Bàn luận

Trần Lương trả lời: muốn được tương tác thì phải có tương tác, từ cả hai 17. 01. 13 - 10:01 pm

Trần Lương

SOI: Đây là cmt cho bài “Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?“. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Cảm ơn họa sĩ Trần Lương.

*

Cảm ơn Phó Đức Tùng đã tạo không gian cho vấn đề được sâu hơn:

Các không gian tương tác sẽ phải có các tầng và loại khác nhau để khớp với mục đích, đối tượng và có hiệu quả. Dự án “Người bay” xảy ra trong trung tâm văn hóa quốc tế, vị trí nằm giữa thủ đô, mọi giao diện so với điều kiện Việt Nam đều nhanh và trực tiếp nhất. Vị trí và vai trò của nơi tổ chức đã cho thấy ý đồ tiếp cận nhóm đối tượng tương tác nào.

Việc xác định hướng cho dự án, kỹ năng và kiến thức xã hội của người chủ dự án sẽ tạo nên sự thành công của dự án. Tùy theo đối tượng của nghệ sĩ hay chủ dự án muốn hướng đến mà dự án sẽ design khác nhau. Ví dụ như việc Ai Wei Wei đưa hơn 1000 người bình thường Trung Quốc đến ở dOCUMENTA12 trong 3 tháng, thì đòi hỏi tương tác với nhóm công chúng bình dân này rất đơn giản: sinh hoạt hàng ngày “bình thường” tại Kassel (ở tập thể trong một nhà máy dệt cũ), một thành phố ở trung tâm nước Đức phát triển.

“Chuyện thần tiên” – tác phẩm của Ngải Vị Vị tại Documenta 12, 2007. Với dự án này, Ngải mang tổng cộng 1001 người từ khắp Trung Quốc tới một thành phố nhỏ của Đức có tên là Kassel. Họ được chọn qua một thư mời mở đăng trên blog của Ngải. Ngải thậm chí còn thiết kế quần áo, hành lý, và nhà tạm cho họ trong một nhà máy dệt cũ. Ông đưa 1001 người này đi chơi quanh thành phố trong suốt thời gian ba tháng làm triển lãm, đương nhiên là thành nhiều đợt: những người tham gia được chia làm năm nhóm, mỗi nhóm lưu lại Kassel 8 ngày. “Thần tiên” đây không phải là quần áo hay đồ đạc, mà là trải nghiệm của những con người này về mặt tinh thần.

 

Tôi cũng đã tổ chức các dự án có giao diện tương tác khác nhau như dự án Mạo Khê, dự án Phnom Penh, dự án phát triển cộng đồng “Những giọt nước”… Mỗi dự án có cách và hiệu quả tương tác rất khác nhau. Vai trò và hình thức nghệ thuật cũng khác nhau. Thông điệp và cấp độ phát triển cũng khác nhau.

Với mọi nhóm đối tượng trong cộng đồng đều có thể sáng tạo không gian tương tác phù hợp để có thể tạo hiệu quả tốt, kể cả rất biệt lập hoặc cá biệt.

–  Bạn Tùng viết: “Điều khó hơn là sau khi một nhóm khán giả không có trình độ tham gia tốt và tạo ra một sản phẩm tương tác hay, liệu họ có đủ khả năng nhận ra là sản phẩm đó tốt không, hay chỉ các chuyên gia từ bên ngoài nhận ra

Chữ “tốt” ở đây tùy thuộc vào nhận thức và tính”giá trị” của nhận thức về tác phẩm đó. Công chúng bình dân tương tác sẽ thấy tác phẩm tốt theo cách của họ: ví dụ họ yêu thích tác phẩm vì thấy (hoặc “ngửi” thấy) sự phản ánh trung thực về họ và đời sống của họ, thậm chí họ yêu quý nghệ sĩ sau một thời gian chia sẻ mà cũng dẫn đến thích tác phẩm. Hoặc cao nhất là họ cảm nhận mơ hồ một sự thiện cảm, gần gũi, thích mà không thể lí giải hay hiểu ngọn ngành. Nếu “họ” nhận thấy có thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần của họ, thì đó chính là một bước giảm đi khoảng cách trí-ý-thức giữa các tầng lớp trong xã hội. Còn đi vào phân tích chuyên môn hay có thể so sánh, cân nhắc thì chỉ có chuyên gia trong ngành, giới trí thức và mộ điệu.

Với phần Tùng giải thich thêm: “…là câu hỏi về cơ chế tác động của một tác phẩm tương tác đến các đối tượng khác nhau và cơ sở để đánh giá chất lượng của chúng.” Ý này lại rộng hơn nhiều: Vì với một nhà tổ chức hay curator có tầm nhìn, thì phía sau mục đích chính (được phát tán, nghe thấy đọc thấy) còn có mục đích ngầm khác không kém quan trọng. Ví dụ như một dự án nghệ thuật phát triển cộng đồng, đầu tiên dùng nghệ thuật như một công cụ tương tác để người ở cộng đồng đó tự nói ra vấn đề của mình, nghệ sĩ hay curator dùng các hình thức và kỹ thuật của mình (như thảo luận, workshop, dã ngoại…) để sự “nói ra” ấy được rõ và tốt nhất. Vậy tác phẩm của dự án sẽ có tác động đến các nhóm sau:

– Tác động đến nhóm đương sự và khán giả không có trình độ đã nói ở trên.

– Quá trình thực hiện và sau đó là tác phẩm cũng tác động mạnh đến chính tác giả của dự án là nghệ sĩ hay curator. (Bản thân tôi thay đổi rất nhiều sau các dự án đã làm: về nhận thức sống, về vai trò của nghệ sĩ trong xã hội, về ý nghĩa, hình thức và chất lượng tác phẩm nghệ thuật của mình)

– Tác phẩm và các thông tin ấn phẩm liên quan có tác động đến giới chuyên môn, trí thức, các tầng lớp khác (hiệu quả tùy theo cách tổ chức và ngân sách).

– Tác phẩm và thông tin của nó tác động đến chính quyền địa phương các cấp, đến chế tài (trực tiếp hoặc gián tiếp)

– Tác phẩm cung cấp thông tin cho các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Vì thế để đánh giá chất lượng của tác phẩm cũng không đơn tuyến, hạn hẹp cuả nhóm artistic nữa. Dựa trên nhóm đối tượng trên, tác phẩm (nếu tốt) sẽ có đời sống ngầm rộng lớn hơn.

“Touch Cinema” là một thí dụ về tương tác, với một cái hộp rỗng, người nào cũng có thể đưa tay vào chạm ngực trần của nghệ sĩ Valie Export

*

 Với bạn Phương Vẹt:

– Theo lệ thường, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật hay dự án đều có website trên đó giới thiệu và tường thuật lại các hoạt động. Dù thế nào thì sự tả lại này không thể tròn như nghe trực tiếp (ngay cả trên website có video minh họa). Nhưng ngoài việc quảng bá cho viện chủ quản, thì các thông tin và số liệu trên website là quan trọng cho việc tra cứu của các nhà nghiên cứu phê bình, nghệ sĩ và sinh viên.

Tôi không liên quan gì đến việc tổ chức dự án “Người bay” nên cũng không hiểu tại sao dự án và Quỹ Nhật Bản không đưa thông tin các thảo luận, bài nói chuyện lên. Bên dự án mời tôi làm gì thì chỉ tham gia việc đó. Tuy nhiên đã 15 năm nay tôi luôn tập trung ủng hộ các nghệ sĩ trẻ qua việc tổ chức các dạng event nghệ thuật khác nhau, truyền kinh nghiệm và các mối quan hệ chuyên nghiệp.

Có thể khẳng định rằng với thực hành nghệ thuật (cũng như thí nghiệm khoa học) là phải trực tiếp, giao tiếp và thẩm định bằng ngũ quan mới có hiệu quả. Đơn giản việc xem tranh trên sách, hay máy tính chỉ nhận được nhiều nhất là 40% so với xem trực tiếp. Vì thế sẽ là thiệt thòi lớn cho những người ở xa, và dễ hiểu tại sao văn nghệ sĩ và trí thức luôn tụ về các trung tâm văn hóa lớn. Tọa đàm trực tuyến cũng chỉ giải quyết được cho những ngành dùng ngôn ngữ nói và chữ viết làm chính. Còn các ngôn ngữ khác khi qua màn hình đã bị diễn dịch đi rồi.

– Ở câu hỏi 2 của Phương Vẹt về cách tương tác với các không gian thực hành mở: chúng ta phải bàn về từ TƯƠNG TÁC trước tiên.

Bản chất của sự và từ tương tác là cả hai hoặc các bên cùng tham gia phần của mình và sự việc chung. Nếu người đến thăm không gian mà không tương tác thì sự tương tác không hoàn thành. Vậy người nào muốn tương tác thì may ra mới nghĩ ra ý tưởng rồi đến hành vi tương tác. Còn ai không muốn, không thích thì không thể dẫn đến kết quả tương tác được. Nếu chỉ bản thân không gian tương tác thì là một đối tác chưa hoàn thiện, nên thật khó nhận ra vẻ “đẹp” của nó. Đông-ki-sốt nhìn cái cối xay gió bực mình nổi cơn mắng nhiếc, khi đã tương tác với cối xay xong thì nằm đơ thật dễ thương không còn hung hăng nữa! Bếp của Hồng Ngọc đã có những người vào trổ tài nấu nướng, nhiều hơn số đó là tọa đàm khi ăn uống và điền những bản hỏi đáp của Ngọc. Ngay không gian gỗ của KTS Tsuneo Noda cũng chỉ “đẹp” khi có sự tương tác của các không gian khác bên trong và các tác phẩm nghệ thuật. Khi dỡ hết râu ria nghệ thuật đi thì không gian kệ gỗ trở nên “bất tiện” cả về thị giác và công năng với tòa biệt thực kiểu Pháp.

– Tôi cũng như các bạn, chỉ tương tác khi có hứng, hay gợi ý. Việc này do các bên tự nguyện không ai bắt bẻ ai. Không thể vì tôi không có hứng mà chê bai ngay một cô gái (ví như không gian kia) trước khi tôi tìm hiểu cô ấy. Khi nghe ý kiến hay gặp thái độ không hợp và vừa ý mình không có nghĩa được phép mắng xối xả người khác. Nhưng xem ra hội chứng này lại khá phổ biến ở Việt Nam, im lặng cũng làm người ta nóng mắt ở các cấp độ mà điển hình cao nhất là giết người vì “nhìn đểu”.

– Cách tương tác thì rất nhiều và đa dạng, khi muốn sẽ đẻ ra khối, mong bạn Phương Vẹt tha cho không liệt kê dài dòng ra đây.

– Khi người tạo ra không gian vắng mặt (các không gian này vẫn mở cửa trong thời gian dự án hoạt động). Các bạn có thể làm bất cứ điều gì trong phạm vi gợi ý của không gian: nấu nướng may vá, lấy chỉ ra chằng quấn hay sắp đặt lại không gian, viết comment, slogan, nghĩ thêm menu mới…Tâm lí lúc này khá thú vị vì bạn sẽ gây ngạc nhiên cho người tổ chức khi quay lại.

– Các cách như Phương gợi ý “nếu có một màn hình tivi nhỏ ở trong xưởng, phát một đoạn video ngắn giới thiệu về không gian mở ấy, các hình thức có thể tương tác, gợi ý những đối thoại” đã xảy ra nhiều trong không gian tương tác ở phương Tây trước kia. Nhưng thực ra các cách này lợi bất cập hại, dễ bị quy hoạch, làm hẹp sự phóng túng trong ý tưởng tương tác của người xem.

Đây là vấn đề mới mẻ với chúng ta, mọi điều viết ra là kinh nghiệm thực hành của cá nhân tôi. Có thể có điểm khác với lí luận hay kinh nghiệm của người khác hoặc nhóm xã hội khác. Ai có ý khác thì chia sẻ. Hai bạn Tùng và Phương Vẹt cứ tiện nghi phản hồi nếu có!

Thân,

Lương

 

Ý kiến - Thảo luận

23:51 Thursday,17.1.2013 Đăng bởi:  NGUYỄN Y VÂN

Cao kiến, cao kiến. Anh Lương viết rất "thả lỏng," thiền và chí lý:


"..Khi nghe ý kiến hay gặp thái độ không hợp và vừa ý mình không có nghĩa được phép mắng xối xả người khác."


Thế mới là d
...xem tiếp

23:51 Thursday,17.1.2013 Đăng bởi:  NGUYỄN Y VÂN

Cao kiến, cao kiến. Anh Lương viết rất "thả lỏng," thiền và chí lý:


"..Khi nghe ý kiến hay gặp thái độ không hợp và vừa ý mình không có nghĩa được phép mắng xối xả người khác."


Thế mới là dân chủ, thế mới là người văn minh do được tương tác nhiều với các bạn nước ngoài chứ. 


Nó khác hẳn hình ảnh anh Trần Lương mà tôi thấy và chắc nhiều bạn nghệ sĩ cũng biết, là trong nhiều cuộc art talk ở chỗ Factory bar Bảo khánh và ở Viện Gớt, triển lãm Dòng sông Biến đổi (river scapes in flux) anh Trần Lương khi đã làm chủ tọa là luôn lấp miệng, dạy dỗ, đè bẹp xối xả những câu hỏi, tranh luận của cử tọa, nên nhiều khi thành ra như một show độc thoại một chiều, và cũng đã từng bị cử tọa phản ứng.


Lời nói? Viết và việc làm là hai việc khác nhau hay là của hai người khác nhau dzậy? 2 in 1?

 
22:43 Thursday,17.1.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng

Anh Lương


Cám ơn anh đã trả lời. em còn muốn hỏi một vài điều, nếu anh có thời gian.


Theo cảm nhận của em thì vấn đề tương tác nhìn chung rất phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa. Tất nhiên bất kỳ người nào cũng có một ngưỡng nhất định cho việc đồng ý hay willing tham gia vào mộ
...xem tiếp

22:43 Thursday,17.1.2013 Đăng bởi:  phó đức tùng

Anh Lương


Cám ơn anh đã trả lời. em còn muốn hỏi một vài điều, nếu anh có thời gian.


Theo cảm nhận của em thì vấn đề tương tác nhìn chung rất phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa. Tất nhiên bất kỳ người nào cũng có một ngưỡng nhất định cho việc đồng ý hay willing tham gia vào một tương tác. nhưng rõ ràng châu Âu có một truyền thống lâu đời về tương tác, đặc biệt từ triết lý La Mã. Cho đến thời kỳ gần đây, tại sao các loại nghệ thuật trình diễn, tương tác trở nên rất phổ biến trong nghệ thuật đương đại, cũng có lý do bối cảnh rất rõ ràng.


Vậy câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam, khi không có một truyền thống lịch sử lâu dài, cũng không có cái bức xúc đương đại như phương Tây, mà chỉ là ảnh hưởng kiểu trào lưu toàn cầu hóa thì quan điểm về tương tác có thay đổi đủ về lượng và chất để tạo một môi trường đủ thuận lợi cho loại hình nghệ thuật này không? Em thì cảm giác trong nhiều tác phẩm ở VN, khán giả và sự tương tác của họ được sử dụng dưới dạng "nguyên liệu" để hoàn thành tác phẩm nhiều hơn là dạng "chủ thể" vừa sáng tạo vừa cảm nhận tác phẩm. Anh có thể kể về một số kinh nghiệm, tác phẩm tương tác tốt đã được làm ở Việt Nam không? và khi đó, vai trò của khán giả cũng như ảnh hưởng đến khán giả như thế nào.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả