Gẫm & Bình

Đã bay kém còn bay nhờ
chân trời kẻ khác 12. 12. 12 - 8:27 pm

Bài và ảnh: Hoàng Nguyên Vũ

 

 

Rất cảm ơn anh Nguyễn Mạnh Hùng và comment của anh (sau được SOI đưa lên thành bài độc lập). Đọc bài của anh, tôi hiểu thêm nhiều điều về nghệ thuật khái niệm (hay ý niệm?).

Cũng vì câu cuối cùng trong bài viết của anh (về việc “bạn” – tức là tôi? – quyết định tiếp xúc với nghệ thuật đương đại ra sao?), nên mặc dù ở xa, tôi cũng thu xếp bắt xe về tận nơi, để cố gắng tiếp xúc với nghệ thuật đương đại thông qua dự án Những chân trời có người bay.

Tôi đã ghé xem qua các studio ở đây, từ Xưởng may của Lại Thị Diệu Hà và Nguyễn Quốc Thành, Phòng thí nghiệm phim ảnh của Nguyễn Trinh Thi, Jamie Maxtone-Graham, Yuichiro Tamura, đến phòng triển lãm của nhóm Phụ lục

Lẽ dĩ nhiên, tôi tới studio Bếp gia đình của Nguyễn Hồng Ngọc.

Rất tiếc là không như bài giới thiệu trên SOI, trong studio không có một ai, nên cũng không có các chị lúi húi nấu nướng để tôi có thể cảm nhận được sâu sắc hơn ý niệm nghệ thuật của tác phẩm này (bằng cách ăn một món do các chị nấu). Chỉ có mấy bát nước chấm có vẻ để đã lâu trên kệ bếp, một rổ cà chua, các chai lọ xếp tương đối dày trên dãy kệ kê sát tường.

Tôi đọc rất kỹ những lời có tính dẫn dụ được ghi trên cửa sổ: “Hôm nay chúng ta nấu món gì đây?” cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Lời giới thiệu trên tờ giấy để trước studio cho thấy món hôm nay của Bếp gia đình có tên là Nhào trộn tình yêu (Mix Love), giá 20.000đ, nhưng tôi chờ một lúc lâu vẫn không thấy có người nên đành chào thua, không có cơ hội để nếm thử món Nhào trộn tình yêu xem nó ra sao.

 

Rất thật lòng, tôi thực hiện đúng như anh Nguyễn Mạnh Hùng dẫn dắt, cố gắng nhìn ra “cái đẹp nằm sau cái nhìn thấy”, trải nghiệm cái ý niệm của tác giả thông qua tác phẩm này.

Nhưng vô vọng.

Tôi đang đứng trong một gian bếp bình thường, được bê từ đâu đó về đây, với những lời giới thiệu kêu choang choang.

Trong đầu tôi lại hiện lên cái ví dụ rất hay về bếp, về ý niệm “thức ăn là cả một nghệ thuật” của nghệ sĩ Rirkrit Tiravanija mà anh Mạnh Hùng nêu trong bài, cố tìm một sự tương đồng về cái gọi là “nghệ thuật” ở đây.

Nhưng không như tác phẩm ấy, ở đây, Bếp gia đình của Hồng Ngọc không có một chút nào gọi là ý niệm. Chỉ là một cái bếp trần xì, với lời dẫn ngô nghê: “… Tôi đi chợ chọn những thực phẩm yêu thích và thể hiện món ăn như một tác phẩm nghệ thuật. Ẩm thực cung cấp năng lượng cho đời sống tinh thần của người bạn yêu mến.” Mà nhớ lại, ngay trong tờ giới thiệu của dự án cũng đã viết: “Đây là studio với các dụng cụ nấu ăn của Nguyễn Hồng Ngọc. Cô sẽ nấu ăn và mời một vài khách tham quan thưởng thức món ăn mình nấu hàng ngày.”

Vậy thì thưa anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh đòi tôi phải thấy, phải trải nghiệm cái gì ở đây, khi mà bếp của Hồng Ngọc chẳng khác gì cái bếp của vợ tôi? Và các món của Hồng Ngọc cũng chỉ là món cô nấu hàng ngày, vào đến Trung tâm Văn hóa Nhật bản thì đặt thành những cái tên mơ mộng (nhưng không có người nấu)?

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, nghệ thuật ý niệm thì phải đặt ý niệm của tác giả lên đầu, rồi người xem nên “thực sự cầu thị” trải nghiệm cái ý niệm ấy. Nhưng điều kiện tiên quyết là: tác giả phải có ý niệm đã. Không có ý niệm thì chẳng khác gì làm món súp óc mà không có óc, chỉ có nước lõng bõng cùng mì chính và hành lá.

Một điều nữa càng tệ hơn, mà nhân đọc bài của anh Hùng tôi mới biết: Hồng Ngọc đã copy một cách trắng trợn ý tưởng của Rirkrit Tiravanija. Anh Hùng có cho biết là tác giả này từng đến Việt Nam, nói chuyện. Cô Phương Linh (giám tuyển của dự án Những chân trời…) nhiều khả năng cũng phải biết đến ông này. Không hiểu sao cô lại để cho một “Bếp gia đình” đầy tính “xào nấu” thế ở trong một dự án lớn thế này.

Có lẽ nhà thơ Trần Dần có sống lại cũng lại phải khóc thêm, vì ngoài việc “những chân trời không có người bay”, mà đến những kẻ định bay cũng vay mượn chân trời của người khác!

*

Để giảm bớt sự chủ quan trong những nhận định của mình, tôi rủ một người bạn cùng đi xem dự án. Điều kiện chọn “mẫu” của tôi là:
–    chưa hề đọc SOI,
–    chưa đọc các tranh luận về “bếp gia đình” trên SOI.
–    từng học ở nước ngoài
–    khá yêu thích nghệ thuật
–    không được biết về mục đích chính của chuyến tham quan này

Sau khi đi xem khoảng hai vòng, tôi chủ ý dừng lại thật lâu ở studio Bếp gia đình, để cho anh bạn có thời gian xem, quan sát thật kỹ.

Khi ra khỏi khu nhà 27 Quang Trung, với một giọng ra vẻ hết sức bình thường, tôi hỏi: “Ông có cảm thấy một chút tính chất nghệ thuật nào đó ở Bếp gia đình không?

 “Không,” anh ấy trả lời. Và hai chúng tôi đi ăn mì vằn thắn, nấu cực nghệ thuật đằng sau tòa nhà cá mập.

 

Ý kiến - Thảo luận

14:47 Monday,14.1.2013 Đăng bởi:  admin

Anh Trần Lương:


Cmt của anh, Soi xin phép đưa thành bài có tên "Nhiều lỗ thủng! Nhưng chán, lờ đi là vô trách nhiệm!".


Cảm ơn anh nhiều.


...xem tiếp
14:47 Monday,14.1.2013 Đăng bởi:  admin

Anh Trần Lương:


Cmt của anh, Soi xin phép đưa thành bài có tên "Nhiều lỗ thủng! Nhưng chán, lờ đi là vô trách nhiệm!".


Cảm ơn anh nhiều.

 
12:56 Friday,14.12.2012 Đăng bởi:  Angellittlefire
Đồng ý với người viết bài. Sự dụng công tư, duy rất thiếu trong một số studio mở. Cái mà mình thích nhất ở triển lãm là việc kiến trúc sư đã cái tạo lại không gian và một số sản phẩm của các bạn Nhật, anh Jami gì đấy chụp ảnh con gái khá thú vị....Những nghệ sĩ đương
...xem tiếp
12:56 Friday,14.12.2012 Đăng bởi:  Angellittlefire
Đồng ý với người viết bài. Sự dụng công tư, duy rất thiếu trong một số studio mở. Cái mà mình thích nhất ở triển lãm là việc kiến trúc sư đã cái tạo lại không gian và một số sản phẩm của các bạn Nhật, anh Jami gì đấy chụp ảnh con gái khá thú vị....Những nghệ sĩ đương đại trẻ VN thiếu đề tài, thiếu tầm tư duy hay sao đó... sản phẩm ra cứ nông cạn, khoa trương cái nhỏ thành cái lớn. Không ấn tượng! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật?

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả