|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnGiữa bây giờ và sau này, điều gì cũng có thể xảy ra… Nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam 19. 06. 11 - 9:39 amVeronika Radulovic - Cung cấp ảnh: Nguyển Anh Tuấn
* Đây là chùm bài viết trích từ các tham luận từ Hội thảo “Post Đổi Mới” về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam do Bảo tàng Quốc gia Singapore tổ chức tháng 5. 2008. Nội dung cuộc Hội thảo xoay quanh các vấn đề của nghệ thuật Việt Nam: tác phẩm, nghệ sĩ, giá tranh, thị trường nghệ thuật, nghiên cứu và phê bình… và các yếu tố xã hội có liên quan đến đời sống nghệ thuật như các chính sách, nguồn lực và tâm lý thưởng ngoạn của công chúng. Các bài viết đưa ra những cái nhìn và quan điểm nhiều chiều về nghệ thuật đương đại khi quy tụ cả những nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Bởi không nhiều người biết đến, chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết trích trong hội thảo với bạn đọc, mong cung cấp thông tin thiết thực và những quan điểm, cách nhìn khác biệt về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Việc đăng tải những bài viết này trên trang mạng SOI đã được sự đồng ý của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore – đơn vị tổ chức và các tác giả. * Amanda Heng dán một vạt giấy lên trên chiếc bàn gỗ trong phòng giám hiệu của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tay bóc các lớp lá của một chiếc bắp cải được mua từ trước và để chúng lên những chiếc ghế nhựa nâu, “Everything can happen between now and then”, bà nói. Trong lúc ấy, sinh viên Nguyễn Minh Thành dịch câu đó sang tiếng Việt cho các sinh viên đứng quanh (Giữa bây giờ và sau này, điều gì cũng có thể xảy ra…). Tiếp đó Amanda ra hiệu đề các sinh viên ngồi lên ghế, rồi bà xé mấy tờ báo Việt Nam như Lao Động, Văn nghệ trẻ, Thể thao & Văn hóa, Hà Nội mới… đưa cho mỗi người một mảnh xé ngẫu nhiên. Vài người đọc to lên. Mấy người khác cười khúc khích. Một hỗn hợp âm thanh xuất hiện. Cái gì sẽ xảy ra bây giờ? Tám sinh viên đứng trên ghế, tay cầm mảnh giấy. Trước mặt họ là lá bắp cải. Hai nữ sinh viên cố nhịn cười. Amanda Heng chui xuống một cái chăn Tàu in hoa đen. Đống chăn lò dò bò đi như một con ma, trèo lên bàn học ông hiệu trưởng. Nó đứng dậy và thu lại những mảnh báo. Bàn tay – tay của Amanda – với hụt vào khoảng không. Đột ngột chiếc chăn đen trắng lật ra. Chấm dứt. Vỗ tay. Cái gì vậy? Một màn trình diễn ư? Thoạt tiên câu hỏi này đã không được trả lời. Nhiều năm sau chúng tôi vẫn phì cười về chuyện làm thế nào mà màn trình diễn đầu tiên này lại đã diễn ra trong phòng giám hiệu của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đây là căn phòng đẹp nhất của trường, có tivi, và người ta cho phép tôi sử dụng nó để chiếu video. Anh Mai nói, tôi thực sự e ngại nếu ông ấy xuất hiện. Tôi trả lời: “Tôi cũng vậy“. Kết quả sau cuối chỉ là cảm giác được trải nghiệm và thực hành điều gì đó khác thường, khác hẳn với những gì đã biết, và điều gì đó ấy được thực hiện một cách công khai, có thể nói là ngay trước mắt các chứng nhân, là một số sinh viên. Và rồi một băng video dài đúng mười hai phút thu lại sự kiện này, từ đó đã trở thành một di vật nhỏ trớ trêu. Thoạt tiên không ai phân tích về ý nghĩa hay sự vô nghĩa của màn trình diễn này, cũng không đặt ra câu hỏi đáng hỏi và cần được trả lời nào. Màn trình diễn nhẹ nhàng và rõ ràng rất lặng lẽ này diễn ra ngày 8. 12. 1995, là một trong vô số âm thanh và hành động kín đáo xảy ra trong những môi trường riêng tư vốn là nơi giao lưu và nuôi dưỡng tính sáng tạo của các nghệ sĩ ở Việt Nam, nằm ngoài các hình thái nghệ thuật chịu quy định và điều khiển. Một trong những địa điểm riêng tư phổ biến nhất ngày ấy là salon Natasha, cũng là căn nhà của Natasha Kraevskaia người Nga và xưởng vẽ của chồng bà là nghệ sĩ Vũ Dân Tân. Ở đó ta gặp đủ những hình thái nghệ thuật, khác với những gì giới chức trách mong đợi. Ở đây các nghệ sĩ làm gì mình muốn, không biết đến chế ước và quy định, mà cũng không cần biết đến sự phân loại nào từ khái niệm quốc tế Performance Art. Nhưng giờ đây, qua màn trình diễn tại Đại học Mỹ thuật, một hình thái nghệ thuật đã đặt chân vào vùng đất mới theo đúng nghĩa đen. Và chỉ riêng địa điểm của buổi họp không đăng kí này – phòng giám hiệu – đã nhấn mạnh cho một số sinh viên biết rằng có gì đó đã xảy ra, nó nằm ngoài công năng của nghệ thuật và học thuyết nghệ thuật, kể cả nỗ lực cải cách thời sự mà trường đại học đang thực thi một cách đặc biệt và duy nhất. Có thể nói, nó làm người ta choáng. Nghệ sĩ và giảng viên duy nhất của Đại học Mỹ thuật tham dự hôm đó, cũng như mấy năm sau có nhiều thử nghiệm trong lĩnh vực này, là Trương Tân. Chữ “thử nghiệm” quá có tính hàn lâm. Đơn giản là anh thích làm một cái gì, thích hoạt động bộc phát và ứng tác với hoàn cảnh. Anh muốn là tâm điểm của sự tự ái mộ. Nhân cách của anh thể hiện rõ một nguyên tắc của trình diễn: nghệ sĩ không tạo hình bằng vật thể khác, mà bằng chính mình. Từ đó, nhiều màn trình diễn phong phú diễn ra ở đủ mọi nơi. Thường là tại những địa điểm kín đáo ở nông thôn (Móng Cái, Mộc Châu), nhưng cũng có khi ở nhà riêng (Hàng Chuối, phố Yên Thái). Những dạng thức âm thanh của xe máy được Nguyễn Văn Cường cùng với Til Schönherr phát hiện ra và đồng thời thể hiện luôn ở tầng trên CLB Jazz của Quyền Văn Minh gần hồ Hoàn Kiếm. Hay là một chai LaVie rỗng được Trương Tân dùng làm “trình diễn quân đội” ở bãi tắm Móng Cái hồi 1995. Ở đó cũng ra đời những hình chụp đầu tiên. Tuy nhiên, sự chú ý của người xem ảnh tư liệu sau đó cũng không bảo vệ được các màn trình diễn trước tính nhất thời vốn có của chúng. Vậy thì chúng tiếp tục sống trong câu chuyện kể, các màn trình diễn được xem hay không được xem đã được thuật lại trong đủ các khảo dị lạ lùng nhất. Như cổ tích kì bí vậy. Rõ ràng có thể nhận thấy nghệ thuật trình diễn không phải là một chuyện khô cứng, và nó không được lặp lại. Nó là độc nhất vô nhị. Như thời tiết và trận túc cầu, có vẻ như nó là một hệ thống hỗn độn thiếu tuyến tính và – gần như tình cờ – nó đẩy chính sách văn hóa một chiều của Việt Nam ra bên lề. Hình thức không nhất quán và khái niệm không được định nghĩa chính xác khiến người ta dễ dàng chọn chữ Performance để chỉ những gì mà chúng tôi thỉnh thoảng thực hiện. Trong giới nghệ sĩ và sinh viên, khái niệm này chỉ được dùng một cách tràn lan vô tội vạ. Cầm một bức tranh đi giữa phố cổ Hà Nội chật ních, hay một bữa trưa đơn giản – đều đã được gọi là Performance. Công việc mới này mang vẻ nhẹ nhàng và vui tươi. Rốt cuộc, nghệ thuật đã có vẻ như tách rời sự xơ cứng bởi quy định để biến thành một tiến trình sống động. Một mặt là thế. Những màn nghệ thuật trình diễn đã và đang là một sự công kích vào giới nghệ thuật quốc doanh. Có lẽ vì thế mà nó đã được chú ý mạnh mẽ và luôn gây ra tranh luận, mặc dù chất lượng của các màn trình diễn đơn lẻ đôi khi không hẳn tốt và có lẽ chẳng nên nhắc đến làm gì, nếu thiếu bối cảnh Việt Nam đằng sau. Ví dụ trong lần trình diễn của Nguyễn Minh Thành ở 29 Hàng Bài, là một phòng triển lãm nhà nước, hôm 9. 11. 1996, Nguyễn Văn Cường và Trương Tân đã trình diễn tác phẩm Mẹ và con, đả phá cực đoan quyền độc nhất về cái đẹp trong nghệ thuật và công năng của nghệ thuật của các nhà quản lý nghệ thuật (hiệp hội, đại học, bảo tàng). Một cơ thể nằm dưới đất được bôi đầy máu (thực ra là màu đỏ). Lập tức có một hỗn hợp các kiểu phản ứng – từ lắc đầu giận dữ cho đến khâm phục. Song cùng lúc đó cũng có những câu hỏi như là: Nếu các anh làm việc này thì sẽ sống bằng gì? Qua đó, lần đầu tiên đã xuất hiện câu hỏi về việc hỗ trợ dạng nghệ thuật ngoài luồng chảy của nghệ thuật quốc doanh và nghệ thuật thương mại. Đa số nghi ngại xu hướng mới này. Người ta cũng thiếu thiện cảm hơn với công tác giảng dạy của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn ngoan cường tiếp tục công tác giảng viên của DAAD (Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức) tại Đại học Mỹ thuật, trong đó có việc tích cực quảng bá hình thái nghệ thuật gây tranh cãi này. Video của Yves Klein, Yoko Ono, Abramovic/Ulay, hàn lâm Nghệ thuật Düseldoft đã được chiêm ngưỡng và tranh luận. Nghệ thuật trình diễn Ba Lan và Hungary thập kỷ 80, các nghệ sĩ ở châu Âu đã phát triển song song với sự bất bình đối với nền chính trị và quản lý nghệ thuật ra sao. Sau này cũng đã xuất hiện thêm trình diễn video. Tôi muốn trình bày chúng cho các sinh viên và nghệ sĩ ở Hà Nội. Có gì khác biệt giữa một băng video con heo, bạo lực, made in Hongkong, và màn trình diễn một người đàn ông mặc quần áo đánh một người đàn bà cởi truồng được sản xuất cho Documenta 8 ở Kassel? Biết đặt kiểu ấy ở đâu? Xem Performance “thứ thiệt” ở đâu? Hồi 1997 tuy người ta có thể tham gia trình diễn tác phẩm Happy New Year của nghệ sĩ Việt – Mỹ Man Bui ở Trang An Gallery, nhưng phải khó khăn lắm mới có giấy mời. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi cũng gặp may. Ví dụ như nghệ sĩ Việt kiều Mỹ Nguyen Cao Hung dạo 1999 từng tổ chức trình diễn, với vé vào cửa tự do tại phòng tranh của một người Pháp tại 24 Tràng Tiền. Hoặc chúng tôi cũng từng tranh luận về một sự kiện vang dội mà sinh viên và nghệ sĩ đã xem ở Gia Lâm. Ở đó, Đào Anh Khánh hôm 17. 11. 2000 đã đón chào thiên niên kỷ mới với màn trình diễn kinh thiên động địa mang tiêu đề Vũ trụ hài hòa. Trong trình diễn múa mang hơi hướng biểu diễn sân khấu ngoài trời này người ta cũng nhận thấy ý chí của người nghệ sĩ muốn hòa hợp với nhà nước và xã hội. Đào Anh Khánh sử dụng lửa, âm thanh, ánh sáng, đồ vật, cái nhất thời và cái bất biến, cũng như chính bản thân – trong chuyển động chậm. Khán giả được tham dự vào nên rất phấn khích, và ấn tượng đọng lại là: sự tự hào của người đã được tham dự và trải nghiệm sự kiện ấy. Tiếc rằng hầu như không có điều kiện để sinh viên và nghệ sĩ so sánh, do đó màn trình diễn múa của Đào Anh Khánh được một số mặc nhiên coi là Performance đặc thù. Mặc dù thế… một số sinh viên từ đó trở đi đã dùng khái niệm trình diễn nghệ thuật cơ thể (Body-Art-Performance). Và tôi vui mừng thấy họ đã học được cách phân biệt. Dù sao, tôi vẫn liên tục có cảm giác rằng bên cạnh những thông tin được quảng bá vẫn có gì đó được vận hành cùng. Chúng tôi đã tranh luận một cách thận trọng đủ mọi câu hỏi chi tiết, và tôi luôn lấy cơ sở từ lịch sử nghệ thuật quốc tế. Nhưng chỉ dựa vào các khái niệm quen thuộc và đáng tin cậy như nghệ thuật cơ thể, yếu tố sân khấu, giải trí, yếu tố âm thanh hay thậm chí Trào lưu ngẫu biến để đòi hỏi chỗ đứng xứng đáng cho chúng thì không có ích gì mấy cho lực lượng tân tiến và cả các nhà phê bình. Có ích gì đâu, khi nói là đầu thế kỷ trước một số nghệ sĩ châu Âu xa xôi (nhất là các nghệ sĩ Dada) dùng sự ngẫu nhiên làm nguyên lý thể hiện và dùng chính mình làm nghệ thuật? Cái ngẫu nhiên và sự gạt bỏ mọi định luật hàn lâm và phối cảnh, cũng như vô hiệu hóa thời gian và không gian – rõ ràng là một sự vi phạm vào tính mỹ học theo quy chế. Từ nay, không phải các hệ tư tưởng và sự kiện được các hoạt động cá nhân và ngẫu hứng, giúp ta tìm đến với chính mình và các định hướng quốc tế mới. Vậy thì không có gì là lạ khi các màn trình diễn Việt Nam trước tiên chủ yếu xuất hiện ở nước ngoài. Ví dụ như các màn trình diễn của Trương Tân. Xin đưa một vài thí dụ: anh đã tham gia International Container Art Pojekt ở Copenhagen (1996), hay ở Singapore với Triển lãm nghệ thuật Bielefeld (1996), hay trong hoạt động nội bộ ở trường Städelschule Frankfurt am Main (1996). Người ta cũng nghe đến Trần Lương khi trình diễn tại New York, và nhiều nghệ sĩ trẻ nhầm rằng nghệ thuật quốc tế đương đại xuất hiện dưới dạng nghệ thuật trình diễn. Ấn tượng sai lầm này hình như cũng khẳng định bởi Trương Tân trong triển lãm Giới thiệu văn hóa thời chuyển đổi – Hội họa mới của Việt Nam do The Siam Society Bangkok tổ chức ở Thái Lan năm 1997. Tờ Bangkok số ra ngày 30. 1. 1997 in một ảnh lớn Trương Tân. Qua bài báo này, màn trình diễn của anh cùng với nghệ sĩ Suraphol Panyawachira người Thái đã biến thành một quan điểm công khai: Với chủ đề Hoa. Màn kịch sống này là lời bình luận của tác giả về sự kiểm duyệt ở nước mình. Những cánh hoa cúc vạn thọ vứt rải rác giữa 12 cái hộp. Trong lúc Suraphol cố từ từ thu thập đống hoa thành một cánh hoa lớn, người nghệ sĩ Việt Nam vận đồ đen bực mình cho chúng vào hộp và lấy băng dính dán lại. Hành động này lặp đi lặp lại. Nó thể hiện sự bức xúc của người Việt Nam. Đầu óc sáng tạo của họ bị kiềm chế, Tân giải thích cho một nghệ sĩ Thái biết, Phataranwil viết, và kết thúc bài báo với những dòng sau: “Với sự mở cửa của Việt Nam sau hàng thập kỷ đóng chặt, dĩ nhiên đã bắt đầu thời phục sinh vô tiền khoáng hậu của nghệ thuật, kể từ khi người Pháp khai trương Đại học Mỹ thuật đầu tiên tại Đông Nam Á hồi 1925“. Kể cả khi tôi cố gắng tiếp tục chương trình quảng bá để trình bày các khái niệm cơ bản, chưa thể nói đến một thời kỳ phục sinh lớn. Trên một tấm áp phích Dada có chữ: Dada là tất cả – Dada chiến thắng. Thêm nữa là: Nghệ thuật đã chết – nghệ sĩ muôn năm. Nghệ thuật làm được gì? Ngày 28. 1. 1997, tôi treo lời dịch câu này của Marcel Duchamp (tôi đề nghị ghi nhận là ông sống từ 1887 – 1968) trong phòng học của tôi ở Đại học Mỹ thuật. Nghệ thuật đã chết – nghệ sĩ muôn năm! Đúng là cực đoan. Lập tức một sinh viên rút máy ảnh ra chụp. Nó nói lên điều gì? Có quan trọng không, khi ta học rằng mọi thứ quanh ta là nghệ thuật? Tôi cũng học chứ. Và không thể biết được sinh viên ấy chụp ảnh cho ai. Một thời gian sau, một “tai nạn” gây ra nhiều xì xào, dẫn đến một tranh luận công khai, rõ ràng liên quan đến ảnh hưởng tiêu cực của tôi (hay là của chúng ta). Đó là chuyện gì? Hai thanh niên – tôi không quen họ – đã rót máu (chỉ là màu đỏ thôi!) lên một cơ thể quấn đầy bông băng. Đây không đơn giản là việc rót máu, mà hành vi này xảy ra trong một màn trình diễn không được xin phép trước – vụ này được gọi như thế. Nó diễn ra ở một địa điểm không thể gánh chịu sự nhiễu nhưỡng và ô uế nào: Văn Miếu. Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân, giống như Amanda Heng ngày nào, đã chọn một địa điểm “không thể nào sai hơn” để trình diễn. Nó gây ra xì xào, và cũng vì nó diễn ra khuôn khổ các tiết dạy của tôi nên nó gây ra một cuộc tranh luận công khai, ầm ĩ về vẻ đẹp và giá trị của nghệ thuật và triết học nghệ thuật. Những người phản biện cũng không quên nhắc đến ảnh hưởng bệnh hoạn xấu xa của thế giới nghệ thuật quốc tế. Sự khiêu khích của hai nghệ sĩ quả là hoàn hảo, thế là tốt: bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu phỏng đoán mới xuất hiện. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận nảy lửa và đầy cảm tính ấy có ý nghĩa gì với quá trình nghệ thuật mới sinh ra không? Màu đỏ – tượng trưng cho máu – bước vào nghệ thuật Việt Nam ra sao? Có phải người ta bắt chước Nhóm hành động Vienna? Sự thật là ở Đại học Mỹ thuật am Main Trương Tân có gặp giáo sư Hermann Nisch, một nghệ sĩ hành động luôn luôn dùng máu thật. Các nghệ sĩ Việt Nam không đủ can đảm chăng? Vâng, cuộc gặp gỡ giữa hai người xảy ra trước đó… vậy thì có nên tính đến chuyện cảnh sát nhảy vào điều tra… theo ngược dấu vết… vân vân và vân vân. Không phải phỏng đoán, mà rõ ràng là các nghệ sĩ trình diễn quan trọng nhất ở Việt Nam là Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Minh Thành. Họ chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm quốc tế (mà thoạt tiên chỉ thấy qua video và catalog trong giờ học của tôi) và sau này được gặp tác giả bằng xương bằng thịt. Tuy nhiên thời phục sinh của Performance Art ở Việt Nam mới bắt đầu trước đây mấy năm. Được phát triển cao hơn, được nối với lý thuyết và quan hệ quốc tế như hội nghị, hội thảo, triển lãm – từ những trình diễn cá nhân và ít nhiều ngẫu nhiên, nay xuất hiện các hình thái nghệ thuật và quan điểm chính trị đầy sức sống, năng lượng và ý tưởng. Sự hỗ trợ cho nghệ sĩ Hà Nội đến từ nhiều cơ quan văn hóa quốc tế như Alliance Francaise/L’Espace, British Council và (từ 1998) Goethe Institute. Nên kể đến cả các học bổng ra nước ngoài của DAAD hay của ACC New York (Asian-Curtural-Council) dành cho nhiều nghệ sĩ như Vũ Nhật Tân (âm thanh) và Kim Ngọc. Qua đó với Trần Hậu Yên Thế là cựu học viên Viện hàn lâm Nghệ thuật Bắc Kinh. Nhiều mối cộng tác khác xuất hiện, ví dụ như giữa Kim Ngọc và nghệ sĩ video Brian Ring người Canada sống ở Hà Nội. Cuối thập kỷ 90, do tình hình đào tạo còn khó khăn, một số nghệ sĩ trẻ đã tìm đến nhà riêng của nghệ sĩ và nhà sưu tầm đồ cổ Nguyễn Mạnh Đức. Được khởi xướng bởi Trần Lương, người ta nhận ra Nhà sàn Đức là một không gian thử nghiệm nghệ thuật. Trong một thời gian rất ngắn, nhà này thành điểm hẹn của những ai có câu hỏi và tìm câu trả lời. Nhà sàn Đức là địa điểm để người ta hoạt động một cách tự tin, cùng ăn uống, cùng có cảm giác hạnh phúc. Ở đó người ta tập trung thử nghiệm các khả năng nghệ thuật mới, trong đó có cả Performance Art, sau đó thêm vào trình diễn video, ảnh kỹ thuật số, âm thanh, tiếng động. Ngày càng nhiều khách đến. Năm 2001 Trần Lương trình diễn Cơm ở Mạo Khê, một vùng khai thác than, và cùng Nhật Tân làm một trình diễn đa phương tiện lớn, kết hợp phim và âm thanh. Trần Lương là người đưa ra những xung lực quan trọng nhất cho nhiều cuộc hoạt động. Các curator quốc tế chiếu phim, làm báo cáo, và khán giả là các nghệ sĩ trẻ đến đây với đủ động lực khác nhau để tham gia vào giới nghệ thuật mới này ở Hà Nội. Người ta thích góp mặt. Đôi khi, hình như người ta muốn lấy sự có mặt của mình để nhấn mạnh: Này, nhìn đây, tôi vẽ những gì người ta mong đợi tôi vẽ, nhưng tôi thuộc về nhóm khác, nhóm nghệ sĩ quốc tế! Các nghệ sĩ trẻ tụ hội về một mối, không ồn ào, rất từ từ. Họ chia cắt và đoàn kết. Thoải mái chia nhau vị trí thủ lĩnh và cười nhạo những người khác. Những người trong luồng. Những người thương mại. Và nhóm những người ngập ngừng. Ta là nghệ sĩ. Chỉ có ta là quốc tế. Đã hình thành một nhóm nghệ sĩ đối trọng với Hội nghệ sĩ: một không gian tự do. Tôi không bao giờ có ý giễu nhạo những ý tưởng ấy. Nó đã và đang rất cần thiết. Các nghệ sĩ Việt Nam cần tìm vị thế mới và khác, tách biệt ra, và nhất là sử dụng nghệ thuật trình diễn. Không chỉ ở Việt Nam – chỉ có nghệ thuật này mới vượt qua các quan điểm thông thường cho rằng chỉ có các tác phẩm sáng tạo cho vĩnh cửu, có giá trị, đẹp và trang điểm, và bán thì mới là nghệ thuật đáng chú ý và mang tính quốc gia. Trần Lương, người sáng lập quan trọng nhất trong các nghệ sĩ trình diễn ở Nhà sàn Đức thế hệ hai, là curator của dự án triển lãm Đỏ-Xanh-Vàng tại Viện Goethe Hà Nội. Ngày 3. 11. 2003 khai trương triển lãm đa phương tiện này, trong số nghệ sĩ tham gia có Nguyễn Minh Phước với sự liên kết chưa từng có giữa video, sắp đặt và trình diễn. Qua đối thoại giữa những người tham gia (trong video) và người xem (khách tham quan triển lãm), Nguyễn Minh Phước quay phim họ – một chuyện bình thường – cho đến khi nảy ra một quan hệ giữa hai bên. Từ đó trở đi, ý tưởng nguyên thủy đã thay đổi. Nguyễn Minh Phước không chỉ đem chiếu video ở Goethe Institute, anh đề nghị các công nhân ấy viết lên trên tường mọi ý nghĩ và mơ ước của mình. Như những nghệ sĩ trình diễn trước mắt công chúng. Quả là một tín hiệu lớn nữa xuất hiện. Và rồi rốt cuộc: ngày 3. 11. 2003 Nguyễn Minh Phước và Vũ Hữu Thủy khai trương phòng tranh tự quản và phi thương mại đầu tiên cho nghệ thuật thử nghiệm ở trung tâm thủ đô Ryllega Hanoi. Bên cạnh Nguyễn Minh Thành, phòng tranh này còn tụ họp các nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Phương Linh, Trần Anh Tuấn, Trương Tân, và cả Nguyễn Trí Mạnh, Lê Vũ. Từ đó trở đi, lần lượt xuất hiện nghệ thuật sắp đặt, hội họp và trình diễn. Ngày càng nhiều nghệ sĩ quốc tế trưng bày ở đây, như Antonia Perez từ New York, Việt kiều Mỹ Kelly Le Lan Phuong, Varsha Nail người Thái, Magne Furuholmen từ Oslo, hai nghệ sĩ Berlin Stefan Kurr và Juliane Heise hoặc nghệ sĩ trình diễn người Singapore Lee Wen, người đã cùng tôi tổ chức trình diễn nghệ thuật nước tại triển lãm ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội với hàng trăm khách đến xem. Đây cũng là một sự kiện lớn, mới mẻ và độc đáo, nhưng tôi sẽ kể vào dịp khác. Sự phát triển nghệ thuật tình diễn ở Việt Nam có cao điểm gần đây nhất hồi 2004: Trần Lương tổ chức hội trình diễn quốc tế đầu tiên mang tên Lim Dim. 30 nghệ sĩ người Nhật, Anh, Pháp, Đức và Singapore cùng nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã nêu tên ở trên tham gia. Lim Dim (mắt nửa nhắm nửa mở) nói lên trạng thái giữa mơ và thức, gắn liền với giờ đầu tiên của “tiếng thì thầm trong vô số khoảng đệm”, nhưng cũng tạo ra một sự độc lập mới. Nó mang tính tự tin và có tiếng vang lớn trong báo chí, thúc đẩy các mạng lưới mới. 2007, tiếp đến Festival Snaky ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, do Phạm Đức Tùng tổ chức với tài trợ của Art Network Asian, cũng như việc các nghệ sĩ Việt Nam tham gia trình diễn ở các Festival Trung Quốc, Campuchia, Pháp, New York, hay hồi tháng 5 – 6. 2008 ở Singapore (Kết Nối). Ngày càng có thêm và khắc sâu quan hệ, không chỉ trong Đông Nam Á. Tháng 8. 2008, Ryllega Hanoi bỏ địa điểm cố định, từ nay chỉ hoạt động ở những địa điểm khác nhau. Dự án Ryllega Berlin là một ví dụ, vừa diễn ra tại nhà kính của Volksbühne Berlin trong tháng 9. 2008. Các nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia là Trương Tân, Nguyễn Minh Phước và nghệ sĩ trẻ Nguyễn Anh Tuấn. Hãy trò chuyện với nhau, hãy phát ngôn – đó là khẩu hiệu kể từ nay. Và đừng lặp lại mình! Rốt cuộc, nghệ thuật trình diễn Việt Nam đã xuất đầu lộ diện! Còn tôi thì sao? Câu chuyện của tôi ở Việt Nam chắc chắn có nhiều người biết, đó là một chuyện rất riêng tư. Do vậy tôi xin lỗi tất cả các nghệ sĩ Việt Nam nam nữ mà tôi không nhắc đến tên họ. Cả các nghệ sĩ quốc tế ở Sài Gòn nữa, như Jun Hatshushiba, Dinh Q.Le, Rick Streitmatter-Tran, bạn tôi là Hoàng Dương Cầm cùng nhiều người nữa – tôi không quên họ. Cũng phải nhắc đến nữ nghệ sĩ Ly Hoàng Ly, người Sài Gòn mà tôi chưa hề được chiêm ngưỡng tác phẩm song vẫn tin rằng cô là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của Việt Nam. Tầm nhìn của tôi hướng đến trang sử dụng nghệ thuật chưa viết ra của Việt Nam này là tầm nhìn của một người bạn nghệ sĩ từ nước Đức, và: mỗi người chỉ có một câu chuyện để đem ra kể, đó là câu chuyện của chính mình. Giống nghệ thuật trình diễn, câu chuyện ấy không thể lặp lại. Nó cũng không đúng hay sai. Berlin, 8. 2008 * Ghi chú: màn trình diễn của Amanda Heng diễn ra trong khuôn khổ các bài giảng được cấp phép của tôi, theo thỏa thuận giữa Đại học Mỹ thuật Hà Nội và DAAD (Tổ chức được trao đổi hàn lâm Đức). Trong mắt tôi, đó là lựa chọn tối ưu bên ngoài các video về nghệ thuật đương đại mà tôi được phép trình bày trong lớp học. Xin ban giám hiệu thứ lỗi là tôi đã làm “mất thiêng” căn phòng ấy 12 phút liền. * Chú thích của người cung cấp ảnh: “Những bức ảnh minh họa trong bài viết do người cung cấp biên soạn theo nội dung tham luận, hoàn toàn độc lập với cá nhân người viết. Thông tin thời gian và địa điểm tác phẩm trong ảnh có thể không chính xác do thiếu điều kiện tra cứu, rất mong sự bổ túc của bạn đọc“. (Nguyễn Anh Tuấn) * Cùng loạt bài: – Người ta tới đâu rồi,còn ta thì tẹp nhẹp Ý kiến - Thảo luận
14:16
Thursday,6.11.2014
Đăng bởi:
ha mò
14:16
Thursday,6.11.2014
Đăng bởi:
ha mò
Hay nhất ở việt nam là nếu có bằng cấp nghệ sĩ thì làm cái gì cũng được khi sản phẩm ra lò nếu có ai hỏi thì cứ bảo tôi làm sắp đặt, tôi làm trình diễn theo kiểu nghệ thuật hiện đại đấy - thế là nó thành nghệ thuật! còn nếu không có bằng cấp nghệ sĩ thì có làm gì cũng bị coi là phế liệu rác thải thôi.
8:42
Saturday,25.6.2011
Đăng bởi:
Admin
Soi để nguyên tên bài của tác giả. Tên bài mà Em-có-ý-kiến gợi ý rất hay. Cảm ơn Em-có-ý-kiến nhé.
...xem tiếp
8:42
Saturday,25.6.2011
Đăng bởi:
Admin
Soi để nguyên tên bài của tác giả. Tên bài mà Em-có-ý-kiến gợi ý rất hay. Cảm ơn Em-có-ý-kiến nhé.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp