Bàn luận

Gạo vàng GMO: cứu đói cứu mù hay vẫn là lừa đạo đức 10. 09. 15 - 10:41 pm

Pha Lê

SOI: Đây là cmt cho bài “GMO – Ác quỷ, Thiên thần, hay chỉ như con người lúc sai lúc đúng?“, xin đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận. Soi sẽ tuần tự đăng các bài về chủ đề GMO, dù rằng nhìn bên ngoài nó không dính gì đến nghệ thuật. Có thể sẽ có nhiều tiếng nói trái ngược nhau – coi như là chuyện đương nhiên nhé các bạn, như thế càng nhiều thông tin. Danh sách các bài về chủ đề này, như thường lệ, nằm ở cuối bài.)

*

Cần dầu hay không cần dầu?

Bạn Hieniemic cho mình mạn phép hỏi cái này (về bài GMO của bạn):

Bạn có thể cho biết cái nghiên cứu nói trẻ em suy dinh dưỡng muốn hấp thụ beta carotene (hay vitamin A) thì có dầu hay không có dầu đều như nhau là cái nào, của ai làm không?

Mình thì… cũng không biết gì cả :). Mình cùng lắm chỉ đọc các tài liệu nghiên cứu, và những cái mình đọc được đều nói beta carotene là thứ rất khó hoặc không thể chuyển hóa (bioconversion) nếu không có dầu, chất béo, protein. Bài đầu tiên là của hai tiến sỹ Sally Fallon và Mary G. Enig viết cho tổ chức Weston A. Price. Cả hai cũng là người có chứng chỉ, bài được giới trong nghề xem và phê chuẩn (peer-reviewed). Tổ chức này cũng phi lợi nhuận, không chịu ảnh hưởng của ai hết, nên coi như tạm tin.
 

Ông Weston A. Price là một nha sĩ nhưng có sở thích là nghiên cứu về dinh dưỡng, hiện giờ tổ chức phi lợi nhuận mang tên ông cũng là nơi quan tâm đến dinh dưỡng, thường có các bài về vitamin A, D nọ kia

Bài thứ hai là đăng trên American Journal of Clinical Nutrition, có tên là “Bioconversion of dietary provitamin A carotenoids to vitamin A in humans”, cũng kết luận y thế, rằng  muốn chuyển hóa beta carotene thì không thể thiếu dầu mỡ, protein (*)

Theo mình hiểu (tạm gọi là thế), Vitamin A có 2 loại: Retinol, và Carotenoids (trong đó có beta carotene). Retinol có nhiều trong các chế phẩm từ động vật như gan, trứng, kem sữa… Retinol thì loài người hấp thụ được thẳng luôn thành vitamin A, suy dinh dưỡng hay khỏe mạnh gì cũng được, cũng không cần bổ sung thêm dầu mỡ, chất béo. Retinol rất tốt cho mắt, có thể ngăn mù lòa. Cái tên cũng nói lên điều này rồi vì trong tiếng Anh Retina có nghĩa là “võng mạc”.

Cung cấp cho triệu trẻ em nghèo đói, nhiều nguy cơ mù lòa chất retinol để các bé chuyển thành vitamin A thì quá tốt, mấy bé sẽ chuyển chúng thẳng thành vitamin A luôn. Nhưng sản phẩm từ động vật, sữa trứng đắt đỏ có vẻ nhưng không phải thứ ta đang bàn ở đây.
 

Retinol có nhiều trong trứng…

 

… các chế phẩm bơ sữa…

 

… và đặc biệt nhiều trong gan động vật

 

Tất nhiên nghe tên retinol là biết chất này bổ cho mắt rồi (thành thử mới có câu vitamin A lợi mắt), võng mạc trong tiếng Anh là retina mà

Còn Carotenoids lại có trong những thực phẩm như rau củ, cơm gạo (plant-based). Beta carotene của gạo vàng cũng thế, hoàn toàn không phải retinol, và mình chưa thấy nghiên cứu được xác minh xác thực nào nói cơ thể người sẽ chuyển hóa nổi nó cho dù thiếu dầu mỡ, protein (nhưng bạn ở trong nghề, có thể tìm được các bài báo chuyên ngành, có thông tin xác thực khác thì cho mình xin). Còn như mình đọc, thì nếu khẩu phần ăn không dầu mỡ, protein chất béo là “thua”. Tất nhiên “khẩu phần ăn” là nói vậy, các bài cũng công nhận rằng người hoàn toàn khỏe mạnh, cơ thể không bị viêm nhiễm hay mắc một số bệnh nhất định, thì khi ăn món gì có beta carotene là cơ thể vẫn chuyển hóa được dù “khẩu phần” lúc ấy không có dầu. Do người khỏe mạnh đã có sẵn một lượng protein với chất béo trong cơ thể của họ rồi.
 

