|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhHoang mang trong vườn địa đàng 01. 04. 13 - 11:06 amMai ChiVào một ngày đầu năm 2011, Jamie Maxtone-Graham ra chợ gần phố Linh Lang, nơi anh ở. Như một người đàn ông quán xuyến nội trợ, anh mua nhiều rau, một số các loại củ, hoa quả và một vài bó hoa. Nhưng chỗ thực phẩm đó không phải để cho bữa trưa của anh. Sau khi đã có đầy đủ mọi thứ trong tay, anh tới Bách Thảo, một công viên nhỏ và cũ kỹ của Hà Nội, yên tĩnh, nhiều cây xanh và không quá đông người. Ở đây, trong một lần đi khảo sát trước, anh đã chọn một cây cổ thụ to lớn có vẻ thích hợp với chủ đích của mình. Như một họa sĩ thiết kế sân khấu, lấy nền là thân cây, anh bắt đầu dùng chỗ rau và hoa quả của mình để dàn dựng một không gian chỉ rộng chừng vài mét vuông. Một vài cành dương xỉ được gắn vào chỗ này, mấy bông hoa cúc được cài vào nhánh cây kia, lá rụng dưới gốc được quét đi và thay bằng vài tàu lá chuối. Công việc tỉ mỉ và đòi hỏi kiên nhẫn, chuyển chùm hoa này lên cao mấy phân, dịch lá chuối kia một chút sang bên trái. Hàng giờ trôi qua cho tới khi anh hài lòng với kết cấu và bố cục của không gian mới, với những mạch chảy của thân gỗ, những mảng xanh láng bóng của lá, những đốm sáng của hoa. Bách Thảo là nơi lưu chân ưa thích của người bình dân Hà Nội: người về hưu, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh, các đôi tình nhân chụp ảnh cưới. Họ đi ngang qua, dừng lại quan sát, bắt chuyện. Khi sân khấu đã xong, Jamie mời một vài người qua đường bước vào làm diễn viên, và chụp họ, phần lớn một mình, đôi khi theo cặp, với các tư thế khác nhau. Từ mùa xuân tới mùa thu năm 2011, hai mươi bức khổ lớn 66 x 100 cm của chùm ảnh The desiring garden đã hình thành như vậy. Trong tháng 4, người xem có cơ hội ngắm chúng tại không gian nghệ thuật Manzi dưới tiêu đề Việt Khu vườn nhặt. Sau nhiều năm làm công việc quay phim ở Mỹ, Jamie Maxtone-Graham tới Hà Nội năm 2007 với học bổng Fullbright để ghi chép lại bằng ảnh các văn hóa ngoài luồng của thanh niên Hà Nội: hip hop, nhảy break dance, trượt skate board. Mấy năm sau đó anh chụp ảnh các cư dân bãi giữa sông Hồng và của chợ đêm cầu Long Biên. Trong vài năm gần đây, anh dịch chuyển khỏi phong cách hiện thực xã hội của những series ảnh đầu, các tác phẩm của anh mang tính khái niệm hơn. Trong series Nằm xuống (2012), anh chụp cô con gái 9 tuổi của mình nằm trên mặt đất trong các không gian đô thị khác nhau: cạnh những con ngựa bê tông của khu đô thị Ciputra, trước một tòa nhà xám bỏ hoang, bên trong một công trường xây dựng, trên vỉa hè, mong manh, tổn thương, không tự vệ. Trong video Xin lỗi, bạn có thể đợi một phút được không? (2012), anh đi xa tới mức để người được quay phim đứng một mình trước ống kính một phút, sau khi tác giả, người quay phim rời khỏi phòng. Sự có mặt của tác giả là có thực sự cần thiết, hay thậm chí lại trở thành điều cản trở để các chủ thể kia thể hiện chính bản thân mình? Theo triết gia Jean Baudrillard, “Phép màu của nhiếp ảnh chính là ở chỗ vật thể (được chụp) làm toàn bộ công việc”. Giống như flash chỉ làm hiện rõ những vật gần nhất và có thể biến phần còn lại của một căn phòng nhỏ xíu thành một không gian đen và sâu hun hút, trong The desiring garden, tác giả dùng flash để tắm các nhân vật của mình trong một thứ ánh sáng dịu dàng, và biến phần sân khấu chỉ rộng vài bước chân đằng sau thành một thiên nhiên sum suê, màu mỡ và mờ tối bí hiểm. Chúng ta bỡ ngỡ không biết bắt đầu nhìn từ đâu. Sự phong phú của các bức hình đòi hỏi chúng ta không thể lướt qua như đọc các tít lớn của một tờ báo, mà cần phải nghiên cứu chúng, nghiền ngẫm và tập trung như đọc một bài thơ phức tạp. Trước mắt chúng ta là vườn địa đàng, những xứ sở thần tiên, ngây thơ như những rừng rậm nhiệt đới trong tranh của Henri Rousseau. Ở đây những trái bí đâm thẳng lên từ mặt đất, các chùm hoa huệ mọc ra từ thân tre, hoa hồng dại nở dọc cuống lá cọ, cải bắp kết trên cây cổ thụ. Và ở trung tâm của những khu vườn quyến rũ và lạ lùng này là những cư dân đô thị của Hà Nội: một thanh niên tay cầm thuốc lá, quần bò, áo thun đen mang chữ “Who?”; một thanh niên khác chân đi dép, sơ mi da báo, tóc nhuộm hoe vàng; một cô gái có cặp mắt to quá khổ, hai cánh tay trần lộ nách. Tất thảy họ không để ý tới chúng ta, mà nhìn vào một nơi xa xăm. Họ đang khát khao gì? Rất nhiều người trong số họ mới hôm qua thôi còn ở quê mình, nơi nuôi dưỡng và che chở họ, vườn địa đàng của họ. Nhưng họ đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng của mình, đã mất đi sự trong trắng, không bao giờ có thể quay lại được nữa.
Nhìn kỹ hơn vào những khu rừng cổ tích kia, ta kinh hãi nhận ra rằng sự kỳ lạ của chúng dần dần nhuốm màu kỳ dị. Trong một tia chớp của sáng tạo, Jamie Maxtone-Graham đưa vào những chi tiết bất ngờ, và qua đó cho các bức ảnh một mức độ phức tạp mới: tai lợn xếp thành đôi tạo thành những con bướm quái đản khổng lồ, đuôi bò trắng như những con lươn trườn dưới đất, gà luộc lơ lửng trên cao, những bông hồng có nhuỵ là con ngươi lợn. Như cái tai người đầy kiến nằm trên thảm cỏ của vườn hồng ở thị trấn thanh bình trong phim Blue Velvet của David Lynch, những bộ phận động vật bị cắt rời kia dường như là đầu của cuộn dây mà nếu đi theo nó ta sẽ đến một thế giới tối tăm và xơ xác. Trong tiểu series ba ảnh mang tên Khu vườn Đông Dương, nhân vật chính là một phụ nữ khỏa thân khoẻ mạnh, đang mang thai và có bộ mặt đẹp hoang dã. Thoạt nhìn, những ảnh này như những phiên bản mới của các bưu thiếp Đông Dương thuộc địa đầu thế kỷ 20, bởi chúng sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của thể loại bưu thiếp đó. Cũng cái tư thế nửa nằm nửa ngồi trên tràng kỷ ấy. Cũng cánh tay giơ lên cao như của vũ nữ ấy. Nếu vội vã, người ta có thể cho là tác giả chạy theo thẩm mỹ dễ dãi (của đàn ông) để tạo ra vài hình ảnh hoài cổ, dễ coi. Nhưng hãy nhìn kỹ: đằng sau người đàn bà ngực trần đang ôm đứa trẻ kia thấp thoáng mấy cái đầu lợn nướng; và dưới chân cô gái nằm trên tràng kỷ tay cầm bông sen kia là nguyên một con chó thui nhe răng trắng ởn. Ở đây có tiếng súc vật cười lanh lảnh, có mùi thịt cháy trộn lẫn mùi da thịt đàn bà.
Có một cái gì đấy bất an mơ hồ, khó nắm bắt, trong những khu vườn địa đàng này. Trong một bức ảnh khác, một thanh niên đang treo mình lơ lửng trên cao, bên cạnh một cây si già, hai tay bám hai nhánh của thác rễ si đổ xuống. Cậu nhìn sang trái, phía ánh sáng dọi tới, mặt không thể hiện tình cảm. Cậu ta đang chuẩn bị bay lên hay sắp rơi xuống. Chúng ta không biết. Và điều đó làm ta hoang mang. Bởi như nhà thơ Wallace Stevens đã viết “Khốn cùng nhất là khi ta có cảm giác không thể phân biệt được giữa khát vọng của mình và tuyệt vọng.” * The desiring garden/Khu vườn nhặt Không gian nghệ thuật Manzi (14 Phan Huy Ích, Hà Nội)
* Bài liên quan: – Dựng một ‘Khu vườn nhặt’ cho Hà Nội Ý kiến - Thảo luận
16:45
Thursday,22.2.2024
Đăng bởi:
Vũ Nguyên Bùi
16:45
Thursday,22.2.2024
Đăng bởi:
Vũ Nguyên Bùi
không hiểu sao ông này lôi cả phụ nữ mang bầu vào làm mẫu ảnh, cơ mà tôi thấy khá ấn tượng:)))
21:13
Thursday,4.4.2013
Đăng bởi:
admin
@ Mở Ngoặc: Cmt của bạn sẽ lên thành bài riêng nhé. Bài dự kiến có tên: "Thiếu điểm nhấn, thiếu sức níu, dù thông điệp hay" và sẽ lên vào trưa mai. Cảm ơn bạn. ...xem tiếp
21:13
Thursday,4.4.2013
Đăng bởi:
admin
@ Mở Ngoặc: Cmt của bạn sẽ lên thành bài riêng nhé. Bài dự kiến có tên: "Thiếu điểm nhấn, thiếu sức níu, dù thông điệp hay" và sẽ lên vào trưa mai. Cảm ơn bạn. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp