|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiĐIÊU KHẮC TỐI GIẢN (2): Anne Truitt và Lewitt 11. 02. 11 - 7:18 amJudith Collins – Phạm Long biên dịch – Đào Châu Hải hiệu đính(Trích dịch từ chương 18: Minimalism của cuốn sách Sculpture Today, Phaidon, 2007) Lớn hơn những đồng nghiệp cùng dự triển lãm đột phá Các cấu trúc cơ bản (1966) cả chục tuổi, Bladen là một trong những người khai sinh ra chủ nghĩa Tối giản. Vào thời kỳ này, Anne Truitt (sinh năm 1921) cũng đã khá già dặn. Trong triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Emmerich Andre Gallery, New York, năm 1963, bà công bố các hình thể đơn giản, phần lớn là những khối gỗ thanh mảnh cao khoảng 5-7 feet dựng theo chiều thẳng đứng. Tự tay bà sơn cho chúng những màu rực rỡ, rắc phủ thêm cát để tạo nên các sắc màu “độc lập một cách có lý”. Các bề mặt tươi tắn trong những tác phẩm của bà gợi liên tưởng đến những ẩn ý đằng sau tiêu đề của chúng, ví dụ như Hải Viên – Sea Garden hay Vách Mơ Chín – A Wall for Apricots. * Vào thập niên 1980, nếu các tác phẩm của Bladen và Truitt đã phần nào mờ nhạt trong trí người xem, thì với LeWitt, Judd, Morris và Andre, điều này không hề xảy ra. Những “sản phẩm nghệ thuật” của họ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI. LeWitt nổi tiếng với thể loại tranh tường và các cấu trúc hình học ba chiều thường được “thi công” bởi những trợ lý. LeWitt đã dành phần lớn sự nghiệp để sáng tạo nên các khối cấu trúc hình học. Điêu khắc thời kỳ đầu của ông thường là những khối kín, nhưng từ năm 1965 ông kiên quyết “loại bỏ lớp vỏ, hoàn toàn tiết lộ cơ cấu bên trong, sau đó, lập kế hoạch dựng lên bộ khung xương để các bộ phận trở nên nhất quán, chắc chắn”. Các môđun vuông vức giống hệt nhau được sử dụng như các “cấu trúc [đơn vị cơ bản]”. Lúc đầu, những khối vuông đơn vị (môđun) thường là gỗ ghép sơn đen, nhưng về sau LeWitt sơn trắng tất bởi trước hết ông muốn “giảm bớt sự kém biểu cảm” của sắc đen, và thứ đến, để chúng gần gũi hơn với các bức tường trắng toát trong gallery và liên kết chặt chẽ hơn với không gian kiến trúc của phòng trưng bày. Tác phẩm 12345 – một công trình lắp ghép môđun được LeWitt tính toán kỹ lưỡng – là một ví dụ điển hình cho xu hướng áp dụng chuỗi số toán học cơ bản trong điêu khắc theo những quy tắc phổ quát, thay vì theo những lề thói [bất thường] của riêng nghệ sĩ. Thật dễ thấy rằng khối vuông đầu tiên bên trái là một đơn nguyên thủng/mở, các khối kế tiếp được khai triển theo ba chiều – mỗi chiều gồm hai đơn nguyên, và cứ như vậy đến khối thứ năm. Đúng như ý ông, tác phẩm này có tính biểu hiện thật “đơn giản, cơ bản, minh bạch”. Nó được làm bằng nhôm phủ màu – một vật liệu bền mà ông bắt đầu sử dụng từ năm 1970. Không quan tâm đến đặc tính vật chất của tác phẩm, LeWitt chỉ muốn nhấn mạnh tới những ý tưởng tiềm ẩn bên trong chúng. Thuật ngữ Nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art) được ông đề xuất vào năm 1967 để “định danh” cho các tác phẩm của mình. (Trong một bài luận viết năm 1969, “Ghi chú về Nghệ thuật Ý niệm”, Sol LeWitt đã phân biệt rõ Idea [ý tưởng] và Concept [ý niệm] như sau: ‘Ý niệm và Ý tưởng là khác nhau. Ý niệm nói đến xu hướng chung trong khi ý tưởng là những thành tố. Các ý tưởng hợp thành ý niệm’ – ND.) * Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|