Kiến trúc

Trong căn nhà 60 triệu bảng đầy tranh quý, Michael Winner thôi còn ôm gấu bông 05. 03. 13 - 9:23 am

Pha Lê

 

Hôm trước, báo chí Anh Quốc om sòm đăng tin vị đạo diễn kiêm nhà phê bình ẩm thực Michael Winner vừa qua đời; nhưng chắc ít ai biết rằng trước đó báo chí cũng từng om sòm về căn biệt thự 60 triệu bảng và bộ sưu tập tranh minh họa của ông, ông từng rao bán nó cách đây 2 năm, nhưng bán không thành (chắc do chẳng ma nào mua nổi).

Nhà của Michael Winner? Đúng thế, cái biệt thự 47 phòng tên Woodland House ở khu Holland Park. Nơi này từng tiếp đón những nghệ sĩ như Sophia Loren, Marlon Brado, Charles Bronson… Đây là một căn biệt thự cổ, do kiến trúc sư Richard Norman Shaw (1831 – 1912) nổi tiếng của xứ Scotland xây vào thời nữ hoàng Victoria theo đơn đặt hàng của họa sĩ Luke Fildes (1843 – 1927); Sau thế chiến thứ hai thì bố mẹ của Winner mua lại căn biệt thự (lúc đó đang mất giá), rồi Winner mua lại nó từ tay bố mẹ.

Winner trước cổng nhà, do báo Guardian chụp trong một cuộc phỏng vấn với ông.

 

Cận cảnh một phần nhỏ của mặt trước căn biệt thự.

 

Toàn cảnh căn biệt thự Woodland House. Nhìn chung thì từ trước đến giờ nó không thay đổi gì mấy, có khu vườn là khác chút. Có vẻ là căn biệt thự này không thực sự to ngất ngưởng với cái giá 60 triệu bảng. Nhưng nhà Anh Quốc thì vốn nhìn ở ngoài bé, bên trong lại to, sang. Đây cũng là nhà cổ, của kiến trúc sư nổi tiếng xây cho họa sĩ, lại gán mác nhà cổ cấp II* (Cấp I: công trình đáng chú ý, cấp II* (hai sao): công trình đáng chú ý đặc biệt, cấp II: công trình đáng chú ý đặc biệt, phải ráng sức bảo vệ, trùng tu).

 

Nói về lý do bán nhà, Winner than thở “Ôi, nguyên cái nhà này làm tôi phát mệt, tốn rất nhiều sức để chăm chút nó… tôi luôn phải gọi thợ hàn, thợ lát gạch, thợ làm vườn, thợ bóng đèn.”

Thợ bóng đèn?

” Winner nói “Căn biệt thự này có hơn 3,400 bóng đèn. Lúc nào cũng phải có người thay bóng đèn. Tôi vừa nhận hóa đơn hôm kia, gần 1000 bảng cho bóng đèn. Mọi thứ ngày càng trở nên tốn kém, cứ như thể tôi đang quản lý một bảo tàng hoặc một biệt thự cho ông vua chúa nào đó.”

Mọi chuyện quả là không đơn giản, căn biệt thự mới nhìn thì ai cũng cho là bé, nhưng bên trong có đầy đủ hồ bơi, phòng chiếu phim…  Marlon Brando và Charles Bronson cũng từng ở chơi đây một thời gian; huyền thoại Marlon Brandon – trong lúc thoải mái nghỉ ngơi cùng Winner – còn thú nhận với cố đạo diễn rằng anh ghét đóng phim, lúc đầu anh theo học trường kịch chỉ vì muốn gặp mấy cô diễn viên xinh đẹp.

Hồ bơi dưới tầng hầm của căn biệt thự. Nhìn chung thì ở xứ sương mù chỉ có thể xây hồ bơi trong nhà thôi, do thời tiết lúc nào cũng lạnh, nên xây dưới tầng hầm cũng chẳng có gì lạ.

 

Rạp phim tại gia của Winner. Rạp có hệ thống đèn đóm này nọ, nhưng không có ghế giống rạp thật. Winner thích thoải mái nên ông đặt nhiều sofa, mỗi bậc thềm một sofa, và bậc thềm phía sau cũng cao hơn bậc phía trước để người ngồi sau xem được phim dễ dàng, giống cách bố trí trong rạp.

 

Mặt trước của rạp phim, với màn hình vải. Theo lời đồn thì Winner và bạn gái từng mời ngôi sao Warren Beatty cùng ca sĩ Michelle Phillips về căn biệt thự này để xem phim “rạp tại gia”, nhưng trong lúc Winner cùng bạn gái ráng tập trung thưởng thức điện ảnh, Warren lại ôm Michelle hôn lấy hôn để trước mặt chủ nhà.

 

Trong rạp phim, Winner có để một bức tượng nhỏ, tạc đầu của mình theo dạng châm biếm.

 

Vì lắm phòng nên Winner cũng chẳng biết làm gì hết với chúng, lâu lâu ông cứ thay đổi đồ đạc cho vui. Phòng ngủ của ông cũng từng là studio của họa sĩ Luke Fildes – chủ nhà đầu tiên. Vua Edward Đệ Thất đã ngồi trong căn phòng này để Luke vẽ chân dung. Vua Edward còn nói rằng “Đây là căn phòng đẹp nhất London“.

(Một trong những) phòng khách của căn biệt thự.

 

(Một trong những) phòng tắm của căn biệt thự. Winner có đặc điểm là phòng nào cũng treo tranh, nếu bạn nhìn kỹ thì ở hồ bơi dưới tầng hầm nhà ông cũng treo tranh nốt.

 

Một phần phòng ngủ của Winner.

 

Phần còn lại của phòng ngủ. Đây từng là studio của họa sĩ Luke Fildes, Winner có thay đổi nội thất của căn phòng này, nhưng không sửa sang gì về mặt kiến trúc. Cửa sổ to thế thì lấy làm xưởng vẽ là dễ hiểu, nhưng để ngủ thì sao mà ngủ nổi nhỉ? Nhìn mãi chả thấy rèm đâu.

 

Chân dung vua Edward VII mà Fildes vẽ tại studio.

Ở trong căn biệt thự cổ đắt tiền, chuyên làm phim về án mạng, găng-xtơ, bạo lực, nhưng Winner có những thú vui vô cùng… hồn nhiên. Ông thích ăn ngon, thích… gấu bông, và thích sưu tập tranh minh họa cho truyện thiếu nhi. Đặc biệt, ông có rất nhiều bản gốc, bản phác thảo của những họa sĩ minh họa người Anh nổi tiếng như William James, Edmund Dulac, Arthur Rackham, thậm chí cả Beatrix Potter. Ông sưu tập nhiều vô kể, chưa ai biết hết mặt mũi của đống tranh minh họa đó, nhưng lâu lâu Winner đem bán vài ba cái, bỏ túi chừng triệu bảng.

Winner với đống gấu bông.

 

Một trong số tranh minh họa mà Winner sưu tập: Bản phác thảo bé Christopher với gấu Winnie the Pooh của họa sĩ EH Shepard. Đây là một trong gần 100 bản phác thảo gốc, rất có giá trị. Hiện nay thì Winnie the Pooh nổi tiếng lắm, nhưng cái thời Shepard mới sáng tác thì gấu Pooh trông có khác “Pooh thời nay” một chút.

 

Quý không kém là bức tranh này, do Arthur Rackham vẽ minh họa cho cuốn truyện “Peter Pan at Kensington Garden” (mà Disney dùng để làm ra phim họat hình “Peter Pan”). Nghe đâu Winner đã bỏ hơn mấy thập kỷ để sưu tập tranh minh họa đấy.

 

Cũng nằm trong bộ sưu tập của Winner là tác phẩm “Hansel and Gretel” mà Kay Nielsen vẽ minh họa cho truyện cổ tích cùng tên của anh em Grimm (cái thời nghèo đói thì không gì sướng bằng đọc truyện Hansel and Gretel, nhất là đoạn hai anh em vô tình lạc vào căn nhà làm bằng bánh kẹo của mụ phù thủy).

 

Winner mất đi, để lại vợ, nhưng không biết đống của nả của ông sau này sẽ ra sao, từ nhà cửa đến tranh sưu tập, cái gì cũng quý.

 

*

Bài liên quan:

– Michael Winner – đạo diễn bỏ đi làm phê bình ẩm thực – vừa qua đời 
– Michael Winner qua đời, để lại căn nhà 60 triệu bảng và tranh quý

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả