Đi & Ở

Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán07. 05. 15 - 7:22 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Lời mở đầu: Hiện nay có vài nghìn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Nền giáo dục nói chung và cách dạy dỗ trẻ em của một nước tiên tiến như Hàn Quốc có gì ưu việt? Chúng ta có nên học tập họ hoặc mang chương trình giảng dạy của họ về nước như một số người kiến nghị không? Có phải sự phát triển kinh tế thần kỳ của họ là nhờ phần lớn ở giáo dục thế hệ trẻ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu mình khi ngồi trên máy bay và nghĩ về cái sự học ở trong nước. Một thông tin duy nhất mình biết được lúc đó: Hàn Quốc đang tiến hành cải cách giáo dục và “vẫn còn gặp phải rất nhiều thách thức”.

*
Chuyến đi này của mình là Chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam-Hàn Quốc do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Thanh niên Hàn Quốc đồng tổ chức còn chi phí thì… người tham gia tự trả. Cũng là một dạng đi tour nhưng chương trình có nhiều điểm đến khác với đi du lịch, nhiều thời gian tự do (không phải vào mấy chỗ tiếp thị sâm với linh chi) và quan trọng hơn là có gặp gỡ, giao lưu kết hợp tham quan học tập với cả giới trẻ và giới già Hàn Quốc. Trong đoàn chỉ có mình thực sự là “thanh niên” còn lại toàn “thiếu niên nhi đồng” là chính cộng thêm “các bác phụ nữ và các cụ phụ lão”, trước lúc đi còn bị lôi ra hành: nào tập múa, tập hát, nghĩ lại đến giờ vẫn thấy còn kinh. Một thằng bé ra chiều có kinh nghiệm nói: “Thế này đã là gì, năm nọ em đi Đức còn phải đóng khố múa điệu trống đồng trong khi ngoài trời tuyết đang rơi cơ!”

Thật may là chuyến đi này diễn ra vào dịp hè, không chỉ may vì thời tiết đẹp, thuận tiện đi lại và có nhiều điểm giải trí mà lại còn cái may không ngờ: học sinh của trường bên phía chủ nhà đã… nghỉ hè, đi chơi xa hết cả, “lùng sục” mãi mới ra được bốn đứa lớp Bảy không được đi đâu, nghe thấy được đi chơi cùng đoàn mình thì như bắt được vàng, còn anh em trong đoàn thì thở phào nhẹ nhõm vì không phải “biểu diễn” gì nữa.

Điểm đến đầu tiên được thông báo là Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc (tên thật là Trung ương quốc lập bác vật quán). Ở phía dưới xe nổi lên nhiều tiếng xì xào: “Úi giời”, “Ôi dào”, *chép miệng*, *thở dài*, *tặc lưỡi*… Hình như không chỉ các em không thích đi bảo tàng mà cả các bác lớn tuổi cũng lắc đầu ngao ngán. Cái tâm lý rằng bảo tàng chẳng có cái gì, chán ngán, buồn tẻ và không nên đi lan tràn trong đầu rất nhiều người Việt Nam thì phải. Chẳng biết là lỗi của ai, chỉ biết là tour du lịch cho khách Việt Nam thì người ta không thiết kế đi bảo tàng, trừ duy nhất trường hợp đi Bảo tàng Lourve để chen vai thích cánh chụp La Joconde thì có. Thế mà việc đi bảo tàng hôm đó lại có rất nhiều điều vừa lạ, vừa thú vị, vừa đáng học hỏi. Ấn tượng đầu tiên đập thẳng vào mắt mỗi người là “cha mẹ ơi, sao có cái bảo tàng to như thế!”
 

Phương án kiến trúc của bảo tàng là những hình khối lắp ghép đồ sộ trải dài trên một không gian rất rộng nên tạo cảm giác vững chãi và choáng ngợp. Mà không hẳn do thiết kế, bảo tàng này “vữ ng vàng” theo đúng nghĩa đen: chịu được động đất sáu độ Richter, toàn bộ nội ngoại thất ốp đá chống cháy, các kệ trưng bày hiện vật đều có hệ thống chống rung lắc, đề phòng (những khi động đất, sóng thần hay bị ném bom) hiện vật không đổ vỡ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Bảo tàng to thật là to (thứ sáu thế giới cơ mà) lại ốp toàn đá nhưng không có cảm giác nặng nề, ngột ngạt, lạnh lẽo mà lại rất đẹp đẽ và trang nghiêm như thánh đường vậy. Đó là do rất nhiều ánh sáng tự nhiên được đưa vào tòa nhà, tạo thành những vệt nắng dài chạy dọc theo hành lang chính cực kỳ đẹp. Bài học đầu tiên về trường phái kiến trúc hiện đại Hàn Quốc là tối giản và thực dụng. Người thiết kế hy sinh hẳn một hành lang rộng mênh mông, không trưng bày gì vừa để cho khách có một trục đi bộ xuyên suốt, vừa phân chia các khu vực trưng bày và còn để mọi người tập trung vào vật trưng bày duy nhất cuối hành lang, một cái tháp đá cao 13 mét được bê luôn vào nhà!

Đứng trên tầng hai, chụp ngược từ cuối hành lang nhìn về cửa chính

Hiện vật trưng bày rất nhiều nhưng khổ nỗi bảo tàng quá rộng, đi mỏi chân mà thời gian cho phép không được bao nhiêu nên đi mà như chạy, xem bảo tàng mà như tập thể thao. Chỉ đi trong mấy tiếng mà sao thấy quá nhiều điều đáng bàn. Thứ nhất, số lượng hiện vật thì nhiều nhưng chất lượng thì không ăn thua. Đồ gốm sứ, đồ kim loại cho đến đồ gỗ, tượng phật rất nhiều cái sứt mẻ, què cụt, bạc màu, nham nhở, có khi vỡ vụn. Cổ vật cũng không có gì đặc sắc, những đồ quý đều đã bị thực dân Nhật tiêu hủy, mang về nước hoặc bị phá hoại trong chiến tranh Liên Triều. Tuy nhiên họ khéo léo chọn những cách trưng bày rất trang trọng. Trong mỗi một gian, cái đẹp nhất luôn được đưa ra phía trước, riêng một lồng kính, đèn trên đèn dưới bóng lộn. Đặc biệt họ có xếp hạng cổ vật vào hàng quốc bảo (National treasure of Korea) và đánh số thứ tự các cổ vật có giá trị đặc biệt này. Một cái bia đá mẻ góc, nứt đôi ở giữa sẽ nhanh chóng bị người xem lướt qua nhưng thấy có đánh dấu là Quốc bảo số 3 thì ai cũng sẽ dừng lại xem sao mà nó quý thế (Ở ta cũng bắt đầu chọn Bảo vật quốc gia nhưng không hề cảm thấy trịnh trọng như ở đây). Các đồ vật khác nhau có những cách chiếu đèn khác nhau sao cho nhìn đẹp mắt nhất và chụp ảnh đẹp nhất (cho chụp thoải mái, có mòn đi đâu mà phải cấm). Đến khi ra về, thấy nhân viên bảo vệ hạ xuống những cái cửa thép bóng loáng, dày hơn một gang tay mới thấy họ trân trọng những thứ “quý giá” đó thế nào.
 

Từ trái qua: Quốc bảo số 3 – Bia Bukhasan (Bắc Hán Sơn) nói rằng vương quốc Tân La đã mở rộng đến bờ sông Hán, Thạp gốm đời Lý do các cụ nhà ta chạy loạn giặc Trần mang qua bển, Sư tử gỗ đặt ở cửa đền

Thứ hai, người xem rất đông, chủ yếu là người Hàn Quốc và đặc biệt là trẻ con rất nhiều, nhiều đến mức mình tưởng người ta chuẩn bị tổ chức phá cỗ Trung Thu. Đấy là hai điều mà hiếm bảo tàng nào ở Việt Nam có được. Mấy đứa bé tí còn tập đi, đến mấy đứa lớn hơn biết chạy, đến đội mẫu giáo tập tô tập vẽ, lớn nữa thì bắt đầu biết đọc đang đánh vần chú thích, chúng nó đi, đứng, ngồi, nằm la liệt khắp nơi. Sàn nhà sạch bóng, chỗ nào cũng thấy phụ huynh với con em ngồi chơi, ngồi nghỉ (ngồi bệt luôn trên sàn nhé).

Vào đến khu bảo tàng dành cho trẻ em thì còn đông hơn cái nhà trẻ. Nhân viên bảo tàng tổ chức cho đám “đại học chữ to” viết lên những cái quạt giấy (mô phỏng hình thức thư pháp viết lên quạt ngày xưa), vẽ tranh bắt chước kiểu tranh cổ truyền thần, lớn hơn thì xem phim hoạt hình danh nhân lịch sử và còn nhiều trò chơi nữa nhưng đều liên quan đến lịch sử và văn hóa Hàn Quốc. Người già tóc bạc thì ngồi uống trà hoặc cà phê nghe nhạc cụ cổ truyền. Nhưng mà sốc nhất là thấy các đôi trai gái đi hẹn hò! Chỉ trỏ, nắm tay, ôm eo, mấy góc tối còn hôn nhau túi bụi. Hẹn hò trong bảo tàng?! Trước giờ tưởng chỉ có xã hội đen với điệp viên trong phim Mỹ mới hẹn gặp nhau ở bào tàng thôi chứ! Vì sao? Vì khuôn viên bảo tàng có thảm cỏ mênh mông (trước đây là sân golf của quân đội Mỹ), trong nhà điều hòa mát rượi, lại có quán café, nhà hàng đầy đủ. Vậy là bảo tàng ở đây đã thành công vượt xa chức năng cơ bản của nó. Người tham quan nghiên cứu có không gian yên tĩnh để làm việc, người rỗi rãi thích đi loanh quanh có phần để giải trí mà người muốn có chỗ đưa con đi chơi ngày nghỉ cũng được thỏa mãn, và quan trọng nhất là việc truyền tải kiến thức cho người xem, đặc biệt là cho trẻ em rất hấp dẫn và dễ tiếp thu.

Vương miện và thắt lưng bằng vàng của vua Tân La, người Hàn Quốc tự hào rằng họ đã có một vương quốc độc lập khỏi Trung Quốc từ thế kỉ V. Bộ vương miện này được đặt trang trọng, riêng rẽ trong một phòng lớn, tối om, chỉ có đèn ở chỗ vương miện. Vương miện đã được phục dựng đưa vào phim Nữ Hoàng Seon Deok (nếu ai đã xem trên truyền hình Việt Nam). Ngành nghiên cứu lịch sử trung đại của các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển như vũ bão của phim lịch sử cổ trang Hàn Quốc.

Những ứng dụng công nghệ của bảo tàng này không phải ở nước phát triển nào cũng làm được, phải kính nể mức độ tương tác với người xem của bảo tàng. Mức độ đơn giản nhất là chiếu phim (tưởng gì, bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam cũng làm được!), nhưng ở đây là phim 3D. Cung điện hiện lên trên màn hình, chốc chốc lại thấy hoa anh đào nở, mưa rơi, gió thổi, bốn mùa luân phiên chuyển tiếp hay là mô tả cách xây dựng từng lớp quan quách của lăng mộ các vua Cao Ly (hiện là di sản văn hóa của Trung Quốc). Bảo tàng rộng nên có rất nhiều gian để nghỉ chân, có gian thì thiết kế kiểu thư phòng truyền thống, ngoài cửa sổ (màn hình) là chim hót, một lúc thì đổi thành mưa bão sấm chớp với hiệu ứng âm thanh như thật. Có gian khi ngồi xuống thì trên loa kể chuyện lịch sử. Màn hình cảm ứng được đặt khắp nơi, người xem có thể xoay hình chiếu ba chiều của cổ vật để xem tất cả các mặt cũng như hoa văn họa tiết. Một người không hứng thú gì với văn hóa lịch sử cũng phải thích thú trước những công nghệ này, đừng nói là trẻ con tò mò hiếu động.

Ra đến chỗ cuối cùng là quầy bán hàng lưu niệm càng thấy phải cắp sách sang đây học tập. Rất nhiều loại quà lưu niệm độc đáo và đẹp, bỏ tiền ra mua cũng đáng chứ không phải kiểu chặt chém như bảo tàng nhà ta. Cái ấn hình con rùa của nhà vua lúc nãy thấy trưng bày ở trong giờ ra đây thấy bán cả đống nhưng độc đáo ở chỗ là có thể khắc tên mình lên trên cái ấn, về nhà tha hồ mà dập.
 

Thích nhất là cái bộ tượng này. Tính ra tiền đồng là gần 800.000 một con, giá thì hơi chát nhưng ở Việt Nam muốn mua thứ tương tự cũng không có. Nhìn mà thấy thương những nhà nghiên cứu cổ trang trong nước, biết bao giờ mới ra được thành phẩm như thế này.

Bảo tàng ta so với bảo tàng Tây thì khập khiễng nhưng so với bảo tàng của một nước tương đồng về văn hóa thì không phải chúng ta không làm được. Vấn đề ở đây không phải số lượng và giá trị hiện vật mà ở cách tiếp cận người xem cũng như đối tượng giáo dục cần hướng đến. Bảo tàng nên trở thành một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Quay lại với hành trình, buổi chiều nghe được đi Time Square, Trung tâm thương mại lớn nhất nhì Seoul thì ngay lập tức mặt ai cũng hớn hở như đi hội. Đang cuối hè sang thu nên bảng Sale treo đỏ rực các hành lang và ai cũng phải thử xem Starbucks với Mc Donald’s nom nó ra làm sao cái đã (lúc ấy ở Việt Nam còn lạc hậu chưa có). Mình thì mọt sách, chui ngay vào hiệu sách trên tầng hai, lỡ bước vào nên mãi mà không quay ra được.

Lớn bé già trẻ ngồi rất đông, cả trên ghế và trên sàn nhà, đọc tự do và chăm chú.

Nhà sách ở quê ta thì chưa mơ đến chuyện có ghế chứ hành lang đi lại cũng chẳng có, dù nhà sách có to đến mấy thì cũng chỉ toàn kệ sách kê sát sạt vừa một người đi. Tại sao người vào đọc nhiều như vậy? Có hai lí do: một là sách rất đắt, mình còn nhớ lúc ấy quyển Steve Jobs mới xuất bản, giá ở Việt Nam là gần 200.000 thì giá tại Hàn Quốc tính ra đã gần 600.000 đồng. Những sách màu và có tranh ảnh còn đắt hơn nữa. Thứ hai, họ muốn bảo vệ bản quyền, thà cho người ta đọc chùa còn hơn in lậu phát triển và sách giả kém chất lượng tràn lan. Ai có tiền thì mua về nhà, không thì tranh thủ ngồi đây mà đọc. Hầu như tất cả các thể loại đều có sách bằng tiếng Hàn Quốc, sách tiếng Anh cũng nhiều không kém, giá đắt như bên Tây nên quầy sách tiếng Anh vắng như chùa bà đanh.
 

Bộ truyện tranh danh nhân này được nhà xuất bản Kim Đồng mua lại bản quyền, bán rất chạy ở Việt Nam. Trong sáu quyển bày ở đây đã có quá nửa là nói về người Hàn Quốc.

Sách được phân loại theo độ tuổi rõ ràng (có cả loại 0-13 tháng tuổi) chứ không chỉ ghi chung chung là sách thiếu nhi. Có một đặc điểm ở các nước phát triển là trong hiệu sách, các thể loại về nghệ thuật, cơ bản nhất là âm nhạc và mỹ thuật có rất nhiều đầu sách. Sách có tranh ảnh và in màu cũng xuất hiện với tần suất cao hơn nhiều lần.

Nhìn cái bộ này thích mê đi được, những khổ nỗi mù chữ. (Mời các bác thử đọc ra tên các quyển trong phần bình luận nhé). Gần 400.000 một cuốn, vậy mà cuối cùng nghĩ thế nào cũng nhặt vài ba quyển về… xem tranh. Lại nhớ bộ sách Danh họa với Kiến trúc của Kim Đồng, có 5.000 với 7.500 một quyển thế mà ế chỏng chơ.

Vậy là ta đã đi qua bảo tàng và hiệu sách, chúng ta đã thấy gì và nghĩ gì về hai đơn vị giáo dục gián tiếp này nào?

Đợi bài tiếp theo nhé.

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

11:28 Wednesday,10.6.2020 Đăng bởi:  Đặng Thái
Link mua trên Shopee đây bạn nhé:https://shopee.vn/-NG-01-B%C3%BAp-b%C3%AA-ho%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%BF-tri%E1%BB%81u-Nguy%E1%BB%85n-m%E1%BA%B7c-l%E1%BB%85-ph%E1%BB%A5c-C%E1%BB%95n-Mi%E1%BB%87n-t%E1%BA%BF-giao-i.29829610.399665461 hoặc bạn tra "Búp bê hoàng đế triều Nguyễn mặc lễ phục Cổn Miện tế giao" là ra 
23:25 Thursday,4.6.2020 Đăng bởi:  Trần Thịnh
 Bạn cho mình link được không ạ, mình vào shope chỉ toàn là búp bê Hàn, Nhật thôi
...xem tiếp
23:25 Thursday,4.6.2020 Đăng bởi:  Trần Thịnh
 Bạn cho mình link được không ạ, mình vào shope chỉ toàn là búp bê Hàn, Nhật thôi 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp