|
|
|
|||||||||||||
Chính trịTình sử Saudi: có ngoại ngữ, có váy ngắn, nhưng chỉ thiếu tiền giặt ủi 06. 05. 13 - 10:34 pmSáng ÁnhNăm lên 20 tuổi, một thiếu nữ thuộc giai cấp bình dân Palestine tại Ramallah bỏ nước ra đi như bao nhiêu người tị nạn khác sau khi Israel chiếm West Bank (1967). Trong túi chỉ có 100 USD và trên người một chiếc váy ngắn, cô băng cầu biên giới Allenby với ý định sang Beirut (Lebanon) học nghề y tá. Nhưng tại đây cô không tìm ra học bổng, và cũng không xin được giấy phép làm việc. Cô phải sang Saudi, vào dạo đó được coi là man rợ (dạo này thì cũng thế), nương vào gia đình và tìm ra một việc dịch thuật tại sứ quán Venezuela (nói qua, là một nước cũng nhiều dầu hỏa và nhiều người đẹp cỡ hoàn vũ). Nhờ còn giữ cái váy ngắn, tại nơi man rợ này, cô được mời dự tiếp tân Giáng Sinh của một đại gia quyền thế. (Chú thích: Mừng Giáng Sinh là chuyện bình thường tại Vatican, nhưng tại Riahd không phải là chuyện dễ, nếu dễ là dễ bị công an Tôn giáo tống cổ ra ngoài). Trong buổi này, mới bước vào cô đã thấy ngay một chàng độc nhất mặc áo dài truyền thống. Ở nơi thế này, vậy là chơi nổi và không đụng hàng, khăn đóng khi mọi người đều Armani. Chàng tiến đến ngay, từ tốn xin được hầu chuyện. Nhỏ nhẹ và lịch sự: “Tôi đã được nghe nói nhiều về cô”, chàng tự giới thiệu tuy cô đã biết, hỡi chàng là ai nhưng vẫn giả vờ. (Chú thích: Phái Nam nên học ở ông này. Ông là vương, bố ông là tiên vương, anh ông là quốc vương, đây là nước ông. Lúc đó ông 46 tuổi, đang làm Bộ trưởng Nội vụ và Đệ nhị Phó Thủ tướng, là một chức vụ cho thấy tương lai lấp ló vương miện, vậy mà gặp một cô gái tị nạn nước ngoài, 21 tuổi và thư ký văn phòng, ông lại bảo đã nghe nói nhiều về cô. Phái Nữ thì cũng nên học ở cô này, anh có là gì thì tôi cũng chẳng cần biết). Cô chỉ nhận lời khiêu vũ một bản thôi và sau đó lánh đi trong đám đông cười nói, không hiểu có cụng ly không vì đây là Saudi, hay là để đúng luật, dzô Coca nào, 100%. (Chú thích: Khiêu vũ cũng là chuyện bình thường tại party nhưng đây là Saudi nhé, công an đâu rồi, sao không đến mà bắt bọn thác loạn này mà áp giải ngay về… Bộ Nội vụ). Ngày hôm sau, trước cửa nhà cô một cái xe con to đùng xịch đậu. Anh tài giao cho cô một món tiền ‘lớn’, một cái vòng đeo cổ và một đôi bông tai, ờ thì kim cương. Sau khi nhẩm nắm tiền xem là bao nhiêu, cô bảo, mang về! Anh tài nài nỉ cô hãy nhận vì sợ sếp mắng, và vì mang tính thương người lao động, cô bèn gọi thẳng cho hoàng tử. Trên dây nói, chàng gắng thuyết phục với lý do là nàng là… người tị nạn! Mất tổ quốc thì cầm đỡ mấy món này đi, nhưng nàng bảo như thế là xúc phạm. Chàng bèn xin, nếu không lấy thôi thì hãy nhận lời dùng bữa với chàng. Thế là một tiếng sau, thực phẩm cứu đói người tị nạn Palestine này được một đoàn xe mang đến, có nguyên cả một con cừu quay (chứ không phải heo quay, đây là… Saudi) với bảy người phục vụ bưng khay bạc. Muốn tưởng tượng ra hết chi tiết thì cần đọc lại Tôi từng phục vụ nhà vua Anh quốc của nhà văn Tiệp Bohumil Hrabal. Ngày ba, chàng trở lại, chắc lấy cớ là thức ăn hôm qua vẫn còn thừa và lần này mang theo một cái bàn Ru-lét đỏ đen. Lối xóm được mời đến thử thời vận với 36 số do Fahd đứng ra làm cái! (Chú thích thừa thãi: Saudi nghiêm cấm bài bạc, và tội này trừng phạt bằng mấy chục roi. Chú thích cần biết: Fahd là dân chơi số má ở các sòng bài miền Nam nước Pháp, cho đến khi lên làm Thái tử năm 1975 mới buộc phải ngưng). Các ngày kế tiếp thì ngày nào cũng thế, từ 3 giờ đến 6 giờ chiều là chàng có mặt, với láng giềng của cô được dự chung vui. Trước cửa nhà cô như treo bảng “Đây có party, party mổi ngày”. Quen biết gần xa của cô và bạn bè, ai cần gì là chàng gia ân ngay. Bảy ngày đủ bảy, trừ ngày “Hội Kiến” trong tuần. (Chú thích: Tập tục bộ lạc Saudi bắt các vương quyền mỗi tuần một ngày đich thân phải tiếp các thần dân có vấn đề cần thẳng mặt mà khiếu nại). Việc nước chỉ có thế, chàng trở lại việc riêng, nghĩa là sau khi dùng bữa tối với gia đình, đêm lại mò mẫm đến nhà nàng, có khi ở lại đến 1 giờ sáng, mang theo cả công văn, vừa ký vừa dạy cho nàng xì dách, ba lá, bài cào. Cứ thế trong ba tháng liên tục, Saudi Tinh này dâng nước bể, đục núi hò reo đòi Mỵ nương. Nhưng có mỗi một cái váy ngắn, nên nàng không chịu cởi ra trước khi lên kiệu lạc đà. Thế là hôn nhân đành phải có, với hai điều kiện, là bí mật, và không được có con vì vương công thì Saudi đã lắm. Riêng hoàng tử vui tính và ga-lăng này đã trước sau một tá: “Anh không muốn có một thằng Arafat con chạy lăng xăng trong nhà”. (Có cần phải chú thích không là, “thằng Arafat” – lúc đó là lãnh tụ phong trào giải phóng Palestine – đã lăng xăng ngoài đời làm anh mệt lắm rồi). Vấn đề thứ nhì, ngoài chuyện cô không phải người Saudi, là cô gốc Ki-tô (và sinh ra không phải ở Tha La mà ngay tại Nazareth là xóm đạo của Jesus). Nhập đạo Hồi thì ai chẳng nhập được tức thời, nhưng Hoàng tộc Saudi khó tánh và sợ bóng gió thị phi. (Chú thích: Quyền lực của Hoàng tộc dựa trên thỏa thuận với giáo phái al Wahab từ 1740 chứ không phải vua muốn làm gì thì làm. Nhà Saud thì trị dân, và giáo phái khắt khe này lãnh đạo tinh thần. Điều này giải thích cuộc sống ‘đạo đức giả’ của vương quyền Saudi). Trong hai năm sau đám cưới bí mật này (1968 – 1970), Janan Harb (tức giai nhân) sống trong một cung điện riêng với gia đình cô và chàng ngày nào cũng viếng, khi chén rượu (?) khi cuộc cờ. Thoải mái nhất là khi cặp uyên ương này sổ lồng sang Anh quốc, nắm tay nhau đi ăn nhà hàng Pháp (Le Caprice, giá cả khá nhẹ, hiện 60-70 USD/bữa nếu không kể rượu, nhưng rượu thì Saudi nào có uống) hay dự party của giới thượng lưu. Party của giới này, xin kể lại theo cô, và để ta nếu muốn làm sang còn có thể học đòi. Đó là thuê 50 người bị khuyết tật lùn giúp vui và thức ăn thì thực khách phải dùng tay mà bốc hết cho đến khi không còn gì! “Ôi thật là vui”, nhưng ngày vui ngắn ngủi, đùng một cái, có lệnh của Vua anh là Janan phải ra hẳn nước ngoài sinh sống, tức là bị trục xuất khỏi Saudi. Trước sau tổng cộng, Scheherazade chỉ có 700, 800 đêm ở cạnh chàng hầu chuyện chứ chưa đến được 1000. Thời gian lưu vong (lần nữa) này, sang đến Mỹ cô lấy ngay một chồng mới, ly dị sau 4 tháng và lang thang quốc tế (còn được gọi bằng một từ khác là ‘jetset society’). Cô nài nỉ Fahd tìm cách cho cô trở về mái nhà xưa nhưng ông cũng chỉ dàn xếp được cho cô sang Beirut và năm thì mười họa họ gặp lại nhau vài bữa tại Saudi. Thời điểm từ 1975, Fahd đã được phong Thái tử và nhìn trước ngó sau, quan hệ lén lút này trở thành vô vọng. (Chú thích: Năm 1977, công chúa Mishaal, cháu 3 đời của vua Abdelazziz, đã bị xử trảm cùng với người tình của cô về tội quan hệ bất chính và ngoại hôn. Đúng ra, hoàng tộc làm ngơ và chỉ mang cô về giam trong điện. Trước tòa tôn giáo, tội chết này phải bắt được quả tang với đến 4 người làm chứng, tức là trường hợp cực kỳ hiếm hoi vì ít ai ái ân mà mời 4 người đến xem. Nhưng Mishaal không buồn chối mà hiên ngang nhận tội trước tòa bằng cách phát biểu 3 lần – chứ 1 hay 2 lần không đủ theo luật định – “Tôi đã có quan hệ bất chính”). Hoàn cảnh của Janan có khác, cô là người phối ngẫu chính thức, chỉ bị cái gia đình chồng không ưa, cho nên cô cho gặp nhau mà phải vụng trộm thì không xứng đáng. Cô bèn, lạy anh em đi lấy chồng, lần này lần thứ ba, là một luật sư người Lebanon. Fahd nghe thế là ôm cô vào người và chúc mừng, bên trong ruột thở phào thoát nạn. Sau này, chính ông nuôi cho ăn học tại Thuỵ Sĩ hai đứa con của đời chồng thứ ba và chu toàn cho Janan trong cuộc sống. Năm 1995, ông mời ba mẹ con sang tư thất tại Malaga (Spain) để gặp lại chắc để dúi thêm cho một nắm. Nhưng trời xanh quen thói má hồng đánh ghen: chưa đến hẹn thì ông lăn ra đột quỵ, bệnh vất vưởng cho đến khi băng hà (2005). Những chuyện trên là do chính đương sự Janan kể lại, mẩu này mẩu kia cho báo chí. Mang bệnh trong 10 năm, có lẽ ông không ra Western Union theo lời hứa mà gửi tiền được cho bà. Thời gian này, giờ định cư ở tại Anh quốc và túng thiếu, Janan mang 4, 5 triệu tiền nợ một số nhà hảo tâm không muốn nêu tên. Ngay cả trước khi Fahd chết, Janan đã mang tang sớm bằng cách đòi chia 600 triệu USD với danh nghĩa là “bà Hai” chính thức của nhà vua. Số tiền này theo luật Hồi giáo và tính trên tài sản ước lượng là 32 tỉ của chồng. Bà gửi thư đến Nữ hoàng Anh (là phụ nữ với nhau) để can thiệp hộ, đệ đơn lên đến Tòa án Quốc tế Nhân quyền (!). Tại Mỹ, bà xin tòa xiết tài sản Hoàng gia và sớt sang cho bà 1,4 tỉ USD nhưng những việc này chẳng đến đâu, bà quay sang viết hồi ký và dọa sẽ xuất bản. Hoàng tộc Saudi bèn móc túi, đưa bà 7,5 triệu và cho bà căn hộ tại Lebanon. Hai căn hộ tại London thì không rõ và phức tạp sổ đỏ, bà bảo là Fahd trước kia đã tặng bà cùng một chiếc Aston Martin màu hồng. Nhưng thế vẫn không ổn thỏa, giờ thì Janan lại nhớ ra là nhà vua có hứa cho bà 9 triệu (theo thời gian đã thành 18) để trả công nói giúp vào trong một việc đấu thầu vũ khí. Đây theo bà là tiền bà lao động, chứ chẳng phải nghĩa vợ chồng, nhưng chưa thấy bà kiện được đến Cơ quan Lao động Quốc tế (BIT) ở Geneva. Nó tất nhiên còn bóng gió mà đe, nay tôi mang ra kể, nhưng cả họ Saud cười ha hả, ai chẳng biết là 2000 vương chúng tao hợp đồng nào cũng chấm mút chẳng ít thì rất nhiều! Bà Janan đến giờ còn lu loa, 18 triệu đối với bọn kia chỉ là “chi phí tiền giặt ủi trong tuần”, thế mà cũng không nhả, bà kiên quyết đeo đuổi nghiệp hồi ký và kiện cáo, xong thập thò ra giá, tôi sẽ hài lòng ở mức 75 triệu. (Chú thích về giặt ủi: Năm 2012, công nương Maha al Sudairi, vợ đã ly dị của Thái tử Saudi vào lúc đó là vương Nayef, giữa đêm về sáng đột ngột rời khách sạn Shangri La tại Paris mà quên không thanh toán 8 triệu USD tiền phòng. Năm 2009, bà mua sắm tại Pháp 22.5 triệu mà cũng không trả tiền nốt, riêng một cửa hàng nội y đã mất với bà 90.000, với chuyện nhỏ này phỗng tay trên tước ‘Nữ hoàng nội y’ của Ngọc Trinh. Hỏi bà Janan không ghen tức sao được). Ông Fahd thật ra, lúc sinh thời là một người hào phóng. Mỗi lần ông sang Tây Ban Nha nghỉ mát, nạn thất nghiệp trong vùng thuyên giảm hẳn. Dân địa phương xếp hàng cả ngàn người xin việc nào lái xe, cắt cỏ, dọn phòng với lương giá gấp đôi bình thường. Vào bận chót, có người đã cất công đứng cả ngày ngoài nắng, nên tuy đã tuyển xong đủ nhân viên phục vụ, ông vẫn cho nhận vào. Bà Janan cũng ca ngợi đức tính rộng rãi của quân vương, mâu thuẫn của bà chỉ là với gia đình nhà chồng ti tiện. Thôi thì, “Rày vua gả thiếp về Phiên/Quyết lòng xuống chốn cửu tuyền thấy nhau” (Lục Vân Tiên). Nhưng trong khi đợi đến lúc chầu trời, giờ bà mới có 67 tuổi, thì tuần nào, như là mọi người, bà cũng phải trang trải chi phí giặt ủi.
* Về Ả-rập: - ART DUBAI càng ngày càng mạnh - Học được gì từ ba chàng đẹp trai - Dubai: làm được thơ thì ngu gì không đề thơ trên sóng - Tao mới anh Hai UAE, mày là anh Ba nhưng còn thằng ông nội - Quân vương và người đẹp: khi thép bốc lửa - Tình sử Saudi: có ngoại ngữ, có váy ngắn, nhưng chỉ thiếu tiền giặt ủi - Kẹo lạc cho họa sĩ: Công chúa dỏm và công chúa chổm - Vân Tiên Từ Mẫu bản lắm kim cương - Kể bằng hí họa: Ai đã đánh drone nhà máy dầu? - Kể bằng hí họa: Em canh giếng dầu, anh che chở lúc bình yên - Kể bằng hí họa: Iran mà chết là chết tất - Oman: đàn bà đi may áo, đàn ông vào khách sạn làm gì? - Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi Ý kiến - Thảo luận
8:47
Wednesday,8.5.2013
Đăng bởi:
admin
8:47
Wednesday,8.5.2013
Đăng bởi:
admin
@ Candid: Đúng rồi, Đỗ Kh. của "Ký sự đi Tây" và Khmer Bolero đó bạn
8:33
Wednesday,8.5.2013
Đăng bởi:
candid
Đọc bài bác Sáng Ánh rất hay, hình như bác chính là bác Đỗ Kh.?
...xem tiếp
8:33
Wednesday,8.5.2013
Đăng bởi:
candid
Đọc bài bác Sáng Ánh rất hay, hình như bác chính là bác Đỗ Kh.?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
@ Candid: Đúng rồi, Đỗ Kh. của "Ký sự đi Tây" và Khmer Bolero đó bạn
...xem tiếp