|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhZero Dark Thirty: Xem để khâm phục Maya chứ không phải để giải trí 07. 03. 13 - 8:16 amPha Lê tổng hợpSau vụ 11 tháng 9, tổ chức tình báo Mỹ CIA cử nữ nhân viên trẻ Maya đến Pakistan để tìm bắt Osama Bin Laden. Đây là cuộc tìm kiếm dai dẳng hơn một thập kỷ, Maya làm thế nào để lần được Bin Laden? Cô phải vượt qua những trở ngại gì? Đạo diễn Kathryn Bigelow hẳn đã phải vắt óc để thực hiện bộ phim này, ai mà chẳng biết kết cục của Bin Laden? Như vậy là đoạn cuối của phim coi như lộ mất tiêu, nếu đoán mò thì ai cũng cho rằng Bigelow phải tập trung và cách làm, vào thể hiện cái quá trình tìm Bin Laden sao cho thật hấp dẫn để kéo người xem vào rạp. Kết quả: đây là một phim bắt Bin Laden rất hay, nhưng đối với những người thích phim hành động bắn súng liên tục, hoặc phim hình sự có cao trào, thì sẽ… không thích bộ phim này. Thú thật là, lúc đầu tôi có hơi ngạc nhiên khi thấy Oscar không ưu ái Zero Dark Thirty. Dù phim có vẻ nhuốm màu chính trị, nhưng giết được Bin Laden là chiến công lớn của Obama (theo nhhiều người nhận xét), và trong tình hình Obama tái đắc cử thì dường như đây là phim nịnh nọt cho đảng cầm quyền, âu cũng là lợi thế đó chứ? Nhưng xem phim rồi thì tôi hiểu lý do tại sao Zero Dark Thirty thất thủ ở lễ trao giải. Phim này không nịnh ai cả. Bộ phim chỉ đề cao những đặc vụ như Maya: thông minh, quả quyết, dũng cảm, kiên trì. Cấp trên ra lệnh cho cô tìm Bin Laden, cô tìm Bin Laden; dù sau đó những cấp trên này lại lơ là cấp dưới để lo chuyện chính trị khác, hoặc chần chừ trước báo cáo vì sợ đụng chạm đến ông nọ bà kia, sợ tiêu tốn tiền bạc. Không hề gì, Maya sống để làm trọn nghĩa vụ, hoàn thành trách nhiệm cho đất nước, dù chính phủ hay các sếp có lằng nhằng kiểu nào đi nữa, cô vẫn quyết tâm tin vào các phân tích lẫn những manh mối của mình. Càng xem phim, chúng ta càng cảm thấy rằng chiến công diệt Bin Laden thuộc về những đặc vụ như Maya, còn đất nước của cô thì dường như không xứng với chiến công này. Đạo diễn Bigelow làm nên một bộ phim rất công tâm, Zero Dark Thirty chẳng nói rằng khủng bố là thế này thế kia, cũng chẳng tâng bốc nước Mỹ thành anh hùng vì đã diệt được “quỷ Sa-tăng” Bin Laden. Nhiều quan chức Mỹ lên án bộ phim vì Bigelow quay cảnh quân nhân Mỹ tra tấn tù binh để moi thông tin, theo lời họ thì Mỹ không tra tấn ai như thế. Chẳng biết thực hư chuyện đó thế nào, nhưng tôi nhớ đến đoạn Maya ăn cơm trưa tại Pakistan cùng các đồng nghiệp nam – những người lôi tù binh ra đánh đập hàng ngày – họ vừa ăn vừa xem tin thời sự; và Tổng Thống Mỹ bất ngờ xuất hiện trên ti-vi, tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ các hành động tra tấn tù nhân. Các đặc viên nghe Tổng Thống nói thế xong chỉ biết nhìn nhau, ai mà dám bác lời Tổng Thống được? Nhưng chẳng lẽ lại nhận rằng mình tự ý tra tấn người khác à? Chiến tranh lúc nào cũng có những khoảng xám chứ không thể chỉ là trắng và đen; trong cái màu xám xịt đó, Maya nổi bật thành một mảng màu rất ấn tượng. Jessica Chastain đúng là một tài năng mới phát hiện của dòng nghệ thuật thứ bảy. Jessica từng đóng vai cô chủ nhí nhảnh trong The Help, rồi đóng vai cô bạn gái chơi nhạc rock rất hippy trong… phim ma Mama (Mẹ Ma, đã chiếu ở Việt Nam cách đây không lâu), vai Maya của Zero Dark Thirty khác hoàn toàn hai vai kia, tôi đã xem hết cả ba phim và tôi phải công nhận rằng cô không đóng vai nào giống vai nào.
Nghe thì thấy hấp dẫn quá nhỉ? Theo tôi thì phim này rất hay, nhưng nếu bạn định xem nó thì bạn nên biết rằng đoạn cao trào của phim không đẹp hay hào hứng như các phim hành động bắn nhau của Hollywood. Bin Laden sống với vợ, với con, đám lâu la thân thích của hắn cũng sống với vợ con. Dù Bin có là khủng bố chăng nữa, giết người vẫn cứ là giết người; vợ con hắn nói cho cùng cũng chỉ bị cuốn vào cuộc chiến, nên cái cảnh quân Mỹ xông vào nhà người ta rồi nhả đạn trước mặt đàn bà lẫn trẻ nít sẽ khiến lắm khán giả cảm thấy lờm lợm khó chịu. Bigelow cho người xem hiểu rằng có giết được trùm khủng bố thì cuối cùng chẳng ai là người thắng cuộc hết, căng thẳng giữa Mỹ/Trung Đông cứ thế tiếp tục đi vào vòng lẩn quẩn của thù hận. Đặc vụ Maya làm trọn trách nhiệm tổ quốc giao phó, còn tổ quốc của cô làm được cái gì cho cô thì chính đạo diễn Bigelow cũng chịu thua. Bigelow làm phim này dành cho những người như Maya chứ không phải cho Mỹ, chả trách tại sao bộ phim không được mấy giải thưởng ưu đãi. Nếu bạn muốn tìm sự chân thật của cuộc “truy bắt lịch sử”, muốn tìm một nhân vật can đảm, kiên định, quả quyết đến đáng khâm phục, muốn tìm hiểu bằng cách nào mà các đặc vụ lùng ra Bin Laden, thì Zero Dark Thirty rất đáng xem. Còn nếu bạn đang muốn thưởng thức một phim giải trí về giết Bin Laden thì bạn nên giải trí bằng cái khác. Nói cho cùng, giết một ai đó chẳng nên là thứ lôi ra để mà giải trí. * Hà Nội TPHCM
Ý kiến - Thảo luận
16:34
Friday,8.3.2013
Đăng bởi:
Mở Ngoặc
16:34
Friday,8.3.2013
Đăng bởi:
Mở Ngoặc
Phim này, đạo diễn làm chắc cũng không phải để nịnh Maya và các điệp vụ Mỹ. Nó chỉ mượn một câu chuyện mang tính thời sự để nói một thông địệp khác. Mình thấy phim này muốn nêu tính nhân bản, về vấn đề con người, vị trí của mỗi cá nhân, những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ... Số phận đặt nguời ta vào hoàn cảnh đó, người ta cứ phải làm bổn phận của họ. Bên được cho là chính nghĩa cũng có những sai lầm, và bên bị gọi là tà cũng là những con người cần cuộc sống như bao người khác. Chắc chắn Maya, cũng như rất nhiều người khác, làm bổn phận của mình chu đáo mà không màng tới xếp cô (hay đất nước cô) sẽ khen thưởng cô thế nào và cô đựoc cái gì sau đó. Việt Nam đầy những điển hình này, kết hợp giữa lý tưởng và lòng yêu nghề. Thực ra đây cũng không phải motif mới mẻ trong điện ảnh. Nhiều đạo diễn đã từng khai thác đề tài này trước đó, thậm chí còn dữ dội hơn, khi cho hai nhân vật ở hai chiến tuyến đối lập yêu nhau thắm thiết nữa cơ.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Phim này, đạo diễn làm chắc cũng không phải để nịnh Maya và các điệp vụ Mỹ. Nó chỉ mượn một câu chuyện mang tính thời sự để nói một thông địệp khác. Mình thấy phim này muốn nêu tính nhân bản, về vấn đề con người, vị trí của mỗi cá nhân, những cuộc gặp gỡ bất đ
...xem tiếp