Điện ảnh

Ebert và Ang Lee – phần 1:
Tây phỏng vấn Đông về phim và cọp 25. 04. 13 - 8:01 am

Pha Lê tổng hợp

Ngày 4 tháng 4, dân yêu điện ảnh buồn bã khi biết tin Roger Ebert qua đời. Ngoài chuyện ông là một nhà phê bình phim xuất sắc, Roger còn là người phỏng vấn thông minh lẫn nhã nhặn, đọc bài phỏng vấn của Roger bạn sẽ thấy nó khác hẳn những bài phỏng vấn trên các báo thông thường. Dưới đây là bài phỏng vấn đạo diễn Đài Loan Ang Lee (Lý An) về bộ phim Cuộc đời của Pi, lúc đó Roger đã mổ ung thư, bị cắt mất hàm và thanh quản nên ông phải dùng máy nói chuyện, nhưng phong cách làm việc của Roger vẫn không bị ảnh hưởng.

Roger Ebert dùng máy để giúp mình phỏng vấn.

Phim này sử dụng công nghệ 3-D theo cách tốt nhất mà tôi từng thấy,” tôi nói với Lý An. Và tôi nói thật lòng. Phim Cuộc đời của Pi, dựa trên cuốn tiểu thuyết về cậu bé lâm vào cảnh đắm tàu do Yann Martel sáng tác, thật đáng kinh ngạc; không phải vì nó dùng 3-D để làm kỹ xảo, mà vì (3-D) trở thành công cụ tạo hình cho toàn bộ câu chuyện. Có những cảnh quay, ví dụ nhé, đặt tầm nhìn (của người xem) ở phía dưới mặt biển, nhìn lên chiếc thuyền cứu nạn và bầu trời ở phía xa. Mặt biển trông giống một màng bọc vô hình giữa nước và không khí. Tôi chưa từng thấy cái gì như thế.

Cảnh quay nước và trời trong “Cuộc đời của Pi”.

Thật ra là, cách đây mấy năm,” Lý An nói với tôi, “Tôi nghĩ rằng về mặt kỹ thuật thì đây là một phim gần như không thể làm được. Số tiền phải chi là quá đắt đỏ cho một phim như thế. Bạn gần như phải ngụy trang một cuốn sách triết lý thành một câu chuyện phiêu lưu. Tôi nghĩ đến 3-D nửa năm trước khi ‘Avatar’ trình chiếu. Tôi nghĩ rằng nước, với vẻ trong suốt và tính phản chiếu của nó, rồi cách nó đến với khán giả theo định dạng 3-D, sẽ tạo nên một trải nghiệm xem phim mới, và có lẽ khán giả hoặc hãng phim sẽ mở đầu óc một chút để chấp nhận cái gì đấy khác thường.”

Đó là những gì diễn ra trong đầu tôi. Tôi biết tiền đề câu chuyện khi bước vào rạp – một cậu bé trôi dạt qua biển Thái Bình Dương, sống chung trên thuyền với một con cọp Bengal – Và thật tình nghe qua thì chẳng khác gì một phim hoạt hình Disney. Nhưng nó lại khác (phim Disney) rất xa.

Lý An nhận Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho phim “Cuộc đời của Pi”.

Lý An và tôi đang nói về phim Cuộc đời của Pi, nhân chuyến đi thăm Chicago gần đây của anh. Tôi biết anh đã lâu, chúng tôi rất vinh dự khi anh có mặt tại Liên Hoan Phim Ebert (Ebertfest: Liên hoan phim do chính Roger Ebert tổ chức, chiếu các phim hay mà công chúng hoặc những nhà phân phối phim vô tình/cố ý bỏ qua), chúng tôi cũng có mối kết giao đặc biệt vì cả hai cùng tốt nghiệp trường Đại Học Illinois thuộc vùng Urbana-Champaign. Sau nhiều năm, tôi quyết định rằng anh là một trong những người thông minh nhất cũng như tốt bụng nhất mà tôi từng gặp. Tính cách này xuất hiện khi anh bàn về cách dùng nước như một vật trung gian.

Tôi muốn dùng nước vì bộ phim nói về đức tin, và nước chứa đựng cá, cuộc sống, và mọi cảm xúc của Pi. Và không khí là Chúa, thiên đường, cái gì đấy tâm linh cũng như cái chết. Đó là cách nhìn của tôi. Tôi tin rằng cái chúng ta gọi là đức tin hay Chúa là sự gắn bó về mặt cảm xúc với những gì mình chưa biết. Tôi là người Trung Quốc, tôi tin vào (triết học) Đạo giáo, vào Đức Phật. Chúng tôi không nhắc đến thần thánh, việc này cũng rất giống với cuốn sách (Cuộc đời của Pi); chúng tôi không nói đến tín ngưỡng mà nói đến Chúa theo ý trừu tượng, một cái gì đấy để khuất phục bạn.”

Một cảnh biển trong “Cuộc đời của Pi”

Trong cuộc hành trình của Pi, cậu bé sống sót qua mọi khó khăn và xây dựng mối quan hệ kết nghĩa với một con cọp, trong thời gian đấy cả hai cùng bước ra khỏi cái thực tế mà họ từng biết. Một trong những tiến triển lạ kỳ là con cọp không giết cậu bé. Nhưng ở đầu phim, có một cảnh quay khó quên tại sở thú, cho chúng ta thấy rằng thú hoang dã thật sự hoang dã, và chỉ có kẻ liều lĩnh mới dám nghĩ khác.

Đó là một quyết định thông thái, tôi nói, (khi Lý An) luồn vào một cảnh để cho thấy rằng thiên nhiên không hề ủy mị.

Cảnh quay khó quên tại sở thú mà Roger Ebert nhắc đến.

Bắt buộc phải thế. Vì thiên nhiên không ủy mị. Ủy mị là thứ của người; là nhân tính, nó là thứ nhân tạo, là ước vọng của chúng ta. Và đấy là một cái bẫy, vì khi bạn làm phim, bạn trình chiếu cái ý chí của mình, rất có khả năng bạn sẽ ủy mị hóa. Một con cọp sẽ không đáp trả ánh mắt của bạn. Đấy là kiểu của cọp.”

Việc đó sẽ giúp những khán giả trẻ, những người nghĩ cọp là bạn mình.

Họ xem nhiều phim Disney quá. Trong phim này (Cuộc đời của Pi), bài học của bố Pi rất là rõ ràng – nếu con nghĩ như thế (cọp là bạn), con sẽ bị giết. Sống sót, tôn trọng thiên nhiên lẫn tôn trọng muông thú là cái con nên làm. Tuy nhiên, vào cuối phim, cậu bé nói ‘Bố rất đúng, nhưng tôi thấy cái gì khác, cái gì đấy tôi không chứng minh được, nhưng tôi thấy nó, tôi cảm nhận được nó.’ Tôi nghĩ đấy là cảm xúc của con người. Đối với tôi, tình yêu Pi dành cho con cọp là ‘đường một chiều’, là tình yêu đơn phương.”

Một khía cạnh tuyệt vời của phim là con cọp và những con thú khác trông rất thực. Khác giả biết phim phải có liên quan đến kỹ xảo theo cách nào đấy, thế nhưng… đó là một con cọp, đúng không? Dù có say đắm trong câu chuyện, tôi vẫn thấy rằng mình đang để ý cũng như chấp nhận con cọp là một thực thể có thật. Điều này làm tôi nhớ lại lần phỏng vấn Lý An về Ngọa Hổ Tàng Long (2000), diễn viên trong phim phóng từ mái nhà này sang mái nhà khác và đấu kiếm trên ngọn cây. Đấy là kỹ xảo, đúng không?

Cảnh bay lượn đấu kiếm vòng vèo trong “Ngọa Hổ Tàng Long”.

Anh làm tôi sững sờ,” tôi nói, “Khi anh tiết lộ rằng cảnh mấy diễn viên bay lượn không dùng kỹ xảo, mà là người thật đeo dây cáp thật.”

Anh toét miệng cười. “Ông biết không, mấy người của công ty kỹ xảo Industrial Light & Magic hỏi tôi quay mấy cảnh đấy như thế nào – chúng chỉ là công nghệ xoàng thôi! Cảm xúc thì phải là thật, bao gồm cảm giác sợ hãi của cô diễn viên, nó cũng thật nốt. Rất khó khi bắt chước cái thật để diễn, nhưng chúng tôi không thể làm vậy với một con cọp. Bạn phải tham khảo từ thực tế cuộc sống. Bạn khổng thể chỉ tưởng tượng ra, những việc thật đang xảy đến, yếu tố thật, bạn phải tôn trọng chúng. Tôi nghĩ việc ta tôn kính loài cọp nhiều như tôn kính thiên nhiên là quan trọng.

Để bắt đầu, anh lấy con cọp thật để làm điểm tham chiếu. “Có 23 cảnh quay cọp thật trong phim. Có bốn con, (và tôi) lấy con đẹp nhất, tên King, làm mẫu. Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm cọp từ trí tưởng tượng – ít nhất là trong thời điểm này – và truyền đạt ý nghĩ của chúng tôi, rồi làm cho đám cọp trông giống con thú thật mà lại không ‘nhân cách hóa’ chúng. Một số con cọp thật có mặt trong phim. Nhưng cọp đồ họa tốn đến 3 hoặc 6 tháng. Bất cứ cái gì trông không thật, ít ra là không thật theo cảm nhận của chúng tôi, là chúng tôi phải làm lại. Làm một cách kiên trì.”

“Con cọp” mà cậu diễn viên ôm khi quay phim.

 

Quay cọp thật trước nền xanh để lồng vào phim.

 

(Còn tiếp phần 2)

 

*

Bài liên quan:

– Khi Roger Ebert qua đời, người bị ông chê cũng phải tiếc nuối 
– Ebert và Ang Lee – phần 1: Tây phỏng vấn Đông về phim và cọp

– Ebert và Ang Lee – phần 2: Khi người hiền lành thích làm phim xung đột
 
– Roger Ebert phỏng vấn Miyazaki: Những cảnh “ma” để phim hoạt họa còn “thở”

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả