Nghệ sĩ thế giới

WIM DELVOYE – bậc thầy của đi chênh vênh 03. 08. 10 - 7:30 am

Wim Delvoye (1965) là một nghệ sĩ Bỉ theo trường phái nghệ thuật tân khái niệm, nổi tiếng với những dự án đầy tính sáng tạo và gây sốc. Tác phẩm của ông chủ yếu tập trung vào cơ thể người (hay động vật). Ông thường xuyên kết hợp những thứ hấp dẫn với những thứ đáng tởm, tạo ra những tác phẩm tự thân đã đầy mâu thuẫn –  làm người ta không biết liệu nên nhìn chằm chằm, để cho tác phẩm chinh phục mình, hay ngoảnh mặt bỏ đi.

Suốt 20 năm ông miệt mài tạo ra một thứ nghệ thuật kết hợp (ít nhất) hai yếu tố cùng lúc, và dần dần tạo được một tập hợp các tác phẩm “không thỏa hiệp” giữa hóm hỉnh với hằn học. Trong thái độ của ông đối với nghệ thuật có một sự tinh ranh thông minh mà không hề gượng ép. Khi thì cho xăm hình lên các chú lợn, khi lại kết hợp những bình gas với các họa tiết đồ gốm Delft (Hà Lan), hay biến những chiếc bàn ủi thành những tấm gia huy… Delvoye luôn tạo ra được sự kết nối giữa những thứ mà rõ ràng là trước khi bước vào quá trình phối giống thẩm mỹ của ông thì chúng “chẳng liên quan” gì với nhau.

Những bình gas với họa tiết gốm

Vậy là ông lấy một khung thành bóng đá kết hợp với cửa sổ kính màu; hay tạo ra một sàn đá hoa từ hàng trăm miếng thịt nguội. Nghệ thuật tạo ra từ hai sự kết hợp này hóa ra lại vô cùng bắt mắt, và khiến ta ngạc nhiên khi biết được bản chất thực sự của những thứ mà ông ta dùng để lắp ghép. Một điều vô cùng tuyệt vời nữa là khi ta nhận ra sự vô lý của mối quan hệ giữa chất liệu của những tác phẩm này với công năng chính của chúng khi đã trở thành tác phẩm. Một khung thành bằng kính sẽ ra sao khi ta sút một quả bóng vào? Một sàn đá hoa cương gồm những lát thịt sẽ tồn tại được bao lâu? Một cái xe tải trộn xi măng kích cỡ như ngoài đời thực được làm từ gỗ tếch thì chở được cái gì? Sự mâu thuẫn giữa hình thức tác phẩm và tính bất khả thi khi thực hiện công năng của chúng chính là đề tài mà Delvoye có thể khai thác đến tối đa.

Khung thành và kính màu


Sàn nhà lát bằng thịt heo

Niềm đam mê của ông là nắm bắt lại những khoảnh khắc khi nhân dạng đang biến đổi và khi các lớp ý nghĩa đổi chỗ cho nhau. Ông muốn chỉ ra cái trước khi biến đổi và cái sau khi biến đổi. Liệu chúng ta còn nhìn những chiếc bình gas là bình gas chỉ như những đồ vật có tính thẩm mĩ? Liệu những chiếc gia huy-bàn để ủi đồ sẽ được xem là những thứ gia dụng hay chỉ là sự châm? Cũng thế, chúng ta phản ứng thế nào trước sự thay đổi cực đoan trong tác phẩm Con sâu bướm – một sự giao thoa giữa một thiết bị khổng lồ với những nhà thờ kiểu Gothic?

Những chiếc bàn để ủi đồ như những tấm gia huy


Sâu bướm

Câu hỏi đối với Delvoye trước sau không thay đổi, đó là: đâu là tiêu chuẩn của cái gọi là giới hạn, của đường biên, và của vượt ngưỡng. Vì vậy trong lúc chạm những cỗ máy trộn xi măng, ông hỏi: “Ta có thể đi tới đâu nếu làm cái máy này bằng gỗ? Và nếu bằng gỗ thì nó có còn là cái máy trộn nữa không?” Câu hỏi được đặt ra với đông đảo người xem cũng như đối với nghệ sĩ tạo ra tác phẩm và trong trường hợp này, câu trả lời tương đối dễ dàng. Chiếc máy trộn xi măng là một công cụ hoàn hảo nhưng không thể hoạt động được; nó không thể đẹp hơn được nữa và cũng không thể dùng làm việc gì hơn.

Máy trộn xi_măng bằng gỗ

Nghệ thuật của Delvoye là thứ nghệ thuật bắt chúng ta phải định hướng lại cách nghĩ về phương thức tạo ra cái đẹp. Tôi nghĩ tới một vài nghệ sĩ đương đại, những người hoàn toàn dấn mình vào một lĩnh vực thẩm mĩ mà nói theo thuật ngữ của Delvoye là sử dụng “những thành tố lạc đề”. Nghệ thuật của ông là sự “không nhân nhượng” về cơ thể, cụ thể hơn, “không nhân nhượng” những lối vào cơ thể – hậu môn, da, miệng.

Tác phẩm Dấu son môi (Lipstick Prints) của ông 1999 – 2000 là một sự đánh lừa ngọt ngào; người xem thấy những dấu son môi trên những trang giấy viết thư của khách sạn Châu Âu, một thứ kỉ vật mà phụ nữ thường gửi cho người tình, như một thông điệp thân thương ước-gì-có-anh-ở-đây. Cái phức tạp khi “đọc” tác phẩm này là: phần cơ thể được ịn son môi in trên tờ giấy không phải miệng mà là hậu môn. Tiếp đó, câu hỏi bắt buộc người xem phải đặt ra là liệu cách hiểu của tôi về tác phẩm có đổi khác sau khi tôi đã biết sự thật?

Tương tự như vậy, trong Sybille II, một bộ phim làm năm 1999, Delvoye một lần nữa tạo ra một tác phẩm nghệ thuật khiến ta hoang mang về quan niệm xưa nay về cái đẹp. Bộ phim chiếu một chuỗi những vật thể khác nhau, luôn luôn tông màu trắng và ngà, dường như không biết nổi lên từ đâu trên một cái nền chéo qua chéo lại rất tinh tế. Những vật đó thôi miên người xem khi chúng dệt qua dệt lại trong một khoảng không gian mà ngay lúc đầu khó có thể xác định được đó là gì.

Đến một lúc nào đó (với tôi là khoảng vài phút) bạn nhận ra rằng không phải bạn đang xem những sinh vật kì thú, hay đời sống thủy cung, mà đó chỉ là cảnh quay cực gần người ta nặn mụn đầu đen. Những vật thể đang nhảy múa đó là những sợi mủ được ép bật lên từ dưới da, và ta đột nhiên cảm thấy hình ảnh sợi mủ bật lên đó thật kỳ quái và gớm guốc. “Tôi muốn mô tả con người cũng chỉ là một sinh thể sống, thực vậy, là những thể hữu cơ mà thôi,” Delvoye nói, và quả thực một số lượng lớn các tác phẩm của ông đều sử dụng một khuôn hình tục tĩu để nói về bản chất hữu cơ đó.

Tại một triển lãm sắp đặt tượng mang tên Rose des Vents năm 1992, Delvoye nhờ khách đến phòng tranh  nhìn qua một ống kính viễn vọng trùng với vị trí hậu môn của một bức tượng đồng, mà qua đó người xem có thể thấy được những ngôi sao nhờ một máy chiếu gắn trong miệng một bức tượng đàn ông.

Rose des vents

Quang cảnh và hành động đó nhắc cho ta nhớ rằng Delvoye là một tín đồ cuồng nhiệt của Peter Sloterdijk, nhà triết học thuộc trường phái outside-in. Quả có vậy, Delvoye sử dụng một phương pháp luận giống như của Peter, một phương pháp có thể giải thích sự hứng thú của ông đối với ý niệm virus. Virus là một chủng từ ngoài vào “xâm lược” bên trong, từ vị trí đó chúng có tác động và đôi khi gây ra những biến đổi sâu sắc.

Delvoye theo đuổi không chừa cái gì. Kiệt tác Cloaca của ông, “nhà xí – phòng thí nghiệm” của ông là một cỗ máy sao chép lại hệ thống tiêu hóa của con người và cũng tạo ra sản phẩm cuối cùng là thứ mà tất cả chúng ta đều tạo ra: cứt. Việc Cloaca là cỗ máy bản sao bộ tiêu hóa của con người là một sự châm biếm ngoa ngoắt, làm ta lẫn lộn giữa máy móc và con người.

Cỗ máy tiêu hóa


và sản phẩm của cỗ máy Cloaca

Delvoye còn nhúng tay vào việc làm đảo lộn các khái niệm khác, mở một trại lợn ở Bắc Kinh – ông nuôi lợn và xăm hình lên các chú lợn – những con vật này đã chuyển từ vai trò cung cấp thực phẩm sang vai trò nghệ thuật chỉ trong một thời gian ngắn.

Đàn lợn xăm và tác giả

Cũng chẳng có gì khó hiểu khi nghệ thuật của Delvoye gây ra rất nhiều tranh cãi. Như ông từng nói về bầy lợn của mình, mỗi chú lợn là “một tác phẩm nghệ thuật có thể tiểu và đại tiện và gây ra vô vàn rắc rối cho hệ thống”. Delvoye đã rút ra bài học từ những chú lợn này, ít nhất là việc chính ông cũng tạo ra vô vàn rắc rối cho hệ thống. Nhưng nhờ tính toán kỹ, cái hệ thống mà nghệ thuật của Delvoye tạo ra đã chệch đi nhưng hoàn hảo đến không chê vào đâu được.

*

Nguồn:  http://www.speronewestwater.com/cgi-bin/iowa/articles/record.html?record=412

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp