động lại phụ thuộc vào ý thức của hệ tư tưởng. Bộ tiên nghiệm giống như một kho vật liệu, nhưng lấy đồ gì ra nấu món gì lại là phụ thuộc vào từng hệ triết lý, hệ văn hóa. Vì thế giữa các nền văn minh khác nhau, ai cũng hiểu được hành động đức hạnh của một nền văn minh khác, và đều đồng ý đó là một hành động đức hạnh, nhưng trên thực tế đời sống, mỗi nền văn minh sẽ có xu hướng phát huy một khía cạnh đạo đức nói trên.

Hí họa của Chris Madden

Đức hạnh Nho giáo ở Việt Nam và hạnh phúc từ việc làm từ thiện

Việt Nam nằm trong ảnh hưởng chính của Nho giáo, vì thế quan niệm về hạnh phúc cũng khá là mù mờ, nên mới dễ bị các thuyết linh tinh lung lạc. Tuy nhiên, nếu thực sự thấm nhuần quan điểm Nho giáo thì ít nhất cũng phải hiểu được cái gì chắc chắn không thể là hạnh phúc. Tất cả những gì ta hình dung không phải góp phần vào thành tựu bền vững cho muôn thế hệ thì chắc chắn không phải hạnh phúc. Vì thế một lần thắng bạc, trúng sổ số, giàu do tham nhũng, trộm cướp, hay là phê thuốc, hay tự kỷ ám thị, không thể được coi là hạnh phúc. Kể cả những sự giàu sang, danh vọng, địa vị một đời do chính tài năng, sức lao động của mình mà đạt được cũng chưa đáng để gọi là phúc, vì tài năng, nỗ lực, ngay cả tiền bạc cũng không dễ truyền cho thế hệ sau. Một thứ chỉ có thể coi là hạnh phúc khi ta tưởng tượng ra nó góp phần tạo phúc cho con cháu đời đời.

Như trên đã nói, cơ sở đạo đức của Nho giáo là sự Mủi lòng. Vì vậy, những đức hạnh và hạnh phúc chính của người Việt Nam cũng có liên quan tới cấu trúc đạo đức này. Với tư duy này, một hành động đức hạnh ở Việt Nam rất phổ biến, nhất là ở những người khá giả là hành động từ thiện. Người làm từ thiện có cảm giác đạt tới một hạnh phúc nhất định nhờ những hành động từ thiện đó, cho dù có được đền đáp hay không, vì cơ sở của hành động đó là sự mủi lòng, chứ không phải là sự đền ơn. Việc từ thiện không chỉ bao gồm các hoạt động trợ cấp vật chất cho người khó khăn, mà bao gồm mọi hoạt động hỗ trợ kẻ yếu thế trong xã hội, cả vật chất lẫn tinh thần.

Việc từ thiện được coi là có thể lưu truyền nhiều đời, tạo phúc nhiều đời, vì thứ nhất là một truyền thống từ thiện thì có thể dễ dàng được tiếp thu và tiếp diễn trong các đời sau, và cái tiếng thiện thì tạo ra một môi trường ủng hộ bền vững hơn, lâu dài hơn là tiền bạc.

Không ai phủ nhận tính đức hạnh của hành vi từ thiện, cũng như hệ quả hạnh phúc mà nó mang lại. Tuy nhiên, cũng như vấn đề chung của toàn bộ hệ thống đạo đức Nho giáo, một người làm từ thiện sẽ cần có hàng trăm, hàng ngàn người đón nhận hành động từ thiện đó, tức là phải cần có hàng ngàn người này bị rơi vào thế yếu, vào loại xích tử, và do đó sẽ bất hạnh. Vì thế có thể nói, việc một đất nước ảnh hưởng Nho giáo nhiều như Việt Nam hay Trung Quốc thì khó mà đạt tới bậc thang hạnh phúc cao cho đại đa số.

Hà Nội 25. 03. 2017

*
*xích tử chi tâm nói về việc khi thấy một đứa trẻ rơi xuống giếng, ai cũng phải mủi lòng và muốn cứu giúp, không cần biết được cái gì.

 

Ý kiến - Thảo luận

9:56 Wednesday,20.5.2020 Đăng bởi:  Kieu Minh
- Tu Dau căn cứ vào đâu để nói Phật giáo không có cái gọi là "tuệ căn" hay "Phật tính"? Hay câu đó cũng là do bạn "tưởng" mà ra?
- Nếu tu mà có hành thì "ai đắc A la hán sẽ được nhận  là A la hán" hả bạn? Hay ý của Tu Dau là sao?
- Kinh Lăng Nghiêm đảo điên ở đoạn nào? Kinh Bát Nhã đảo điên ở đoạn nào? Vì sao bạn biết người ta tu mà không hành?
Mong có câu tr
...xem tiếp
9:56 Wednesday,20.5.2020 Đăng bởi:  Kieu Minh
- Tu Dau căn cứ vào đâu để nói Phật giáo không có cái gọi là "tuệ căn" hay "Phật tính"? Hay câu đó cũng là do bạn "tưởng" mà ra?
- Nếu tu mà có hành thì "ai đắc A la hán sẽ được nhận  là A la hán" hả bạn? Hay ý của Tu Dau là sao?
- Kinh Lăng Nghiêm đảo điên ở đoạn nào? Kinh Bát Nhã đảo điên ở đoạn nào? Vì sao bạn biết người ta tu mà không hành?
Mong có câu trả lời từ một người có "hành" thực, không phải một người "tưởng" đơn thuần nơi bàn phím cùng con chuột. 
21:55 Monday,18.5.2020 Đăng bởi:  Tu Dau
Phật giáo không có cái gọi là tuệ căn hay phật tính. Phật giáo càng không có lý thuyết "một người đắc A La Hán thì không được nhận mình là A La Hán".Thế Tôn và mấy trăm vị đệ tử đắc A La Hán thì nhận là đắc A La Hán.
Sau này các đệ tử đời sau tu sai, dùng tưởng là chính mà không hành nên khi đệ tử hỏi thì sư phụ bảo "Ai đắc A La Hán thì không được nhận
...xem tiếp
21:55 Monday,18.5.2020 Đăng bởi:  Tu Dau
Phật giáo không có cái gọi là tuệ căn hay phật tính. Phật giáo càng không có lý thuyết "một người đắc A La Hán thì không được nhận mình là A La Hán".Thế Tôn và mấy trăm vị đệ tử đắc A La Hán thì nhận là đắc A La Hán.
Sau này các đệ tử đời sau tu sai, dùng tưởng là chính mà không hành nên khi đệ tử hỏi thì sư phụ bảo "Ai đắc A La Hán thì không được nhận là đắc A La Hán", cái kinh Lăng Nghiêm hay một số kinh dùng tưởng để suy mà không hành => nên dẫn đến đảo điên. Rồi kinh Bát Nhã cũng dạy tầm bậy, toàn là Đại Thừa suy diễn do tưởng (không hành, hoặc hành sai nên ra như vậy). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả