|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ thế giớiHọ đã sử dụng quyền lực phụ nữ như thế nào? 08. 06. 13 - 10:48 pmKay Nguyễn
Nhân chuyện Angelina Jolie tuyên bố cắt bỏ ngực và cả buồng trứng để giảm thiểu rủi ro mắc ung thư tiềm ẩn trong bộ gien của gia đình, chúng ta cùng nhìn rộng hơn về việc các thần tượng đã sử dụng quyền lực phụ nữ như thế nào để tạo nên phong cách cá nhân rất táo bạo. Madonna, Lady Gaga, và đỉnh điểm là Angelina Jolie, là ba câu chuyện có thể minh họa rõ nét cho sự bạo liệt trong việc dùng chính những dấu chỉ phái tính; họ đều biết cách nhào nặn nó, nhuyễn hóa nó, và biến nó thành một thuộc tính riêng nhất cho “thương hiệu cá nhân” của mình. Trong một thời đại mà mọi thông tin đều bão hòa, điều gì đã giúp họ, những bậc thầy trong giới nghệ thuật giải trí, đứng vững trên sân khấu và trong lòng người hâm mộ?
Đạo cụ: áo ngực hình chóp, áo cưới, thánh giá và tóc bạch kim (cô gái vật chất), vòng tay chỉ đỏ của đạo Kabbalah, một đứa con nuôi Châu Phi (cô gái tâm linh) Thông điệp: “Tôi là Madonna, tên tôi có nghĩa là mẹ Chúa hài đồng; tôn giáo và quyền lực phái tính là ‘từ khoá’ trong thương hiệu của tôi” Hiệu ứng: Trở thành thần tượng của giới trẻ và giới đồng tính luyến ái. Sau sự đình đám của The Beatles thời hậu thế chiến thứ hai, thập niên 1980 trải qua như một cơn lốc disco nhạt nhòa , thập niên 1990 mờ nhạt sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và hầu như cho đến thời điểm này, không còn ai trụ vững từ thập niên 1980. Duy chỉ có một người phụ nữ vẫn liên tục tái tạo bản thân: Madonna. Được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Pop”, “người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến nền âm nhạc hiện đại”, “nữ nghệ sĩ có đĩa nhạc bán chạy nhất thế giới” theo bình chọn của các tạp chí và bảng xếp hạng uy tín thế giới (Forbes, Time, Billboard) và cả… kỷ lục Guinness, Madonna đúng nghĩa là “thiên tài, triệu phú, tay chơi, nhà từ thiện” như cách gọi đùa bản thân của nhân vật Tony Stark trong loạt siêu phẩm chuyển thể truyện tranh Iron Man. Những chủ đề “đồng trinh” (Like A Virgin), “nguyện cầu” (Like A Prayer), “vô nhiễm nguyên tội” (album Immaculate Collection), xưng tội (album Confession On A Dance Floor) là một phần danh tính của Madonna, vốn xuất thân từ một gia đình gốc Ý theo Công giáo chính gốc. Lần đầu tiên xuất hiện tại lễ trao giải âm nhạc của kênh âm nhạc giải trí MTV – tượng đài quan trọng nhất của văn hóa phổ thông thế giới, Madonna là một cô dâu trắng toát đứng trên một cái bánh cưới, và kể từ đó trở đi, môi son đỏ, tóc tẩy bạch kim, dây chuyền kim loại to bản có cây thập giá, vòng nhựa đen dẻo đeo thành chùm, và thái độ thống trị của kẻ vốn thường phải “nằm dưới”… đã trở thành mốt của hàng triệu triệu cô gái theo đuổi thần tượng Madonna. Cô tổ chức tour lưu diễn thế giới, xuất bản sách, phát hành phim, và tạo nên một đế chế Madonna để các fan đắm chìm trong sự ảnh hưởng rộng khắp của mình. Roi da, nội y được dùng như ngoại y, sự báng bổ, nhục dục và hưởng thụ vật chất được đẩy lên thành một thứ văn hóa, Madonna đã làm một cuộc “đảo chính” ngoạn mục về quyền lực phái tính. Nhưng báng bổ tôn giáo chỉ là cái bánh bán đắt vào những thập niên cũ. Nửa cuối thập niên 1990, cùng với kỷ nguyên internet, dotcom, nhạc điện tử lên ngôi, gu thẩm mỹ thay đổi, và người ta “tâm linh” hơn khi phản ứng trước thời đại “số hóa”. Ray Of Light, album điện tử đầu tiên của Madonna ra đời vào năm 1997 đã biến “cô gái vật chất” thành “cô gái tâm linh”. Được các bình luận viên về văn hóa và nghiên cứu giới tính cho rằng đã “xóa nhòa ranh giới giữa video âm nhạc và phim khiêu dâm”, Madonna luôn thu hút sự tranh cãi từ rất nhiều phía nhưng cũng không ít người ủng hộ vì sự ảnh hưởng tích cực của cô đối với phong trào nữ quyền thế giới: ít nhất một người phụ nữ trong làng giải trí cũng đã thay đổi được thế giới, và khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn về vai trò phụ nữ trong xã hội và trong tính dục, dù cho đó là những cú sốc buộc giới tính kia phải chú ý và thừa nhận. Bằng việc không ngừng tái tạo bản thân, Madonna đã “sống sót” qua các thời đại và sự đào thải khắc nghiệt của ngành công nghiệp show-biz, chính bởi vì quyền lực phụ nữ đã được kết hợp nhuần nhuyễn với những chủ đề cấm kỵ, những thành trì của xã hội, thí dụ như tôn giáo trong trường hợp của Madonna.
Lady Gaga: “Quái vật mẹ” Đạo cụ: Phục trang gây nhiều tranh cãi Thông điệp: “Tôi là quái vật mẹ, là ‘công nương điên điển’ (Lady Gaga), các quái vật con hãy thờ phượng mẹ!” Hiệu ứng: các thành phần luôn tự nhận mình là ngoài lề xã hội: các nhóm đồng tính, chuyển giới, các nhóm người khác biệt trong xã hội. Có một điều hết sức buồn cười là vào tháng 1 năm 2012, sau 4 năm trời im lặng quan sát, Madonna cuối cùng cũng đã lên tiếng vì video music Born This Way của Lady Gaga sao mà “quá giống” với music video Express Yourself vào năm 1989 của mình, tuy nhiên cô cũng cảm thấy “được nịnh bợ” vì đàn em của mình 20 năm sau vẫn còn lấy được cảm hứng từ những chặng đường ban đầu của bà chị. Không ít người có thể chỉ được sự giống nhau trong việc xây dựng phong cách nữ quyền gây chấn động giữa Madonna và Lady Gaga. Tuy nhiên chúng ta nên nhìn xuyên qua được những nội y da ôm sát, tất lưới, áo ngực hình chóp và tóc bạch kim, để thừa nhận có một sự khác biệt cơ bản giữa Madonna và Lady Gaga: trong khi Madonna với những cuộc vượt thoát bạo liệt khỏi vai trò “nằm dưới” của phụ nữ và chiếm lĩnh thế giới bằng quyền lực đanh thép (có đôi khi hơi bạo dâm), thì Lady Gaga đã hoàn toàn từ bỏ tính dục như một công cụ của quyền lực. Tính nữ và tính dục đối với cô hoàn toàn chỉ là hàng thứ cấp của một quyền lực cao cả hơn: quyền làm mẹ – quyền được sản sinh ra những quái thai của các ẩn ức bất toại mà “tộc người hiện đại” vẫn luôn cố chối bỏ; quyền bao dung và che chở cho những thứ xã hội đều tẩy chay. Cho nên không có gì lạ khi chỉ sau 5 năm hoạt động nghệ thuật với vỏn vẹn có 3 album và 3 tour lưu diễn quốc tế, một con số quá khiêm tốn so với tuổi nghề và thành quả của đàn chị Madonna, nhưng vì dấu ấn cá nhân hết sức độc đáo này mà Lady Gaga đã xây dựng được tên tuổi của mình gắn liền với các hoạt động của bộ phận LGBT thế giới (đồng tính luyến ái và chuyển giới), với các tổ chứng nâng cao ý thức về lây nhiễm HIV. Vẫn còn quá nhiều thời gian để xét đoán “công nương điên điển” này (chữ “gaga” là từ lóng tiếng Anh chỉ sự “mát dây” nhẹ), nhưng cho đến thời điểm hiện tại, là một người phụ nữ trẻ chỉ vẻn vẹn 27 tuổi, cô đã là một trong những biểu tượng quan trọng đại diện cho giới “thấp cổ bé họng”, đặc biệt là về mặt tính dục.
Angelina Jolie: “Trác táng hoàn lương kiêm thánh nữ tử vì đạo” Đạo cụ: Vì đôi môi là biểu tượng nhục dục nhất nên những phần chỉ phái tính khác như ngực và buồng trứng đều có thể được tế thần mà vẫn không làm suy xuyển hình tượng quả bomb sex. Thông điệp: “Tôi là thánh nữ tử vì đạo, từ nay về sau tôi chỉ có thể đóng/đạo diễn các phim hoành tráng và người đàn ông sexy nhất hành tinh không thể ly dị tôi được nữa” Hiệu ứng: Cả thế giới đều trầm trồ quan sát mọi động tĩnh từ năm 1995. 14 tuổi, gầy gò, đeo niềng răng, sống trong thế giới phù hoa của những đứa con của nghệ sĩ Hollywood, Angelina Jolie sưu tập… dao, thích cắt cứa vào người, và mơ trở thành… chủ nhà đòn. Phải mất rất nhiều thời gian để cô gái nổi loạn này biết mình muốn gì từ thế giới. Trở thành biểu tượng của nhục dục không phải dễ, và sử dụng ngay cái người ta gán ghép cho mình, bẻ cong nó, biến nó thành một thứ hoàn toàn khác, đó chính là Jolie. Đồng tính nữ: cũng có cô (Girl, Interrupted là trên phim, ngoài đời cô đã từng date một nữ diễn viên/người mẫu Jenny Shimizu). Hiện thân cho nữ nhân vật thích phiêu lưu mạo hiểm của trò chơi video ăn khách nhất thế giới: cũng có cô (Lara Croft: Tomb Raider, ngoài đời: cô luôn tự lái máy bay riêng đi khám phá châu Phi). Giải thưởng Quả Cầu Vàng, Oscar, có cô (Cho Girl, Interrupted kể về thế giới của bệnh viện tâm thần nữ, và các đề cử cho các phim A Mighty Heart kể về vợ nhà báo bị chặt đầu trong cuộc chiến Iraq, và Changeling kể về một bà mẹ có đứa con bị bắt cóc). Cướp chồng người khác (vụ lùm xùm giữa Brad Pitt và Jennifer Aniston), nhưng lại nhận đến 3 người con nuôi thuộc đủ quốc tịch, và là đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền: cũng có cô. Từ những vai gái mới lớn nổi loạn nhảm nhí (Gia) đến vai những bà mẹ (Changeling), bà vợ (A Mighty Heart) bị dòng đời vùi dập, từ diễn viên hạng B từ từ leo dần lên hạng A và cuối cùng thành đạo diễn (phim In The Land Of Blood And Honey năm 2011 nói về cuộc chiến ở Bosnia), cuộc lột xác của Jolie không dừng lại ở đó. Từ năm 2011, không lúc nào tâm điểm thế giới lại thôi không nhìn đến Jolie. Liên minh Brangelina (giữa đôi kim đồng ngọc nữ của làng showbiz Hollywood là Brad Pitt và Angelina Jolie) đã đảm bảo cho nàng một sự vững chắc trong giới nghệ cũng như giới paparazzi. 6 đứa con, 3 người con nuôi và 3 người con ruột giúp hạ tỉ lệ ly dị của nàng và Brad xuống chỉ còn vài trăm phần nghìn, và gần đây nhất, cuộc bứt phá nhằm triệt tiêu tỉ lệ ung thu vú và buồng trứng đã khiến nàng dũng cảm cắt phăng đôi gò bồng đảo và tử cung. Kẻ ác mồm thì nói sau vụ này làm sao Brad còn có thể ngoại tình lăng nhăng hay tuyên bố li thân nếu không muốn bị ném đá đến chết, người lành tính thì cũng nghĩ đến sức ảnh hưởng to lớn của “vị thánh nữ thời @” lên các tổ chức xã hội, các trào lưu văn hóa mà Jolie thiết lập/cổ súy. Nhưng nói gì thì nói, sự thu hút của cô với tư cách một nghệ sĩ không nằm ở những quy định thường tình của xã hội về sức hấp dẫn phái tính, nó nằm ở một cá tính như mèo hoang luôn không ngừng làm thế giới nín thở theo dõi.
*
Bài liên quan: – Nghệ sĩ Orlan kiện Lady Gaga đạo tác phẩm Ý kiến - Thảo luận
17:37
Tuesday,11.6.2013
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
17:37
Tuesday,11.6.2013
Đăng bởi:
Phạm Huy Thông
Pha lê ơi. Xem lại rồi, đúng là "Philanthropist". Thế mà tớ cứ nhớ là "a great lover". Có một hội chứng không biết gọi tên là gì khi người ta nghĩ hoặc mơ về một số thứ rồi tự nhiên tin là thật. Vụ này chắc tớ bị hội chứng đó. hì.
Túm lại là tớ pờ ri phơ cách dịch "một nhà bác ái" của Megar Star hơn.
11:03
Tuesday,11.6.2013
Đăng bởi:
phale
@Huy Thông: Anh ơi, câu này là "Genius, Billionaire, Playboy, Philanthropist". Philanthropist là nhà từ thiện thì đúng rồi.
Đó cũng là của The Avengers chứ không phải Iron Man bạn Kay ạ, vì Joss Whedon viết kịch bản :)) Lê là người nhớ hết những câu Joss từng viết. The Avengers có những câu thoại rất hay, củ ...xem tiếp
11:03
Tuesday,11.6.2013
Đăng bởi:
phale
@Huy Thông: Anh ơi, câu này là "Genius, Billionaire, Playboy, Philanthropist". Philanthropist là nhà từ thiện thì đúng rồi.
Đó cũng là của The Avengers chứ không phải Iron Man bạn Kay ạ, vì Joss Whedon viết kịch bản :)) Lê là người nhớ hết những câu Joss từng viết. The Avengers có những câu thoại rất hay, của đáng tội là Việt Nam mình dịch quá bậy. (Thích nhất câu "Shakespeare in the park?" nhưng cả rạp hình như chỉ có mình Lê cười như con dở hơi) Hơi buồn vì bạn Kay cho vai của Jolie trong Gia là vai tuổi mới lớn nổi loạn nhảm nhí. Đây là phim tiểu sử về siêu mẫu Gia, qua đời vì bệnh Aids. Đúng là cô Gia này còn trẻ, bồng bột, và phim không quá xuất sắc; nhưng ít nhiều thì Gia cũng là một tác phẩm tiểu sử cảm động, diễn xuất cũa Jolie cũng được đánh giá cao, giúp Jolie thoát khỏi cái bóng của bố. Tuổi mới lớn nổi loạn nhảm nhí thì phim Foxfire của Jolie hợp hơn Gia nhiều. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Túm lại là tớ pờ ri phơ cách dịch "một nh&
...xem tiếp