Trái lại, beta carotene là thứ có nhiều trong rau củ, đặc biệt là cà-rốt, bí đỏ, ớt chuông vàng, nhưng liệu người suy dinh dưỡng, cơ thể không có mấy chất, thức ăn không bổ sung đạm, mỡ… thì có chuyển hóa nổi Beta carotene không?

Tức là con nít khỏe mạnh ăn gạo vàng như Hieniemic nói, sẽ tự chuyển hóa được beta carotene mà không cần dầu.

Nhưng con nít khỏe mạnh đâu phải thành phần gạo vàng nhắm vào để hô rằng họ sẽ cứu đói, cứu khỏi mù?

Người lớn suy dinh dưỡng, theo báo cáo, còn khó chuyển hóa beta carotene thành vitamin A chứ huống hồ gì trẻ em suy dinh dưỡng. Mà chưa kể trẻ em đói nghèo còn mắc bao nhiêu thứ khác mình chưa biết, nào bệnh, nào viêm nhiễm. Như thế các bé có chuyển hóa beta carotene nổi không?

Gạo vàng

Nghiên cứu về beta carotene đăng trên trang gạo vàng

Mình ngờ ngợ đành đi tìm thêm, chưa thấy nghiên cứu nào khẳng định rằng cho người suy dinh dưỡng ăn beta carotene (chứ không phải retinol) và không cho dầu mỡ đi kèm mà kết quả lại khả quan. Thậm chí mình còn mò lên cả trang chủ của gạo vàng và cũng chẳng thấy gì cả. Ít ra có nghiên cứu ủng hộ, trang web phải đưa lên mà kêu gào chứ? Đằng này lượt qua lượt lại chỉ thấy tin gạo vàng thắng giải nọ kia, gạo vàng được mạnh thường quân ủng hộ để giao giống miễn phí, gạo vàng chống đói nghèo. Còn nghiên cứu/xác nhận để làm bằng chứng cho một số điều họ nói là không hề có.

Trên trang web có duy nhất một nghiên cứu, kết luận qua loa rằng gạo vàng cũng hiệu nghiệm như beta carotene ngâm trong dầu, của nhà nghiên cứu Guangwen Tang (hợp tác với đại học Tufts ở Boston). Nhưng không nói rõ rằng “hiệu nghiệm như beta carotene trong dầu” ý là cứ ăn gạo vàng không cần dầu hoặc chất béo là vẫn hấp thụ ra vitamin A, chống được mù lòa; hay ý là vẫn phải ăn với dầu như beta carotene (vốn có trong rau củ) thì mới chuyển hóa chúng thành vitamin A được?

Mình cũng ráng mày mò tìm đọc cả bài, ai dè lòi ra hai vấn đề:

Guangwen Tang vi phạm đạo đức khi thực hiện nghiên cứu. Bà cho một số lượng trẻ em Trung Quốc ăn gạo vàng, nhưng lại giấu nhẹm nó là gạo vàng. Phụ huynh các bé biết được thì nổi điên lên, bảo rằng nếu gạo không vấn đề gì sao lại giấu. Chính phủ Trung Quốc kêu sẽ bồi thường, các bố mẹ không chịu lấy tiền. Vì vậy bản nghiên cứu này bị bác bỏ, khi nhấp cái link trên trang chủ của gạo vàng, sẽ thấy xổ ra bài, và nếu nhìn kỹ bên tay phải sẽ thấy rằng bài này bị thu hồi (**)

Trang NPR cũng đưa tin rằng bà Guangwen Tang bị đình chỉ, không được thực hiện thêm bất cứ nghiên cứu nào liên quan tới con người trong 2 năm. Đại học Tufts bị một trận bẽ mặt.
 

Bà Tang, báo chí cũng nói sau 2 năm đình chỉ thì mọi nghiên cứu của bà phải được giám sát vô cùng khắt khe

Tất nhiên có vấn đề về đạo đức thì người ta dễ bác bỏ sự xác thực của nghiên cứu, đã gian rồi thì ai biết còn gian ở chỗ nào nữa. Nhưng thôi mình tạm tin ngoài chuyện giấu bố mẹ các bé về gạo vàng, bà Tang nghiên cứu nghiêm chỉnh. Thế là mình đọc nghiên cứu.

Mới vào, bài đã nói bà Tang thử gạo vàng trên những đứa bé khỏe mạnh, không bệnh, không viêm nhiễm. Các bé tuy ở vùng gọi là quê nhưng thuộc nhà trung bình, có thu nhập trung bình.

Rồi đọc tiếp, thấy ngoài gạo vàng bà Tang còn cho mấy nhóc ăn thêm thịt gà Tây, xa lát dưa leo, bánh mì, dầu bắp, hạt điều nướng…

Ớ, thế nghiên cứu trên trẻ em khỏe mạnh thuộc nhà lao động có thu nhập, lại còn cho chúng ăn thêm thịt thêm dầu… rồi kết luận là chúng chuyển hóa được beta carotene thì nói làm gì?

Mình trộm nghĩ, người có con khỏe mạnh, nhà đủ sống, thì nhảy dựng lên khi biết con mình ăn gạo vàng là thôi không trách. Nhưng vấn đề ở chỗ gạo vàng (một trong những sản phẩm GMO hiền? Có lý tưởng?) hô rằng nào sẽ giúp cứu đói, giúp chữa mù, giúp cả triệu trẻ em suy dinh dưỡng không bị mù, vậy thì nghiên cứu trên trẻ em khỏe mạnh của gia đình có thu nhập sẽ chứng minh được cái gì? Chắc chắn những người đói không có gì ăn, con cái sắp mù sẽ không từ chối nếu chúng ta đưa gạo vàng cho họ ăn và nói rằng mình cần họ ký giấy cho phép mình nghiên cứu, rằng gạo này có thể giúp mắt con họ sáng, thì họ sẽ chả bác bỏ hay nhảy dựng lên như mấy ông Tàu có con khỏe mạnh kia. Nếu bạn Hieniemic tìm được bằng chứng nào hoàn toàn xác nhận rằng con nít suy dinh dưỡng đói kém, chỉ cần gạo vàng, không cần thêm chất béo, thịt, hay dầu (vốn là những nguyên liệu kém khả thi trong việc cứu đói?), là có thể dễ dàng chuyển hóa beta carotene thành vitamin A rồi mắt hết mờ, hết nguy cơ mù nữa, là ai cũng sẽ ủng hộ hai tay hai chân thôi.

Nhìn mấy bé đói ăn công nhận rất là tội nghiệp. Trong tình hình cứu đói chữa mù bằng trứng sữa thịt cá là không thể, cứu bằng gạo nghe quả thật khả thi, nhưng cơ thể ốm yếu của mấy em mình muốn cứu liệu có chuyển hóa nổi beta carotene? Mà nghiên cứu có gì khó nhỉ? Ông mình – người từng chứng kiến nạn đói năm 45 – ghi chép lại rằng lúc ấy đói quá tới thịt người chết còn luộc lên ăn. Phát gạo vàng cho người đói, sắp mù thì nhiều khả năng họ không từ chối, rồi đo dạc xem Beta carotene chuyển hóa thế nào, sau đó đăng lên trang chủ của gạo vàng để khiến “bọn” phản đối im mồm

Với lại trang web chính của gạo vàng nên đăng cái nghiên cứu mà bạn tìm được cho mọi người cùng xem, chứ cứ hô là sẽ thế nọ thế kia, rồi trưng ra bài bị bác bỏ (do vi phạm đạo đức) đã vậy còn nghiên cứu không đúng đối tượng, là chỉ tổ hại cho những ai đang cố thuyết phục người khác về GMO.

*

(*) A recent study on the influence of amounts of dietary fat on the bioavailability and bioconversion of provitamin A carotenoids in yellow and green leafy vegetable meals showed that carotenoid-rich yellow and green leafy vegetables need a certain minimum amount of fat (2.4 g fat/meal) to ensure the absorption of fat-soluble provitamin A carotenoids and to improve vitamin A nutritional status.
Link ở đây
Đối với những ai thấy hai bài kia rối rắm từ ngữ quá thì hai link này tóm gọn lại bằng những câu chữ đơn giản hơn: xem link nàylink này

(**) The article cited above, which was originally published in the September 2012 issue and prepublished on 1 August 2012, has been retracted by the publisher for the following reasons:
The authors are unable to provide sufficient evidence that the study had been reviewed and approved by a local ethics committee in China in a manner fully consistent with NIH guidelines. Furthermore, the engaged institutions in China did not have US Federal Wide Assurances and had not registered their Institutional Review Board (or Ethics Review Committee).
The authors are unable to substantiate through documentary evidence that all parents or children involved in the study were provided with the full consent form for the study

Link ở đây

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả