Gẫm & Bình

Trả lời 3 câu hỏi: về tính “nói mồm”, về khoa học não, và về cái mới trong nghệ thuật 09. 12. 14 - 8:32 pm

Phó Đức Tùng

 Soi: Đây là phần trả lời cho bài “Vài quan điểm về nghệ thuật muốn hỏi lại Phó Đức Tùng” của tác giả Trịnh Lữ (cũng là cậu ruột của kiến trúc sư Phó Đức Tùng – xin phép được giới thiệu vậy để các bạn không bị bỡ ngỡ trong một số chỗ xưng hô ở bài bên dưới). Tên bài do Soi đặt.

Hí họa của Henry Martin

1. Về tính literally hay tính minh họa của tác phẩm

Có một thời kỳ rất dài, ở cả Tây lẫn Đông, chí ít là dòng mainstream coi nhiệm vụ của nghệ thuật là “tải đạo”. Bởi lẽ cái “đạo có thể tải bằng nhiều kênh, mà phổ biến nhất là bằng lời nói, nên cho dù có nói hay không, những tác phẩm nghệ thuật kiểu này đều có tính “literally” hay còn coi là tính minh họa. Rõ nét nhất là các tác phẩm tôn giáo, với việc sử dụng rất nhiều biểu tượng mang ý nghĩa điển tích. Ta phải thống nhất với nhau điểm này: tính “literally” của một tác phẩm không phụ thuộc chuyện ta có nói hay không nói, có statement hay không. Chỉ cần tác phẩm có ý đồ muốn chuyển tải một thông điệp nào đó (mà đa số các thông điệp này có thể được diễn đạt bằng lời, đơn giản và thông dụng nhất là khi tác phẩm được đặt tên) thì đã bị coi là literally. Khi các nhà phê bình nghệ thuật nói về tính literally của tác phẩm, là nói về khía cạnh này, chứ không phải về việc giới curator hay phê bình nói nhiều về nó hay giới thiệu nó. Tính literally là một đặc điểm nội tại của những tác phẩm đó, chứ không phụ thuộc vào lời bàn tán bên ngoài.

Còn nếu cậu Trịnh Lữ hiểu tính literally là việc người ta xúm vào tâng bốc mà một tác phẩm ngớ ngẩn trở nên có giá trị thì có nghĩa là ta cho rằng thế giới (bao gồm cả nghệ sỹ lẫn người xem, người mua) đã trở nên ngu muội, không biết phân biệt tốt xấu, nên bị một số bọn con buôn liên quốc gia thâu tóm. Nếu cứ cho rằng cả thế giới nó mông muội, đi sai đường đi thì thứ nhất là lý do tại sao, và thứ hai là có lý do gì để nghệ sỹ và dân ta không mông muội như thế? Có cơ sở gì để cho thấy dân tộc này được Chúa chọn lựa nhìn ra đường sáng không?

Hí họa từ Outsidethebeltway.com

Mặt khác, nếu ta cho rằng đã là nghệ thuật chân chính, nếu nó còn sót lại ở đâu đó như những chân nhân trong hang động xa thẳm thì không được nói mồm, thì có nghĩa những loại nói mồm không phải là nghệ thuật, và cái bọn mainstream đang nói mồm không phải là nghệ sỹ, cho dù chúng có là muôn vàn người, vậy thì họ liên quan gì đến nghệ sỹ đâu. Ngược lại nói hay không thì có ảnh hưởng gì đến nghệ thuật đâu? Tóm lại, nếu giá trị của tác phẩm là ở tự thân, không bị thay đổi, tăng giảm bởi lời nói thì nói hay không cũng thế. Còn nếu giá trị có thể bị tăng giảm bởi lời nói thì lời nói đó không phải “nói mồm”, mà là “phần của tác phẩm”.

Chúng ta thường nhắc lại câu Đạo Đức Kinh “đạo khả đạo phi thường đạo” để làm cái cớ mà khinh thường lời nói, ngôn ngữ. Đúng là so với việc hành đạo thì việc đàm đạo không thể bằng. Nói về nghệ thuật không bằng làm nghệ thuật. Nhưng sản phẩm của nghệ thuật, “tác phẩm” thì lại không phải chính quá trình làm nghệ thuật, mà chỉ là dấu vết của quá trình đó. Nó cũng là một loại ngôn ngữ, một loại công cụ nhằm communicate với người khác. Trong các loại ngôn ngữ thì tiếng nói lại là thứ đặc hiệu của loài người, và đã phát triển tới mức tinh vi nhất. Những nguyên lý về bố cục, tạo hình, hòa thanh hòa sắc so với hệ thống ngữ pháp còn là vô cùng sơ khai. Triết học ngôn ngữ còn nhận định vai trò ngôn ngữ vượt xa khỏi tính công cụ truyền tải, mà còn là media phát sinh ý nghĩa.

Tóm lại nếu đã coi quá trình sáng tạo mới là chính thì không cần nói, cũng không cần tác phẩm. Còn đã coi trọng cả rác thải của quá trình đó thì cái rác dưới dạng ngôn ngữ cũng không ít giá trị hơn cái rác dưới dạng màu mè, hình khối. So với công cụ ngôn ngữ thì nhiều khi những công cụ khác còn là ở mức sơ sinh, tàn tật, cần có sự nâng đỡ, đó là một lý do tại sao muốn bán tác phẩm vẫn cần statement.

2. Về khoa học não về cơ chế cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật

Modern art, mà một trong những người đặt nền móng lý luận cơ bản là Greenberg, cho rằng nghệ thuật cần phải giải thoát khỏi tính minh họa, và phải là những tác động trực tiếp từ những media như âm thanh, màu sắc, sáng tối, chất cảm v.v. tới tâm lý của con người. Nếu đúng như vậy, giữa tác phẩm và cảm nhận tác phẩm có mối quan hệ trực chỉ truyền tâm, không cần phải giải thích, không thể giải thích. Một stimuli có thể trực tiếp dẫn tới cảm giác mà không cần qua ý nghĩa (chỉ khi đó thì mới tránh khỏi tính literally)

Trong comment trước, tôi có nói rằng theo nghiên cứu của khoa học não thì giả thuyết trên là không có cơ sở. Yêu cầu của cậu Trịnh Lữ là “phải thực sự khoa học chứ không phải do ai có tiếng tăm phát biểu” là một yêu cầu tối nghĩa. Thế nào là thực sự khoa học? Khoa học không thể khẳng định đúng sai, mà chỉ là những kết quả nhận định dựa trên một số phương pháp nghiên cứu nhất định. Và người phát ngôn hợp thức nhất là người tiến hành những phương pháp nghiên cứu đó.

Eric Kandel là một nhà khoa học, giải Nobel cho nghiên cứu não, và lại là người rất sành sỏi về nghệ thuật, có nghiên cứu kỹ đặc biệt là về nhóm Wien. Ông này đã viết sách về cơ chế của cảm nhận nghệ thuật dựa trên những phát hiện của não học. Ông cho rằng không có cơ chế nào để một object (có thể là tác phẩm) có thể chuyển tải trực tiếp vào não bộ của con người như dạng một ảnh trong gương cả.

Có hai công đoạn cơ bản: thứ nhất là việc nhận diện tín hiệu: Não người không nạp nguyên một hình ảnh từ bên ngoài, vì như thế sẽ cần vô số thông tin. Nó chỉ nhận diện vài thông tin từ object, sau đó tự bổ sung với vô số thông tin khác có sẵn trong não để tạo thành hình ảnh. Và hình ảnh này có thể hoàn toàn khác với object gốc. Nếu ta nhận thấy vài điểm trong tranh khiến ta liên tưởng tới cái cây thì trong đầu ta sẽ hoàn thiện cái cây đó, ngược lại người khác có thể nhìn thấy ở cùng bức tranh đó bộ xương khô thay vì cái cây. Có nghĩa là bức tranh chỉ góp một phần initial vào việc tạo ra hình ảnh trong não. Phần còn lại có nguồn gốc phức tạp, mờ ám. Mặt khác, chỉ những tín hiệu “có nghĩa”, tức là cho phép ta bịa ra thành một hình ảnh nào đó, thì mới được cảm nhận, còn những thứ khác coi như không thấy. Vô số hình ảnh, âm thanh v.v. đã bị mắt, tai ta loại bỏ coi như không thấy vì nó không tạo ra nghĩa. Như vậy ta có thể nói mọi thông tin nếu muốn được cảm nhận đều phải có tính “literally”.

Bước thứ hai là từ hình ảnh tới tình cảm, phải qua một công đoạn liên hệ, đánh giá, chứ không trực tiếp biến thành tình cảm. Cùng một hình ảnh có thể là vui với người này, nhưng lại là buồn, hoặc vô nghĩa với người kia. Qua hai lần bóp méo này, mối quan hệ nhân quả giữa tác phẩm vật chất và cảm xúc của người xem là không thể xác định. Nói cách khác, cảm xúc về bản chất là kết quả của illusion.

Hí họa của Henry Martin

Cơ chế cảm nhận được ngành não học phát hiện này thực ra không khác với những gì Platon đã nói trong ẩn dụ hang động. Nếu ta quay trở lại ẩn dụ hang động của Platon thì mọi việc cũng vẫn rõ ràng. Cái ta nhìn thấy là ảnh trên vách. Ảnh này có xuất phát từ một hình mẫu, nhưng đã bị ánh sáng ngọn lửa bóp méo. Vậy điều quan trọng đối với người xem là cái ảnh nào, chứ đâu phải là cái gốc nào tạo ra ảnh đó.

Từ đó ta có thể rút ra 3 kết luận:

Thứ nhất là mọi tác phẩm muốn được “thấy” thì đều phải chuyển tải thông điệp, có nghĩa là đều có tính literally, cho dù có đúng với ý đồ tác giả hay không.

Thứ hai là mọi thông tin khác có ảnh hưởng tới cảm xúc đó của người xem cũng không khác gì tác phẩm.

thứ ba là khi thông điệp muốn chuyển tải không rõ ràng, đặc trưng là ở các tác phẩm đương đại, thì mỗi người sẽ đọc ra ở đó một thông điệp khác. Điều đó không phải là vấn đề đối với sự cảm nhận tự do của mỗi người xem, nhưng là vấn đề trong việc thống nhất giá cả, bởi vì giá cả là một sự thống nhất về giá trị của một cộng đồng dựa trên cơ sở một số thông tin giống nhau. Bởi thế, khi thông điệp của tác phẩm không rõ, thì thông điệp từ statement lại là thứ ảnh hưởng lớn tới việc tạo thành giá tác phẩm.

Cháu rất ngạc nhiên là một người tìm hiểu Phật giáo lâu năm như cậu Trịnh Lữ lại không thể hình dung được tính illusion của cảm nhận và đặt toàn bộ giá trị vào một vật thể và cho rằng vật thể đó chứa đựng những chân lý tối thượng nào đó không có cách gì thay thế được?

3. Về nghệ thuật có cần mới không

Theo mạch của bài viết trước của Trịnh Lữ, tôi hiểu ý của ông trong khái niệm “mới” này là việc các họa sỹ cố gắng tạo ra những hình ảnh kỳ dị, mới lạ mà họ cho rằng họ được khải thị hoặc nhìn thấy bằng một nhãn quan đặc biệt nào đó. Nhưng trả lời cho quan điểm này thì Duchamp đã giải quyết rất sắc sảo bằng khái niệm Ready made art, thiết tưởng không cần nhắc lại nữa.

Bản chất của nghệ thuật là phải tạo ra được một cảm xúc, một exciting nhất định, nếu không thì không ai nhận ra được đó là nghệ thuật. Mà cơ chế tạo ra exciting là phải mới, có thể là góc nhìn mới, ý nghĩa mới, màu sắc mới, ánh sáng mới v.v. Bởi vậy người ta mới gọi là sáng tạo nghệ thuật. Muốn gì thì cũng phải tạo ra được một bối cảnh khác thường. Nếu cậu Trịnh Lữ không cùng quan điểm này, cậu có thể lấy một ví dụ mà một tác phẩm nghệ thuật không có bất kỳ cái gì mới mà được công nhận là tác phẩm nghệ thuật không? Còn tất nhiên để ngụy biện thì cũng chẳng có gì là mới dưới ánh mặt trời, cả vòng luân hồi loanh quanh vẫn từng ấy thứ, vậy thì cũng chẳng có gì đáng gọi là nghệ thuật cả.

 

Ý kiến - Thảo luận

13:05 Sunday,14.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
Kiến giải của Heiddeger thật là rõ ràng, cùng với những phát hiện của khoa học não, ta có thể lý giải như sau:
- Tác phẩm nghệ thuật là một vật thể, nhưng giá trị của nó không phải là chính vật thể đó, mà nó là một ẩn dụ, một đường link tới một kho báu vô hình.
- Theo khoa học não thì kho báu kia lại không nằm chơi vơi ở đâu đó, mà trong tiềm thức của mỗ
...xem tiếp
13:05 Sunday,14.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
Kiến giải của Heiddeger thật là rõ ràng, cùng với những phát hiện của khoa học não, ta có thể lý giải như sau:
- Tác phẩm nghệ thuật là một vật thể, nhưng giá trị của nó không phải là chính vật thể đó, mà nó là một ẩn dụ, một đường link tới một kho báu vô hình.
- Theo khoa học não thì kho báu kia lại không nằm chơi vơi ở đâu đó, mà trong tiềm thức của mỗi người xem, vì thế mỗi kho báu sẽ khác nhau.
- Ta có thể tưởng tượng tác phẩm hội họa như một tấm toan treo trên tường kho báu, nếu biết cách hô vừng ơi thì bức tường cùng cả tấm toan biến mất và kho báu lộ ra, nếu không biết hô thì vẫn là tấm toan với những vệt mầu.
- Khi tấm toan đã biến mất, kho báu hiện ra thì ta có thể nói tấm toan chính là kho báu, hay nói là không có tấm toan, chỉ có kho báu, cũng như nhau, vì khi đó hai mà là một.
- Statement không phải tấm toan thần kỳ, cũng không phải kho báu, nên không thể thay cho nó. Nhưng statement có thể là gợi ý, để người xem biết đường mà hô thần chú, hoặc gợi ý một số cách hô thần chú. Không có statement, nhiều người xem sẽ không biết rằng cần phải hô thần chú, và vì thế chỉ coi tấm tác phẩm như một miếng giẻ bị bôi bẩn. 
20:41 Saturday,13.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
cậu Trịnh Lữ
cháu có nói là tác phẩm không có giá trị gì đâu. chỉ nói rằng tác phẩm thì đã làm rồi. Vấn đề là có nên có truyền thông hay không thôi. Không truyền thông tí gì thì cũng không sao, vì cứ để người xem tự cảm nhận. Nhưng rõ ràng là thực tế muốn bán thì có truyền thông vẫn hơn. Và khi đã có statement thì làm sao vấn đề phải sáng sủa hơn là không
...xem tiếp
20:41 Saturday,13.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
cậu Trịnh Lữ
cháu có nói là tác phẩm không có giá trị gì đâu. chỉ nói rằng tác phẩm thì đã làm rồi. Vấn đề là có nên có truyền thông hay không thôi. Không truyền thông tí gì thì cũng không sao, vì cứ để người xem tự cảm nhận. Nhưng rõ ràng là thực tế muốn bán thì có truyền thông vẫn hơn. Và khi đã có statement thì làm sao vấn đề phải sáng sủa hơn là không có thì statement đấy mới có giá trị thực tiễn. Cháu chỉ muốn nói là kể cả về lý thuyết thì truyền thông vẫn có thực tế value added, chứ không phải chỉ là nói mồm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả