Nghệ sĩ thế giới

Norman Rockwell:
Dùng ảnh để vẽ tranh 15. 09. 11 - 6:35 am

Pha Lê dịch

Norman Rockwell trong bức ảnh “Bên ngoài giá vẽ” với chính mình là một nhân vật

 

Norman Rockwell (1894-1978) làm quen với nhiếp ảnh vào giữa những năm 30, ông dùng nó như một công cụ để định hình và ghi lại các ý tưởng, nhằm giúp cho việc vẽ tranh thêm dễ dàng. Ông tỉ mỉ dàn dựng cho từng bức ảnh, tự tay chọn địa điểm và người mẫu. Với cùng một chủ đề, Norman có thể chụp hàng tá hình – lúc thì chụp đầy đủ các loại bố cục, lúc lại ghép yếu tố này của bố cục này với yếu tố khác của bố cục khác thành một bức hoàn toàn mới.

“Sau lời thề ước” – một bức ảnh do Norman dàn dựng.

Trong hơn 40 năm, Norma đã dùng ảnh để định hướng tranh của mình. ông từng hợp tác với nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nổi bật nhất là: Gene Pelham, Bill Scovill, và Louis Lamone.

Nhờ những tác phẩm tự nhiên, mềm mại, cộng với phong cách cực kỳ dễ nhận biết, Rockwell trở thành họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng nhất thời ấy. Tranh minh họa của ông xuất hiện trên hàng loạt các tạp chí lớn và làm say mê hàng triệu người đọc.

Lúc mới vào nghề, Norma thuê người đứng mẫu để vẽ nên các nhân vật trong tranh mình. Nhưng càng ngày lòng yêu mến sự tự nhiên càng lớn, đã kéo ông lại gần hơn với nhiếp ảnh – một ngành ngày càng thịnh, giúp ích rất nhiều cho hội họa, cũng là đồng minh của những họa sĩ minh họa thương mại vốn phải hoàn thành công việc theo hẹn một cách khít khao.

Ảnh do Norman dựng bố cục

Tranh từ bức ảnh trên

 

Nhưng đối với Norman – người có biệt danh “cậu bé với đôi mắt như camera”, nhiếp ảnh không chỉ là một tay trợ lực cho nghệ sĩ. Ron Schick, giám tuyển kiêm nghiên cứu viên của Bảo tàng Rockwell, nói: “Nhiếp ảnh lâu nay đã là một công cụ hữu dụng cho rất nhiều họa sĩ như Thomas Eakins, Edgar Degas, và David Hockney. Nhưng hàng ngàn tấm hình mà Norman Rockwell chụp để làm mẫu cho những bức tranh kinh điển của ông có giá trị hơn hẳn“.

“Chuyến đi làm đẹp đầu tiên” - ảnh do Norman “đạo diễn”

“Bàn ăn sáng chính trị” - ảnh do Norman dàn dựng

 

Norman sau này thích chụp bạn bè cũng như hàng xóm hơn là chụp người mẫu chuyên nghiệp. Những con người ấy làm giàu cho trí tưởng tượng của ông, nhờ mang lại rất nhiều vẻ mặt khác nhau của đời sống hàng ngày. Ông cẩn thận sắp xếp từng khung cảnh khi chụp, thậm chí còn tự tạo dáng để chụp bản thân. Kho dữ liệu tại bảo tàng Rockwell cho thấy người mẫu được chụp nhiều nhất chính là “người mẫu Norman”!

“Xiếc” – bức ảnh có Norman làm người mẫu

Rockwell sắp đặt việc chụp ảnh hệt như đạo diễn làm việc với đạo diễn hình ảnh, hướng dẫn cho người chụp biết khi nào phải chụp, còn bản thân ông không bao giờ bấm máy. Với mỗi chủ đề, Norman sáng tác hàng tá, thậm chí hàng trăm (bố cục) ảnh. Ảnh giúp Norman kiểm soát được những yếu tố mỹ thuật trong tác phẩm của mình một cách tuyệt đối. Với người nghệ sĩ có “con mắt như camera” và có tài kể chuyện, lại cầu toàn, không công cụ nào phù hợp hơn công cụ này.

“Bé gái quan sát” - ảnh Norman dựng bố cục

Tranh từ bức ảnh trên

 

Nếu chỉ lo phác thảo nhanh một khung cảnh, tôi sẽ bỏ quên những chi tiết nhỏ, những tia sáng bất ngờ,” Norman giải thích, “Ví dụ nhé, tại tiệm cắt tóc của Rob Shuffleton nằm ở hạt Arlington, bang Vermont, máy chụp hình sẽ lấy hết được khung cảnh bên trong, từ chỗ Rob máng đống lược chải đầu, chỗ anh để kéo và dao cạo, rồi cách ánh sáng chiếu lên đống tạp chí nằm trên giá, đến cây chổi xơ xác được dựng cạnh mấy hộp kẹo, và cả chiếc ghế bọc da bị rách một đường dài với bông gòn lòi ra khỏi kẽ. Chỉ máy ảnh mới ghi lại được các chi tiết đó“.

Ảnh về tiệm cắt tóc của Rob Shuffleton

Tranh từ bức ảnh trên

“Nghệ sĩ xăm mình” - ảnh do Norman dàn dựng

Tranh từ ảnh trên

Ảnh do Norman dựng bố cục

Tranh từ bức ảnh trên

 

Một triển lãm lớn nhất về Norman đã được tổ chức suốt ba tháng, từ 15. 12. 2010 đến 27. 3. 2011 tại Dulwwich Picture Gallery.

Ý kiến - Thảo luận

21:42 Thursday,15.9.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn thông tin hữu ích của Em-co-y-kien nhé
...xem tiếp
21:42 Thursday,15.9.2011 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn thông tin hữu ích của Em-co-y-kien nhé 
12:56 Thursday,15.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Thầy em kể:

-Đương thời, ông bị các nghệ sĩ đương đại chê là họa sĩ vẽ minh họa, duy cảm, sến, song cho đến nay ông vẫn là họa sĩ được dân chúng Mỹ yêu nhất. Tác phẩm của ông được trưng bày tại bảo tàng Guggeheim, được nhà đấu giá Sotheby’s bán tới 15,4 triệu đô-la năm 2006.
-Ông có bức tranh sơn dầu rất nổi tiếng chống nạn phân biệt chủng tộc (tra
...xem tiếp
12:56 Thursday,15.9.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Thầy em kể:

-Đương thời, ông bị các nghệ sĩ đương đại chê là họa sĩ vẽ minh họa, duy cảm, sến, song cho đến nay ông vẫn là họa sĩ được dân chúng Mỹ yêu nhất. Tác phẩm của ông được trưng bày tại bảo tàng Guggeheim, được nhà đấu giá Sotheby’s bán tới 15,4 triệu đô-la năm 2006.
-Ông có bức tranh sơn dầu rất nổi tiếng chống nạn phân biệt chủng tộc (tranh có tên là "The Problem We All Live With", sáng tác năm 1964) mô tả 1 cô bé da đen 6 tuổi bị ném cà chua khi em trên đường đến trường. Bức tranh được công bố trên tờ Look năm 1964, 1 năm sau ngày họa sĩ chấm dứt quá trình hợp tác kéo dài hàng chục năm với tờ Saturday Evening Post vì ban biên tập tờ báo gây khó dễ và hạn chế họa sĩ động chạm tới nhiều chủ đề xã hội và chính trị. Bức tranh này làm dấy lên làn sóng mạnh mẽ ủng hộ quyền công dân, chống tệ phân biệt chủng tộc trong nền giáo dục và trong xã hội Mỹ thời bấy giờ.
-Ông luôn vẽ bằng tình yêu cuộc sống và tinh thân ái quốc vô bờ bến, luôn đem đến cho người xem hy vọng, ước mơ và sự trải nghiệm. Còn thái độ lao động nghệ thuật của ông đã được bộc bạch trong tự truyện: "... Mỗi sáng tôi thường dậy sớm. 8 giờ là bắt tay vào việc... Tôi biết không bao giờ mình tài giỏi được như Rembrandt. Tôi chỉ nghĩ công việc của mình vẫn tiếp diễn. Tôi vẽ mỗi tranh đều từ những niềm hy vọng dâng trào, mà nếu thiếu, tôi vẫn cố vẽ với thực lực cao nhất mình có".

Thật đáng trọng tinh thần lao động của ông, tinh thần công dân của ông và nhất là lòng yêu thương nhi đồng qua những tranh minh họa truyện thiếu nhi của ông, nhất là mấy bức vẽ về Tom Sawyer!

Em yêu Rockwell! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả