Kiến trúc

SFMOMA của Mario Botta (bài 2): Kiến trúc hiện đại làm mái ấm cho nghệ thuật hiện đại 17. 03. 15 - 6:50 am

Đặng Thái
(Hình ảnh trong bài sưu tập từ nhiều nguồn trên mạng)

Như đã nói ở bài trước, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco là một thánh đường của nghệ thuật hiện đại nên đương nhiên phương án kiến trúc của SFMOMA không thể xem thường. Với diện tích trưng bày xấp xỉ 5500 m2, công trình này đã được giao cho Mario Botta.
 

Mô hình thuyết trình phương án kiến trúc SFMOMA của Mario Botta, gỗ, 24.13×60.17×40.16 cm, 1991, hiện vật Bảo tàng SFMOMA


Cuộc thi và ý tưởng của Botta cho SFMOMA

Khi tòa nhà cũ của bào tàng đã trở nên chật chội và kiến trúc tân cổ điển thô kệch kiểu Mỹ không còn phù hợp với nội dung trưng bày nữa,  năm 1988 một cuộc thi thiết kế phương án mới cho bảo tàng đã được đưa ra.

Vào đến đệ nhất bảng có ba người: Mario Botta, Thomas Beeby và Frank Gehry. Nhìn đệ nhị bảng thấy hai vị: Charles Moore và Tadao Ando cũng đủ thấy rùng mình. Ba người vào chung kết phải thuyết trình chi tiết hơn phương án của họ, nhưng cuối cùng vì một “lý do nào đó”, bảo tàng hủy cuộc thi, không tuyên bố người thắng cuộc và bắt tay với Mario Botta làm đồ án; vậy mà cũng mất ba năm thiết kế, khởi công năm 1992, lại mất thêm ba năm nữa thi công để rồi hoàn thành vào năm 1995, kỉ niệm 60 năm thành lập bảo tàng.
 

Mặt chiếu đứng ngoại thất SFMOMA, 50.8 × 73 cm, than chì trên giấy, Mario Botta, 1994, sưu tập của Bảo tàng MoMA

Tại sao mình lại viết ở bài 1 rằng Mario Botta là một kiến trúc sư yêu nghề? Bởi ông thực sự trăn trở với thiết kế và vẽ không ngừng nghỉ các bức phác thảo. Nhiều kiến trúc sư ngày nay dường như đã bỏ qua công đoạn phác thảo. Ý tưởng hiện ra là họ bắt tay ngay vào vẽ bằng… chuột và bàn phím. Riêng với công trình này, Botta đã vẽ vô số phác thảo bằng chì ở mọi góc độ để đưa ra phương án hợp lý. Nhiều phác thảo của Botta chỉ là những đường xiên xẹo không rõ hình thù để rồi sinh ra những ý tưởng rất độc đáo, nhưng cũng có những phác thảo hoàn chỉnh được các bảo tàng nghệ thuật lưu lại như các tác phẩm mỹ thuật đương đại.
 

Những phác thảo S.F.M.O.M.A của Mario Botta

Bảo tàng năm tầng được đặt ngay trong phố, giữa khu vực được xây dựng với mật độ rất cao của San Francisco. Ý tưởng của kiến trúc sư là những khối hộp rất đơn giản cho ngoại thất nhưng nội thất lại được diễn tả bởi rất nhiều khối hình học lắp ghép phức tạp. Hình dạng bên ngoài gồm những khối to, khỏe, mạnh mẽ nhằm mục đích tạo sự bề thế, làm điểm nhấn giữa sự chật chội, chen chúc và bầu không khí ngột ngạt của khu Downtown này. Người thiết kế hiểu được cái bức bối của những tòa nhà cao tầng trong phố nên chọn thiết kế dài ngang giữa một rừng tua tủa đâm lên xung quanh.
 

Toàn cảnh bảo tàng SFMOMA và khu vực xung quanh. Khu vườn hình tròn, màu xanh phía trước là Yerba Buena Gardens tạo ra một khoảng nghỉ giữa các tòa nhà đang đua nhau xỉa lên trời. Mấy khối hộp xám xịt thấp lè tè ở chính giữa là Trung tâm nghệ thuật Yerba Buena, cũng do một cao thủ thiết kế: Fumihiko Maki. Phía xa bên phải nhô lên là cầu Bay Bridge – cầu treo rộng nhất thế giới hiện nay.

Tòa nhà “cắm rễ” xuống đất một cách tự nhiên, như một pháo đài Trung Cổ sừng sững hiên ngang, đối lập với một loạt kiến trúc hiện đại theo phương thẳng đứng. Dùng gạch nâu đỏ cho ngoại thất chính là phong cách bản quyền của Mario Botta. Cái tài tình ở chỗ pháo đài “trông có vẻ cổ kính” này nhìn kĩ thì lại toát lên rõ rệt tính đương đại bởi những đường ngang nét thẳng mạnh bạo.
 

Chi tiết làm nổi bật tính hiện đại của “tòa thành” chính là cái “tháp canh” bằng đá bị cắt vát này. Không chỉ làm giếng trời để lấy một lượng lớn ánh sáng vào trong, tấm kính được đỡ bởi các nan thép cách điệu và hai màu sơn đen trắng xen kẽ chính là tuyên bố rõ ràng của chủ nghĩa hiện đại.


Bề ngoài trông chẳng ra gì, bên trong nội thất tiện nghi bất ngờ

Khu vực sảnh là mục tiêu được tập trung thiết kế vì nó gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan ngay khi vừa bước qua cửa chính. Điểm nhấn của sảnh là giếng trời hình trụ, chiếu một cột ánh sáng thẳng từ trên nóc xuống tận sàn nhà. Thêm bốn cột chống hình trụ tròn là những đường cong hiếm hoi trong tổng thể tác phẩm.Bốn cột này sẽ tạo thành khu vực lễ tân trong tương lai.

Sảnh chính với giếng trời trong thời gian đang thi công

Ánh sáng tự nhiên được được thu vào một cách có tính toán sẽ tạo nên sự đặc trưng của tòa nhà. Sàn nhà được lát đá granite nhưng xen kẽ bởi hai dải màu. Một dải màu đen đậm, mài bóng như gương, một dải màu đen nhạt ngả xám là đá granite được khò lửa tạo bề mặt nhám. Làm như vậy vừa chống trơn trượt, vừa loại bỏ sự đơn điệu của sàn nhà đen tuyền một màu. Chọn sàn nhà màu rất tối (ngay cả bốn chân cột cũng ốp đá đen) là để tạo hiệu ứng tương phản, khách bước vào vùng tối ngay lập tức sẽ bị thu hút bởi nguồn sáng rực rỡ ở trung tâm, tiến đến và thấy ngay bàn tiếp tân với những cô tiếp viên “cười như mùa thu tỏa nắng”.

Hai quầy tiếp tân hình móng ngựa với chất liệu gỗ cũng được sơn phủ xen kẽ những vạch đen. Khoảng trống chính giữa đã được lấp đầy bởi một cầu thang hình hộp chữ nhật cũng được trang trí phần đế với những vạch đen. Từ tầng hai trở lên tường sơn trắng. Đen trắng tách biệt sẽ đẹp một cách sang trọng chứ nếu cho trắng vào giữa đen như ngựa vằn sẽ thô kệch vô cùng (như nhiều gia đình hiện nay lát mặt bậc cầu thang màu đen còn cổ bậc cho màu trắng).

 

Mặt đứng cầu thang chính. Những bậc thang đầu tiên được thu bé lại tạo cảm giác hun hút vào trong rồi lại bừng sáng khi lên đến tầng trên. Trần ốp gỗ để tạo cảm giác ấm áp dễ chịu. Hai bức tranh tường hai bên là của Sol LeWitt.

 

Chi tiết cầu thang

Ngửa mặt lên trên bạn sẽ bắt gặp màu xanh mát mắt. Vì trụ giếng trời bị cắt vát và đã chọn hướng nên sẽ không bị ánh nắng giữa trưa trực tiếp rọi xuống làm chói mắt hay bỏng rát. Vắt ngang dưới giếng trời là một cầu treo bằng thép cũng sơn trắng, sàn đục vô số lỗ li ti để ánh sáng đi qua, tạo ra một lối đi đặc biệt và còn để tạo dáng chụp ảnh nữa
 

Miệng giếng trời nhìn từ tầng một. Quanh thành giếng trời là nhưng ô cửa sổ cách điệu lấy sáng và không khí cho các gian triển lãm tầng trên.

 

Không gian độc đáo này còn được tận dụng làm triển lãm. Trong ảnh là tác phẩm nghệ thuật đương đại bằng thư pháp chữ Hán cổ của nghệ sĩ Cốc Văn Đạt (Gu Wenda).

 

Ảnh chụp miệng giếng trời từ cầu thép

Phần không gian trưng bày thì rất đơn giản và không có gì độc đáo, để người xem tập trung vào các tác phẩm giá trị ở đây hơn là bức tường tòa nhà. Sàn gỗ, đèn vàng, tường trắng được lặp đi lặp lại. Những tác phẩm đương đại treo trên tường đã quá đủ cho một bữa tiệc màu sắc thịnh soạn. Ở đây ngôn ngữ mỹ thuật có tiếng nói nhiều hơn và cần một không gian tĩnh lặng, riêng tư cho sự biểu đạt cảm xúc nên kiến trúc sư rút lui ở phần này.

Một gian triển lãm

Vậy là những tác phẩm nghệ thuật hiện đại giá trị (như cái “Đài phun nước” của Marcel Duchamp) đã tìm được một căn nhà xứng tầm. Đơn giản mà không đơn giản, tòa nhà như sự ẩn dụ về một cỗ máy được hình thành bởi văn hóa đương đại: giao thoa giữa cái rắn rỏi của kiến trúc hiện đại với cái sôi động phức tạp của một thành phố công nghiệp nhưng không hề khô cứng, lạnh lẽo, trái lại rất ấm cúng từ trong ra ngoài.

Tái bút: Sau gần hai mươi năm đưa vào sử dụng, bộ sưu tập của bảo tàng lại sinh sôi nảy nở nhiều thêm và lần này một văn phòng kiến trúc của Na Uy đã thắng giải. Họ thiết kế một cục to đùng méo mó màu trắng ngay phía sau tòa nhà của Botta. Chưa thể nói xấu hay đẹp, vì mãi đến sang năm họ mới hoàn thành, bảo tàng vẫn đang tạm đóng cửa. Nào thì ta cùng chờ xem, cái “đương đại” 20 năm trước và cái “đương đại” ngày nay có thể chung sống cùng nhau không.
 

Phối cảnh từ trên cao phần mở rộng của SFMOMA do công ty Snøhetta thiết kế

 

Bảo tàng mở rộng sẽ có thêm rất nhiều không gian. Trong đó có cả khu vực cho nghệ thuật trình diễn. Bục ngồi này dành cho khán giả thiết kế theo chủ nghĩa tối giản trông cũng hay mắt đấy chứ!

Ý kiến - Thảo luận

9:05 Tuesday,17.3.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Lưu lại các bản vẽ (hoặc ảnh) phác thảo công trình, cũng giống bố mẹ lưu ảnh siêu âm thai "4D" của con mình ấy nhỉ (nhân tiện suy ra thêm, ảnh siêu âm 2D thì như bản vẽ kết cấu, nhìn vào chỉ giới chuyên môn như mới hiểu) :)
...xem tiếp
9:05 Tuesday,17.3.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Lưu lại các bản vẽ (hoặc ảnh) phác thảo công trình, cũng giống bố mẹ lưu ảnh siêu âm thai "4D" của con mình ấy nhỉ (nhân tiện suy ra thêm, ảnh siêu âm 2D thì như bản vẽ kết cấu, nhìn vào chỉ giới chuyên môn như mới hiểu) :) 
8:49 Tuesday,17.3.2015 Đăng bởi:  candid
Thích nhất là việc phác thảo các ý tưởng bằng tay. Gần đây một số kiến trúc sư bạn em cũng quay lại với phong trào sketch bằng tay.
...xem tiếp
8:49 Tuesday,17.3.2015 Đăng bởi:  candid
Thích nhất là việc phác thảo các ý tưởng bằng tay. Gần đây một số kiến trúc sư bạn em cũng quay lại với phong trào sketch bằng tay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả