Chính trị

Kẹo lạc cho họa sĩ: Từ kẻ sát gái thành ông vỡ đầu 16. 05. 13 - 7:10 am

Sáng Ánh

Imran Khan

Nỗi buồn thất cử của ông Zardari chắc được chia sẻ bởi một tay sát gái khác, là siêu sao cricket Imran Khan. Ali Jinna, cha già lập quốc của Pakistan đã chẳng nói, “Có hai quyền lực ngang ngửa nhau là quyền lực của lưỡi kiếm và quyền lực của ngòi viết. Nhưng cả hai quyền lực này đều thua một quyền lực thứ ba là quyền lực của đàn bà”. Cho nên cựu Playboy tốt mã này là con cưng của truyền thông. Ông đã đưa đội nhà năm 1992 vào chức vô địch thế giới, ngoài ra tiểu sử còn có một chuỗi dài chinh phục, chẳng hiểu có bà Benazir Bhutto trong số đó như đồn đại.

Ngày đó nàng 21 tuổi và là trưởng nữ của đương kim thủ tướng. Xuất thân từ một gia đình địa chủ quyền thế, ông nội từng làm thủ tướng của một bang Ấn Độ dưới thời đế quốc, thiếu nữ dễ coi và lá ngọc cành vàng này vào thập niên 1970s là một người rất ‘cool’ và phóng khoáng. Nàng mặc váy ngắn như mọi người và hè cũng chí ít là mấy bận nghỉ mát ở Cap d’Agde – một thị xã khỏa thân ở miền Nam nước Pháp, tức là dù váy ngắn hay là áo tắm hai mảnh cũng không có nốt. Vào thời điểm đó, đảng Nhân dân (PPP) Pakistan do thân phụ nàng thành lập và lãnh đạo là một đảng rất xa trời hay thượng đế, thuộc Đệ nhị Quốc tế Xã hội, cho nên nàng có nhồng nhộng ngoài bãi cũng chẳng có gì mâu thuẫn với lập trường hay đường lối của thân phụ tại quê nhà. Cũng cần nhắc lại là trước khi có thời trang áo trùm đội khăn thì phong trào mini váy ngắn cũng có ngay cả tại Afghanistan, chứ đùng nói đến Oxford. Và chuyện với chàng thì xảy ra không phải tại quê nhà mà tại khuôn viên Đại học Oxford, nơi nàng theo môn chính trị và được bầu làm chủ tịch hội sinh viên của trường.

Benazir Bhutto thời còn học ở Oxford và khi đã lên làm Thủ tướng Pakistan.

Chàng 22 tuổi, cũng theo môn chính trị (tuy tại một phân khoa khác của Đại học Oxford), nhưng ham chơi, chơi cricket và chơi gái (“Imran thì ai cũng ngủ với”). Không quyền quý thì cũng sung túc và trung lưu cao cấp, nghe đâu gia đình Imran đã có lúc muốn ngỏ ý hỏi Benazir Bhutto về làm dâu, nhưng đó là chuyện của các cụ ở Pakistan, còn đôi trẻ này ở Anh quốc làm gì thì là chuyện của họ. Theo Imran sau này, khi cuộc đời tàn nhẫn đã đưa họ về hai phía thì “Làm gì có chuyện, chúng tôi lúc đó chỉ là bạn”. Và từ đó đôi ngả đôi nơi, Imran đạt đỉnh cao cricket hàng thế giới và đỉnh cao ăn chơi trong giới thượng lưu. Năm 1995 chàng dẫn về nhà ái nữ của tỉ phú Anh Jimmy Goldsmith*, trong khi nàng thì đạt đỉnh cao chính trị, năm 1988 trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của một quốc gia Hồi giáo, sau khi thành hôn với một anh công tử mặt bóng vùng Sindh (là Zardari, sau này nối ngôi vợ mà thành Tổng thống). Không biết những đêm về sáng họ có nghĩ đến nhau không, và chắc là không, vì nếu là có ở cái thời trẻ xưa ấy, thì Benazir cũng chỉ là một người đi qua chớp nháy trong cuộc đời tình ái của Imran Khan.

Ảnh chụp ngày 20. 6. 1995: Tay chơi cricket người Pakistan Imran Khan và Jemima Goldsmith rời phòng đăng ký kết hôn ở London sau đám cưới.

Nhưng trên chính trường, giờ thì họ lại là đối diện. Imran bước vào lãnh vực chính trị và xã hội, lôi cuốn thành phần trẻ phố thị, giai cấp trung lưu đang thành hình vào đảng Công lý (PTI) do ông thành lập năm 1996, đối nghịch với nông dân và phong kiến địa chủ của các đảng phái truyền thống. PPP mặt khác, dưới sự lãnh đạo của Benazir Bhutto thì lại rời xa thành phần lao động buổi ban đầu, sau khi cha bà bị quân đội lật đổ và treo cổ (1979). Đảng bị phân hóa, em trai thứ của bà là Murtaza Bhutto thì lại nghiêng ngược lại về cánh tả (tức là tả hơn cha, trong khi chị cả thì hữu hơn). Khi lưu vong, Murtaza tổ chức chống đối vũ lực, ám sát và cướp máy bay. Năm 1993, lúc trở về nước khi chị đang làm thủ tướng, ông bị chính bà chị ruột bắt giam về tội khủng bố. Một tối 1996, đại biểu vùng Sindh này cùng sáu đồng chí PPP ly khai (PPP-SB**) bị công an giết trước cửa nhà. Chẳng có bằng chứng nào hết, nhưng đồn đại là do cồng của phu quân Zardari (lệnh bà không bằng cồng ông). Khi Benazir đến dự tang em, xe của bà bị ném đá, và vợ con của Murtaza cho đến giờ vẫn hoạt động chống lại PPP***. Imran hẳn giật mình hú vía, em ruột nàng mà nàng còn thế, may cho mạng mình là những ngày tại Oxford chỉ là những ngày vui qua mau.

Quang cảnh khi Murtaza Bhutto bị bắn trước cửa nhà ông ở số 70 Clifton, năm 1996.

Như mọi người đều biết, đến lượt bà Benazir bị ám sát (2007) khi trở về nước chuẩn bị tranh cử, mà do ai giết thì mọi người đều không biết (công tố viên điều tra chuyện này cũng vừa bị ám sát mới đây).

Một giây trước khi bị bắn, ảnh của John Moore, nhiếp ảnh gia cho Getty. Bà Bhutto bị bắn khi đang đứng trên xe, vẫy tay chào đám đông ủng hộ.

Ông Zardari gạt nước mắt lên thay thế vợ, và phần nào nhờ vào cuộc ám sát này, đảng PPP đủ phiếu để cầm quyền trong 5 năm qua và giờ bước vào cuộc bầu cử mới. Imran Khan, trước bầu cử có mấy ngày, ngã sứt trán từ một chiếc xe xúc hàng (dùng tạm để nâng ông lên trong một buổi vận động), cũng nhờ thế mà có lẽ được thêm vài phiếu trong khi truyền thông quốc tế xôn xao với “ngựa có thể về ngược” này.

Cảnh trước khi ông Imran ngã. Đứng ba người trên cái xe nâng thì không sao, nhưng lại thêm một anh cảnh vệ nhảy lên, thế là tất cả ngã nhào.

Truyền thông quốc tế, ở đây chủ yếu là Anh quốc, mấy tuần qua theo dõi nhất cử nhất động của nhà chính trị “mới” này, là người theo họ có thể xuôi hay ngược mà làm Thủ tướng, hay làm trọng tài giữa hai đảng xấp xỉ nhau mà về đầu. Với cử tri là thành phần tư sản dân tộc, Imran hứa hẹn một xã hội tương lai kiểu Bắc Âu như Na Uy hay là Thụy Điển, văn minh và công bằng, trong sạch và không lụy vào Hoa Kỳ. Nhưng truyền thông quốc tế không đầu phiếu được ở Pakistan và báo chí Anh quốc có rùm beng cũng không có thợ cày nào rảnh rỗi mà gác trâu lại để đọc, lúa đâu có tự nhiên mà mọc. Vẫn sơ khởi, thì Imran về nhì hay về ba, ở mức ngang với PPP là chung quanh 30 số ghế, tuy không được như mong muốn nhưng cũng là một thành tích đáng kể. Điều ngạc nhiên nhất là đảng Công lý của Imran đã về đầu tại vùng biên giới Tây Bắc (giáp Afghanistan, dân tộc Pashto) và sẽ nắm chính quyền của bang này.Đây là bang bảo thủ và chẳng phải vì dân vùng này thích sống kiểu Bắc Âu, nhưng tại Imran đã hứa là sẽ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ và ngồi xuống nói chuyện với các thành phần Taliban (Taliban của Pakistan) tại đây***. Nhờ thế, các cuộc vận động của Imran không bị Taliban đe dọa đánh bom (như với PPP, khiến Bilawal Zardari Bhutto, con trai nối dõi và chủ tịch đảng, phải tranh cử bằng video từ Dubai).

Imran Khan được phương Tây coi là một nhân tố mới đáng kỳ vọng của cuộc bầu cử.

Về vấn đề này, đảng của doanh gia tỉ phú Nawaz Sharif (PML-N) cũng có một lập trường tương tự, nghĩa là xét lại quan hệ với Mỹ. Ông này, tuy có cấy tóc trong 14 năm lưu vong tại Saudi (trước ông đã hai bận làm Thủ tướng và bị quân đội lật đổ) nhưng không thể gọi là Playboy gì đó được. Nhưng ông không vẽ ra viễn cảnh Bắc Âu mà hứa sẽ mở đường mở cầu và bớt… cúp điện. Không hiểu có phải vì lời hứa ấy mà Nawaz kỳ này thắng lớn, một mình đảng ông đạt được gần như đa số Quốc hội mới.

Tỉ phú Nawaz Sharif khi vận động tranh cử.

Imran thất cử thì về dưỡng vết thương đầu và chơi cricket, nhưng Zardari Bhutto thì vẫn phải làm Tổng thống đến 9. 2013 mới hết hạn. Ở Pakistan, Thượng viện có 100 ghế, cứ ba năm bầu cử lại một nửa (lần tới là 2015), vẫn do Zardari kiểm soát. Nhưng chức Tổng thống lại do lưỡng viện và các hội đồng bang bầu lên, nên ông không có hy vọng gì ở lại nhiệm kỳ hai.

*

Chú thích

*Ly dị và đồng thuận vui vẻ sau 9 năm. Jemima Khan khi lấy chồng cải đạo sang Hồi và cải tên sang Khan. Bà là người tích cực hoạt động xã hội và ủng hộ chồng cũ nhưng xuất hiện nhiều trên báo lá cải ở những chuyện như là cặp đôi với diễn viên Hugh Grant sau khi chia tay ông Imran.

.

** PPP-SB ly khai kỳ bầu cử này không được ghế nào. Phần con gái của Murtaza Bhutto là cô Fatima Bhutto, tuy hoạt động ủng hộ cho mẹ kế và PPP-SB nhưng nhất định không ra tranh cử để tránh cảnh con sãi quét lá đa rất thông dụng ở khu vực bán lục địa Ấn. Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và Ấn đều thế cả, thay nhau cầm quyền hay chống đối đều nếu không con ông này thì cũng vợ ông kia.

*** Taliban, nổi danh nhờ cầm quyền tại Afghanistan, là một phong trào bắt nguồn từ Pakistan do Hoa Kỳ và Saudi khuyến khích (để đánh phe Liên Xô vô thần).

 

Ý kiến - Thảo luận

14:32 Wednesday,22.5.2013 Đăng bởi:  sa
@ Hoàng Khánh Hà, cám ơn nhé, nhưng nếu ngoan cố đến cùng (thà chết chứ không nhận là mình sai) thì cũng có thể nghĩa là, anh này ai cũng lăn xả vào , và quả như thế!
...xem tiếp
14:32 Wednesday,22.5.2013 Đăng bởi:  sa
@ Hoàng Khánh Hà, cám ơn nhé, nhưng nếu ngoan cố đến cùng (thà chết chứ không nhận là mình sai) thì cũng có thể nghĩa là, anh này ai cũng lăn xả vào , và quả như thế! 
10:38 Wednesday,22.5.2013 Đăng bởi:  Hoàng Khánh Hà
Imran thì ai cũng ngủ với” nên sửa thành "Imran thì với ai cũng ngủ" mới đúng là tiếng Việt nhỉ.
...xem tiếp
10:38 Wednesday,22.5.2013 Đăng bởi:  Hoàng Khánh Hà
Imran thì ai cũng ngủ với” nên sửa thành "Imran thì với ai cũng ngủ" mới đúng là tiếng Việt nhỉ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả