Đi & Ở

Quan chức Nhật, nhân viên Nhật,
cũng là đầy tớ Nhật 25. 01. 13 - 3:12 am

Bài và ảnh: Bùi Hoài Mai

 

 

Mình đã từng may mắn được đặt chân lên nước Nhật năm vừa rồi. Thôi thì đã đọc rất nhiều sự thần kì của Nhật Bản, mà yếu tố chính là con người Nhật. Nhưng hôm nay đọc bài của anh Đăng, thấy có một câu trong điều 15 hiến pháp Nhật: “Tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng” – một câu rất đơn giản mà ở xứ ta vẫn thường nghe. Thế nhưng khi được chứng kiến một câu đơn giản như vậy trong hiến pháp, bằng hiện thực, bằng mắt thấy tai nghe, thì quả thực vẫn “choáng”.

Chuyện thứ nhất: Khi mình đáp chuyến bay từ Nội Bài đến Tokyo, máy bay xuống phi trường Narita. Thôi thì không nói gì đến ấn tượng hiện đại, sạch bong… thực ra cũng chả ấn tượng nhiều lắm vì cũng nhang nhác các sân bay quốc tế ở những nước phát triển khác. Hành khách ào ào đổ xuống cửa hải quan làm thủ tục. Hôm đó cùng xuống có đến vài chuyến nên khách khá đông. Hơn chục quầy làm thủ tục thì chỉ thấy hơn nửa số quầy là có người làm việc. Lúc nào cũng có hai nhân viên hải quan chạy đi chạy lại làm nhiệm vụ hướng dẫn khách vào các quầy. Họ không đi mà chạy. Chạy liên tục, cúi người chào liên tục với từng người khách được họ hướng dẫn.

Chợt nghe thấy tiếng chân rầm rập, mình giật mình, tưởng có chuyện gì. Hóa ra đằng kia, một nhóm khoảng dăm anh hải quan đang chạy. Những người này chạy thực sự, như một cuộc đua marathon vào lúc nước rút. Trong lúc đợi mở quầy, họ vẫn chạy – chạy tại chỗ, để các hành khách không có cảm giác họ thong dong. Rồi khi quầy đã mở, rất vội vàng, họ ngồi vào quầy, và cũng như vậy, hai nhân viên điều phối ở vòng ngoài nhanh chóng mời hành khách sang những quầy mới được mở. Mình cũng được chuyển sang một quầy mới như thế. Chàng hải quan vừa vào ca vội nhổm người chào rồi bắt tay vào làm việc. Không may cho chàng, cái quận giấy in để in mã vạch gì đó bị kẹt. Chàng nhân viên luống cuống với vẻ mặt có lỗi thực sự, rồi vừa loay hoay với cuộn giấy, vừa luôn miệng xin lỗi. Cuối cùng thì cuộn giấy cũng được giải quyết sau khoảng hai phút với sự hỗ trợ của một nhân viên khác. Nhận lại hộ chiếu và đi ra, mình suýt tí té ngửa khi thấy “đồng chí” vừa đến hỗ trợ ở trong quầy đã đứng ở lối ra: lại cúi gập người và xin lỗi vì sự chậm trễ vừa xảy ra. Té ngửa là đúng chứ. Cả đời mình nào đã bao giờ được một nhân viên công quyền gập người chào và xin lỗi như vậy đâu!

 

Chuyện thứ hai: Đến Tokyo, xuống Metro, quả thực là một mê cung. Mình mua vé và nhét vé đi vào, quên béng mất là phải nhận lại vé ở cuối cái máy. Khi đến ga, mình mới nhận ra điều đó và không thể ra được. Đang băn khoăn, mình tìm đến một nhân viên mặc đồng phục đứng ở góc ga. Sau một hồi giải thích, ông rất cố lắng nghe. Cuối cùng ông cũng hiểu ra sau khi đã toát hết mồ hôi trán. Hóa ra trình tiếng Anh phọt phẹt của mình còn tốt hơn ông nhiều. Nở một nụ cười rất tươi, rất hối lỗi vì một việc đơn giản vậy mà làm mất thời gian của mình, rất vội vàng, ông đích thân tự tay mở vài cánh cửa qua lối đi của nhân viên cho mình ra ngoài. Tất nhiên là mỗi lần mình đi qua là một lần gập người chào. Sau đó mình có hỏi vài người bạn về việc phải giữ vé ở cửa ra, họ giải thích là nhà ga làm vậy vì muốn kiểm tra xem đến cuối giờ có ai còn lạc lại trong ga không. Vì đã có trường hợp những người già xuống đến đó và lạc loanh quanh rồi ở lại luôn dưới ga. Nếu thấy vẫn còn phiếu, tức còn người chưa ra hết, các nhân viên nhà ga có trách nhiệm tìm cho bằng được.

Chuyện thứ ba: Lang thang trên phố ở Tokyo, mình bỗng muốn đi vệ sinh, vội tìm đến một cảnh sát đang đứng ở góc ngã tư. Quả thực hôm đó mình gặp may vì nhìn thấy cảnh sát, chứ mấy hôm dạo đều trên phố mà có mấy khi gặp đâu. Mình hỏi nhà vệ sinh công cộng gần nhất. Anh cảnh sát chỉ dẫn khá tận tình: tóm lại trái, phải, phải, trái… nghe mà phát oải. Chắc là phát hiện ra bộ mặt mình quá chán ngán với việc phải nhớ đến từng ấy rẽ phải, trái, sau một phút ngần ngừ, anh nói mình đi theo. Anh dẫn mình vào một ngõ nhỏ, đến một cửa hàng ăn rồi nói mình đợi. Hai giây sau, anh ấy quay ra và mời mình vào. Các nhân viên đều cúi chào làm mình phát hoảng. Một nhân viên tận tình dẫn mình đến phòng vệ sinh trong nhà hàng. Nhưng hoảng nhất là sau khi giải quyết vấn đề xong, bước ra cửa, vẫn thấy viên cảnh sát đứng đợi: anh dẫn mình lại đúng cái chỗ mình gặp anh và chỉ vào tấm bản đồ mình cầm trên tay cho thấy vị trí đang đứng. Cám ơn, cúi chào.. rồi đi một đoạn, mình mới chợt hiểu: hóa ra anh đã rất cẩn thận để mình không phải tìm lại đường lệch với lộ trình mình đã định.

Đấy là ba mẩu chuyện nhỏ mà mình gặp ở Nhật. Mình đâu phải là công dân Nhật, vậy mà cũng được hưởng tí sái cái câu trong hiến pháp Nhật: “Tất cả các quan chức và nhân viên hành chính là đầy tớ của toàn thể cộng đồng”. Hưởng mà nhớ mãi.

Ý kiến - Thảo luận

10:46 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  candid

Cái gì hay thì nên học hỏi.
Nước Nhật thời trước Minh Trị và VN thời Nguyễn đều bế quan tỏa cảng với phương Tây nhưng sau đó dân Nhật đã học hỏi được nhiều thứ từ Phương Tây nhưng VN thì vẫn cho là Phương Tây chả có gì hay.
Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ đều là những ng
...xem tiếp

10:46 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  candid

Cái gì hay thì nên học hỏi.
Nước Nhật thời trước Minh Trị và VN thời Nguyễn đều bế quan tỏa cảng với phương Tây nhưng sau đó dân Nhật đã học hỏi được nhiều thứ từ Phương Tây nhưng VN thì vẫn cho là Phương Tây chả có gì hay.
Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ đều là những người tài giỏi nhưng một người thì những khuyến nghị được trọng dụng còn một người thì những bản điều trần bị bỏ xó.
Thế nên có lẽ tốt nhất là ta nên thẳng thắn thừa nhận yếu kém của ta và học hỏi những cái hay của họ.
 

 
7:29 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Cái Văn

Khi phê bình các công chức Việt Nam làm việc kém hiệu quả hoặc gây phiền hà cho người dân cũng nên nhớ rằng chính người dân Việt Nam (gồm đủ hạng nghề nghiệp to nhỏ) cũng làm việc không mấy hiệu quả và gây phiền hà cho các công chức. Tôi đã từng thấy những quan chức (
...xem tiếp

7:29 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Cái Văn

Khi phê bình các công chức Việt Nam làm việc kém hiệu quả hoặc gây phiền hà cho người dân cũng nên nhớ rằng chính người dân Việt Nam (gồm đủ hạng nghề nghiệp to nhỏ) cũng làm việc không mấy hiệu quả và gây phiền hà cho các công chức. Tôi đã từng thấy những quan chức (công chức hạng cao) qụy lụy mấy nghệ sĩ cà mèng và cũng đã thấy những quan chức bị y bác sĩ nghề nghiệp lôm côm làm cho suýt chết, lại càng thấy nhiều quan chức bị bọn thầy cúng lăng nhăng chỉ bảo và sai khiến như chó con. Các bạn mơ ước bao giờ nước mình được như nước Nhật bởi vì các bạn không may như ông cha mình đã nhìn tận mắt sờ tận tay quân đội Nhật ở Đông Dương, hóa ra bọn lính tráng ấy cũng không hay ho gì đâu. Ngày nay có nhiều người chết mê chết mệt vì mấy món đồ cổ gốm sứ và đồng gỗ của thợ thuyền ta ngày xưa, nhưng chưa thấy ai thử hỏi không biết ngày xưa ấy thì quan chức có tốt thật hay cũng rởm như ngày nay. Các bạn ạ, chịu khó sống thêm nửa thế kỷ nữa hoặc gần trăm năm nữa đi rồi sẽ thấy mọi sự sẽ đổi thay mà.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả