Nghệ sĩ Việt Nam

Lê Quốc Việt: Tìm cách kết nối với tổ tiên 20. 08. 10 - 2:45 pm

Teddy Applebaum, ảnh: Zara Tzanev - Ngọc Trà dịch

Triển lãm khai mạc lúc 17h00 ngày 14 tháng 8 năm 2010
Tại: Indochina Arts Partnership, 49 Glen Road, Wellesley, MA 02481

 

 

Tác phẩm của anh, một bản giao hưởng màu sắc nhằng nhịt chữ viết của thứ ngôn ngữ đã bị quên lãng, vừa là một lời tri ân quá khứ, vừa là một lời bình về hiện tại.

“Tôi muốn nói về văn hóa Việt Nam và lịch sử Việt Nam,” Lê Quốc Việt nói. 38 tuổi, anh là nghệ sĩ Việt Nam đang triển lãm 100 chiếc lồng đèn lụa dài hơn ba mét rưỡi trên viết dày đặc chữ Hán và chữ Nôm – những ngôn ngữ đã không còn được sử dụng, hay ngôn ngữ chết của Việt Nam – ở sân sau một căn nhà vùng Wellesley. “Tôi muốn tạo một sự liên kết giữa những người đang sống trong hiện tại và quá khứ.”

Ngồi xếp bằng trên mặt đất giữa một dải cầu vồng rung động những chiếc đèn lồng sặc sỡ, Lê Quốc Việt mang dáng vẻ khiến người ta phải chú ý: mảnh dẻ, chút râu ria, phong thái điềm đạm và một nụ cười nhẹ với hàm răng nhuộm cũng đen bóng như chữ viết của anh.

Họa sĩ Lê Quốc Việt đang trình bày về chiếc lồng đèn dài 3,5 m ở sân sau nhà Wellesley.

 

“Anh ấy không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một nhà nghiên cứu và một học giả,” David Thomas, người sáng lập Qũy Indochina Arts Partnership, nói. Quỹ này khuyến khích giao lưu văn hóa Việt-Mỹ và đang tài trợ cho Quốc Việt trong chương trình Nghệ sĩ Nổi bật của tháng Tám. “Anh nằm trong số ít những nghệ sĩ mà theo tôi là tên tuổi sẽ được ghi nhớ đến 100 năm sau.”

Là con út trong năm anh em, Quốc Việt sinh năm 1972 tại miền Trung Việt Nam, ngay giữa lúc chiến tranh ác liệt. Trí thông minh của anh đã bộc lộ rõ ràng ngay từ rất sớm, vì thế từ nhỏ gần như phần lớn thời gian anh được các sư trong chùa nuôi dạy. Chẳng bao lâu thiên hướng nghệ thuật của anh thể hiện rõ, anh tiếp tục vào học tại Đại học Mỹ thuật tại Hà Nội.

Phần lớn những gì Quốc Việt làm là có gốc rễ từ lịch sử, từ nghệ thuật nước anh – từ việc mô tả những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích và lịch sử Việt Nam trên lụa, đến việc anh học và nghiên cứu Hán-Nôm, đến cả hàm răng anh, một truyền thống của Việt Nam đang chết dần, một thời từng được xem là chuẩn mực của vẻ đẹp và và để đuổi tà ma.

“Cậu ấy có tâm hồn một người già,” Thomas trìu mến nói về Quốc Việt, người ông đã gặp trong những năm du lịch đến Việt Nam và xem như “em trai”.

Cũng trong một chuyến viếng thăm gần đây đến nhà Quốc Việt mà hai người nảy ra ý tưởng làm triển lãm tại Wellesley này.

“Hôm đó tôi đang ăn trưa ở nhà cậu ấy, và cậu ấy cho tôi xem mấy chiếc lồng đèn này mà cậu đã trưng bày ở Hà Nội,” Thomas nói. “Cậu nói ‘Em sẽ rất thích nếu được làm triển lãm này trong một không gian thiên nhiên ở Mỹ’.”

Thomas, một công dân của Wellesley, bắt đầu tìm kiếm một địa điểm phù hợp và tình cờ tìm được sân sau căn nhà của Kathy và Jim Nagle, hai người sống ngay cùng khu phố với ông. Ông hỏi họ liệu có thể trưng bày tác phẩm ở đây không, và họ đáp rằng đấy là một ý tưởng tuyệt vời.

Giờ thì khắp sân đã treo một mê cung dây nhợ, từ trên rủ xuống những chiếc lồng đèn. Vào ngày 14 tháng Tám, quỹ đã tổ chức một sự kiện, ở đó khách mời mặc áo choàng lụa do Việt vẽ tay, đi giữa những chiếc lồng đèn đang tỏa sáng nhẹ nhàng từ những chùm đèn màu treo bên trong.

Những chiếc lồng đèn được treo ở sân sau nhà được dùng triển lãm.

Mỗi chiếc đèn lồng được phủ hàng trăm chữ viết tay mà Quốc Việt nói khi ghép lại với nhau thì chẳng có nghĩa gì nhất định. Những chữ viết này gồm những mẩu nhỏ của các truyện dân gian và thơ ca, nhưng gộp lại thì chúng trở nên trừu tượng.

“Đây là một câu chuyện nhỏ và một câu chuyện nhỏ rồi một câu chuyện nhỏ,” Quốc Việt nói về tác phẩm, có tiêu đề Mật Ngữ (Sercret Mantra). “Nhưng khi xếp chúng lại với nhau thì chẳng có câu chuyện nào cả.”

Việt chọn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm như một lời bóng gió không xa xôi lắm đến quá khứ. Anh có vẻ buồn, và hơi bực bội, khi nói về sự thật là những ngôn ngữ này, một thời thống trị ở Việt Nam, giờ chỉ còn được một vài vị sư sãi và trí thức sử dụng mà thôi.

 

Ông Margaret Fitz-William, cư dân 59 tuổi l93 Wellesley, và Patric Smith, nhà Văn đến từ New York, tham dự triển lãm của Việt.

“Một điều rất khó khăn đối với tôi là ở Việt Nam, người ta không hiểu loại ngôn ngữ này,” anh nói. “Tôi là một con người ở thế kỉ 21, nhưng tôi không thể kết nối với tổ tiên của mình từ thế kỉ 17.”

Xã hội Việt Nam hiện đại đã đứt nối với quá khứ đến nỗi khi Việt muốn trưng bày tác phẩm của mình ở một đền thờ Khổng Tử, người ta nói anh phải dịch từng từ từng chữ một để chính quyền đảm bảo là không có lời gì xúc phạm đến họ hoặc đến Trung Quốc được viết trên lụa. Anh từ chối làm việc đó, và chọn cách không trưng bày tác phẩm.

“Ý nghĩa không có gì … xấu xa,” anh nói. “Tôi nghĩ giải thích với chính quyền là một vấn đề lớn của tôi.”

“Cậu ấy hơi nổi loạn một tí,” Thomas nói. “Cậu ấy rất quan tâm đến tự do sáng tác.”

Nhưng thường là Việt tỏ ra rất trầm tư, anh thích nói chuyện về những cảm xúc khác nhau người ta có được từ tác phẩm, tùy thuộc vào nơi chúng được trưng bày. Anh nói những chiếc đèn như nhiều mảnh tương thích của một bức tranh xếp hình khi đặt trong các đền thờ Phật, điều này cũng có lý vì anh đã làm mọi công việc liên quan đến tác phẩm sắp đặt này trong sáu tháng liền tại một ngôi đền như vậy.

Nhưng anh cũng thích treo chúng ở Wellesley nữa.

“Đây là một cảm xúc mới, gió và bình minh,” anh nói. “Ở ngoài này ta phải tuân theo tự nhiên.”

Đoàn người mặc áo vải do Lê Quốc Việt vẽ

Những người hứng thú với những chiếc lồng đèn của Việt xin mời thoải mái dạo bước vào sân sau nhà Nagle ở số 62 Glen Road từ 9h sáng đến 5h chiều, tùy thời tiết. Một triển lãm tương tự các tác phẩm khác của anh, bao gồm những quả cầu và đĩa sứ vẽ tay cũng được giới thiệu cùng thời gian ở ga-ra của Thomas, số 49 Glen Road. Cả hai triển lãm sẽ kéo dài đến Chủ Nhật, 22 tháng Tám.

 

**

Bài liên quan:

– Secret Mantra – Mật ngữ trên đất Mỹ
Tìm cách kết nối với tổ tiên

Ý kiến - Thảo luận

9:53 Wednesday,9.11.2016 Đăng bởi:  lAI DUY BEN

Tôi đã vào trang anh đọc và xem, rất thú vị. Quốc Việt là nghệ sĩ đích thực. Tôi cũng có hoa tay, rất thích thư pháp Hán Việt và cũng đang tự học trên mạng.


[admin: đề nghị bạn lần sau gõ tiếng Việt có dấu thanh]


...xem tiếp
9:53 Wednesday,9.11.2016 Đăng bởi:  lAI DUY BEN

Tôi đã vào trang anh đọc và xem, rất thú vị. Quốc Việt là nghệ sĩ đích thực. Tôi cũng có hoa tay, rất thích thư pháp Hán Việt và cũng đang tự học trên mạng.


[admin: đề nghị bạn lần sau gõ tiếng Việt có dấu thanh]

 
18:26 Sunday,22.8.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Đọc cái đoạn nhà chức trách làm khó anh Việt tự nhiên tôi thấy hay quá. Nhớ lại tích ngày xưa Trạng Quỳnh mang ống cứt đi thi, quan giám khảo thò mũi vào nhòm. Hay là xúi anh Việt lần sau làm một bộ thư pháp bằng cứt trên sân gạch rồi mời nhà kiểm duyệt đến ngửi từng chữ một...
...xem tiếp
18:26 Sunday,22.8.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Đọc cái đoạn nhà chức trách làm khó anh Việt tự nhiên tôi thấy hay quá. Nhớ lại tích ngày xưa Trạng Quỳnh mang ống cứt đi thi, quan giám khảo thò mũi vào nhòm. Hay là xúi anh Việt lần sau làm một bộ thư pháp bằng cứt trên sân gạch rồi mời nhà kiểm duyệt đến ngửi từng chữ một... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả