Trường phái

Richard Artschwager: Luôn khiến người xem phải buông một dấu chấm than 03. 05. 13 - 7:13 am

M. Nha tổng hợp và dịch

BERLIN- Từ 27. 4 tới 22. 6. 2013, gallery Monika Sprüth và Philomene Magers bày triển lãm của nghệ sĩ đương đại Mỹ Richard Artschwager. Trước đó, triển lãm này đã được bày ở chi nhánh của Sprüth Magers tại London (họ có nhiều chi nhánh mà). Trong ảnh: Richard Artschwager năm 1958 do Peter Bellamy chụp.

 

Tâm điểm của triển lãm là tác phẩm điêu khắc “Exclamation Point” (Orange – Dấu chấm than, cam, 2010), được bày chung với loạt chân dung mới đây của họa sĩ.

 

Là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất nổi lên vào thế kỷ 20, những tác phẩm đa dạng và vui tươi của Artschwager đã có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ, nhờ thách thức mọi mặc định về nhận thức, về thẩm mỹ, về trải nghiệm không gian và vật chất, trong nghệ thuật cũng như trong đời thường. Trong ảnh: “Corner Splat II, 2009”, laminate trên nhôm. Gồm hai phần: trái là 27 x 28cm; phải là 39 x 30cm

 

Suốt 40 năm làm nghề, Artschwager khám phá đủ loại hình thức và chất liệu nghệ thuật: từ vẽ, tới làm điêu khắc, tới ký họa… cốt để hiểu được mối liên hệ giữa nghệ thuật với đồ vật, với cả môi trường chứa những đồ vật ấy. Trong ảnh: “Exclamation Point (Chartreuse)”, 2008. Sợi plastic trên lõi gỗ gụ sơn latex. Kích thước: 165 – 56 – 56 cm

 

Đặc biệt nhất là tranh của Artschwager, thể hiện rõ mối liên hệ sống động giữa việc thể hiện hình ảnh với thực hành điêu khắc. Trong khi điêu khắc của ông đặc trưng ở màu sắc, ở những yếu tố “như vẽ”, cùng những hình thù và chất liệu lạ; thì tranh của Artschwager lại dựa rất nhiều vào các yếu tố xử lý về mặt tranh. Trong ảnh: Glove (Găng tay, 2002). Acrylic, formica, bảng sợi (fiber panel) trên celotex. Khung do họa sĩ tự làm. Kích thước 99 x 116 cm

 

Artschwager áp dụng những chất liệu truyền thống như than chì, acrylic, pastel, sơn dầu, trên Celotex, là một bề mặt ván cứng, làm từ hỗn hợp sợi ép, thường được sử dụng trong xây dựng (làm tấm trần?). Mặc dầu tấm Celotex có một mặt láng, nhưng Artschwager lại vẽ trên mặt trái, tận dụng bề mặt nhám để làm tranh càng thêm “chất”. Trong ảnh: Self Portrait with Green Background (Tự họa trên nền xanh lá cây, 2009). Acrylic, pastel và than chì trên giấy tự làm, ván cứng. Kích thước 94 x 67,3 cm (cả khung).

 

Về khung, Artschwager rất cẩn thận, viền tranh bằng khung gỗ nặng có kính, viền đẹp, khiến bức tranh như sâu hơn, 3 chiều hơn. Trong ảnh: “Search for Tomorrow” (Tìm kiếm cho ngày mai – 2004). Acrylic và bảng sợi, khung của họa sĩ. Kích thước: 21 x 189 cm

 

Artschwager hiếm khi vẽ từ cảnh thực, mà dựng hình tưởng tượng từ ký ức, hoặc dùng ảnh, dùng những hình trên báo, phóng to ra bằng kích thước tranh. Việc phóng to ảnh này, cộng với bề mặt tranh nhám nhiều, khiến hình ảnh như có hạt, nhòe nhoẹt, các nhân vật không nhận ra được, và thế là giữ lại được hiệu quả “nặng” của điêu khắc (so với tranh). Trong ảnh: Group Portrait (Chân dung nhóm, 2012). Acrylic trên giấy tự làm, ván cứng, với khung của họa sĩ làm. Kích thước 70,5 x 103 x 4 cm (cả khung)

 

Đặc biệt bày trong triển lãm lần này là Exclamation Point (Orange – 2010), một dấu chấm than làm từ sợi plastic gắn vào một lõi gỗ gụ. Từ tên tới hình thức, Exclamation Point là một thí dụ vui nhộn về thử nghiệm (bằng mỹ thuật) của nghệ sĩ trong lĩnh vực ký hiệu học. Về mặt thẩm mỹ, dấu chấm than là một trong những dấu ưa thích của Artschwager. “Tôi hay gọi đó là hoàng tử của dấu. Không xoắn nhưng làm nghĩ tới trọng lực. Lò cò trên một chân mà có thể vận hành ngon lành với chính mình hay với bất kỳ cái gì xung quanh.”

 

Richard Artschwager sinh năm 1923 tại Washington D.C. và mất năm 2013 ở Albany, USA. Ông vốn là dân học hóa học, sinh học, rồi toán học ở trường Cornell, rồi sau này mới theo học nghệ thuật (học tư?) với thầy Amedée Ozenfant (họa sĩ lập thể và nhà văn người Pháp). Trong ảnh: Tác phẩm “Hand” của Amedée Ozenfant.

 

Vào đầu những năm 1950s, Artschwager bắt đầu thiết kế nội thất theo đơn đặt hàng. Sau một trận cháy làm xưởng tan hoang, ông bắt đầu chuyển sang làm điêu khắc, sử dụng những vật liệu công nghiệp bỏ đi. Trong ảnh: “Table” (Bàn). Formica trên gỗ. Kích thước: 79 – 94 – 94 cm

 

Về sau Artschwager bắt đầu vẽ, làm các sắp đặt tại chỗ, và thực hiện các tác phẩm dựa theo ảnh. Tác phẩm của ông là đề tài của rất nhiều triển lãm quan trọng, trong đó có Centre Pompidou, Paris (1984); Deutsche Guggenheim, New York (1966); Kunstmuseum Winterthur ở Thụy Sĩ (2003), và bảo tàng Whitney of American Art, New York (2012). Trong ảnh: “Round blp, 1989”, lông cao su. Đường kính 38cm.

 

Artschwager có nhiều tác phẩm trong nhiều bộ sưu tập lớn trên thế giới, từ Tate London đến MoMA, New York; đến Art Institute of Chicago; và bảo tàng Ludwig Cologne, cùng Fondation Cartier, Paris. Trong ảnh: “In the Driver’s Seat” (Ngồi vào chỗ tài xế, 2008), thuộc bảo tàng Whitney.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:22 Friday,3.5.2013 Đăng bởi:  dilettant
"chuyển sang làm điêu khắc, sử dụng những vật liệu công nghiệp bỏ đi." Ký ức lại dẫn về mảng tương tự của các nghệ sĩ Nga...
"đặc biệt nhất là tranh của Artschwager, thể hiện rõ mối liên hệ sống động giữa việc thể hiện hình ảnh với thực hành điêu khắc." Vâng, họ "nhìn" chúng ta từ trong bức
...xem tiếp
16:22 Friday,3.5.2013 Đăng bởi:  dilettant
"chuyển sang làm điêu khắc, sử dụng những vật liệu công nghiệp bỏ đi." Ký ức lại dẫn về mảng tương tự của các nghệ sĩ Nga...
"đặc biệt nhất là tranh của Artschwager, thể hiện rõ mối liên hệ sống động giữa việc thể hiện hình ảnh với thực hành điêu khắc." Vâng, họ "nhìn" chúng ta từ trong bức tranh ra.
Tuyệt vời! Cảm ơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Duỗi não

Vũ Lâm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả