|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamĐinh Công Đạt xây dựng làng nghề thủ công 27. 04. 13 - 1:15 pmThông tin từ BTC
Dự án Mô hình làng nghề thủ công Nghệ sĩ thực hiện: Đinh Công Đạt
Trong lịch sử Việt Nam, các làng nghề giống như những công xưởng công nghiệp, mang trong mình sứ mệnh thúc đẩy một nền kinh tế. Một cách bền bỉ và lặng lẽ, các làng nghề thủ công là nguồn cung ứng cho mọi mặt cuộc sống, cho các tầng lớp xã hội, từ những vật dụng đơn giản nhất cho đến những thứ phù phiếm nhất trong xã hội phong kiến. Nó vừa là kinh tế, nhưng cũng là niềm tự hào. Làng nghề là nơi hội tụ văn hóa đậm đặc nhất của một xã hội. Trong nhịp thở gấp gáp của đời sống hiện đại, hình bóng của các làng nghề đang phôi phai dần trong tâm trí mọi người. Tôi có một hình dung rất mơ hồ rằng, các làng nghề giống như những người bạn già của ông bà, tổ tiên chúng ta. Họ từng thân quen như những người ruột thịt, họ xuất hiện trong gia đình chúng ta như những điều tất yếu. Nhưng những người bạn đó, rồi sẽ già, rồi sẽ qua đời. Rồi lúc đó, những gì ta còn lại là sự hoài niệm trong vô vọng. Theo quy luật hà khắc của chọn lọc, sẽ có nhiều làng nghề mất đi, rồi sẽ có những kỹ năng mới được hình thành, những làng nghề kiểu mới sẽ xuất hiện. Thay vì một tiếng thở dài, hay một lời than vãn, tất cả những nỗ lực của tôi nhằm mang đến cho những người trẻ tuổi một hình dung gần đúng về người bạn già của cha ông chúng ta. Rất may trong lúc loay hoay đi tìm thực hiện ý đồ đó, khi đến Khu du Lịch Alba Thanh Tân, ban lãnh đạo cũng đang đau đáu làm thế nào để khôi phục lại làng nghề truyền thống ngay trên chính mảnh đất này. Do cơ duyên, tôi và Alba Thanh Tân đã cùng nhau thực hiện dự án Mô hình làng nghề thủ công này. Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu về thói quen, văn hóa của người Việt Nam, tôi nhận thấy: trong truyền thống người Việt Nam hầu như không có truyền thống làm đồ chơi cho trẻ nhỏ, hay đúng hơn họ không làm đồ chơi cho trẻ nhỏ một cách có hệ thống và có ý thức. Có lẽ là do điều kiện kinh tế khó khăn mà họ không có điều kiện để có thể ý thức về công việc này một cách có hệ thống giống như việc tổ chức sản suất kiểu như làng nghề. Song tôi tin rằng tình cảm với trẻ nhỏ, ý thức chăm sóc con trẻ thì thời đại nào, điều kiện kinh tế có như thế nào thì các bậc làm cha làm mẹ luôn muốn làm một cái gì đó cho con, em mình được vui và hạnh phúc. Ở đâu đó sau những lũy tre làng vẫn có những ông bố, bà mẹ người chị, người anh vẫn chế tạo, sáng tạo cho con, em của mình những món đồ chơi ngộ nghĩnh và thú vị. Đó là lý do cho sự ra đời dự án Mô hình làng nghề thủ công tại Khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, đối tượng mà dự án muốn hướng tới ưu tiên là trẻ em, sau đó đến thanh niên. Dự án Mô hình làng nghề thủ công này, nằm trong chuỗi Dự án quan sát, suy nghĩ, sáng tạo về cách chơi và đồ chơi của trẻ nhỏ, mà tôi thực hiện từ năm 2007. Các tác phẩm điêu khắc gỗ như kiến, cá sâu, chó, lợn, dê… gỗ và búp bê composite, đã được tôi đưa đến các vùng nông thôn, miền núi, những khu vực hẻo lánh để trẻ em chơi và ghi chép, ghi hình lại. Triển lãm về gà làm từ giấy bồi Gà: chip, chic, chicky và hướng dẫn trẻ em “làm” gà tại viện Goethe tháng 6 năm 2012 cũng nằm trong chuỗi dự án này. Mặc dù nằm cách xa trung tâm thành phố Huế, Khu du lịch Alba Thanh Tân lại khá gần về mặt địa lý với làng gốm Phước Tích, làng đan lát mây tre Bao La, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với các làng nghề thủ công và các nghệ nhân khác tại Huế. Tôi cũng may mắn khi gặp được những bạn trẻ, say mê với những vốn quý của dân tộc tại khu du lịch này, những người đã nhiệt tâm học hỏi các kỹ năng cơ bản về các nghề thủ công. Tôi hy vọng rằng, với không gian làng nghề mang tính tương tác cao tại đây, khách tham quan có thể hiểu và có thái độ trân trọng đối với các giá trị quý báu của những nghề thủ công đang dần thất truyền, và góp phần níu giữ những nét đẹp văn hóa của các làng nghề thủ công truyền thống tại Huế và cả nước. – Đinh Công Đạt * Sau 30 ngày làm việc, trong khuôn khổ dự án làng nghề thủ công, nghệ sĩ Đinh Công Đạt đã triển khai những nghề sau: – Nghề làm gốm Đồng thời mở các lớp giảng dạy về kỹ thuật làm các nghề thủ công truyền thống Huế cũng như tình yêu nghề thủ công truyền thống cha ông cho chính thanh niên và trẻ con tại vùng đất Thanh Tân. Dự án đã thu hút rất đông thanh niên, trẻ em đến học, thực hành và vui chơi. Các em được tự tay làm ra những thành phẩm gốm, làm hoa giấy, hoa voan, mặt nạ giấy bồi, diều Huế và quạt giấy. Đồng thời có những kiến thức đúng đắn về thế nào là gốm, hoa giấy, mặt nạ giấy, quạt giấy… cùng các kỹ năng thao tác để ra một sản phẩm thủ công truyền thống.
Đây là cơ hội để mọi người có thể hiểu con trẻ hơn, hoặc họ có thể quan sát, quan tâm đến trẻ nhỏ theo một cách khác. Trong dự án, thanh niên và trẻ em tham gia đều có những ý tưởng nghệ thuật sáng tạo mới khác, đồng thời tự khám phá ra khả năng của mình. Điều quan trọng nhất là qua dự án Quan sát, suy nghĩ, sáng tạo về cách chơi và đồ chơi của trẻ nhỏ phục dựng kỹ thuật các nghề thủ công truyền thống, nghệ sĩ Đinh Công Đạt hy vọng những người quan tâm có thái độ sáng tạo, tự chủ trong cách khám phá trẻ nhỏ để có thể chăm sóc chúng một cách ngày càng hoàn thiện, hoặc chí ít cũng quan tâm tới trẻ nhỏ bằng nhiều cách, dưới nhiều góc độ qua những tác phẩm nghệ thuật mà họ đã có thể xem hoặc cảm thấy.
Nghệ sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ: “Những nỗ lực nhằm vào các Festival, và lễ hội về làng nghề rất đáng được trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, tôi tin rằng có rất nhiều cách để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của làng nghề thủ công qua việc duy trì và phát huy những kỹ năng của nghề truyền thống. Việc này chỉ có thể tốt được với những cái bắt tay đầy thiện chí của nghệ nhân, nghệ sĩ và doanh nghiệp. Quan niệm của chúng tôi là giữ cho làng nghề sống với những kỹ năng được thường xuyên sử dụng. Hơn thế nữa, những kỹ năng quý báu đó cần và nên được những người trẻ và xã hội tiếp cận, thử nghiệm, và sử dụng trực tiếp. Ý tưởng này đã được xây dựng và hiện thực hóa thông qua nhóm các nghệ nhân, khu du lịch Alba Thanh Tân, và sự tư vấn về mỹ thuật của Đinh Công Đạt. Trong không gian tại suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, du khách được tương tác trực tiếp với nhiều nghề thủ công như gốm, diều Huế, mặt nạ giấy bồi, v.v. với sự hướng dẫn của những nghệ nhân trẻ tại đây. Những người trẻ tuổi này đã được truyền lửa và truyền nghề từ những bàn tay vàng của nghề đang ngày càng bị mai một như: nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng (diều Huế), nghệ nhân Phạm Anh Đạo (nghề gốm), và các nghệ nhân ở các làng thủ công khác. Với cách làm này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó, sẽ có một nghệ nhân thành danh từ trong số hàng vạn người đã từng tương tác với nghề thủ công tại Alba Thanh Tân”.
* Mọi thông tin về dự án, xin liên hệ với: Nghệ sĩ Đinh Công Đạt hoặc Nguyễn Quỳnh Trang
* Bài về cùng nghệ sĩ: – Đinh Công Đạt làm đồ chơi cho trẻ con
Ý kiến - Thảo luận
21:24
Thursday,2.5.2013
Đăng bởi:
emlan
21:24
Thursday,2.5.2013
Đăng bởi:
emlan
Quá đẹp! Đặc biệt những tác phẩm trẻ em tự làm: quạt giấy, mặt nạ. Dự án hay, nhưng tại sao phải là Huế? Phải chăng ở Hà Nội không có một Alba, hay thiếu truyền thống làng nghề, không có các nghệ nhân? Thật tiếc...
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp