|
|
|
|||||||||||||
Tin tứcLight Show: Từ êm dịu tới bứt rứt 06. 03. 13 - 9:48 amPhạm Phong tổng hợpHayward Gallery, nằm đoạn giữa bờ Nam sông Thames, đang mở cửa cho công chúng vào xem một triển lãm rất đẹp có tên là Light Show, bày những tác phẩm tỏa sáng (theo đúng nghĩa đen) của 22 tác giả. Những tác phẩm trong triển lãm được thực hiện từ những năm 1960s tới nay, có một mẫu số chung là cùng khám phá “những khía cạnh phi thường và có tính thử nghiệm của ánh sáng”. Một số tác phẩm hoàn toàn “biệt tích” suốt mấy chục năm, giờ công chúng mới được thấy. Một số lại được sáng tác riêng cho Hayward Gallery. Light Show điểm lại các thế hệ nghệ sĩ ám ảnh với chủ đề ánh sáng. Từ những tác phẩm đèn huỳnh quang dọ dẫm buổi đầu của Dan Flavin, tới bồn tắm đứng ‘Cylinder II bằng đèn LED lung linh của Leo Villareal – gương mặt sáng chói của triển lãm này. Có lẽ, trừ những tấm gương một chiều đáng sợ của Iván Navarro, còn lại đây là một triển lãm mời gọi người xem (bước vào tác phẩm). Một số tác phẩm đòi hỏi bạn phải ngắm và trầm ngâm cả 10 phút mới thưởng lãm được đầy đủ. “Hãy ngồi xuống”, những tác phẩm như nài xin. Hãy đẫm mình trong ánh sáng.
Tiến sĩ Cliff Lauson, giám tuyển của Hayward, đã tạo nên những môi trường giàu tính thử nghiệm, đánh mạnh vào giác quan, cho người xem trải đủ cung bậc cảm xúc. Cảm xúc ấy có thể là tinh tế, với những trụ ánh sáng của Cerith Wyn Evan chẳng hạn, nhìn xa thì đẹp đẽ, trông hơi giống những thân cây phong, lại gần thì nóng lên một cách đáng ngại, như mấy cái đèn bẫy muỗi. Cảm xúc ấy cũng có thể là bất an, như trước tác phẩm Slow Arc inside a Cube IV của Conrad Shawcross, trong đó một luồng sáng chuyển động lóa lên trên một cái chuồng thép, tạo nên những cái bóng gây hoa mắt chóng mặt. Choán cả phần sau của gian trưng bày chính là S=U=P=E=R=S=T=R=U=C=T=U=R=E của Cerith Wyn-Evans. Một tên khác của tác phẩm này là Trace me back to some loud, shallow, chill, underlying motives overspill...). Tác phẩm này làm năm 2010, với những cột cao từ sàn tới trần, kết những ngọn đèn sáng rực, “thở” phập phồng bằng những nhịp tắt-sáng chậm rãi, từ từ, làm cả căn phòng sáng lên và tối xuống đều đặn. Hiệu quả càng đẹp mắt khi cùng xem tác phẩm Cylinder II, 2012 của Leo Villareal, trong đó những hình dạng ngẫu nhiên hiện ra rồi mờ đi dưới những bóng đèn LED kiểu khoa học viễn tưởng treo lủng lẳng. Không giống nguồn sáng câm lặng của Villareal, những sợi dây tóc đèn của Wyn-Evans ngân nga, run rẩy, và nóng lên trong những bóng đèn tinh xảo… Ngắm xa rất khác ngắm gần, bởi có một sự biến hóa rất khác qua khoảng cách, chỉ cần bước lại ít bước thôi, cái lâng lâng trên trời sẽ nhường chỗ ngay cho cái vật chất, gần gụi. “Ánh sáng có thể êm dịu, nhưng cũng có thể gây hấn,” giám tuyển Lauson vui vẻ nói. Tác phẩm Model for a timeless garden của Olafur Eliasson dùng những bóng đèn nhấp nháy để làm đóng băng (giật cục) sự chuyển động uyển chuyển của khoảng một chục vòi phun nước đẹp đẽ, tạo một sự tương phản của cảm giác vừa say đắm vừa khó chịu. Tuy vậy, phần lớn các tác phẩm là làm người xem phấn khích đến tột cùng. Như nghệ sĩ op-art của Venezuela, Carlos Cruz-Diez, đã thách thức không chỉ nhận thức mà cả mắt người xem bằng tác phẩm Chromosaturation, với những căn phòng đơn sắc đỏ, xanh dương, xanh lá cây riêng biệt mà trộn vào nhau thành một hồ màu ma quái như sau khi dùng thuốc an thần Prozac! Đúng là xem xong thì ong ong (cả đầu, chứ không phải tai). Trong tác phẩm được ngăn cách qua bức màn, có tên You and I, Horizontal, Anthony McCall đã dùng những đèn chiếu và khói mù để dựng một trường ánh sáng trông như một thể rắn chắc, khiến bạn cũng muốn trèo qua. Những đèn chiếu này thay đổi trong suốt 50 phút, vì thế ngồi coi hết show của McCall không thôi cũng đủ no. Chưa hết, nghệ sĩ còn dặn, “Sau khi ngồi được năm phút, bạn sẽ không còn cảm thấy tối nữa.”
Ý kiến - Thảo luận
10:14
Thursday,7.3.2013
Đăng bởi:
candid
10:14
Thursday,7.3.2013
Đăng bởi:
candid
chỉ nhìn ảnh thôi mà cũng thấy thú vị quá. Được tận mắt nhìn thì còn biết thú vị chừng nào.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp