|
|
|
|||||||||||||
Bàn luận2 quan điểm vs 4 kết luận: có nhiều khác biệt, nhưng không sao 10. 12. 14 - 11:44 amTrịnh LữSOI: Trao đổi này vốn là cmt cho bài “Trả lời 3 câu hỏi: về tính “nói mồm”, về khoa học não, và về cái mới trong nghệ thuật“, nằm trong loạt “Lời hay không lời” mà Soi có dẫn danh sách ở cuối bài. Các bạn đọc theo thứ tự để giữ được mạch thảo luận nhé. Tên bài do Soi đặt. Cảm ơn các tác giả rất nhiều vì đã bỏ thời gian bàn bạc thấu đáo trên Soi. Nói như tác giả Trịnh Lữ, “Bàn bạc là để học”. * Hoan nghênh Tùng đã chịu khó giải đáp mấy thắc mắc của cậu. Nhưng cậu thấy một là Tùng hiểu sai câu hỏi cậu nêu ra, hai là những giải đáp của Tùng bộc lộ mâu thuẫn cũng như một số quan điểm rất nên được bàn luận, nên cậu xin hồi âm ngay nhé. Nhưng trước hết, cậu muốn nói là mình chỉ nên bàn luận về quan điểm, những gì mình biết và chưa biết, để học hỏi lẫn nhau; chứ đừng tranh luận những gì thuộc về “thị hiếu” (taste), mất thời gian vô ích. Quan điểm thứ nhất cậu nêu ra là về chuyện các nghệ thuật đương đại được coi là tiên phong, được truyền thông nhiều nhất và gây tranh cãi cũng nhiều nhất, đang trở thành VĂN HỌC – LITERATURE. Bởi vì những “tác phẩm”, “hành động” cũng như “quá trình” của các dạng nghệ thuật ấy chỉ có thể đến với người chứng kiến (cậu không dùng ‘xem’ hay ‘thưởng ngoạn’ ở đây), hoặc người ‘tham gia’ thông qua LỜI – những bản tuyên ngôn của tác giả, những bài phê bình giới thiệu tán tụng hoặc gây choáng của giới phê bình, giám tuyển, báo chí… Cậu thì gọi đây là các “nghệ thuật nói mồm”. Và nói rằng mình không thích những thứ đó. Nhưng Tùng lại cho rằng cậu chụp cái mũ nói mồm này cho toàn bộ nghệ thuật hiện nay. Đấy là một hiểu lầm của Tùng. Rồi Tùng lại dùng khái niệm “nghệ thuật là literally” – mà Tùng hiểu là “tính kể chuyện của nghệ thuật” để bàn luận – là hoàn toàn lạc đề. Quan điểm thứ hai của cậu là về sự tồn tại hay không tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Nôm na thì cậu đang hỏi là “Với Tùng thì có cái gọi là tác phẩm nghệ thuật hay không? Hay mình cứ gọi cái gì là tác phẩm nghệ thuật là nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật?” Trước đây cậu có đọc vài thứ về vấn đề này, trong đó cậu thích nhất là bài “Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật” của Martin Heidegger. Cậu tin rằng tác phẩm nghệ thuật có tồn tại, không phụ thuộc vào việc mình có chấp nhận nó là tác phẩm nghệ thuật hay không – vì cái sự chấp nhận hay không ấy chỉ là vấn đề thị hiếu. Tùng không giải đáp câu hỏi giản dị của cậu, mà lại bàn về “khoa học não và cơ chế cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật” – cũng là một kiểu lạc đề thường gặp khi ta rời bỏ phạm trù nghệ thuật để nhìn mọi thứ từ quan điểm triết học nhận thức. Đọc phần giải thích này của Tùng, cậu nghĩ là Tùng vẫn giữ quan điểm “không có tác phẩm nghệ thuật tự thân”. Theo Tùng thì khoa học não, Plato, Greenberg và Phật đều nhất trí rằng thế giới này chỉ là huyễn ảo – illusion. Bức tranh mình nhìn thấy cũng chỉ như cái bóng lung lay trên vách hang, chứ không phải cái gốc tạo ra nó. Chả biết cậu hiểu thế có đúng ý Tùng không, hay là do cậu không hiểu được câu chữ của Tùng. Ba kết luận của Tùng rút ra từ khoa học não và cơ chế cảm thụ tác phẩm nghệ thuật cũng khiến cậu lo lắng về những quan niệm riêng của mình. Để cậu viết nó ra đây xem nó ra làm sao: Kết luận thứ nhất của Tùng là mọi tác phẩm đều phải chuyển tải thông điệp, mà Tùng gọi là phải “literally”, cho dù có đúng với ý đồ tác giả hay không. Chỗ này cậu lúng túng quá. Ở đầu bài Tùng đã dùng chữ này, đến đây lại dùng nữa. Không biết Tùng lấy chữ “literally” ở nguồn nào mà lại có nghĩa là “tuyền tải thông điệp”, hoặc “kể chuyện” – cậu chỉ thấy khi nói đến nghệ thuật có tính kể chuyện, như tranh tôn giáo, lịch sử, huyền thoại… thì tiếng Anh họ dùng chữ “narrative” chứ không thấy chữ “literally” bao giờ. Hay là cậu chưa đọc được sách Tùng có? Vấn đề là ở chỗ: không phải loại hình nghệ thuật nào cũng là “narrative”. Nếu sáng tác mà không có ý định kể chuyện hoặc truyền tải thông điệp gì, thì không thể gọi tác phẩm ấy là “kể chuyện” gì được. Còn việc người xem cảm nhận nó như cả một câu chuyện thì lại là chuyện khác. Không thể lấy cảm nhận của người xem để kết luận rằng hễ đã là tác phẩm nghệ thuật là phải có tính kể chuyện, phải có thông điệp. Đơn giả là: khi ta nhìn một phong cảnh, một bông hoa… ta còn nghe thấy một câu chuyện nào đó, cảm nhận được một thông điệp nào đó cơ mà. Cậu nghĩ rằng thực ra là Tùng muốn nói rằng “Đã là tác phẩm nghệ thuật, thì thể nào nó cũng nói với ta được một điều gì đó, dù chỉ là một cảm xúc mơ hồ.” Nhưng Tùng lại vô ý dùng lý thuyết truyền thông và khái niệm “literally” rất không đúng chỗ nên thành ra lúng túng cho người đọc như cậu. Kết luận thứ hai của Tùng từ khoa học não là “mọi thông tin khác có ảnh hưởng tới cảm xúc của người xem cũng không khác gì tác phẩm”. Chắc chắn là cái này đúng với trình diễn, với những “hành động” và “quá trình” mà người chứng kiến được coi là “tham gia” vào đó. Nhưng không đúng với mọi loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tồn tại ở tác phẩm. Một bức tranh của Rembrandt, khi bày ở bảo tàng hay trên internet, in trong vựng tập, trong sách báo… thì sao? Những thứ làm tôn lên hoặc gây hại đến việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật có tư cách tự thân liệu có nên coi là tác phẩm? Có biết bao nhiêu thông tin về một bức tranh của Rembrandt, sai lầm có, quá đáng có, đủ thứ khác nữa, nhưng khi đứng trước bức tranh ấy, ta có coi những thông tin ấy là một phần của bức tranh ấy không. Chỉ có những ai không có liên lạc gì với hội họa thì mới phụ thuộc đến mức ấy vào “thông tin”. Cả ở đây nữa, Tùng cũng bộc lộ một khăng khít tự nhiên với nghệ thuật đương đại đang trở thành văn học – nhưng đó là thị hiếu của Tùng, cậu không có ý kiến gì. Chỉ có điều là kết luận này của Tùng không liên quan gì đến câu hỏi có hay không có tác phẩm nghệ thuật. Kết luận thứ ba cũng lặp lại quan điểm của Tùng, theo cậu là đối với nghệ thuật đương đại là chính, rằng cảm nhận nghệ thuật thì mỗi người mỗi khác, nhưng muốn định giá thì phải có thông điệp của tác giả hoặc giám tuyển, nhất là khi tác phẩm không có thông điệp rõ ràng. Thì cũng vẫn là quan điểm không có tác phẩm nghệ thuật tự thân, gì thì gì vẫn phải cần văn thì người ta mới nhận ra nó, và may ra thì bỏ tiền ra mua nó. Cái này thì đúng với thực tế quá rồi. Cậu cũng bảo là nếu đã làm nghệ thuật này thì phải nói thật hay mới được mà. Chứ cậu có bảo là chỉ cần làm mà không cần nói đâu. Có dịp mình bàn về cái gọi là “Intention” trong nghệ thuật cũng vui đấy. Vì phần đông người ta vẫn tin rằng nếu hiểu được cái ý định của tác giả khi sáng tác thì sẽ hiểu và cảm nhận được sâu sắc hơn tác phẩm ấy. OK. Như vậy là cậu yên trí rồi. Quan điểm của Tùng khác với của cậu. Không sao cả. Có chuyện gì thú vị thì lại bàn nhé. Bàn là để học hỏi mà. Chứ đã tranh cãi thì ai chả nghĩ là mình thắng. Tùng cũng đừng ngạc nhiên khi thấy cậu có vẻ không hiểu gì về cái illusion mà Phật nói rất nhiều. Cái dốt nó khẳng khái sâu sắc lắm Tùng ạ, “như lưỡi dao găm cắm ngập đến chuôi”. Không dụt dè lưỡng lự như cái biết được đâu. * Riêng về kết luận thứ tư “Phàm nghệ thuật, dứt khoát phải mới” Tùng nói rằng cơ chế tạo ra cảm xúc đòi là phải mới. Chắc đây là cơ chế của con người đương đại. Vì bản thân tôi, khi đứng trước những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác từ hàng chục ngàn năm, hàng năm sáu trăm năm trước, hoặc bất kỳ một thời điểm, tôi vẫn xúc động vô cùng. Tôi nghĩ ấy là ở vẻ đẹp, ở cái hiện hữu vật thể sinh động và đẹp đẽ của tác phẩm. Ngay trong cuộc sống nôm na, tôi cũng vẫn xúc động lắm khi tiếp xúc với những xưa cũ của cuộc đời. Cái xúc động của một người bình thường, lành mạnh cũng như ốm đau, tôi thấy hoàn toàn không do vì thấy cái gì mới, mà lại là những cái thân quen, xưa cũ. Quan điểm của Tùng là điển hình của những ai chỉ ao ước được làm nên lịch sử trong nghệ thuật, chứ không phải sáng tác để diễn đạt con người và cuộc sống của mình. Từ khi nghệ thuật trở thành thị trường, người ta đã kinh doanh chủ yếu cái gọi là “giá trị lịch sử” của tác phẩm. Thậm chí loại bỏ luôn giá trị thẩm mỹ. Mỹ thuật đã mất hẳn phần “mỹ”. Chỉ có cái gì khác hẳn những cái đã có, được gọi là làm nên lich sử nghệ thuật, thì mới được công nhận là có giá trị. Người ta làm hàng thì đều phải vậy. Chuyện này cũng nói rất nhiều rồi. Còn nếu Tùng chả cảm thấy gì khi đứng trước những tác phẩm từ hang động cho đến trung cổ, phục hưng, rồi các tác phẩm sau này nữa, vì chúng làm gì có cái gì “mới” đâu, thì đó là chuyện thị hiếu của Tùng. Không nên lấy đó làm quy luật, coi là cơ chế cảm xúc, để biện hộ cho chuyện phàm là nghệ thuật, dứt khoát phải mới. Một người viết lịch sử nghệ thuật mà tôi rất tâm đắc là cụ Gombrich đã bàn rất cặn kẽ về vấn đề này. Trước đây tôi cũng đã dịch mấy đoạn ấy và SOI cũng đã đăng, nhưng tuyệt không thấy ai có ý kiến gì. Chắc là do tôi đã già, bảo thủ chăng? Thôi thì tự biện hộ là đây cũng là thị hiếu của tôi, chả đáng nêu ra để bàn luận làm gì.
Ý kiến - Thảo luận
23:16
Wednesday,10.12.2014
Đăng bởi:
Trịnh Lữ
23:16
Wednesday,10.12.2014
Đăng bởi:
Trịnh Lữ
Về ý kiến của Vượng Vũ cũng như của Tùng:
21:56
Wednesday,10.12.2014
Đăng bởi:
Vượng Vũ
Khởi đầu cuộc thảo luận cả hai đều nói rất hay. Cho đến giờ cũng vẫn hay nhưng sẽ tốt hơn nếu cả hai người: thầy Trịnh Lữ và chú Tùng - nhớ đến nguyên nhân khởi thủy của cuộc tranh luận: rằng New Form có cần lời cho tác phẩm của họ không, cần tới mức nào, vai trò lời của giám tuyển đến đâu. Đến đâu để không bị rơi vào nghệ thuật nói mồm như thầ
...xem tiếp
21:56
Wednesday,10.12.2014
Đăng bởi:
Vượng Vũ
Khởi đầu cuộc thảo luận cả hai đều nói rất hay. Cho đến giờ cũng vẫn hay nhưng sẽ tốt hơn nếu cả hai người: thầy Trịnh Lữ và chú Tùng - nhớ đến nguyên nhân khởi thủy của cuộc tranh luận: rằng New Form có cần lời cho tác phẩm của họ không, cần tới mức nào, vai trò lời của giám tuyển đến đâu. Đến đâu để không bị rơi vào nghệ thuật nói mồm như thầy Trịnh Lữ báo động, và đến đâu thì đủ tốt cho sự truyền tải tác phẩm như chú Tùng đề xuất.
Còn nếu tranh luận đi xa quá mà không quay về nguyên nhân cụ thể đầu tiên để người đọc đối chiếu thì sẽ bị rối loạn, và case New Form sẽ bị "sổng" mất thật là phí phạm. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Về ý kiến của Vượng Vũ cũng như của Tùng:
Trao đổi với Tùng được bắt đầu từ chuyện New Form, nhưng không phải là về New Form, mà là về một số khái niệm mà tôi cho là cần và nên được trao đổi. Tôi không chê bai gì New Form, mà chỉ mong là nỗ lực của anh em được dẫn dắt bởi những ý tưởng xác đáng và mạch lạc. Hiện tôi vẫn trao đổi với anh
...xem tiếp