Nghệ sĩ thế giới

Emma Hart (phần 1): lắm bồ và lắm tranh 16. 03. 18 - 8:07 am

Willow Wằn-Wại biên soạn

Các họa sĩ hì hụi vẽ nàng chỉ tầm… gần trăm bức họa, bao nhiêu người đã tán tụng và đưa nhan sắc của nàng thành huyền thoại, nhiều vị quý tộc chết mê chết mệt nàng. Nàng khai sinh ra một môn nghệ thuật hoàn toàn mới. Từ một cô gái tỉnh lẻ vô danh, nàng trở thành cái tên sống mãi trong nghệ thuật và lịch sử nước Anh.

Nàng là ai? Nàng là Emma Hart, hay còn được gọi là Emma Hamilton hay Lady Hamilton.

Chân dung Emma Hamilton, do họa sĩ George Romney vẽ.
(Toàn bộ hình ảnh trong bài là sưu tầm trên Internet)

Sinh trưởng ở làng quê xa xôi, rất ít thông tin của nàng được ghi lại. Những gì chúng ta còn được biết, nàng sinh vào ngày 26. 4. 1765 dưới cái tên Amy Lyon, con của một thợ rèn. Sau khi đổi tên thành Emma Hart để nghe cho sang trọng, nàng bôn ba lên London. Giai thoại đồn nào thì nàng làm hầu gái, rồi nào là trình diễn nude trong các bữa tiệc trác táng, hoặc kỳ quặc hơn, là… minh họa cách sử dụng giường chiếu chuẩn cho các cặp vợ chồng mới cưới. Chỉ có một điều chắc chắn rằng những năm tháng mới lớn của nàng đã giúp nàng ý thức rất rõ về thế mạnh ngoại hình, kỹ năng trình diễn lẫn phô diễn nhan sắc và dùng nó cho mục đích của mình.

Thời đại nào cũng không thiếu những cô gái tỉnh lẻ lang thang lên thành phố với hy vọng đổi đời, và thời đại nào thì cũng vô số cô không đạt được nguyện vọng. Nhưng Emma không nằm trong số đó. Nàng nhảy vọt lên tầng lớp thượng lưu. Đàn ông say đắm nàng, si mê cả nhan sắc, tình yêu, lòng trung thành lẫn những giấc mơ mà nàng mang lại.

Năm 16 tuổi, Emma có một mối tình với Sir Harry Fetherstonehaugh. Vừa dính tình, nàng cũng đồng thời dính bầu. Sir Harry Fetherstonehaugh sau khi biết chuyện đã cao chạy xa bay. Charles Greville, một “đại gia” có vai vế rất khá: em họ của một bá tước và là cháu ngoại của một công tước, mau mắn đưa Emma về nhà, lo cho nàng sinh đẻ. Sau khi đứa bé đẻ ra và được gửi đến cho họ hàng nuôi, Emma toàn tâm toàn ý làm người tình của Charles Greville, gom về cho nàng và mẹ một căn nhà ở ngoại ô xinh xắn dưới tên mình, âu cũng là kịch bản quen thuộc của chân dài – đại gia từ trước đến nay. Charles Greville sau đó dẫn Emma đến gặp họa sĩ George Romney với ý định đặt hàng mấy bức tranh.

George Romney – tự họa

Chẳng ngờ Emma đã khiến vị họa sĩ kia choáng ngợp. George Romney gọi nàng là “quý cô thần tiên (divine lady), vượt trội hơn tất cả phụ nữ trên đời này”. Kể từ lần gặp đầu tiên, vẻ đẹp phồn thực tựa những bức tượng Hy Lạp cổ đại, cộng với mái tóc hạt dẻ bồng bềnh như những tiên nữ trong tranh Paul Rubens đã khiến Emma trở thành nàng thơ lớn nhất đời George Romney.

Emma xuất hiện trong chiếc nón rơm, mặc váy trắng giản dị và ngồi với tư thế rất khép nép và “đứng đắn”, ý muốn nói nàng ngây thơ và trong sáng.

Ngoài nhan sắc, nàng còn có khả năng tạo dáng, trình diễn, đứng mẫu rất lâu, là một mẫu tranh hoàn chỉnh. Cần kể thêm cả sự khéo léo trong giao tiếp vốn khiến bao quý ông say đắm. Sự kết hợp này khiến trong một thời gian dài Romney hầu như không vẽ gì khác hay vẽ ai khác ngoài Emma, và chủ đề thì vô cùng đa dạng, từ ngày thường, chân dung đến các nhân vật cổ điển trong truyền thuyết hay tôn giáo. Sự kết hợp này đem đến danh tiếng cho Emma nhanh chóng, nhan sắc của nàng được truyền bá khắp nơi. Chỉ trong bốn năm, nàng đã làm mẫu cho Romney đến hơn 100 lần. Về sau thì Romney vác cả đồ nghề sang nhà Emma để vẽ luôn cho tiện.

Emma, cũng vẫn trong bộ váy giản dị ngồi kéo sợi, nhằm thể hiện sự chăm chỉ cần mẫn chịu thương chịu khó của nàng, đồng thời nhắc nhở mọi người rằng nàng là một người tình ngoan ngoãn, chân chất đúng chuẩn của Charles Greville. Cũng trong thời gian này tình hình tài chính của Charles Greville đi xuống, bức tranh này đã được bán cho người sưu tầm khác để bù vào chi phí Charles Greville thuê họa sĩ vẽ Emma.

Vào năm 1783, Sir William Hamilton, một nhà ngoại giao và cũng là người đam mê nghiên cứu núi lửa, quay trở lại Anh quốc để chôn cất di hài của vợ mình. Trong thời gian Sir William Hamilton ở lại London, ông thường ghé chơi nhà cháu trai Charles Greville và ngay lập tức yêu thích cô nhân tình Emma của cháu mình. Emma có những nét đẹp không khác gì những bức tượng Hi-La mà Hamilton yêu thích, thậm chí ông còn so sánh cơ thể của Emma với hình ảnh của nữ thần Hy Lạp. Khi rời khỏi London, Hamilton đã đem theo cùng ông một bức tranh vẽ nàng.

Bức Sir Hamilton đã mang theo: Emma trong vai “bacchante”. Bacchante theo thần thoại La Mã và Manead trong thần thoại Hy Lạp là những phụ nữ thờ phụng và đi theo thần rượu nho Bacchus (Dynonysus). Các cô này nói chung là đẹp, nhảy hay, múa dẻo, ăn uống chơi bời vui tươi nhưng lắm lúc cũng khá hung dữ. Theo thần thoại Hy Lạp thì các nàng này là người đã đánh chết Orpheus – chàng nhạc sĩ yêu vợ nên tìm xuống âm phủ cứu vợ (nhưng thất bại).

Hai năm sau, trong nỗ lực để cứu vãn tình hình tài chính tồi tệ, Charles Greville cần cưới một người vợ giàu có và để tiễn biệt cô nhân tình của mình nhẹ nhàng, Charles viết thư cho Hamilton ngỏ ý muốn “nhượng” Emma Hart cho chú mình. Với sự cách biệt về giai cấp và kiến thức, cho dù Emma chiếm được trọn vẹn sự yêu thích của Hamilton thì hai người cũng chẳng thể kết hôn, đây là bước đi chiến lược của Charles Greville nhằm đảm bảo phần thừa kế của mình sẽ to hơn bởi khi đó Hamilton đã đến tuổi già. Emma thì vẫn chẳng hay biết gì về kế hoạch của Greville, vẫn mong chờ người tình của mình sẽ đến đón mình về. Ba tháng, rồi sáu tháng chờ đợi mòn mỏi ở Naples xa xôi. Cuối cùng Emma, đủ thông minh để biết điều gì đang xảy ra, đã trở thành tinh nhân của Hamilton dù những cánh thư nàng để lại sau này cho biết nàng vẫn nuôi dưỡng tình yêu với Charles Greville bội bạc.

Emma trong bộ váy buổi sáng, tranh do George Romney vẽ. Vốn lúc đầu bức này thuộc sở hữu của Charles Greville. Nhưng do Sir Hamilton thích quá nên Emma đã viết thư hỏi Charles gửi sang Naples để làm một bộ đôi với bức Bacchante.

Tại nhà của Hamilton, Emma đã dùng tài năng diễn xuất và đứng tạo dáng của mình để thực hiện những buổi trình diễn (Attitudes) cho giới quý tộc. Nhờ thời gian làm mẫu cho George Romney, nàng có thể dễ dàng hóa thân thành vô vàn các bức tượng và nhân vật trong thần thoại Hi – La cho khách khứa chiêm ngưỡng.

Minh họa lại buổi diễn của Emma, được cho là do họa sĩ Francessco Novelli vẽ.

Emma thường mô tả lại những trường đoạn kinh điển như khởi đầu trận chiến thành Troy, nữ thần trừng phạt/giúp đỡ vị anh hùng nào đó, v.v… Môn nghệ thuật tái hiện lại tích cổ, tượng cổ này phát triển thành Mimoplastic art (không biết dịch ra tiếng Việt là gì?), hiểu nôm na gần như những trò diễn tượng người ngày nay nhưng biến đổi nhiều hơn.

Trong số các khán giả có cả nhà văn – nhà triết học người Đức Johann Wolfgang Goethe. Goethe đã mô tả lại trải nghiệm của mình như sau: “… với một gương mặt kiều diễm và một thân hình hoàn hảo…[bà Halmilton] thả tóc xuống và tạo vô vàn kiểu dáng chỉ bằng sự trợ giúp của vài chiếc khăn choàng, khiến người xem không thể tin vào mắt mình…”

Đàn ông thì tít mắt lên như vậy đấy, nhưng các bà các cô thì vẫn khắt khe hơn nhiều. Nghệ sĩ Elizabeth Vigée le Brun thì chỉ trích rằng: “quý cô Hamilton chẳng có mấy tí trí tuệ, đã thế còn hay chỉ trích và châm biếm người khác quá mức”. Tuy phàn nàn thế, nhưng chính Elizabeth cũng vẽ kha khá tranh về Emma, thậm chí còn trực tiếp biên đạo một màn biểu diễn của Emma dành cho công tước de Berry và de Bourbon. Đúng là ghét thì ghét chứ đẹp thì vẫn đẹp.

Tranh Elizabeth vẽ Emma – bacchante. Nghệ sĩ Elizabeth lại có một câu chuyện riêng khi trở thành họa sĩ riêng của hoàng hậu Marie Antoinette và sau này phải chạy trốn sang các nước khác suốt một thời gian dài sau khi C ách mạng Pháp nổ ra.

Emma thì khỏi nói, vui sướng vô cùng khi được nổi tiếng và chú ý. Tình nhân của nàng, Sir Hamilton cũng vui không kém vì vừa được khoe người tình, vừa giao du được với nhiều người, lại còn có thể tranh thủ kiếm thêm nhờ bán các bức họa vẽ cô tình nhân nhỏ bé.

Năm 1791, nàng đã chính thức kết hôn cùng Sir Hamilton và quay lại London sống, bất chấp khoảng cách về giai cấp, tuổi tác và danh giá. Năm đó Emma 26 tuổi còn Sir Hamilton 61 tuổi. Thế là kế hoạch hưởng thừa kế của cậu cháu Charles Greville – người tình trước của Emma – vỡ tan. Quả là người tính không bằng trời tính.

(Còn tiếp phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

21:55 Friday,16.3.2018 Đăng bởi:  kim trần
kha kha kha, câu chuyện này giống câu chuyện cười mình hay nghe. người cháu co 1 cô tình nhân, 1 hôm anh  nói với cô tình nhân rằng em cưới anh đi, cậu anh có mình anh à, anh sẽ thừa hưởng gia tài của cậu, 1 tháng sau đám cưới, mà là đam cưới ông cậu với cô tình nhân của đứa chau
...xem tiếp
21:55 Friday,16.3.2018 Đăng bởi:  kim trần
kha kha kha, câu chuyện này giống câu chuyện cười mình hay nghe. người cháu co 1 cô tình nhân, 1 hôm anh  nói với cô tình nhân rằng em cưới anh đi, cậu anh có mình anh à, anh sẽ thừa hưởng gia tài của cậu, 1 tháng sau đám cưới, mà là đam cưới ông cậu với cô tình nhân của đứa chau 
14:42 Friday,16.3.2018 Đăng bởi:  Hoàng Anh
 Bài viết hay quá, đọc thấy vui vui. Tranh cũng tuyệt đẹp. Cảm ơn bạn 3wờ
...xem tiếp
14:42 Friday,16.3.2018 Đăng bởi:  Hoàng Anh
 Bài viết hay quá, đọc thấy vui vui. Tranh cũng tuyệt đẹp. Cảm ơn bạn 3wờ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả