Điện ảnh

Những bức tranh truyền cảm hứng cho phim (Phần 2): Giáo hoàng sinh ra… Alien 20. 08. 13 - 6:23 am

Pha Lê tổng hợp

Alien, 1979

Đây là bộ phim khoa học giả tưởng kinh điển, nhưng phim này sẽ không thể thành công nếu thiếu quái vật ngoài hành tinh Xenomorph do H. R. Giger thiết kế. Fan của phim đều biết rằng trước khi vẽ Xenomorph, Giger có phác thảo “Necronom IV”. Các nhà sản xuất của Alien thích bức “Necromon IV” quá nên nhờ Giger thiết kế con Xenomorph cho phim Alien dựa trên bản phác thảo “Necromon IV”.

Quái vật Xenomorph trong một cảnh quay

Tuy nhiên, ít ai biết rằng cái truyền cảm hứng cho Giger vẽ “Necromon IV” chính là bức vẽ Giáo hoàng Innocent X của Francis Bacon.

Giáo Hoàng Innocent X của Francis Bacon

Đây lại là tranh Bacon phóng tác dựa trên chân dung Giáo hoàng Innocent X do Velazquez vẽ hồi thế kỷ 17. Túm lại, nhờ có Velazquez mà loạt phim Alien mới có thể hành công với con quái vật Xenomorph ấn tượng như vậy.

Bức tranh Giáo Hoàng Innocent X của Velazquez. Tác phẩm này sinh ra bức tranh của Francis Bacon, từ đó có “Necromon IV”, rồi có Xenomorph cho Alien… Ông Velazquez mà biết được sẽ cảm thấy sao nhỉ?

 

The Duellists, 1977

Là bộ phim đầu tay của Ridley Scott, trước khi ông nổi tiếng với siêu phẩm Alien kể trên. Ridley Scott có vẻ rất yêu hội họa, bởi phim Duellist cũng lấy cảm hứng từ một bức tranh. Phim này kể về xích mích giữa hai kỵ binh trong thời chiến tranh Napoleon, và dĩ nhiên, bức tranh truyền cảm hứng cho Ridley thực hiện The Duellists là một bức vẽ chân dung Napoleon.

Tác phẩm Napoleon Bonaparte, Benjamin Robert Haydon, 1830

Ridley khoái bức tranh này đến nỗi ông bê cả bố cục của nó vô một cảnh của The Duellists 

Cảnh trong phim Duellists đây, giống nhau không nào?

 

Tangled, 2010

Là phim hoạt hình của Disney về công chúa tóc dài Rapunzel, dựa theo truyện cổ Grimm. Các nhà làm phim Tangled đã lấy bức tranh “The Swing” làm nền cho phần hình ảnh của phim.

Tác phẩm “The Swing” (Xích đu), 1767, Jean-Honore Nicolas Fragonard

Tranh của Fragonard bay bướm, hoa mỹ, ngả theo chủ nghĩa khoái lạc nên từng được giới quý tộc Pháp rất thích. Nhưng đến lúc Cách mạng Pháp nổ ra thì “những thứ quý tộc thích” khó tìm ra đất dụng võ, và tranh của Fragonard chìm vào quên lãng đến hơn một thế kỷ.

Sau này, màu sắc, sự tươi tắn, và khung cảnh đẹp (tuy có phần hơi thừa mứa nhưng đem lại một cảm giác giàu có) trong tranh Fragonard trở thành nguồn sáng tác cho các họa sĩ Disney, đặc biệt là lúc họ thực hiện phim Tangled. Trong phim còn có cảnh công chúa Rapunzel dùng mái tóc dài làm xích đu.

Cảnh Rapunzel dùng tóc đu cây.


Jaws, 1975

Bộ phim “Hàm cá mập” kinh điển, gắn liền với tên tuổi của Spielberg. Mà ai cũng biết rằng Spielberg là fan cuồng của hai họa sĩ: Norman Rockwell và Andrew Wyeth. Thậm chí, Spielberg còn có một bộ sưu tập tranh Norman Rockwell rất khủng, lắm bảo tàng đã gõ cửa nhà ông để xin mượn tranh đem đi triển lãm.

Nửa đầu phim “Hàm cá mập”, người xem có thể loáng thoáng thấy các bố cục của tranh Andrew Wyeth trong phim.

Bố cục của nửa đầu phim Hàm cá mập và tranh Andrew Wyeth mà thiên hạ hay lấy ra so sánh.

Con trai của Andrew Wyeth – Jamie Wyeth – cũng là một họa sĩ. Thấy Spielberg thích tranh của bố và dựng chúng làm phim, Jamie đáp lễ bằng một tác phẩm tên “Con cún và Hàm cá mập trắng”. 

Bức tranh vẽ con cún và hàm cá mập của Jamie Wyeth.

Đúng là các ngành nghệ thuật luôn liên quan đến nhau phải không?

*

 

Bài liên quan:

– Những bức tranh truyền cảm hứng cho phim (Phần 1): từ viễn tưởng đến giết người 
– Những bức tranh truyền cảm hứng cho phim (Phần 2): Giáo Hoàng sinh ra… Alien 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

15:14 Monday,22.12.2014 Đăng bởi:  Việt Phố Cổ
Rất thú vị với những tổng hợp của Pha Lê
...xem tiếp
15:14 Monday,22.12.2014 Đăng bởi:  Việt Phố Cổ
Rất thú vị với những tổng hợp của Pha Lê 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả