Nghệ sĩ Việt Nam

Một bài học cho nghệ thuật
ở bãi giữa sông Hồng 05. 03. 13 - 3:20 pm

Phong Vân

Lẵng hoa chúc mừng từ Hội Mỹ thuật Việt Nam được chuyển từ cổng vào sân bóng ra khu vực triển lãm và trình diễn “Chợ Quê”.

 

… 9h30 sáng hôm ấy, ba mẹ con tôi cùng một chị bạn chạy xe máy qua con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo đầy cúc dại dẫn đến cái sân bóng, nơi dự kiến sẽ bày bức tranh lớn của Nguyễn Thân và màn trình diễn của Đào Anh Khánh cùng Đoàn Minh Hoàn. Trong ngôi nhà nhỏ cạnh sân có bóng mấy người công an. Mấy phút sau, ông chủ thầu sân này ra nói chuyện với chúng tôi, rằng chúng tôi phải rời đi, sân hiện đang là khu vực cấm vào. Tranh của Nguyễn Thân được cuốn lại để trong hiên nhà. Còn buổi trình diễn sẽ không được phép diễn ra…

Đã có khúc mắc “tế nhị” như thế giữa chính quyền phường sở tại và cuộc trình diễn ngoài trời này, cho dù chỉ vài ngày trước đó, một cuộc trình diễn lớn hơn vậy nhiều đã diễn ra suôn sẻ tại nhà Đào Anh Khánh, cùng trong địa phận. Tôi đoán vậy nhưng thôi, anh Khánh đã đến và bắt đầu sắp xếp nơi trình diễn khác, ngay lối đi đầy hoa dại.

Đào Anh Khánh chỉ đạo kéo tấm vải màn trắng để buổi diễn bắt đầu.

 

Dưới đường, mọi chuyện vẫn dang diễn ra bình thường, trên cầu, một anh công an vẫn đứng xem “mọi chuyện thế nào”.

 

Việc chuẩn bị được tiếp tục. Và mảnh ruộng bên cạnh đã được làm đất, vun luống ngay ngắn, có lẽ để trồng lạc, bị giẫm nát nhiều hơn.

 

Máy chụp hình, quay phim được huy động tối đa.

 

Nghệ sĩ múa Minh Hoàn đưa camera nhờ người khác ghi hình giúp.

 

Anh Khánh vui vẻ đón khách.

 

Tôi cũng là một “tay máy” nhiệt tình, cũng lăng xăng giẫm vào mảnh ruộng ấy với ý nghĩ đơn thuần là để chụp ảnh. Trước khi bắt đầu trình diễn, anh Khánh có dăm bảy phút diễn giải với cả nhóm khán giả. Anh muốn trình diễn với bức tranh vẽ về người nông dân của Nguyễn Thân để cùng họa sĩ ngợi ca họ, ngợi ca thôn quê, nhưng không được chính quyền đồng thuận. Anh rất tiếc vì rằng tình cảm tốt đẹp và sự sáng tạo của các nghệ sĩ như anh không có cơ hội được bộc lộ…

Nhưng đối tượng được ca ngợi – những người nông dân thực – đang có mặt ở đây, họ đã đón nhận “tình cảm” của anh theo cách nào?

Buổi trình diễn bắt đầu, chị nông dân này không hiểu nhóm người trước mắt mình đang làm gì.

 

Bác nông dân đến đứng cạnh chị là chủ thầu khu sân bóng, nơi được dự định làm chương trình này nhưng bất thành.

 

Anh nông dân này bắt đầu gọi điện thoại cho người quen. Nghe câu chuyện, tôi được biết khu ruộng đang bị giẫm nát đó không phải của nhà anh nhưng anh cảm thấy rất bất bình vì không biết nhóm người kia đang làm gì ở khu vực canh tác này. Anh thắc mắc “không biết mấy ông phường đâu?”.

 

Thêm một bác nông dân nữa đến.

 

Ông xuống xe, đôi lông mày luôn nhíu lại. Chỉ có bốn, năm người nông dân đến đây nhưng người nào cũng nhíu mày.

 

Người thì nhìn nhóm nghệ sĩ, người thì nhìn tình trạng mảnh ruộng…

 

… đang bị nhàu nát vô tình thế này. Thực ra, diện tích bị giẫm nát chỉ là một phần nhỏ của cả mảnh ruộng lớn ấy nhưng chỉ một phần nhỏ ấy thôi cũng đã chứa rất nhiều công sức của họ.

 

Đỉnh điểm là khi người này xuất hiện. Người này nhìn đống đạo cụ, và hỏi các anh đang làm trò gì ở đây; đây là lối đi làm đồng. Sau đó anh lớn tiếng yêu cầu mọi người phải giải tán và bảo: “Các anh làm gì cũng phải có tổ chức chứ!”.

 

Chị áo vàng (đại diện cho anh Khánh?) có nói đến tiền bồi hoàn, khiến người nông dân này càng lớn tiếng: “Chúng tôi không cần tiền!” rồi phóng xe đi khá nhanh.

 

Vô cảm nhất là trong khi đó, tiếng kèn vẫn du dương và nghệ sĩ vẫn mải mê với nghệ thuật của mình.

 

Anh Khánh cũng vẫn bình thản quay lại tiết mục dang dở.

 

Vài phút sau, anh nông dân đi xe máy quay lại cùng một người lớn tuổi hơn đi xe đạp.

 

Mọi người tránh đường để ông đi vào “xem cái trò gì”.

 

… và kết cục, ông dựng xe trên “sân khấu” để ngăn cản như bức ảnh trên thethaovanhoa.

 

Cuộc tranh cãi khiến tôi kịp nhận ra mình mắc lỗi và rủ lũ trẻ về trước khi mọi sự kết thúc (như một số tờ báo đưa tin). Bám đuôi xe máy mẹ, cậu con trai lớn còn trách tôi: “Chính mẹ là người giẫm đầu tiên đấy!”. Tôi nhận lỗi và nói đó cũng là lý do để chúng tôi về trước. Trên cầu, ngược về ngoại vi thành phố, đoạn ngang qua khu vực nhìn rõ màn diễn ấy, đã thấy thêm đông người dừng xe xem. Mấy anh công an vẫn đứng đó, thêm một nhóm dân phòng ra dấu yêu cầu mọi người tiếp tục lưu thông để tránh tắc đường…

Sự vụ này thực sự khiến cho cá nhân tôi phải ngẫm lại. Hình như trong trường hợp này, cả nghệ sĩ và nhóm khán giả nhỏ nhoi với lỉnh kỉnh balo, camera và xe máy (trong đó có mẹ con tôi) đã mải mê với (“cái gọi là”) nghệ thuật, để rồi bỏ qua nhiều thứ quý giá ngang với (“cái gọi là”) nghệ thuật: đó là ý nghĩa thực sự của nghệ thuật với xã hội, mà đại diện cụ thể ở đây là những người nông dân, là chính mảnh ruộng mà người làm nghệ thuật, người thưởng thức nghệ thuật đang góp phần phá hỏng; đó là cái tình cảm và sự tôn trọng thông thường dành cho công sức lao động của người khác. Tôi nghĩ, trong vụ việc cụ thể này, những người nông dân hôm ấy không tài nào biết được nhóm người này là những kẻ “yêu nghệ thuật”, đang khao khát làm/xem cái gọi là “nghệ thuật đương đại, nói lên những vấn đề nhân sinh hay xã hội” chết tiệt nào. Họ chỉ cần biết ngay trước mắt họ, nhóm người này đang phá hại mảnh ruộng mà họ đã đổ mồ hôi làm đất, đánh luống cho kịp vụ gieo trồng. Vô tình và cả vô lý quá phải không?! Vì thế, việc lấy đồng tiền ra để đền bù, dù có thể là ý nghĩ chân thành lúc đó của người thay mặt anh Khánh, ông Thân, cũng không thể kiếm được mối thông cảm của những nông dân. Thậm chí, việc nói đến đồng tiền trong hoàn cảnh này còn dễ khiến người nông dân nổi đóa: hóa ra, vì có tiền nên anh có thể muốn làm gì thì làm trên mảnh ruộng, trên mồ hôi của tôi ư? Anh có biết nhìn không? Có thấy luống đã đánh không?

Và phải đến hồi kết, theo như tin trên Vnexpress, những anh công an mới bước ra khỏi lán…

Màn trình diễn ngợi ca người nông dân đã diễn ra với chính những người nông dân như thế đấy. Tôi không biết về sau, mỗi nghệ sĩ và khán giả khác tham gia và tham dự sự kiện này có bận nghĩ gì thêm nữa hay không. Nhưng sự việc này là một ví dụ điển hình cho tôi nhìn lại mình, đồng thời nhận ra cái nghịch lý giữa lời nói với việc làm của nghệ sĩ, cách hành xử mâu thuẫn với nguồn cơn cảm hứng nghệ thuật của họ (là người nông dân) như thế nào. Và ấm ức thay những người nông dân, họ lại tiếp tục bị lên báo, bị những người tự nhận mình là trí thức chê cười vì đã ngăn cản “nghệ thuật” chỉ vì vài luống đất.

Nhưng tôi hy vọng, nghịch lý trong hành xử của nghệ sĩ chỉ là nhất thời cảm tính mà thôi, vì quá khao khát sáng tạo giữa thiên nhiên mà thế thôi. Với mẹ con chúng tôi, đây là một trải nghiệm đáng quý, để thêm thấm thía rằng không thể vì xem “nghệ thuật” mà thiếu đi lòng trắc ẩn, thiếu đi cái tình, cái lý với tất thảy xung quanh, từ nhành hoa dại nhỏ nhoi đến mảnh ruộng tưởng là vắng chủ… Cũng may, mảnh ruộng mới chỉ đang được đánh luống để trồng hoa màu, chứ giá như khi ấy, những khóm lạc (hay cây gì đó) đã được gieo, hoặc thậm chí đang lên nhánh, thì không biết chúng tôi còn ân hận đến mức nào.

*

CHỢ QUÊ
Tranh kết hợp múa và nhạc của nhóm nghệ sĩ Đáo Xuân bên tranh của Nguyễn Thân

Địa điểm : Sân bóng bãi giữa sông Hồng
Thời gian: 10h30 sáng thứ Bảy, 2 tháng 3 năm 2013

 

*

Bài liên quan:

– Nguyễn Thân mang tranh lớn ra Bãi giữa sông Hồng
– Một bài học cho nghệ thuật ở bãi giữa sông Hồng

Ý kiến - Thảo luận

22:37 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  Mở Ngoặc

Sorry bạn nhé, ông nói gà bà nói vịt rồi :-) Mình không comment Đáo Xuân vì mình không xem, mình đang comment vào cái vụ Chợ Quê kia mà ! Mình cũng đồng ý với một số suy nghĩ của bạn đấy chứ, chả hạn: cảm hứng cũng tốt, nhưng không nên quá đà (cái n&agra
...xem tiếp

22:37 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  Mở Ngoặc

Sorry bạn nhé, ông nói gà bà nói vịt rồi :-) Mình không comment Đáo Xuân vì mình không xem, mình đang comment vào cái vụ Chợ Quê kia mà ! Mình cũng đồng ý với một số suy nghĩ của bạn đấy chứ, chả hạn: cảm hứng cũng tốt, nhưng không nên quá đà (cái này mình comment tuần trước gì đó cũng về bài này); hay là nói ra sự thật thì dễ mất lòng, ... Rất đồng ý với bạn các điểm đó và hy vọng comment của mình không làm bạn buồn. Mình nghĩ làm Art khó lắm lắm.., mỗi người chỉ làm được trong khả năng của họ thôi, và mỗi nghệ sĩ cũng tự phải làm mới bản thân, nếu không muốn bị đào thải với thời gian. Không, thế giới đâu có hòan hảo mà mình dám khẳng định tất cả nghệ sĩ đều luôn trong sáng và ngu dại trong cảm hứng sáng tác? Mình thấy đa số thôi! Có lạc quan quá không nhỉ? :) Còn tham vọng cá nhân (trong trường hợp anh Khánh) thì mình không rõ nên không thể nói gì. Mình vui khi đối thọai với bạn. Xin cảm ơn !

 
20:01 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  A Little Sunshine

Mình chẳng phê phán gì đâu (mở ngoặc) ạ, chỉ là nói thật thôi. Sự thật mất lòng, tất cả mọi sự chỉ đúng ở mức tương đối và câu mình dịch cũng thế. Mà sự thật mất lòng thì không phải ai cũng muốn nói, mình chỉ mong các nghệ sĩ đừng ngủ mê trong cái gọi
...xem tiếp

20:01 Wednesday,13.3.2013 Đăng bởi:  A Little Sunshine

Mình chẳng phê phán gì đâu (mở ngoặc) ạ, chỉ là nói thật thôi. Sự thật mất lòng, tất cả mọi sự chỉ đúng ở mức tương đối và câu mình dịch cũng thế. Mà sự thật mất lòng thì không phải ai cũng muốn nói, mình chỉ mong các nghệ sĩ đừng ngủ mê trong cái gọi là cảm hứng (hay cái điên) của nghệ sĩ thôi. Mình không chối bỏ cảm hứng của nghệ sĩ trong sáng tác mà là cảm hứng đó như thế nào thôi, quá trớn làm nổi và lại chuyển qua một từ rất là trong sáng gọi là 'cảm hứng sáng tác' thì không nên vậy là coi thường những người yêu mỹ thuật nói riêng và cái đẹp nói chung. Trường hợp của 'Đáo Xuân' thì mình thấy gồng người qua bao mùa xuân rồi, đó là ý kiến của cá nhân mình thôi :) Mình cũng không bàn tới vấn đề ngu dại của cá nhân mình ở đây, mà chỉ nói về Đáo Xuân thôi.
Bạn có nghĩ là tất cả các nghệ sĩ đều trong sáng và ngu dại vì cảm hứng sáng tác?! Còn tham vọng cá nhân cá nhân thì sao nhỉ?!
Chúc bạn vui :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả