Bàn luận

Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia 20. 06. 11 - 3:04 pm

Natalia Kraevskaia

Sau bài đăng trên Soi: Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc (Bài: Phong Vân – Ảnh và chú thích ảnh: Nguyễn Anh Tuấn), tôi nhận được thư của nghệ sĩ Huy An, người có sáng tác mà tôi nhắc đến trong buổi tọa đàm về điêu khắc Việt Nam; tôi có nói sáng tác của Huy An không nguyên bản mà mượn sáng tác của một nghệ sĩ phương Tây. Huy An đã hỏi tôi tên chính xác của nghệ sĩ phương Tây đó cũng như hình ảnh tác phẩm của anh ấy.

Tôi thừa nhận là ý kiến của tôi trong buối nói chuyện đó hoàn toàn mang tính tự phát và không phải chỉ riêng về tác phẩm của An, vì thế mà khi nói, tôi không nhớ được tên của nghệ sĩ phương Tây đó. Khi nhận được thư của An, tôi đã phải tập trung hơn vào việc này và nhớ ra tôi đã xem sắp đặt cái bàn lớn đó trong triển lãm sưu tập của Broad Art Foundation tại Bảo tàng Mỹ thuật của Boston; tôi có cuốn catalogue của triển lãm này. Tác phẩm đó là của nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Robert Therrien.

Chúng tôi có trao đổi với nhau qua một vài email và cuồi cùng, Huy An muốn tôi viết một bài giải thích và làm sáng tỏ hơn quan điểm của tôi trong việc so sánh giữa hai sáng tác này bởi như chính Huy An có nói trong một email gửi tôi là “không nhận thấy sự giống nhau giữa hai tác phẩm ngoài độ lớn của hai cái bàn”.

Tác phẩm của Huy An

Tác phẩm của Robert Therrien

Tôi không có ý và cũng chẳng có thời gian viết một bài phân tích, thư này của tôi nhiều phần giống như một lá thư ngỏ mang tính không chính thức, chỉ là những ý nghĩ phác ra.

1. Tôi biết là sự ảnh hưởng trong nghệ thuật, văn học, âm nhạc tồn tại từ hàng bao thế kỷ qua, và rằng việc có (chịu) ảnh hưởng của người khác trong thời đại toàn cầu này lại còn dễ dàng hơn bao giờ hết. Tôi cũng tin rằng những ảnh hưởng từ một số người sáng tạo nhạy cảm có thể hoàn toàn là vô thức; nghệ sĩ có thể nhìn thấy một hình ảnh nào đó ở đâu đó rồi hình ảnh ấy can thiệp một cách vô thức vào quá trình sáng tạo của chính anh ta. Nhưng tôi không chấp nhận những sự chiếm dụng trực tiếp mà không hề có một ghi chú tham khảo nào dành cho sáng tác nguyên bản. Tôi thích hơn nếu thấy người sáng tạo ghi chú rằng: được làm từ motif của… hoặc được bắt chước của…, giống như trong điện ảnh, nơi có cụm từ “re-make” – được làm lại – bày tỏ một cách trung thực sự tôn kính dành cho những người tìm (mở) đường.

2. Trong trường hợp của Huy An, người không thấy bất kỳ nét tương tự nào giữa sáng tác của anh với của Therrien ngoại trừ độ lớn của hai cái bàn, tôi có thể nói rằng, có rất nhiều điểm tương tự: cùng vật liệu (cái bàn) được coi là trung tâm của sáng tác; cùng một ý tưởng phóng to kích thước, tương tự về hình thức. Và chính xác là việc phóng to kích thước tạo nên một ý tưởng tương tự (giống nhau?) vốn quá phổ biến về một cái bàn (vật thể hay chủ nghĩa tiêu dùng hoặc sự quan liêu) phủ lên trên con người trong cả hai sáng tác.

 

.

3. Tôi có thể mạo muội cho rằng Huy An sẽ nói: “Nhưng tôi có một thuyết minh ý tưởng hoàn toàn khác trong tác phẩm này!” Tôi có thể trả lời thế nào? Nếu bây giờ, tôi bọc Chùa Một Cột lại bằng vải rồi kèm thông điệp ý tưởng hãy bảo vệ công trình đó trước sự biến đổi khí hậu, thì cái liên hệ đầu tiên đến trong đầu mọi người chính là: Christo và Jeanne-Claude (đôi vợ chồng nổi tiếng toàn thế giới với những công trình bọc, gói của họ). Sẽ chẳng ai bận tâm cho dù tôi có hét toáng lên rằng không, đây là của tôi, Natalia Kraevskaia, và vải của tôi khác, và rằng đây là Chùa Một Cột chứ không phải Reichstag – tòa nhà quốc Hội CHLB Đức và nữa, ý tưởng của tôi cũng khác hoàn toàn… Chùa Một cột với một kích thước và hình dạng khác trông còn thanh lịch hơn tòa nhà Quốc hội kia… Ôi, đó sẽ chẳng bao giờ là (tác phẩm/ nghệ thuật) của N. Kraevskaia, chắc chắn đấy… hệt như một sáng tác ăn cắp ý tưởng sẽ chẳng thể nào là một tác phẩm lớn được.

Nếu chúng ta mượn ý tưởng , hình ảnh, phương pháp hay chiến lược chính (trung tâm), những chi tiết mới chẳng bao giờ có vai trò gì và chúng không thể che đậy được sự chiếm dụng, chúng không thể chuyển hóa ý tưởng, hình ảnh, phương pháp, chiến lược (trong các sáng tác) được/ bị vay mượn đó thành mới và nguyên bản được.

4. Khi ở một mình trong một căn phòng trống, tôi luôn cố gắng không làm những hành động không đẹp mắt như gãi hay cạy răng bằng móng tay. Đôi khi tôi e rằng sẽ có ai đó nhìn thấy tôi như vậy, hoặc là nhìn trộm, hoặc là tình cờ… Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng những gì tôi che giấu hoặc nói trong bí mật hoặc bất cứ ý nghĩ nào của tôi cũng có thể bị/được phát hiện, nghe thấy, hoặc phỏng đoán bởi người khác. Cho dù không phải chỉ nghĩ về bản thân mình, tôi cũng chắc chắn rằng có rất nhiều người thông minh hơn mình và họ biết nhiều hơn mình… Điều đó không khiến tôi ghen tỵ mà khiến tôi tự hào vì được là một con người. Nhưng khi có ai đó không tin vào khả năng của tôi trong việc thấy hay biết điều anh ta che giấu, tôi tự cảm thấy mình thấp kém và bị coi rẻ.

 

5. Huy An có hỏi tôi hãy chứng minh sự tương tự của hai sáng tác. Lý lẽ của tôi là những hình ảnh và đôi mắt đeo kính số 3+ của tôi (đủ sáng suốt để nhìn những vật thể lớn). Sáng tác của R. Therrien được giới thiệu ở các đường dẫn sau:

Dornob (design ideas daily)
National Galleries Scotland
– Cũng National Galleries Scotland
Tate Liverpool
Tate
Google

6. Tất cả những điều trên đều chỉ liên quan đến một sáng tác riêng biệt của Huy An.

7. Tác phẩm đó của Huy An chứng minh khả năng của nghệ sĩ trong việc làm một nghiên cứu tốt và có được một thẩm mỹ tốt. Như Thornton Wilder (một nhà biên kịch Mỹ) nói: “Chính tôi mượn từ những người viết khác, tôi có thể nói để biện hộ chứ chẳng có gì đáng xấu hổ, giống như một người phụ nữ bị đưa ra trước tòa về tội ăn cắp vặt, rằng: Tôi ăn cắp nhưng, thưa quý Tòa, chỉ là ở những cửa hàng tốt /xịn/lớn nhất (hàm nghĩa kiếm lời nhiều nhất) mà thôi”

 

8. Tất cả những điều trên phản ánh cái nhìn của cá nhân tôi và được nói ra với chỉ một mục đích: chỉ ra cho các nghệ sĩ trẻ một sự chú tâm đến những vấn đề trong sự ảnh hưởng và sự nguyên bản, việc ăn cắp vặt và lòng trung thực, việc chiếm dụng và việc tôn trọng những người sáng tạo thực sự cũng như công chúng. Ranh giới giữa các điều trên thật là tinh tế và những nghệ sĩ thực thụ nên nhận thức rõ việc không được bước qua đó và ở lại phía tốt đẹp (phía đúng).

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia

– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An

– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Hít vào ắt phải thở ra…

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

11:20 Thursday,30.6.2011 Đăng bởi:  không sợ ma (bí danh đấy nhé)
Bài này chị Natasha viết rất tốt (xuất sắc)!!! vì ngoài giải thích chuyện về lấy tác phẩm của Huy An và tác phẩm của ông nước ngoài nào đấy làm ví dụ cho sự ảnh hưởng của sáng tác. Chị gợi thêm các lựa chọn cho sự dẫn nguồn cảm hứng. Cách mà làm nên những bề dày của những sáng tác cùng quan điểm, cùng triết lý... hay, một cách nói rất hay! Cảm ơn chị!
...xem tiếp
11:20 Thursday,30.6.2011 Đăng bởi:  không sợ ma (bí danh đấy nhé)
Bài này chị Natasha viết rất tốt (xuất sắc)!!! vì ngoài giải thích chuyện về lấy tác phẩm của Huy An và tác phẩm của ông nước ngoài nào đấy làm ví dụ cho sự ảnh hưởng của sáng tác. Chị gợi thêm các lựa chọn cho sự dẫn nguồn cảm hứng. Cách mà làm nên những bề dày của những sáng tác cùng quan điểm, cùng triết lý... hay, một cách nói rất hay! Cảm ơn chị! 
10:33 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  Admin
Bạn Neo ơi, Soi đã nhận được cmt của bạn. Nhưng bạn không đánh dấu nên Soi không thể đưa lên được. Bạn vui lòng đánh lại cmt có dấu nha.
...xem tiếp
10:33 Wednesday,29.6.2011 Đăng bởi:  Admin
Bạn Neo ơi, Soi đã nhận được cmt của bạn. Nhưng bạn không đánh dấu nên Soi không thể đưa lên được. Bạn vui lòng đánh lại cmt có dấu nha. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả