Gẫm & Bình

Đi xem nhà Tobias vẽ tranh bằng máy chữ 09. 05. 13 - 7:05 am

Trà My

Thực ra thì không phải chỉ dùng có mỗi máy chữ, cặp sinh đôi gốc Rumani hiện đang sống ở Cologne, Đức này còn vẽ tranh, nặn tượng bằng đủ thứ chất liệu khác cộng lại: khắc gỗ, cắt dán, màu nước, chì, … Theo đúng chữ dùng trong catalogue của hai bạn ấy, chất liệu dùng chủ yếu là: multi mix. Sinh ra ở Rumani năm 1973 nhưng tới 1985 thì hai anh em nhà này đã chuyển sang định cư ở Đức. Mang trong mình những ảnh hưởng nhất định khi còn sống dưới chế độ cộng sản ở quê nhà, Tobias đã kết hợp chúng với những truyền thuyết dân gian phương Tây cùng nghệ thuật thời hậu chiến của Đức.

Tranh vẽ bằng máy chữ (triển lãm ở Tomio Kyoama Gallery, Nhật năm 2008). (Trong toàn bài các bạn bấm vào hình để xem bản lớn hơn).

Về nội dung tranh, 90% tên tranh là UntitleVô đề. Thế đâm ra tiện, các bạn ấy chẳng có giấy tờ gì chú thích ngoài tấm bảng giới thiệu chung bé tí về tiểu sử tác giả và chất liệu sử dụng. Còn đâu, tranh tượng cứ treo xếp khắp phòng, không đi kèm bất cứ chữ nghĩa nào hết.

Trong bộ các tác phẩm đang được triển lãm ở White Chapel Gallery (Anh), một nửa Tobias dựng lên các hoạt cảnh “sặc mùi bạo lực”1 với đầu ngắt khỏi thân, chân ngắt khỏi…, nửa còn lại được tạo hình động vật hoá từ các loại cây cỏ hoa lá tạo nên một không gian siêu thực. Có thể gọi những bức tranh của hai anh em Tobias là sân khấu sắp đặt mini với lối dẫn chuyện đậm màu dân gian (folk art).

Phòng triển lãm tranh Tobias ở White Chapel Gallery (Anh).

 

Tác phẩm hiện đang triển lãm tại White Chapel Galerry, Anh

Đặc điểm chung của tranh và tượng Tobias làm là trông rất “gian”, nhưng màu sắc lại đáng yêu tươi sáng. Nếu buộc phải dùng một từ để miêu tả cảm giác của mình với tranh Tobias, tôi chọn từ “xinh”. Chúng làm sống dậy cả một tuổi thơ “dữ dội”, cái ngày mà những đứa trẻ con tiểu học suốt ngày nhỏ mực Thiên Long vào trang vở ô ly trắng tinh rồi gập đôi ở giữa cho mực loang tưa ra thành những hình thù quái gở, kỳ dị nhưng đáng yêu vô cùng.

Một lý do nữa khiến tôi nghĩ nhiều đến trường tiểu học khi xem tranh Tobias là hai anh em nhà này có vẻ chuộng lưới ô vuông màu xanh bảng viết phấn và màu vàng đề can giấy thủ công. Ngoài ra hai bạn ấy còn thích xé dán rồi tô màu và vẽ thêm xung quanh nữa. Có lẽ cũng bởi kĩ thuật này mà hai bạn ấy được cho là đã “xóa nhòa ranh giới giữa giữa hiện đại và truyền thống, giữa mỹ thuật và thủ công, giữa ý niệm trừu tượng với tưởng tượng bất khả tri“.

Tác phẩm hiện đang triển lãm tại White Chapel Gallery, Anh

 

Tác phẩm hiện đang triển lãm tại White Chapel Gallery, Anh

Nhân vật trong tranh của Tobias mang nhiều màu sắc totem, nhưng là totem què cụt, kiểu như vẽ phượng hoàng thì nó phải cụt đuôi cho chạy đi nẻo khác, hoặc là con ruồi thì nhất định đầu không được dính liền thân. Đặc biệt, xem triển lãm này không thể nào không nhớ đến phim Spirited Away mới đây có được nhắc đến trên Soi.

.

Nhìn chung xem tranh của hai anh em Gert và Uwe Tobias thấy rất xinh mắt dù bức nào cũng có hình hài vẹo vọ cụt đầu chặt chi. Có lẽ vì cách tạo hình đáng yêu và màu sắc tươi sáng. Hơn nữa, xem có cảm giác tranh động chữ không tĩnh, thi thoảng bướm bay lên bên dưới còn có một vạt khí màu hồng trên nền trời xanh bột. Tuy nhiên, vì không hiểu mấy về các truyền thuyết dân gian và các biểu tượng totem châu Âu nên xin gửi thêm ảnh lên đây để mọi người cùng thảo luận.

*

Dưới là bộ tranh khắc gỗ Gesamtkunstwerk: Nghệ thuật mới đến từ nước Đức, triển lãm tại Satchi Gallery, Anh năm 2011

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

Tranh triển lãm ở Tomio Kyoama Gallery, Nhật năm 2008.

*

1. Trong catalogue, yếu tố violence – bạo lực được nhắc đến như một trong những đặc trưng của hai anh em Gert và Uwe Tobias.

Ý kiến - Thảo luận

15:19 Thursday,9.5.2013 Đăng bởi:  dilettant
Vâng, thật độc đáo, nhưng vẫn gợi nhớ những cái mặt nạ vẽ trên những cái mủng tròn ở hàng Đào. Cũng liên tưởng những lời còm của mấy bạn gần đây về chuyện trẻ em phá phách bảo tàng Pháp, dù không ăn nhập với tranh - có lẽ là một giao thoa với những cô "Kiều" (xin lỗ
...xem tiếp
15:19 Thursday,9.5.2013 Đăng bởi:  dilettant
Vâng, thật độc đáo, nhưng vẫn gợi nhớ những cái mặt nạ vẽ trên những cái mủng tròn ở hàng Đào. Cũng liên tưởng những lời còm của mấy bạn gần đây về chuyện trẻ em phá phách bảo tàng Pháp, dù không ăn nhập với tranh - có lẽ là một giao thoa với những cô "Kiều" (xin lỗi) ăn mặc riêm rúa ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến từ Ru.
Tôi lại không thấy bạo lực gì mấy. Chỉ thấy tranh có vẻ đối xứng mà nhìn kỹ lại bất đối xứng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả