Đi & Ở

Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán 01. 04. 15 - 6:33 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Đại Hàn Dân Quốc (mà chúng ta thường gọi tắt Hàn Xẻng) là một đất nước giàu có, đó là một sự thật không thể chối cãi. Mỗi một người Việt Nam dù Thủ Tướng hay thường dân xuất khẩu lao động đi chơi Hàn Quốc về, ắt hẳn đều có nhiều suy nghĩ. Càng trăn trở với đất nước thì càng phải nghĩ nhiều. Hàng năm có trên dưới trăm nghìn người Việt Nam sang Hàn Quốc với rất nhiều mục đích khác nhau, người đi ngắn hạn, người đi rất lâu, có người đi mãi mãi không về, nhưng không nhiều trong số đó hiểu được bản chất của xã hội Hàn Quốc như chiều ngược lại họ hiểu về chúng ta. “Chúng ta cần học tập Hàn Quốc nhiều mặt”, chính xác, nhưng mình sẽ không bao giờ nghe lọt tai cái luận điệu mà nhiều người vẫn ra rả: “Hàn Quốc (hay Đài Loan, Nhật Bản) chính là hình mẫu tương lai mà Việt Nam cần phấn đấu đạt được”. Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Có những điều hiển nhiên về một vùng đất mà có người ở đấy mười năm chẳng nhận ra, nhưng có khi chỉ cần nhìn nhận thật khách quan lại thấy nó hiển hiện trước mắt. Mời bạn đọc cùng chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe (chứ không có gì là học thuật cao siêu) qua một chuyến đi của mình, ngắn nhưng (mình cho là) giá trị.

 *

Cầu đường sắt sông Hán (Hán Giang thiết kiều) sơn hai màu xanh – trắng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hán. Năm 1897, một kỹ sư người Mỹ là James R. Morse trúng thầu của chính quyền Hàn Quốc nhưng rồi ông gặp khó khăn về tài chính nên thực dân Nhật đã thiết kế lại và hoàn thành vào năm 1900, hơn kém cầu Long Biên mấy tuổi. Cầu có bốn làn riêng biệt, ba làn mới hơn được xây lần lượt vào các năm 1912, 1944 and 1995. Cầu đã từng bị “tiêu thổ kháng chiến” ngay khi bắt đầu chiến tranh Triều Tiên hòng cản bước “xâm lăng” của “giặc phương Bắc” nhưng kết quả là khiến hàng trăm dân thường và quân lính Hàn Quốc không kịp qua sông, bị dồn lại bên bờ bắc và rồi… Đây là cây cầu đã chứng kiến những thăng trầm trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại và được xếp hạng là di sản văn hóa.

Mình đang đứng trên một cây cầu bắc qua dòng Hán Giang – con sông chảy ngang thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Câu chuyện bắt đầu từ cái tên con sông này đây. Phiên âm tiếng Hàn Quốc (thực ra phải gọi là tiếng Triều Tiên mới đúng) của tên sông là Hangang. Vì cái tên nước Hàn Quốc, nên ở Việt Nam hay nhầm tưởng dòng sông này là sông Hàn, mặc dù tên chữ Hán của nó rành rành trên biển chỉ đường là Hán Giang. “Gang” thì rõ ràng là “giang” rồi còn cái chữ “Han” nó không có dấu mới đau. Mình vừa mới nói dứt lời sông này tên là sông Hán thì bị các bạn đồng hành đồng thanh chụp mũ ngay tập tức, càng giải thích thì cả đoàn càng hăng hái “đàn áp”, đau nhất là còn bị chửi: “Đã dốt còn hay nói chữ”. Chị phiên dịch người Hàn Quốc tiếng Hán cũng kém mà tiếng Việt lại chửa thông nên ú ớ không giải thích được. Có những lúc chúng ta phải “ngậm đắng nuốt cay” như thế đấy các bạn ạ. 

Câu chuyện đơn giản vậy thôi nhưng chứa sâu xa bên trong đó rất nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Người Triều Tiên suốt cả nghìn năm tự nhận rằng mình là người Hán, là hậu duệ chính thống của Hán tộc, nên tên sông mới đặt là Hán Giang, thủ đô Seoul trước đây mới tên là Hán Thành. Sau khi chủ nghĩa dân tộc lên ngôi họ cũng từng bài xích văn hóa Trung Quốc, họ tự nhận là dân tộc Hàn nhưng cuối cùng thì giờ đây chữ Hán vẫn được giảng dạy ở tất cả các bậc giáo dục và con sông vẫn tên là Hán Giang. Quay lại với đoàn khách Việt Nam, lớn bé già trẻ không có một ai đọc nổi chữ Hán trên biển tên và cũng chẳng thèm quan tâm đến sự thật, chỉ biết rằng báo chí viết “kỳ tích sông Hàn” thì chắc chắn là phải đúng rồi. Chúng ta cũng giống Hàn Quốc nhiều năm về trước, đang dừng ở thời kỳ đoạn tuyệt với văn hóa Hán Học, đến mức mà dùng tiếng Việt sai nhan nhản và đền miếu của tổ tông cũng không đọc nổi mà khấn cho đúng.
 

Quốc kỳ Hàn Quốc với lưỡng nghi: dương – đỏ, âm – xanh và “tứ quái”: Càn, Ly, Khôn, Khảm. Thế mới biết dân Hàn Quốc “tín” nhất Đông Á. Người Hàn Quốc cũng đã có một thời kỳ ngồi miệt mài chứng minh Kinh Dịch là do dân tộc Triều Tiên viết ra.

Có lẽ chính vì sự tương đồng nhiều điểm của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc mà nhiều trí thức hay trí ngủ nghĩ rằng chúng ta cần phát triển theo con đường của Hàn Quốc. Nghĩ thế kể cũng phải, vì Hàn Quốc giống với chúng ta hơn Nhật Bản nhiều lắm – Nhật Bản là một dân tộc đặc biệt và sự canh tân Âu hóa của họ đã từ rất rất lâu rồi. Từ thời Đường nước ta là An Nam đô hộ phủ thì Triều Tiên là An Đông đô hộ phủ, cả nghìn năm sau khi cụ Lê Quý Đôn đi sứ sang Tàu, có gặp sứ thần Triều Tiên thì vẫn còn giao tiếp bình thường qua viết chữ Hán. Đến thời hiện đại, hai đất nước cũng bị cắt làm hai, hai nửa trên đều gắn với Trung Quốc. Các cụ khi trước nói là “đồng chủng, đồng văn” cũng phải. Ngày nay quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ ngoại giao kinh tế mà còn là quan hệ máu mủ ruột già nữa ấy chứ. Cả trăm nghìn con người lai giữa hai dòng máu đâu phải chuyện đùa. Trong khi đó Hàn Quốc thì rất giàu, còn chúng ta thì rất nghèo, không muốn noi gương mới là chuyện lạ!

Cầu Banghwa (Bàng hoa) “màu son, cong cong như con tôm” bắc qua sông Hán

Chạy xe dọc theo bờ sông Hán, nhìn hai mươi bảy chiếc cầu vắt qua vắt lại hai bên đủ màu sắc kiểu dáng, không ai là không mắt chữ A mồm chữ O trước sự phát triển của Hàn Quốc. Mọc lên cạnh dòng sông là vô số nhà cao tầng, công viên, kiến trúc ngoằn nghèo đủ kiểu không thua kém trời Tây. Vì vậy mà dòng sông này được lấy làm biểu tượng cho sự vươn lên kì diệu của Hàn Quốc trên thế giới. Nhìn thấy thế ai mà chẳng thích, thằng cu em hay chơi logo xếp hình còn muốn về nhà lắp ghép theo kiểu thành phố hai bên bờ sông cơ mà. Người Việt Nam đều nôn nóng muốn mang mô hình này về xây dựng trong nước, đến mức còn định xây thành phố hai bên bờ sông Hồng cơ đấy (mỗi tội lũ sông Hồng hơi to, với lại sông Hồng còn nuôi sống mấy chục triệu miệng ăn, chứ không đơn thuần là dòng sông xinh đẹp yêu kiều như sông Hán); riêng với trường hợp sông Hàn (tên chuẩn không cần chỉnh) ở Đà Nẵng thì đã có thể tạm gọi là thành công.

Đứng bên thành cầu lộng gió, nhìn đôi bờ rất nhiều cây xanh, vỉa hè sạch sẽ, hít thở không khí thoáng đãng, người thì đi thể dục chậm rãi, người thì dắt chó đi dạo, thuyền chở du khách chạy trên sông…, cảm thấy ấn tượng thật đẹp về một đất nước của những người anh em da vàng. Bỗng thấy trên cầu một tác phẩm điêu khắc rất lạ, tượng đồng mô tả hai người đàn ông ngồi trên ghế, một người già lau nước mắt cho người kia mặt trẻ hơn. Dọc thành cầu viết rất nhiều khẩu hiệu “Cuộc đời phía trước đẹp sao”, “Buồn phiền rồi sẽ qua đi”, “Mẹ già con nhỏ đang mong bạn về”… Thì ra là chiến dịch của thành phố nhằm giảm thiểu tình trạng nhảy cầu tự tử đang tăng chóng mặt. Hàn Quốc là nước có tỉ lệ người tự tử cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) – 34 quốc gia có kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới. Chỉ số này của Hàn Quốc vượt xa cả Nhật Bản (đứng thứ hai về tự tử) – đất nước nổi tiếng nhiều năm với “thương hiệu” mổ bụng Seppuku của các Võ sĩ đạo.
 

Tác phẩm điêu khắc nhằm ngăn cản việc tự tử trên cầu Mapo

Cái giá phải trả cho một nền kinh tế tăng trưởng thần kì là một xã hội đầy những vấn đề ngang trái. Hàn Quốc học Nhật Bản rất nhiều nhưng xã hội lại không Tây hóa được nhiều như ở Nhật (vậy mà xã hội Nhật còn đang khủng hoảng nặng nề). Sự ràng buộc của Khổng giáo và Hán hóa sâu đậm tương phản với sự bùng nổ kinh tế tư bản khiến cho xã hội Hàn Quốc rối loạn trầm trọng, khủng hoảng có trong từng gia đình. Mà “tề gia” thì mới “trị quốc” và “bình thiên hạ” được, những nhà nghiên cứu và quản lý xã hội ở Hàn đang đau đầu tìm (nhiều) lời giải. Mình chợt chột dạ, thấy lờ mờ “tương lai đang đón chờ tay em” ở quê nhà nên quyết định sẽ để tâm tìm hiểu, sẽ gạt bỏ những thành tựu kinh tế hào nhoáng đẹp đẽ bên ngoài để đào sâu nhìn nhận thật khách quan và nghiêm túc về xã hội Hàn Quốc trong thời gian ở đây. Đơn giản là để rút ra chính bài học cho cá nhân mình trong quan hệ với gia đình và bạn bè, nếu không muốn nói rộng hơn là xã hội Việt Nam trong tương lai rất gần.

Vậy là phải trở lại thời điểm còn đang lơ lửng trên máy bay. Máy bay đang giảm độ cao và lượn vòng trên bầu trời phía bắc Hàn Quốc. Nhòm qua cửa sổ mình thấy một cảnh tượng có thể gọi là kinh ngạc. Về phía Seoul, đèn điện vàng rực, sáng chói lóa, chi chít hàng ngàn hàng triệu bóng điện rực rỡ cảm thấy rõ rệt cái sức mạnh cuồn cuộn của dòng năng lượng, vậy mà chỉ cách đó hơn trăm cây số, bên kia giới tuyến là một màu tối om lặng lẽ.
 

Ảnh chụp bán đảo Triều Tiên từ vệ tinh vào ban đêm (lấy từ internet)

Sân bay khổng lồ và hiện đại lập tức tạo ngay một ấn tượng tốt với khách ngoại quốc (Nội Bài và Tân Sơn Nhất chào đón quý khách bằng xe buýt thì ai mà vui cho nổi). Vào đưa hộ chiếu, cô nhân viên xuất nhập cảnh mặt phấn dày bịch lạnh lùng ra hiệu cho nhìn vào máy ảnh chụp tách một cái, rồi bắt đưa tay điểm chỉ để quét vân tay, cộp dấu – rất nhanh, rất chuyên nghiệp. Incheon là sân bay tốt nhất thế giới chín năm liên tiếp, các cửa hàng miễn thuế cũng số một thế giới, tốc độ làm thủ tục nhập cảnh và hải quan trong top đầu, khách đến không há mồm ngạc nhiên mới lạ. Sân bay có quy mô rất lớn, giữa hai khối nhà chính nối bằng tàu điện ngầm thế mà vẫn còn tiếp tục được mở rộng “tầm nhìn đến năm 2020”. Bước ra khỏi sân bay, hít vào thở ra một hơi sảng khoái, Hàn Quốc đón chào chúng tôi bằng một màn sương mù dày đặc và không khí se se lạnh.

Trạm kiểm soát không lưu với thiết kế lạ và đẹp

*

Còn tiếp

 

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

9:19 Wednesday,8.4.2015 Đăng bởi:  candid
Về vấn đề "nhiều triều đại của Việt Nam cũng đã từng nhận mình là người Hán, nước ta là Trung Quốc" em có đọc trong quyển Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức có nhắc tới. Chỉ có điều mấy hôm nay để lẫn sách ở đâu nên không mở ra trích dẫn được.
...xem tiếp
9:19 Wednesday,8.4.2015 Đăng bởi:  candid
Về vấn đề "nhiều triều đại của Việt Nam cũng đã từng nhận mình là người Hán, nước ta là Trung Quốc" em có đọc trong quyển Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức có nhắc tới. Chỉ có điều mấy hôm nay để lẫn sách ở đâu nên không mở ra trích dẫn được. 
8:59 Wednesday,8.4.2015 Đăng bởi:  Phúc Bồ
Hé hé cụ Bàn Văn Lùi muốn góp một nhờ đồng ý với cụ Đặng Thái mà cụ Đặng Thái không hiểu cho tấm lòng.
Nói như bài tượng Snowden bị dỡ bỏ sáng nay, "có khi quà cũng đâu có được chấp nhận".
Than ôi, tri âm tri kỷ muốn có cũng khó ghê
...xem tiếp
8:59 Wednesday,8.4.2015 Đăng bởi:  Phúc Bồ
Hé hé cụ Bàn Văn Lùi muốn góp một nhờ đồng ý với cụ Đặng Thái mà cụ Đặng Thái không hiểu cho tấm lòng.
Nói như bài tượng Snowden bị dỡ bỏ sáng nay, "có khi quà cũng đâu có được chấp nhận".
Than ôi, tri âm tri kỷ muốn có cũng khó ghê 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả