Khác

Trình diễn thơ trong… quán bar 28. 03. 10 - 10:38 am

SOI

21 giờ, quán chật nêm người. Dưới ánh sáng mờ, bên góc trái của quầy bar, một người đàn ông ngoại quốc được mời lên đọc thơ. Nhạc tắt, cả không gian đang chộn rộn bởi hàng chục tiếng cười nói bỗng dưng im bặt, tiếng thơ êm êm cất lên, kể cả khi, nhiều người nghe không hiểu ngôn ngữ của người đang trình diễn… Một đêm thơ, bên nhiều hoạt động văn hóa khác của Tadioto.

Nhà văn/ Dịch giả Nguyễn Quý Đức

Nhà văn/ Dịch giả Nguyễn Quý Đức

Cũ đến kỳ quặc

Tadioto ban đầu là một cửa hàng bán đồ chơi, kỷ vật trang trí lạ, nằm ở giữa phố Triệu Việt Vương, sát vách quán cà phê Cộng. Đồ chơi trong cửa hàng phần lớn tự tay ông chủ  – nhà văn Nguyễn Quý Đức – chế tạo ra: từ bộ xương biết hát, nhảy múa, đến những con lợn bằng gỗ kích thước đủ loại to nhỏ, hoặc là bật lửa cũ được sơn sửa lại… Cuối năm 2008, Tadioto đóng cửa, để rồi xuất hiện một Tadioto khác tại địa điểm khác (nhưng vẫn nằm trên phố Triệu Việt Vương): Tadioto-Bar-Văn hóa.

Tadioto - Bar - Văn hóa

Tadioto – Bar – Văn hóa

Tadioto là một kiểu gọi khác của Ta-đi-ô-tô, nửa Tây, nửa Việt, cũng giống hệt ông chủ của nó nửa Việt, nửa Tây: Dáng người to cao, khuôn mặt tròn, mắt tinh anh, mũi cao, râu quai nón lấm tấm bạc (một khuôn mặt dễ gợi nhớ đến nhà văn Mỹ Ernest Hemingway), nói tiếng Việt có đôi từ ngọng nghịu (vì là gốc Huế), đáp lời người cao tuổi cũng như trẻ nhỏ đều cùng tiếng “vâng”, vậy mà ăn vận thường áo đen, (thi thoảng áo trắng) cài khuy tết, quần bà ba bằng vải nhuộm thô, không cố bắt chước một nông dân Việt Nam thuộc thập niên 30, mà vì ông thích sự thoải mái của loại y phục như thế.

Diện tích Tadioto khiêm tốn, chiều rộng chỉ 3 mét, nhưng lại có 4 tầng lầu, đủ để có phòng triển lãm, phòng sinh hoạt hội họp… Bàn ghế cũng giản dị (đến kỳ quặc): bàn vuông cũ, ghế băng sờn, ghế xa-lông chắc chắn không mới, như thể nhà nào đó bỏ đi thì nhà văn Nguyễn Quý Đức xin lại, thậm chí là bộ ghế dựa bằng gỗ cũ thếch (thường thấy ở các gia đình công chức Việt Nam những năm 70, 80 thế kỷ trước, bên cạnh tủ ly, đài chạy băng cối, vô tuyến 14” đen trắng…) cũng được trưng dụng. Đến cửa ra vào bar cũng không giấu nổi vẻ cũ kỹ, chủ quán lùng mua lại từ một thôn nhỏ ở gần Tam Đảo. Tường quán bốn phía đục bỏ bả để lộ gạch trần, dây điện chạy loằng ngoằng. Theo lời nhà văn Nguyễn Quý Đức, Tadioto “có một tí London, một tí Tokyo, một tí New York.”  Đồ uống có sữa chua nếp ta, cà phê, trà, sinh tố, cốc tai, bia, rượu… đồ ăn cũng “hầm bà lằng”: sushi, bánh xèo, bún chả, sandwich… Ấy vậy mà quán luôn đông khách, nhất là những tối có chương trình đọc thơ, gặp gỡ nhà văn/dịch giả/nhà nghiên cứu, chơi nhạc ngẫu hứng, nghệ thuật trình diễn hay sắp đặt, chiếu phim, hát ca trù… thì người người phải chen nhau để đứng.

Tadioto - một buổi chiếu phim

Tadioto – một buổi chiếu phim

Quán đông khách vì ông chủ là người quảng giao, ai cũng có thể đến chơi và dễ dàng kết bạn. Ông chủ thường dùng website, blog, facebook, để giới thiệu chương trình văn hóa sắp diễn ra tại Tadioto và gửi thư điện tử, tin nhắn mời từng người quen. Dân văn chương không lạ gì Nguyễn Quý Đức, vì ông vừa là dịch giả, vừa là nhà văn. Trong Hội nghị Giới thiệu văn học Việt Nam đầu tháng Mười vừa rồi, ông được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam gắn tặng một huân chương trên ngực cho “công trạng” dịch thuật các tác phẩm Việt Nam. Sách đã xuất bản của ông chủ yếu là sách dịch, sách sáng tác thì chỉ có tiếng Anh, tuy đã rất nhiều truyện viết tiếng Việt trên các tuyển tập, tạp chí văn học. Nguyễn Quý Đức có nhiều quan hệ tốt với các tổ chức văn hóa trong cũng như ngoài nước, các Đại sứ quán… nên cũng không khó khi mời được nhân vật tiếng tăm hoặc được “gửi gắm” là nơi để nghệ sĩ/nhà văn/nhà nghiên cứu từ các nơi trên thế giới đến giao lưu với công chúng (như  trường hợp nhà văn Ý Paolo Giordano tác giả của Nỗi cô đơn của các số nguyên tố đang gây sốt ở Việt Nam). Ngoài ra, nghề nghiệp chính của Nguyễn Quý Đức từng làm là báo chí. Khi còn ở Mỹ, ông là nhà báo chuyên về Á Châu, viết phóng sự, xã luận về các nước trong vùng, hay là về người Á Đông, sống ở Mỹ như người Hoa, người Hàn; tổ chức triển lãm, sự kiện văn hóa của người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung… Trước khi về Việt Nam, ông làm chương trình phát sóng về người Á Châu, mối liên hệ của các nước Á Châu với Bắc Mỹ, nhờ vậy có nhiều cơ hội sang Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp xúc với môi trường tự nhiên, con người và văn hóa các nước này.

Từ lúc rời nước năm 17 tuổi, ông vẫn ôm ấp giấc mơ về sống ở Việt Nam – một giấc mơ trở thành sự thật vào năm 2006.

Ở Hà Nội để tìm lại mình

Sinh tại Đà Lạt, trong một gia đình gốc Huế, từng sống ở nhiều nước: Mỹ, Anh, Ma-rốc, Indonesia, Hồng Kông… vậy mà nơi cuối cùng nhà văn Nguyễn Quý Đức muốn sống trọn là Hà Nội: “Ở đây có mùa, có cuộc sống, có sự thu kín, chịu đựng và vẻ tự trọng thật hay của người Hà Nội.”

Ba năm, thời gian quá ngắn để tìm hiểu Hà Nội, thế nhưng ông đã nhanh chóng chọn đường Triệu Việt Vương là nơi gây dựng công việc mới, một con đường rất biểu trưng Hà Nội, chứ không phải là một phố cổ nào đó chủ yếu dành cho khách du lịch. Với nhà văn Nguyễn Quý Đức: “Triệu Việt Vương là con đường sinh hoạt thực thụ của người Hà Nội. Hàng ngày, người dân Hà Nội tìm đến, ngồi tràn từ trong nhà đến vỉa hè để uống cà phê, tán gẫu. Hàng quán ở Triệu Việt Vương cạnh tranh lành mạnh, quán bên cạnh vẫn sẵn lòng cho khách hàng của tôi gửi xe, đi đâu về cũng nhận được lời hỏi han. Những nơi khác ở Hà Nội lạnh lùng hơn, không có tinh thần ấy!”.

Một buổi biểu diễn nhạc tại Tadioto

Một buổi biểu diễn nhạc tại Tadioto

Được một quỹ từ thiện ở Mỹ tài trợ (mỗi năm dành cho mười người làm việc về cộng đồng tốt: từ chống chiến tranh hạt nhân đến chăm nom những người vô gia cư… nhằm giúp họ sống và lo việc cá nhân), nhà văn Nguyễn Quý Đức mở quán Tadioto với mong muốn để người Việt Nam cũng như nước ngoài có nơi gặp gỡ, giao lưu thường xuyên.

Để tạo cảm giác gần gũi ai cũng có thể đến, Tadioto vừa là quán giải khát, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, đồ đạc giản dị nhưng được sắp xếp theo thẩm mỹ, giàu tính biểu tượng về sinh hoạt của người Việt. Ông mất nhiều thời gian để chuẩn bị các sinh hoạt và có khi tiếp khách đến 5 giờ sáng. “Người Việt mình là thế, khách đến nhà thường nhường cho mâm cơm ngon nhất, manh chiếu tốt nhất”, ông nói.

Đây cũng là nơi chốn để ông làm việc. Ba năm sống ở Việt Nam, ông kịp dịch sáu kịch bản/đối thoại từ tiếng Việt sang tiếng Anh của các tác giả: Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nhật Linh, Vương Đức… Một phần là để tự tìm hiểu suy tư của người làm phim từ trẻ đến lớn tuổi, một phần là giúp giới thiệu họ đến các hãng phim, Liên hoan phim trên thế giới mà ông có quan hệ.

Ông chủ Tadioto trình diễn thơ

Ông chủ Tadioto trình diễn thơ

Hiện với cương vị là BTV của tạp chí Văn học Á Châu có trụ sở tại Hồng Kông, nhà văn Nguyễn Quý Đức đang tiến hành lựa chọn các tác phẩm truyện ngắn, thơ của người Việt ở trong nước cũng như nước ngoài dịch sang tiếng Anh để giới thiệu. Ông nhờ bạn bè của ông như dịch giả Dương Tường, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Phan Thị Vàng Anh… tìm giúp những tác giả Việt “có thể sống được với thời gian”.

“Mong muốn nhất của tôi lúc này là dịch được tác phẩm văn chương, truyện ngắn, và thơ của Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ sang tiếng Anh để giới thiệu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với Tadioto, là việc quảng bá văn hóa của các nước rất gần gũi trong khi mình chưa biết nhiều về họ như các nước Ả-rập, Palextin, I-ran, Indonesia, …” nhà văn Nguyễn Quý Đức chia sẻ. Gần đây nhất, Tadioto giới thiệu một nhà thơ Sri Lanka và một nhạc sĩ Ireland – nói về đất nước bị xâm chiếm, chịu dựng hậu quả nội chiến. “Họ dễ thông cảm với mình, và mình cũng học hỏi được nhiều ở những người như thế.”

Nhớ lại đêm trình diễn thơ ấy, mặc dù Tây không hiểu tiếng ta và không phải “ta” nào cũng hiểu tiếng Tây, mặc dù chỉ có giọng đọc là phụ trợ duy nhất cho cuộc “trình diễn” chứ không màu mè nhiều thiết bị hiện đại như rất nhiều trình diễn ở chỗ khác, cử tọa đều thực sự cảm thấy mình ở trong bầu khí quyển của thơ ca. Thơ ở trong quán bar thì vẫn là thơ đích thực, khi quán bar đó biết cách gợi hứng cả người đọc lẫn người nghe.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả