Điện ảnh

“Những người khốn khổ”: Ra rạp ngay các bạn ơi, đừng bỏ lỡ một cơ hội trong đời! 17. 01. 13 - 7:38 am

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “Những người khốn khổ”

Có những tiểu thuyết không thể nào dựng thành phim theo kiểu truyền thống được, ít nhất là nếu đạo diễn muốn thu lại tiền. Những người khốn khổ là một đại tác phẩm, chẳng phim nào có thể ôm gọn hết. Ừ thì đạo diễn có thể làm phim truyền hình, bắt chước series ăn khách Downton Abbey hiện nay, bỏ 1 triệu bảng ra cho mỗi tập phim và chuyển thể đầy đủ câu chuyện của Victor Hugo; hoặc chia phim ra thành nhiều phần như “Chúa tể của những chiếc nhẫn“. Nhưng đề tài của “Chúa nhẫn” và Downton Abbey rất dễ hút khách, còn ‘Những người khốn khổ” thì… vào thời này kiếm ra người đọc truyện cũng khó, huống gì phim!

Nhưng dựng tiểu thuyết này thành nhạc kịch lại khác, âm nhạc nắm bắt được cái hồn của tiểu thuyết, lại giúp người xem dễ theo dõi, và “Những người khốn khổ” đã trình diễn được hơn 25 năm tại London, đến giờ vẫn còn diễn, đêm nào cũng có khán giả. Sự thành công của vở nhạc kịch thôi thúc đạo diễn Tom Hopper đưa nó lên màn bạc, kết quả ra sao?

Những người khốn khổ kể về những số phận khác nhau của Pháp từ năm 1815 đến cuộc nổi dậy của sinh viên vào năm 1832; trong đó có Jean Valjean – một tù nhân quyết làm lại cuộc đời, có Javert – vị thanh ra một mực tin vào công lý, quyết tâm đuổi bắt Valjean vì cho rằng Jean không bao giờ có thể hoàn lương, có Fantine – người mẹ bán răng, bán tóc, và bán thân để nuôi con; truyện còn có đôi vợ chồng Thénardiers gian manh, có cậu bé Gavroche dũng cảm, có chàng thanh niên đầy lý tưởng cách mạng Marius, có câu chuyện tình giữa Marius và Cossette – con gái của Fantine và sau này là con nuôi của Valjean. Đây là thời điểm nước Pháp trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, để rồi các sinh viên ái quốc nhiều lý tưởng nổi dậy vào mùa hè năm 1832.

Cuộc nổi dậy đầy dũng cảm của các sinh viên là đỉnh cao của phim, nhưng phim còn nhiều đỉnh cao khác nữa.

Âm nhạc của phim dựa theo vở nhạc kịch nên vốn dĩ nó đã rất hay rồi. Nhạc nắm bắt được cái hồn của câu truyện, sự hào hùng của các chàng sinh viên ái quốc, nỗi thống khổ của tầng lớp nghèo, sự lãng mạn của tình yêu, và thậm chí cả tính dí dỏm của Victor Hugo. Âm nhạc cũng trò truyện với người xem theo kiểu gián tiếp hơn là trực tiếp, nên đạo diễn không cần quá ý nhị hay giải thích dài dòng để diễn tả một nhân vật, sự kiện. Chỉ cần nghe “I dream a dream” là chúng ta hiểu được Fantine, chỉ cần nghe “The end of the day” là chúng ta cảm nhận nỗi khổ của tầng lớp nghèo của Pháp thời bấy giờ. Quả thật, với tình hình kinh tế hiện nay thì xem “Những người khốn khổ” lại thấy thấm thía nỗi khổ của nước nhà. Nếu một tác phẩm dựa trên tiểu thuyết của Pháp, do một nghệ sĩ người Anh đạo diễn, với dàn diễn viên của Mỹ, Anh, Úc, mà lại kiếm được sự đồng cảm của khán giả Việt Nam, thì tôi cho rằng nó đã làm được một việc xuất sắc.

Hugh Jackman – người vừa nhận giải Quả Cầu Vàng cho phim này – lèo lái vai Valjean với nhiều cố gắng đáng khen ngợi. Anh hát không tuyệt hay, cũng đúng thôi vì Hugh chẳng phải Colm Wilkinson, nhưng Hugh thể hiện được nỗi giằng xé, lòng quyết tâm, và sự ấm áp của Jean Valjean. Hugh cũng hát thêm một bài không có trong vở nhạc kịch (viết riêng cho phim), và những ai hâm mộ vở nhạc kịch này chắc chắn sẽ rất thích bài hát mới.

Hugh trong vai Valjean, đây là cảnh Valjean cứu Cossette ra khỏi nhà trọ của vợ chồng Thénardiers.

Buồn thay, trong lúc Hugh cố gắng hết sức với vai Valjean, Russell Crowe dìm chết vai Javert. Thôi thì chẳng ai yêu cầu Russell phải hát được như các nghệ sĩ nhạc kịch chính thống, nhưng Javert phải có cái hồn của Javert – một thanh tra vững vàng, đầy nhiệt huyết, tin vào công lý, thực sự không ác nhưng khiến người ta vừa yêu vừa ghét vừa khâm phục. Còn Russell lại diễn Javert theo kiểu nửa mùa, giọng hát giống một ông già hết hơi. Bài hát “This I swear by the star” là một trong những bài hát cực hay của vở nhạc kịch, nó thể hiện lòng kiên định và niềm tin của Javert; nhưng rơi vào mồm Russell, bài này nghe chẳng khác gì một bản tình ca đơn phương, làm tôi vừa nghe vừa muốn đập đầu vô ghế.

Russell Crowe trong vai Javert.

May mắn thay, các diễn viên khác (và Hugh Jackman) đã cứu Những người khốn khổ khỏi thảm họa Russell Crowe, dẫn phim đến giải Quả Cầu Vàng một cách nghiêm túc. Anne Hathaway thật xuất sắc trong vai Fantine, tuy không xuất hiện nhiều nhưng để lại ấn tượng lớn, và Anne hát cũng hay nữa, đa tài thế nên đề cử Oscar cho diễn viên phụ lọt vào tay cô là quá xứng đáng. Tôi thấy nhiều khán giả khóc hết nguyên bịch khăn giấy trong trường đoạn của Fantine – một nhân vật khiến chúng ta nghi ngờ cái hành động bán con chuộc chồng của chị Dậu.

Valjean cứu Fantine khỏi nhà chứa, một trường đoạn cảm động của phim.

Amanda Seyfried, Eddie Redmayne khiến tôi thực sự bất ngờ trong vai Cossette và Marius. Tôi biết Amanda diễn xuất tốt, và có nghe cô hát trong Mama Mia, nhưng Cossette là một nhân vật có nhiều bài tông cao vút, chẳng biết Amanda có hát nổi không, và liệu diễn xuất của cô có bị ảnh hưởng không? Chẳng hề chi, Amanda thể hiện được sự trong trẻo của Cossette trong giọng hát cũng như diễn xuất, mang lại một hương vị tình yêu cổ điển, ngây thơ cho bộ phim kể về nỗi mất mát đau thương của cuộc cách mạng.

Amanda, Eddie trong vai đôi uyên ương Cossette và Marius.

Còn Eddie thì sao? Khán giả Việt từng biết Eddie qua phim Một tuần với Marilyn, cậu này có kiểu “lãng mạn thư sinh” rặc Anh Quốc, đóng vai người yêu rất hợp, nhưng Marius còn là một thanh niên đầy lý tưởng nữa, dáng vẻ còm nhom của Eddie liệu có phù hợp không? Rồi làm sao Eddie có thể diễn tả thành công nỗi đau mất đồng chí trong bài hát Empty chair and empty table? Vậy mà Eddie khiến tôi thực sự há hốc mồm với một Marius yêu say đắm nhưng dũng cảm trên mặt trận, với giọng hát trầm, chứa đựng nhiều sức mạnh cũng như sự lãng mạn của tuổi trẻ.

Nhóm sinh viên ái quốc nhăm nhe làm cách mạng. Các bài hát đồng ca của nhóm này nghe rất hoành tráng, đã cái tai lắm.

Nếu nhiêu đó lời lẽ chưa đủ để thuyết phục mọi người đi xem phim, tôi xin tiết lộ một phát hiện nhỏ: Colm Wilkinson đóng vai vị giám mục (giúp Valjean hòan lương) trong tác phẩm này. Colm là một tài năng lão làng của giới nhạc kịch, ông cũng là một trong những người thủ vai Valjean trên sân khấu khi vở nhạc kịch ra mắt công chúng lần đâu tiên, cách đây hơn 25 năm, và tới giờ vẫn là người thủ vai Valjean thành công nhất (trên phương diện nhạc kịch). Sau này Colm cũng đóng vai Phantom trong vở nhạc kịch bất hủ Bóng ma nhà hát Opera. Ông có một giọng hát đặc biệt ấm, truyền cảm; nhưng hiện giờ Colm đã lớn tuổi nên hiếm lắm ông mới xuất hiện tại những chương trình thật đặc biệt (như kỷ niệm 25 năm vở Bóng ma nhà hát Opera), và nếu muốn nghe/xem ông diễn thì cũng phải mua cái vé bay sang Anh để nghe. Nhưng bây giờ thì mua cái vé xem phim là bạn có thể nghe Colm hát rồi. Ông xuất hiện ngắn ngủi thôi, nhưng khi giọng hát ấm áp đó vừa cất lên là tôi gần xỉu, tôi thật sự bất ngờ. Đối với một tài năng như vậy, một nghệ sĩ như vậy, thật đáng để mua 10 cái vé xem phim nhằm nghe Colm hát trong 5 phút.

 *

Bổ sung:

Hôm nay vô tình mò được một clip phỏng vấn với các nhà làm phim, họ nói về lý do tại sao họ mời Colm vào vai vị giám mục “Giọng của Colm như giọng hát đến từ Chúa trời, và vị giám mục tượng trưng cho tiếng nói từ Chúa, làm thức tỉnh Valjean.”

*
Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật thêm, nhưng có thể còn chiếu thêm nữa)

Hà Nội
Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 17. 1
Pico Mall (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) đến  17. 1
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 17. 1
Platinum cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 17. 1
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6 – Keangnam Hanoi Landmark Tower – Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội) đến 31. 1
 
Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) đến 17. 1
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) đến 17. 1
Parkson Paragon (Tầng 5, toà nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) đến 17. 1
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) đến 17. 1
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Quận Tân Phú) đến 17. 1
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) đến 25. 1
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) đến 25. 1
Galaxy Tân Bình (246 Hồng Đào, Q. Tân Bình) đến 25. 1
Lotte Cinema Diamond (Tầng 13 – Diamond Plaza – 34 Lê Duẫn, Quận 1) đến 31. 1
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3 – Lotte Mart – 469 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Quận 7) đến 31. 1

 

Ý kiến - Thảo luận

15:29 Saturday,1.3.2014 Đăng bởi:  Shali Nguyen
Đây thật sự là 1 bộ phim TRÊN CẢ TUYỆT VỜI. Bản thân 1 ng` chưa bao giờ xem nhạc kịch như mình mà nghẹt thở với từng thước phim, từng giọng hát, ko dám nhúc nhích vì sợ bỏ lỡ bất kì cảnh nào T^T Đoạn Fantine hấp hối đúng là cảnh khiến mình khóc đến mún lăn đùng ra xỉu. Xem
...xem tiếp
15:29 Saturday,1.3.2014 Đăng bởi:  Shali Nguyen
Đây thật sự là 1 bộ phim TRÊN CẢ TUYỆT VỜI. Bản thân 1 ng` chưa bao giờ xem nhạc kịch như mình mà nghẹt thở với từng thước phim, từng giọng hát, ko dám nhúc nhích vì sợ bỏ lỡ bất kì cảnh nào T^T Đoạn Fantine hấp hối đúng là cảnh khiến mình khóc đến mún lăn đùng ra xỉu. Xem lần thứ nhất (ngay bữa công chiếu) xong mình nhất quyết rủ bạn bè đi xem lần thứ hai. Và đây là bộ phim đầu tiên trình chiếu ở VN khi credit chạy trên màn hình, khán giả vỗ tay mún nổ cả rạp :X
 
10:25 Tuesday,10.12.2013 Đăng bởi:  nimmoHP
Eddie Redmayne có gương mặt hơi bệnh bệnh, nếu đóng vai tên giết người hay tâm thần bệnh hoạn sẽ hợp hơn.

...xem tiếp
10:25 Tuesday,10.12.2013 Đăng bởi:  nimmoHP
Eddie Redmayne có gương mặt hơi bệnh bệnh, nếu đóng vai tên giết người hay tâm thần bệnh hoạn sẽ hợp hơn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả