Trường phái
ĐIÊU KHẮC HOÀNH TRÁNG (bài 2): Muôn hình vạn trạng quanh chủ đề người Do Thái04. 02. 15 - 7:56 am
Từ SCULPTURE TODAY của Judith Collins/Chương 13: MONUMENTALITY
Biên dịch: Phạm Long - Hiệu đính: Đào Châu Hải
(Tiếp theo bài 1)
Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều đài tưởng niệm và tượng đài về những vụ thảm sát người Do Thái trong Đại chiến thế giới lần thứ 2 (Holocaust) được dựng lên khắp nước Mỹ và châu Âu. George Segal là người đi đầu trong việc thực hiện những công trình này. Ông là người đã giành chiến thắng trong cuộc thi về Đài Tưởng Niệm Holocaust Của San Francisco – và cũng có những đài tưởng niệm Holocaust khác tại Miami và Philadelphia.
Tác phẩm Đài Tưởng Niệm Holocaust Của San Francisco – Holocaust Memorial for San Francisco thể hiện những thân thể trần truồng nằm rải trên mặt đất theo hình ngôi sao Do Thái. Một cơ thể nam đang trong tư thế như bị đóng đinh (trên thập giá), trong khi một nhân vật nữ cầm trái táo gợi nhắc hình ảnh Ê-va. Một người đàn ông mặc quần áo cô đơn đứng đối diện trước hàng rào kẽm gai. Tất cả các pho tượng đều bằng đồng, sơn trắng. So với các đài tưởng niệm Holocaust khác, tác phẩm này là bản sao chính xác nhất về sự kiện diệt chủng; hình tượng người đàn ông đứng bên hàng rào ngóng nhìn ra biển bắt nguồn từ một bức ảnh đăng trên tạp chí Life vào năm 1945 chụp tại trại tập trung Buchenwald (Đức) do nhà nhiếp ảnh Margaret Bourke White thực hiện.
George Segal, “Đài Tưởng niệm Holocaust của San Francisco”, 1984. Gồm 11 tượng bằng đồng rỉ bạc, gỗ, dây thép gai. Kích thước thay đổi.
Esther Shalev-Gerz và Jochen Gerz là các nghệ sĩ chiến thắng trong cuộc thi sáng tác về Đài Kỷ niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Chiến tranh và Bạo lực, vì Hòa bình và Quyền Con người (Monument Against Fascism, War and Violence and for Peace and Human Right) do thành phố Hamburg-Harburg tổ chức.
Được tiến hành trong một thời gian dài, từ 1986 đến 1993, công trình điêu khắc công cộng này được hạ thấp dần độ cao sau mỗi lần thụt xuống lòng đất vào những thời điểm nhất định, và rồi khuất dạng hẳn – theo đúng ý đồ của các nghệ sĩ. Đài kỷ niệm này là một tháp rỗng bằng thép bọc chì với bề ngang hơn 1 mét và chiều cao 12 mét, được dựng trên khu cảng gần Tòa thị chính Harburg, sát lối vào nhà ga. Thông qua bức thư mời viết bằng bảy ngôn ngữ, cư dân thành phố đã được mời cùng tham gia thực hiện một bản tuyên bố công khai chống chủ nghĩa phát xít bằng cách khắc tên của mình vĩnh viễn vào công trình điêu khắc; “Dù sao, chính chúng ta mới là những người có thể đứng lên chống lại bất công”, đó là câu cuối cùng trong lá thư mời.
Esther Shalev-Gerz và Jochen Gerz,”Đài Kỷ niệm chống Chủ nghĩa Phát xít, Chiến tranh và Bạo lực, vì Hòa bình và Quyền Con người
Đã có 60.000 người hưởng ứng hoạt động nghệ thuật công cộng này. Với những cây kim thép gắn sẵn, họ có thể khắc tên và các ý kiến của mình lên lớp vỏ bằng chì của tượng đài. Theo thông báo, công trình có tám lần hạ thấp độ cao; mang trên mình nó những thông điệp do công chúng khắc lên thân, cây cột chìm thấp dần xuống vào lòng đất. Mỗi lần cây cột được hạ thấp độ cao là một sự kiện chung của quần chúng kèm theo những cuộc thảo luận xoay quanh công trình đài tưởng niệm này. Sau lần độn thổ cuối cùng, những gì còn lại của tượng đài chính là phần đỉnh cột. Qua ô cửa nhỏ nằm bên cạnh lối đi phía dưới, khách tham quan có thể nhìn thấy phần chóp chiếc cột đã bị vùi lấp bởi nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng.
Một năm sau khi khánh thành tượng đài Hamburg-Harburg của Gerz, nghệ sĩ Sol LeWitt đã thực hiện hai công trình lớn cho triển lãm điêu khắc năm 1987 tại thành phố Munster của Đức, đó là các tác phẩm Khối Đen – Black Form và Kim Tự Tháp Trắng – White Pyramid. Cả hai tác phẩm đều có những khối bê tông xếp chồng lên nhau. Tác phẩm Kim Tự Tháp Trắng được đặt trong vườn bách thảo, trong khi Khối Đen ngự ngay phía trước Trường Đại học Munster.
Khối Đen bao gồm các khối bê tông sơn đen, xếp chồng lên nhau thành một hình khối chữ nhật lớn, kích thước 2 x 5,5 x 2 mét. Trong thời gian lắp dựng tác phẩm này, tác giả Sol LeWitt, một người gốc Do Thái, lại chua thêm cho nó dòng phụ đề Tặng Những Người Do Thái Mất Tích, biến nó từ một vật thể đồ sộ mang tính ước lệ thành một đài tưởng niệm [cụ thể]. Thế là các quan chức thành phố lập tức yêu cầu phải di dời tác phẩm này với lý do nó ‘cản trở giao thông’ (?). Thành phố Altona-Hamburg – vốn từ lâu đã quan tâm tới việc dựng một đài tưởng niệm cho cộng đồng người Do Thái bị áp bức dưới thời Đức Quốc xã cai trị – đề nghị được đón nhận “tác phẩm bị chối bỏ”. Do đó, vào năm 1989, LeWitt đã trao tặng tác phẩm Khối Đen cho Altona-Hamburg. Nó được đón chào nồng nhiệt và được trân trọng dựng trước cửa Tòa thị chính Altona, tại Quảng trường Cộng hòa. Theo nguyện vọng của LeWitt, tại đây không có dòng chữ nào nói về tác phẩm điêu khắc này, tuy nhiên, vẫn có hai tấm bảng dựng ngay gần đó nói về lịch sử cộng đồng người Do Thái của thành phố cảng Altona-Hamburg, một cộng đồng có nguồn gốc từ thế kỷ XVI đã bị Đức quốc xã hủy diệt vào năm 1941.
Sol LeWitt, “Khối Đen”, 1987, bê-tông sơn, 2 x 5,5 x 2 m. Platz der Republik, Altona-Hamburg
Một trong những nghệ sĩ có thái độ chính trị tích cực nhất là Hans Haacke, người đã được sự ủy nhiệm của thành phố Graz của Áo vào năm 1988 thực hiện một công trình nghệ thuật nhằm kỷ niệm Năm mươi năm biến cố Anschluss (sự kiện Hitler thôn tính và sát nhập nước Áo vào Đức – ND). Haacke buộc phải “đương đầu với lịch sử, chính trị và xã hội”, và không hề ngạc nhiên khi ông sẵn sàng đón nhận. Ở trung tâm thành phố Graz có một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh (Virgin Mary) lớn đặt trên một cột đế cao, và năm 1938 Hitler đã cho cắt cụt nó tạm thời để làm một đài kỷ niệm, và quây phủ nó bằng một băng khẩu hiệu Und Ihr Habt Doch Gesiegt [Cuối cùng bạn đã chiến thắng], liên quan đến một chiến thắng của phát xít. Không tự giới hạn, Haacke đã tái dựng sự kiện này, sao chép lại cả đề tài và tượng đài cũ của Hitler nhằm đạt được tính đương đại mà vẫn hàm chứa một ý nghĩa khác trong bối cảnh mới.
Năm 1997, Haacke được ủy nhiệm thực hiện một đài kỷ niệm về lịch sử nước Đức dành cho cuộc triển lãm điêu khắc ở Munster có tên gọi Điểm Dạo Quanh – Standort Merry- Go-Round. Ông bố trí công trình điêu khắc sắp đặt này ngay bên cạnh đài tưởng niệm bằng đá rất nổi tiếng về cuộc chiến tranh thế kỷ 19 tại địa phương có tên là “Đài Con Lừa” (Masentempel) ghi nhớ các cuộc chiến tranh của nước Đức chống lại các lân quốc dưới sự lãnh đạo của Bismarck cùng những chiến công của ông và sự thành lập Đế chế (Reich). Haacke đã dựng lên một khối trụ kín, chiều cao bằng với đường kính, được làm bằng các tấm ván gỗ thô, trên nóc chăng dây thép gai. Qua những khe hở của các tấm ván, du khách có thể nhìn thấy ở bên trong có chiếc đu quay với những con ngựa gỗ được rọi sáng, đồng thời cũng nghe thấy văng vẳng âm thanh của bản quốc thiều Đức. Sự bố trí gần nhau của hai đài tưởng niệm này có tác dụng cộng hưởng thật mạnh mẽ, góp phần truyền tải một thông điệp hùng hồn được tác giả gửi gắm.
Hans Haacke, “Điểm dạo chơi đi quanh”, 1997, gỗ tấm, dây thép gai, đu quay có đèn và nhạc, cao cỡ 7 m. Lắp tại Dự án Văn hoá Munster, Đức, 1997.
Một nghệ sĩ trẻ người Đức, Olaf Metzel, cũng thường xuyên làm thứ nghệ thuật mang khuynh hướng chính trị-xã hội gắn với chủ đề bạo lực và sự xúc phạm đối với công chúng. Sự nghiệp của ông khởi phát vào năm 1987 khi ông góp một tác phẩm lớn hình tháp vào cuộc triển lãm điêu khắc chào mừng kỷ niệm 750 năm thành lập Berlin. Tác phẩm mang tựa đề 13-04-1981 gợi nhớ tới những mảnh vỡ còn sót lại của khu mua sắm chính tại Berlin, khu Kurfürstendamm, sau một cuộc xung đột đẫm máu giữa các phần tử cấp tiến thiên tả với cảnh sát có nguyên nhân từ một báo cáo sai lệch về cái chết trong tù của một thành viên thuộc băng nhóm Baader-Meinhof (một tổ chức cực tả – ND).
Olaf Metzel, “13-04-1981”, 1987. Thép, crôm, bê-tông, màu bột. 11,5 x 9 x 7 m. Munster, Đức
Mặc dù tác phẩm điêu khắc của Metzel trông tựa như một phối ghép hỗn độn các mảnh vụn đổ nát từ những trận chiến đường phố, tất cả các chi tiết đều là những bản sao y chang các hàng rào thật của cảnh sát, các khối bê tông và xe đẩy hàng, được nghệ sĩ đơn giản hóa và phóng đại lên. Hình thức tháp cao cũng gợi nhắc mô hình Đài Kỷ Niệm Quốc Tế Thứ Ba – Monument to the Third International nổi tiếng của Tatlin.
Tại Anh quốc, một trong những đài kỷ niệm công cộng nổi tiếng nhất đã được Rachel Whiteread thực hiện vào tháng 10 năm 1993. Công trình mang tên Vô Đề (Ngôi Nhà) – Untitled (House) là một khối đúc lại từ một ngôi nhà bậc thang thời Victoria tại địa chỉ 193 Glove Road, Bow, ở Khu East End, London. Whiteread đã sống và làm việc tại khu vực này từ năm 1989, và bà đã tìm được một ngôi nhà bỏ hoang rất phù hợp với ý tưởng làm một công trình tưởng nhớ tới hàng ngàn căn nhà như thế đã bị chính phủ đương thời ra lệnh triệt hạ. Nguồn vốn của dự án nghệ thuật này được chu cấp bởi tổ chức Artangel (Thần Nghệ Thuật), một tổ chức phụng sự nghệ thuật có trụ sở tại London sẵn sàng giúp đỡ các nghệ sĩ và những dự án nghệ thuật xử lý mọi vấn đề về pháp lý cũng như quy hoạch dự án.
Whiteread đã đổ khuôn toàn bộ căn nhà: các kỹ thuật viên đi lại bên trong và xịt bê tông lỏng vào tất cả bề mặt nội thất phía trong căn nhà. Sau đó, họ cẩn thận gỡ bỏ các cấu kiện, tường gạch, mái nhà, cửa sổ… và để lộ ra lớp áo bê-tông mới mang đúng hình thù cũ của nội thất căn nhà. Không gian rỗng trong nhà được chuyển thành một dạng đặc, còn những bức tường và mái nhà thì biến mất. Tổ chức Artangel chỉ ký hợp đồng thuê khu vực bố trí ngôi nhà này trong một thời gian ngắn, và Ngôi Nhà đã bị phá bỏ vào ngày 11/1/1994 giữa thanh thiên bạch nhật trước sự chứng kiến của đông đảo công chúng. Sau đó, tổ chức Artangel trải cỏ lên toàn bộ khu vực này, xóa mọi dấu tích của tác phẩm điêu khắc từng tồn tại trên khu phố Grove Road.
Cũng giống như trường hợp của Jochen và Esther Shalev-Gerz đã thực hiện cho thành phố Hamburg-Harburg, công trình đài tưởng niệm Vô Đề (Ngôi Nhà) giờ đây chỉ còn lại trong tâm trí của khách tham quan và được lưu trữ trong những tấm ảnh họa báo.
Rachel Whiteread, “Vô Đề (Ngôi Nhà)”, 1993. Vật liệu xây dựng, thạch cao. Cao cỡ 10 m. 193 Grove Road, London E3. Đã dỡ ngày 11/1/1994
Sau đó, vào năm 1997, Whiteread đã được thành phố Vienna ủy thác cho làm công trình Đài Tưởng Niệm Holocaust – Holocaust Memorial, và đã khách thành vào năm 2000. Bà nhận xét: “Điểm khác biệt giữa tác phẩm Ngôi Nhà … và tượng đài của Quảng trường Judenplatz là: Ngôi Nhà là một tác phẩm điêu khắc [mang tính chất cá nhân] mà lại mặc định biến thành công cộng (do quy mô to lớn và dễ nhận ra của nó). Còn tượng đài ở Quảng trường Judenplatz ngay từ khi bắt đầu đã bị ràng buộc với lịch sử và chính trị.” Đài Tưởng Niệm Holocaust trông như một thư viện bị lộn trái; nó là một khối điêu khắc bê-tông cốt thép, kích thước 10 x 7 x 3,8 m, thể hiện các giá sách có gáy quay vào bên trong, với hai cánh cửa không có tay nắm ở hai đầu. Người xem không thể vào trong phòng, cũng không đọc được sách. Xung quanh bệ tượng đài là tên của các trại tập trung của Đức Quốc xã với 65.000 người Áo gốc Do Thái đã bị sát hại ở đó. Tác phẩm này được đặt tại Quảng trường Judenplaz hình vuông ở Vienna, nằm trên những tàn tích của một Giáo đường Do Thái đã bị thiêu rụi vào năm 1421. Simon Wiesenthal (cựu nạn nhân của các trại tập trung Đức quốc xã, một người rất nổi tiếng vì đã góp phần truy lùng các tội phạm chiến tranh người Đức sau Đại chiến Thế giới lần thứ Hai – ND), người khởi xướng đài tưởng niệm này, cho rằng biểu tượng về sách là rất quan trọng và thích hợp: “Chúng ta là những con người của tri thức. Chúng ta không dựng các tượng đài của mình bằng đá và kim loại. Các tượng đài của chúng ta phải là những cuốn sách.”
Rachel Whiteread, Đài Tưởng Niệm Holocaust, Vienna
(Chi tiết: góc đài tưởng niệm với những hình tượng các cuốn sách mở.)
(Chi tiết: bệ đài tưởng niệm có khắc tên các trại tập trung của Đức Quốc xã.)
Với công trình tưởng niệm trên Quảng trường Judenplatz, nghệ sĩ Whiteread đã đưa ra liều thuốc giải độc cho các quan niệm về đài kỷ niệm đầy tính khoa trương. Với sự kết hợp hài hòa của những hình tượng một lăng tẩm uy nghiêm, một mộ bia vô danh và một ngôi mộ khiêm nhường, đài tưởng niệm này thực sự là một biểu trưng về sức mạnh gợi niềm suy tưởng và lòng tôn kính sâu sắc đối với những người đã khuất. Quá vãng thực sự luôn vang vọng về trên những công trình của Whiteread – những khối điêu khắc của sự chưng cất và kết tinh bao nỗi tiếc thương và hoài niệm.
*
Còn tiếp
Mợ tác giả này rõ là lẩn thẩn, cứ liệt kê ra từng vị, từng vị thế này có mà hết ngày mà vẫn không nếu được những đặc điểm cốt lõi của điêu khắc hoành tráng, thí dụ loại hình này phổ biến ở những nước nào, các loại chế độ nào, ai là người đặt hàng, chất liệu thường là gì, thế nào thì được gọi là hoành tráng.
Cử kể lể ra như thế th
...xem tiếp