Nhiếp ảnh

Dạy gì và học gì ở khoa Nhiếp ảnh của Học viện CAFA? 12. 02. 13 - 6:57 am

Nguyễn Thế Sơn

 

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật đương đại Trung Quốc nổi lên trên bình diện nghệ thuật thế giới như một hiện tượng áp đảo trong khoảng một thập niên trở lại đây. Ngoài những gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng xuất hiện với những tác phẩm dưới hình thức hội họa giá vẽ như sơn dầu hay điêu khắc, sắp đặt, trình diễn… thì nhiếp ảnh nói riêng cũng như nghệ thuật đa phương tiện nói chung của Trung Quốc cũng đã có những bước tiến dài. Góp phần vào sự hình thành và phát triển một cách chuyên nghiệp hóa của nền nhiếp ảnh và nghệ thuật đa phương tiện đó không thể không đề cập tới hệ thống khoa nhiếp ảnh được thành lập trong các Học viện nghệ thuật trên khắp Trung Quốc.

Trong phạm vi bài viết này tôi muốn đề cập đến một trường hợp cụ thể đó là khoa Nhiếp ảnh của Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh (CAFA), nơi tôi đã theo học Thạc sỹ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật trong suốt 4 năm qua và có những hiểu biết khá chi tiết để có thể kể ra câu chuyện như một người trong cuộc.

Bên trong tòa nhà Học viện Thiết kế

1. Hoàn cảnh ra đời và hình thành khoa Nhiếp ảnh

Trước hết có thể nói, bối cảnh tình hình xã hội Trung Quốc bước vào những thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế, giáo dục, xã hội thời điểm năm 2000 khi chính phủ Trung Quốc đưa ra những chính sách rất quyết đoán để thu hút nhân tài là Hoa kiều về nước để giúp đỡ và xây dựng một môi trường chuyên nghiệp, bài bản trong các trường đại học nói chung và trong Học viện Mỹ Thuật nói riêng nhằm đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa giáo dục để bắt kịp với những thay đổi của Trung Quốc trong thời đại mới. Từ năm 2000, sau khi Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh (CAFA) được chuyển đến địa điểm rộng rãi hơn để đáp ứng quy mô đào tạo mới, Học viện đã tái cấu trúc thành lập thêm khoa mới, mở thêm Học viện Thiết kế, Học viện Kiến trúc. Những nghệ sỹ Hoa kiều nổi danh như Xu Bing (hiện là Viện phó Học viện CAFA), Ma Gang (Viện trưởng Học viện Thiết kế), Miao XiaoChun (Trưởng khoa nhiếp ảnh) thời điểm đó là những người đã vô cùng tích cực góp phần xây dựng nên khoa Nhiếp ảnh thuộc Học viện Thiết kế. Năm 2002, khoa Nhiếp ảnh chính thức được thành lập, tiền thân là xưởng thực nghiệm của khoa Đồ họa kết hợp với quá trình hình thành Học viện Thiết kế, trở thành một trong những chuyên ngành mũi nhọn của Học viện Thiết kế cùng với những chuyên ngành khác như video art, hoạt hình, thiết kế thời trang, thiết kế trang sức, thiết kế sản phẩm, thiết kế mạng…

Khoa thiết kế sản phẩm ô tô

Chuyên ngành Nhiếp ảnh khởi đầu chỉ là một phương pháp thử nghiệm cho khoa Đồ họa trong Học viện Tạo hình. Sau đó, một đội ngũ giảng viên trẻ của khoa Đồ họa đã tìm cách gây dựng bằng phương thức chuyển giao công nghệ, đưa toàn bộ quy trình đào tạo từ cơ sở kỹ thuật, thiết bị máy móc đến cả giáo trình, giáo án cũng như phương pháp giảng dạy mới của khoa Nhiếp ảnh tại Học viện nghệ thuật danh tiếng ở Úc sang Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh. Đội ngũ giảng dạy đầu tiên chính là những giảng viên trẻ của khoa Đồ họa, sau khi lấy bằng Thạc sỹ về nghệ thuật chuyên ngành nhiếp ảnh tại Úc đã đảm nhận trách nhiệm xây dựng khoa nhiếp ảnh tại Học viện CAFA từ những bước đầu tiên. Các chuyên gia, nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng cũng được mời về gia nhập vào đội ngũ giảng viên của khoa. Vào thời gian đó, cùng với sự phát triển nở rộ của nghệ thuật đa phương tiện, đặc biệt là Nhiếp ảnh và Video Art, các không gian triển lãm và thử nghiệm nghệ thuật nhiếp ảnh đã được hình thành nhanh chóng tại các khu nghệ thuật như khu 798 hay Caochangdi. Đội ngũ các nghệ sỹ thị giác sử dụng nhiếp ảnh đa phương tiện làm ngôn ngữ sáng tác được gia tăng nhanh chóng. Không chỉ các gallery chuyên về nhiếp ảnh mà rất nhiều gallery vốn chuyên về các thể loại nghệ thuật khác cũng sẵn sàng mở triển lãm nhiếp ảnh. Vị trí của nhiếp ảnh nghệ thuật được nâng lên nhanh chóng và được khẳng định trong đời sống sáng tác, hòa chung trong không khí hừng hực của nghệ thuật đương đại Trung Quốc bước vào thời kỳ hoàng kim.

Chính vì thế, khoa Nhiếp ảnh được thành lập như một nhu cầu tất yếu và tự nhiên của thời cuộc những năm 2000. Chuyên ngành Nhiếp ảnh đã được ghi nhận và đánh giá như một chuyên ngành chính thức có vị trí ngang hàng với tất cả các chuyên ngành khác trong Học viện vốn có bề dày lịch sử hình thành lâu đời như Trung Quốc họa, sơn dầu, điêu khắc… Ngoài nhu cầu của bản thân đời sống nghệ thuật đương đại, cuộc sống hiện đại và tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO năm 2001 cũng kéo theo một nhu cầu rất lớn những công việc của thị trường quảng cáo sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng phát triển. Chính từ thực tế phát sinh nhu cầu rất lớn của nhiếp ảnh quảng cáo, nhiếp ảnh thời trang… đã dẫn đến nhu cầu đào tạo ra các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có đầy đủ kỹ năng tay nghề cũng như tư duy sáng tạo để phục vụ cho những nhu cầu của đời sống xã hội hiện đại.

Trên đây là đôi nét về hoàn cảnh, động lực dẫn đến việc hình thành khoa Nhiếp ảnh trong Học viện CAFA.

2. Mục tiêu đào tạo

Ngay từ khi thành lập khoa Nhiếp ảnh đã đặt ra hai mục tiêu rất rõ ràng cho việc đào tạo các cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật.

Mục tiêu thứ nhất là trong quá trình học, sinh viên phải nắm bắt được tất cả các kỹ thuật về nhiếp ảnh từ kỹ thuật buồng tối đến các kỹ năng trong nhiếp ảnh thời trang, nhiếp ảnh sản phẩm, nhiếp ảnh kiến trúc… để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được mọi nhu cầu, có khả năng thích ứng được những yêu cầu thách thức của thực tế đa dạng. Sinh viên ra trường được rèn luyện trau dồi kỹ năng thành thục về mặt kỹ thuật, nắm vững các nguyên lý kỹ thuật của từng dạng từ nhiếp ảnh truyền thống đến kỹ thuật hậu kỳ tiên tiến.

Phòng tối thực hành kỹ thuật phóng ảnh đen trắng

Mục tiêu thứ hai và cũng là mục tiêu quan trọng đó là tạo ra những con người có khả năng tư duy độc lập, biết cách làm việc theo nhóm, biết lập dự án và có khả năng thuyết trình. Nâng cao bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên là một mục tiêu không chỉ khoa Nhiếp ảnh mà tất cả các khoa khác trong Học viện đều hết sức chú trọng. Thường xuyên ra bài tập cho sinh viên kết hợp với chuyên ngành thiết kế của khoa khác như thiết kế sản phẩm tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang đồ trang sức… cùng nhau làm việc theo nhóm, cùng lên kế hoạch, thảo luận, thương thuyết sao cho đạt sự đồng thuận về ý tưởng và cách thức tiến hành. Điều này đặc biệt quan trọng với sinh viên thiết kế vì sau này phải làm việc với nhiều nhóm khác nhau trong môi trường xã hội thực tế. Nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường nếu được học cách làm việc theo nhóm giữa các ngành nghề khác nhau, vừa phối hợp vừa hỗ trợ lẫn nhau, tác động qua lại để phát triển nhiều mảng liên chuyên ngành về sau, có như vậy mới có thể tạo nên những thay đổi tích cực cho các hoạt động xã hội. Ở trình độ thạc sỹ, các sinh viên buộc phải thành lập nhóm để cùng nghiên cứu khảo sát vấn đề do giáo sư đưa ra, để rồi sau đó cùng trình bày, bảo vệ hoặc đưa ra ý kiến và quan điểm của mình.

Mục tiêu của khoa là đào tạo ra những con người làm việc độc lập, kỹ năng thành thạo, hiểu biết các chuyên ngành liên quan, biết hợp tác, biết giải quyết vấn đề. Đó chính là những điều kiện hết sức cần thiết để trang bị cho những người làm nghệ thuật sáng tạo.

3. Đặc điểm cấu trúc của khoa

Khoa nhiếp ảnh được tập hợp từ nhiều xưởng cố định, bao gồm:

– Một studio ảnh đen trắng, có đầy đủ thiết bị phóng ảnh, tráng phim thực hành các kỹ thuật buồng tối.
– Một studio ảnh màu, tập trung máy móc tráng rửa, phóng ảnh màu.
– Một studio chuyên để sinh viên làm quen, thử nghiệm các phương pháp chế tác ảnh truyền thống và các kỹ thuật đặc biệt.
– Một studio hậu kỳ, in ấn các tác phẩm của sinh viên, giảng viên.
– Ba phòng máy tính để sinh viên thao tác các bài tập nhiếp ảnh.
– Một studio rộng 500m2, trần cao hơn 10m vừa làm chỗ cho sinh viên thực hành các kỹ thuật chụp đèn, vừa làm phòng đa năng dành cho các hoạt động chuyên ngành khác.
– Ba studio nhỏ để sinh viên thực hành các bài tập sử dụng đèn phòng.
– Một studio dành riêng cho nghiên cứu sinh thạc sỹ các khóa.
– Một kho thiết bị lớn bao gồm tất cả các trang thiết bị máy móc từ máy chụp phim, máy ảnh số, ống kính, chân đèn, chân máy, đèn chụp các loại đến các thiết bị chuyên dùng. Luôn có nhân viên kỹ thuật trực để cho sinh viên đăng ký mượn thiết bị như thư viện, chỉ cần có giấy tờ có xác nhận của giáo viên hoặc giáo sư hướng dẫn.

Studio chụp ảnh

 

Kho vật tư thiết bị ảnh cho sinh viên đăng ký mượn.

Ở các xưởng chuyên môn luôn có những kỹ sư và trợ giảng hỗ trợ về kỹ thuật và giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

Các chuyên ngành nhiếp ảnh sinh viên bắt buộc phải học qua như nhiếp ảnh đen trắng, ảnh màu truyền thống. Sử dụng máy phim lớn để chụp tĩnh vật, sản phẩm trong buồng tối, nhiếp ảnh kiến trúc, nhiếp ảnh thời trang.

Có một đặc điểm nữa rất cụ thể, các xưởng (studio) là cố định, chương trình khung là cố định, các giáo sư, giảng viên và trợ giảng lên lớp theo lịch trình cố định, còn sinh viên các bậc học sẽ tự đăng ký một kế hoạch cá nhân với khoa, miễn sao sau 4 năm học phải hoàn thành các đầu mục chuyên ngành và số học phần thì mới được xét tư cách tốt nghiệp. Chính vì thế một đợt lên lớp chuyên ngành của giảng viên và giáo sự thường sẽ có sinh viên các bậc học khác nhau cùng học chung với nhau. Với đặc điểm này sẽ không xảy ra việc giảng viên phải giảng dạy chồng chéo, lặp đi lặp lại, gây lãng phí thời gian và công sức, hơn nữa có thể khai thác tối đa nguồn lực cơ sở vật chất và khả năng lên kế hoạch của sinh viên và nghiên cứu sinh.

4. Cơ cấu tổ chức đào tạo của khoa

Trong khoa có sự phân công công việc rõ ràng và khoa học:

Giáo sư là người chuyên hướng dẫn nghiên cứu sinh cao học, mỗi giáo sư chỉ được nhận 1 đến 2 sinh viên một năm. Mỗi năm, ngoài thời gian làm việc với các sinh viên bậc đại học trong những học phần cụ thể về phương pháp sáng tác và tư duy nghệ thuật, mỗi giáo sư phải có các triển lãm sáng tác đều đặn, các dự án cá nhân và nghiên cứu nghệ thuật thường xuyên.

Giáo sư hướng dẫn sinh viên sử dụng máy ảnh phim lớn.

Dưới giáo sư là các giảng viên và trợ giảng trực tiếp giảng dạy các bộ môn chuyên ngành. Một bộ phận rất quan trọng trong bộ máy đào tạo của khoa đó là các kỹ sư, các chuyên viên về kỹ thuật luôn trực ở các studio để trợ giúp và hướng dẫn cho các sinh viên khi có yêu cầu.

Giảng viên giảng bài chụp chân dung.

Tất cả các vị trí nêu trên đều được ký hợp đồng theo năng lực thực tế và theo đánh giá hàng năm của Hội đồng nhà trường và đánh giá của sinh viên sau mỗi năm học. Đây chính là điều kiện ràng buộc cần thiết để mang lại những kết quả tích cực cho môi trường đào tạo.

Ngoài ra, các giáo sư và các giảng viên thường kết hợp các bài tập chuyên ngành của sinh viên với những hợp đồng từ các công việc bên ngoài để sinh viên có cơ hội làm quen và học cách làm việc với những đòi hỏi khắt khe của thị trường (ví dụ như hợp đồng chụp ôtô, đồng hồ, nước hoa, đồ gia dụng… của các hãng nổi tiếng), bằng cách này sinh viên sẽ được tiếp cận công việc thực tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thực hành chụp chân dung

 

Bài tập chụp sản phẩm giày

 

Bài tập chụp sản phẩm inox

 

Bài tập chụp sản phẩm

 

Bài tập chụp đồ trang sức

 

Bài tập chụp đồng hồ

Trong các buổi lên lớp về tư duy sáng tác, giáo sư đóng vai trò như một giám tuyển, dẫn dắt sinh viên từng bước nghiên cứu và khám phá, các sinh viên phải tự lên ý tưởng và trình bày cho mọi người cùng nghe về phương pháp luận và cách thức tiến hành của mình, sau đó cùng nhau đánh giá, hỏi đáp. Khi mỗi sinh viên trình bày vấn đề mình quan tâm và phương hướng giải quyết thì phải có trách nhiệm giải trình vấn đề của mình trước đó đã có ai làm hay chưa, nếu có thì vấn đề của mình có điểm gì khác biệt so với những tác giả trước đã từng làm. Việc này buộc sinh viên phải tra cứu, tìm hiểu để tiếp cận vấn đề và bảo vệ nó, chịu trách nhiệm với những sáng tạo của mình. Đó không chỉ là cơ sở để thuyết phục người khác mà còn là cách tự mình tìm ra điểm mấu chốt của vấn đề đang nghiên cứu. Trên thực tế, đây chính là bài học về đạo đức nghề nghiệp cho các sinh viên.

Một buổi thảo luận với giáo sư.

 

Thực hành chụp sản phẩm trong buồng tối.

Bên cạnh đó, các giáo sư luôn cố gắng sử dụng uy tín của cá nhân để mời các nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước đến giao lưu nói chuyện và tổ chức triển lãm ngay tại trường để sinh viên được mở mang kiến thức. Phải kể đến những nghệ sĩ nhiếp ảnh lừng danh thế giới đã đến Học viện như Hilla Becher, Hiroshi Sugimoto, David LaChapelle.

Trong các năm học, sinh viên cũng được tạo điều kiện để học tập giao lưu với các Học viện nghệ thuật khác ở Châu Âu và Mỹ (thường là một học kỳ), đồng thời được tổ chức các workshop trao đổi với các Học viện nghệ thuật khác trên thế giới.

Một buổi workshop trao đổi với sinh viên quốc tế

Tất cả những hoạt động đó đã làm cho tư duy nghệ thuật cũng như nhãn quan của sinh viên trong trường được nâng lên một tầm chuyên nghiệp hơn, không bị tụt hậu so với các trung tâm đào tạo nghệ thuật khác trên thế giới. Trong khoảng 10 năm qua đã có rất nhiều sinh viên thành danh ngay từ khi còn học trong trường như Chen Man, Chi Peng, Yang Yi, Liu Ren… mang lại niềm tự hào cho khoa Nhiếp ảnh của Học viện Mỹ thuật CAFA.

Tác phẩm của Chen Man

 

Tác phẩm của Chen Man

 

Tác phẩm của Chen Man

 

Tác phẩm của Chi Peng

 

Tác phẩm của Chi Peng

 

Tác phẩm của Chi Peng

 

Tác phẩm của Yang Yi

 

Tác phẩm của Yang Yi

 

Tác phẩm của Yang Yi

 

Tác phẩm của Yang Yi

 

Tác phẩm của Yang Yi

 

Tác phẩm của Yang Yi

Qua những thông tin kể trên, có thể thấy nhiếp ảnh đã dần trở thành một công cụ sắc bén trong cách thức biểu đạt nghệ thuật. Điều quan trọng là sau khi khoa nhiếp ảnh, Video Art cùng với khoa Nghệ thuật thực nghiệm chính thức được thành lập và hoạt động có hiệu quả, đã mang đến không khí cởi mở cho tất cả các ngành học khác trong Học viện như sơn dầu, bích họa, điêu khắc… đều có thể sử dụng nhiếp ảnh như một chất liệu chính thức cho tác phẩm chuyên khoa hay tốt nghiệp của mình tạo nên sự giao thoa, mở rộng, tự do biểu đạt của các chuyên ngành, không còn rào cản cứng nhắc về chất liệu như trước nữa. Nhiếp ảnh đã góp một tiếng nói hay đúng hơn là một giải pháp trong quá trình biểu đạt tư duy của nghệ thuật thị giác trong thời đại mới. Nhiếp ảnh làm phong phú cách thức đào tạo nghệ thuật trong môi trường Học viện. Khoa nhiếp ảnh đã góp phần giải quyết vấn đề hiện đại hóa giáo dục của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 21, đưa giáo dục nghệ thuật Trung quốc bắt kịp với các xu hướng giáo dục nghệ thuật trên thế giới, không chỉ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường ngành quảng cáo và truyền thông mà còn làm thay đổi diện mạo môi trường giáo dục trong Học viện, biến Học viện trở thành một trung tâm quan trọng về học thuật, nơi ươm mầm cho các sáng tạo phát hiện mới.

 

*

Bài đã đăng trên Tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh số 1+2 năm 2013 (Tạp chí của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm) với tên “Nhìn lại mô hình đào tạo khoa Nhiếp ảnh đa phương tiện (Học viện Nghệ thuật TW Bắc Kinh)”.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả