Điện ảnh

Đại gia Gatsby: Khi cái hay của Luhrmann không hợp với cái dở của thời đại 08. 07. 13 - 8:25 am

Pha Lê tổng hợp

 

Poster của phim The Great Gatsby

Tiểu thuyết The Great Gatsby của Fitzgerald được xem là một trong những tiểu thuyết Mỹ vĩ đại nhất, đã có mấy đạo diễn dũng cảm chuyển thể nó thành phim nhưng lần nào cũng bị chê. Lần này đến lượt Baz Luhrmann chuyển thể tiểu thuyết, và thành phần chê cũng khá nhiều. Mới đầu tôi nghĩ là do lắm người mê truyện của Fitzgerald quá (và cái hồn của truyện thật khó lột tả trên màn ảnh) nên phim kiểu gì cũng không bằng, nhưng khi xem lại thấy vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ khác.

Câu chuyện nói sơ thì nó thế này: anh chàng Nick Carraway (Tobey Maguire đóng) chuyển đến New York sống, anh hy vọng mình sẽ lên hương khi bán trái phiếu ở Phố Wall, và mướn một căn nhà nhỏ ở khu West Egg, ngay cạnh dinh thự của ông triệu phú bí ẩn Jay Gatsby (Leonardo DiCaprio thủ vai).

Anh Nick Carraway đang làm việc ở Phố Wall

Em họ của Nick – Daisy Buchanan (Carey Mulligan đóng) – cưới triệu phú Tom Buchanan và sống ở khu “nhà giàu máu xanh” East Egg; sau khi nhận lời mời của Daisy đến ăn tối, Nick phát hiện ra rằng Tom lăng nhăng và Daisy không có được cuộc hôn nhân hạnh phúc. Cùng lúc đó, Nick nhận lời mời đến dự một bữa tiệc đình đám của chàng Gatsby bí ẩn, để rồi phát hiện ra rằng mục đích của Gatsby là muốn Nick giúp anh tiếp cận người mình yêu từ lâu nay: cô Daisy Buchanan.

Trong truyện, Jay Gatsby là một nhân vật mơ hồ cũng như bí ẩn, anh tượng trưng cho niềm hy vọng vươn lên nắm lấy ước mơ của nước Mỹ, qua đó phê bình sự phân chia giai cấp và lối sống suy đồi của tầng lớp giàu thâm căn cố đế. Cái khoản nhân vật Gatsby thì Leonardo lột tả vô cùng siêu: lịch lãm, có sứt hút, và đôi khi còn lóng ngóng dễ thương, nhưng ánh mắt luôn ẩn chứa điều bí ẩn khiến chúng ta cứ vừa muốn tin vừa muốn nghi ngờ. Từ khi Leonardo còn nhỏ, đóng những phim như This Boy’s Life hay What’s Eating Gilbert Grape, đến thời đình đám với Titanic, đến lúc tham gia những phim tuyệt vời như Catch Me if you can, Aviator hay Gangs of New York; không vai nào của Leo giống vai nào. Với phim Gatsby này, anh lại khiến khán giả ngỡ ngàng với một cuộc lột xác (nữa). Càng xem càng thấy phục Leo!

Leo trong vai Gatsby. Gương mặt đã có thêm nếp nhăn so với thời Titanic, tuy nhiên gừng càng già càng cay mà!

Nhưng cái khoản “phê bình sự phân chia giai cấp, phê phán lối sống suy đồi trong tầng lớp giàu” của phim thì…

Không phải là Baz Luhrmann không làm, nhưng số nó thế này: Baz cực giỏi trong việc xử lý các cảnh vũ tiệc, các cảnh đông người, các cảnh lãng mạn. Những phim trước đây của Baz như Romeo và Juliet tân thời (cũng có Leonardo đóng), Moulin Rouge… mang phong cách rất giống nhau. Những cảnh lãng mạn nhìn nên thơ vô cùng, nhưng xem là biết nếu Baz làm không khéo một chút thì chúng sẽ thành sến; những cảnh vũ tiệc nếu chỉ đạo chệch một milimet, quay lệch một độ, là sẽ thành hổ lốn, loạn xạ. Baz biết cách điều phối, dựng cảnh vô cùng tốt; thành thử những cái tưởng chừng sẽ như một “mớ bận bịu” lại trở nên xa hoa, thi vị, nhưng không thừa mứa màu mè.

Baz đang chỉ đạo Leo và Carey trong một cảnh lãng mạn

 

Một cảnh tiệc trong Gatsby (nhìn hình thế này vẫn không thấm, mọi người thử xem phim đi, trông thích mê)

Baz cũng có biệt tài này: cảnh dựng thì dựng rất kỹ, nhưng cảnh nền thì hơi… giả giả; mà Baz lại cố tình làm cho nó giả, nhằm tạo hiệu ứng “kịch nghệ” cho phim. Ai từng xem các phim của anh sẽ rất thấm chất kịch đó, và sẽ không cảm thấy phiền. Bởi vì khi xem kịch, cảnh nền có làm kiểu gì thì cũng không “thật” như phim, nhưng chính yếu tố đấy lại đem đến cho kịch một sức hấp dẫn. Trong Gatsby, chất kịch đã giúp phim trở nên trực tiếp hơn, những đoạn lãng mạn hay tiệc tùng cũng không bị sến do kịch đề cao tính cường điệu. 

Tư dinh của đại gia Gatsby. Trông hơi cường điệu một chút, nhưng kịch mà!

Và cũng tội cho Baz, ai chẳng muốn đẹp khoe xấu che. Anh biết thế mạnh của mình, khi làm phim anh đi theo cái mình giỏi, chẳng có gì sai. Nhưng Gatsby lại đẹp quá, xa hoa quá, thơ mộng quá; trong cái thời khủng hoảng kinh tế này, người Mỹ đang rất bất bình với tầng lớp 1% giàu sụ, họ nhìn thấy phim Gatsby mát mắt như thế, họ mắng cho là phải. Những cảnh tiệc tùng đẹp tuyệt phần nào làm nhẹ cái “phê phán” của truyện gốc. Dĩ nhiên là phim của Baz có phê phán, nhưng ở mức nhẹ hơn; nếu đại đa số dân Mỹ đang ấm no, ít thù hằn với mấy đại gia thì họ có thể rộng lượng hơn chút, gật gù chấp nhận rằng phim là phim, truyện là truyện, miễn làm phim cho hay, xem đã con mắt là tốt rồi.

Khổ cái là kinh tế nó bấp bênh, nhìn mấy cảnh quay các bữa tiệc thác loạn của “đám nhà giàu” thấy bực không chịu nổi, đẹp thế nào cũng sẽ bị chửi là thừa mứa, rồi bị đem ra so với sách gốc. Nhiều nhà phê bình nói rằng Baz quay phim y như nịnh, phim gì mà giống video clip ca nhạc, mất hết cả cái hồn của một tiểu thuyết mạng tính phê phán sự phân chia giai cấp của Mỹ. Còn tôi thì thấy rằng phim của Baz trước giờ đều quay như vậy cả, phim Moulin Rouge mà tôi từng rất thích cũng y thế, lãng mạn, xa hoa, hào nhoáng. Nhưng đem cái phong cách này để làm phim Gatsby trong thời đại này, là Baz bị thiên hạ nhào vô tẩn cho bầm dập.

Tôi cho rằng, mọi người nên xem Gatsby với tâm trạng của một tờ giấy trắng thì mới thưởng thức được. Dĩ nhiên rằng đây không phải tác phẩm xuất sắc nhất của năm, và tôi cũng không hài lòng lắm khi Baz chọn Carey Mulligan đóng vai Daisy (Carey ngọt ngào quá, còn nếu thể theo tình tiết của phim thì vai này cần một cô tuy dễ thương yếu đuối nhưng có trộn chút nông cạn, tính toán, và ích kỷ); nhưng Leo đóng rất tuyệt vời, các diễn viên khác nhập vai tốt, Baz xử lý cảnh quay, chỉ đạo nghệ thuật kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, với một phong cách riêng rất hay. Không xem Gatsby là phí đấy, nhưng hãy xem nó như thể nó là một tác phẩm riêng lẻ, không dính gì tới truyện gốc hay thời cuộc.

Thế cho nó tiện đi…

*

Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp)

TPHCM

Cinema Hùng Vương Plaza (Tầng 7, 126 Hùng Vương, Quận 5) đến 11. 7
CT Plaza (Tầng 10, CT Plaza, 60A Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình) đến 10. 7
Parkson Paragon(Tầng 5, 03 Nguyễn Lương Bằng, Quận 7) đến 10. 7
Crescent Mall (lầu 5, Crescent Mall Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7)  đến 11. 7
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Quận Tân Phú)  đến 11. 7
Lotte Cinema Diamond (Tầng 13, Diamond Plaza, 34 Lê Duẫn, Quận 1) đến 11. 7
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, Quận 7) đến 11. 7
BHD Cineplex 3/2 (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) đến 11. 7
BHD Star Cineplex ICON 68 (Lầu 3 & 4, trung tâm thương mai ICON 68, 02, Hải Triều, Q.1) đến 11. 7

Hà Nội

Vincom Center (Tầng 6, Toà nhà VinCom Center Hà Nội, 191 đường Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng) đến 8. 7
Pico Mall (229 Tây Sơn, Quận Đống Đa ) đến 11. 7
TT chiếu phim quốc gia(87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 11. 7
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) đến 11. 7
Lotte Cinema Hà Đông(Tầng 5, Mê Linh Plaza,Tô Hiệu, Hà Đông) đến 11. 7

Ý kiến - Thảo luận

2:08 Friday,12.7.2013 Đăng bởi:  Trang Bùi

phê bình có chút chưa toàn diện. nhưng rất duyên và chân thật. cảm ơn tác giá nhé.


...xem tiếp
2:08 Friday,12.7.2013 Đăng bởi:  Trang Bùi

phê bình có chút chưa toàn diện. nhưng rất duyên và chân thật. cảm ơn tác giá nhé.

 
14:58 Monday,8.7.2013 Đăng bởi:  candid
Gatsby đâu có giàu. Người đứng sau Gatsby mới giàu.
Tự dưng nhớ đến ở VN cũng có 1 đại gia cách đây mấy năm cũng đình đám lắm, luôn gắn tên với các người đẹp chân dài, cuối cùng thì cũng không có tiền đổ xăng máy bay.
...xem tiếp
14:58 Monday,8.7.2013 Đăng bởi:  candid
Gatsby đâu có giàu. Người đứng sau Gatsby mới giàu.
Tự dưng nhớ đến ở VN cũng có 1 đại gia cách đây mấy năm cũng đình đám lắm, luôn gắn tên với các người đẹp chân dài, cuối cùng thì cũng không có tiền đổ xăng máy bay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả