Văn & Chữ

Lê Đạt: Vẫn cười ngay trong cơn bão 10. 08. 13 - 9:25 pm

Soi giới thiệu

Nhà thơ Lê Đạt

Nhà thơ Lê Đạt

Hôm nọ Soi đã giới thiệu một số ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp nhà thơ Hoàng Cầm. Cùng thời với Hoàng Cầm có một nhà thơ mà Soi rất quý mến là Lê Đạt. Ông sinh năm 1929, mất năm 2008 vì một tai nạn ngay trong nhà. Cả cuộc đời ông là một sự lận đận vô cùng, và chỉ vượt qua được bằng tiếng cười, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.

Lê Đạt từng là nhân vật của Nhân văn Giai phẩm một thời, đến năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước (mà Từ Nữ Triệu Vương có một bài phỏng vấn tuy ngắn mà rất hay ở đây).

Nhớ đến nhà thơ Lê Đạt là nhớ đến một người hay cười, nhớ đến dáng ông bước nhanh nhanh trên những con đường quanh Hồ Gươm và loanh quanh khu phố cổ Hà Nội, nhớ những lời khuyên của ông dành cho những người trẻ vẫn đến rủ ông đi uống nước chanh. Tiếc là, chúng tôi mãi vẫn chưa học được ở ông cái cười để đi qua những cơn bão.

Tuần này Soi không giới thiệu với các bạn những bài thơ ngắn rất đặc trưng của ông, mà giới thiệu hai bài thơ dài, thời những năm 1955, 56. Ảnh trong bài này Soi không rõ có phải của anh Nguyễn Đình Toán không…

le-dat-2

.

 

CHA TÔI

Đất quê cha tôi
đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng theo đòi nghề võ

Ngày nhỏ
cha tôi dẫn đầu
lũ trẻ chăn trâu
Phất ngọn cờ lau
Vào rừng Na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám

Lớn lên
cha tôi đi dạy học
Gối đầu lên cuốn Chiêu hồn nước
Khóc Phan Chu Trinh
Như khóc người nhà mình
Ôm mộng bôn ba hải ngoại
Lênh đênh khói một con tàu
Sớm tối
ngâm nga mấy vần cảm khái
Đánh nhau với Tây

Bỏ việc
lang thang
vào Nam
ra Bắc
Cắt tóc đi tu
nhưng quá nặng nghiệp đời

Gần hai mươi năm trời
Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng
Dạy tôi
làm thơ
ước mơ
hy vọng
Những câu Kiều say sưa
đưa cuộc đời bay bổng
Tiếng võng
trưa hè mênh mông
“Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì”

Nhưng công việc làm ăn mỗi ngày mỗi khó
Cuộc đời chợ đen chợ đỏ
Thù hằn con người
“Muốn sống thanh cao
đi lên trời mà ở
Mày đã quyết kiêu căng
Níu lấy cái lương tâm gàn dở
Dám
không tồi như chúng tao
Suốt đời mày sẽ khổ”.

Quan lại trù cha tôi
cứng đầu cứng cổ
Người “An Nam” dám đánh “ông Tây”
Mẹ ỉ eo dằn vặt suốt ngày
Chửi mèo, mắng chó
“Cũng là chồng là con
Chồng người ta khôn ngoan
Được lòng ông tuần ông phủ
Mang tiền về nuôi vợ”.

Bát đĩa xô nhau vỡ
Cha tôi nằm thở dài
Anh em tôi bỏ cơm
Hai đứa dắt nhau ra đường tha thẩn
Trời mùa thu trăng sáng
Sao nở như hoa
Không biết Ngưu Lang trên kia
Có bao giờ cãi nhau cùng Chức Nữ

Rồi cha tôi
lui tới nhà quan tuần, quan phủ
Lúc về
gặp tôi
đỏ mặt
quay đi

Một hôm
tôi thấy chữ R.O.
treo ngoài cửa

Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa
Người còn bận đếm tiền
ghi sổ
Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ
Một mình uống rượu say
Ngâm mấy câu Kiều
ôm mặt khóc
Tỉnh dậy
lại loay hoay
ghi sổ
đếm tiền
Hai vai nhô lên
Đầu lún xuống
Như không mang nổi cuộc đời
Bóng in trên tường vôi
im lặng
Ngọn đèn leo leo ánh sáng
Bóng với người
như nhau
Mùi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt
Ở chân bàn
hay ở cha tôi

Cuộc sống hàng ngày
nhỏ nhen
tàn bạo
Rác rưởi gia đình
miếng cơm
manh áo
Tàn phá con người
Những mơ ước thời xưa
như con chim gãy cánh
Rũ đầu chết ngạt trong bùn
Năm tháng mài mòn
bao nhiêu khát vọng.

Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
kiên quyết làm người

7. 1956

(“Bóng Chữ” – Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1994)

Le-Dat-1

MỖI NGÀY MỖI LỚN – GỬI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 1956

Kinh tế không thể vác ba-lô đi bộ
Hoàn thành kế hoạch hai năm.
Cuộc sống mới cần đi xe lửa
Những chuyến xe tốc hành,
Kiến thiết cho nhanh
Đất nước mười năm xơ xác
Bom đạn cày trên người
Nước mắt soi nụ cười
Rũ máu bước đi kiến thiết

Những con đường đã chết
Nghe gọi sống vùng lên,
Vạch cỏ vạch lau đứng dậy
Giơ tay chào những công trường

Chúng ta đi nắng lửa cháy lưng,
Chân nẻ toác trên đá rát,
Mồ hôi lấn từng tấc đất,
Tay không nặn những con đường.

Cây mọc trên rừng
Rừng không có lối
Chỉ có gió lùa sớm tối
Con vượn leo lên
Con chim bay lên
Ta không là vượn
Ta không là chim
Ta cũng leo lên
Chặt gỗ về làm tà vẹt
Rách da tím thịt
Sốt rét rung giường

Cầu sập xuống sông
Nước trôi loang loáng
Đôi bờ cát trắng
Mười năm nhớ nhau
Sóng cả sông sâu
Cầu chìm đáy nước
Tay ta làm cần trục
Nhấc cầu qua sông
Lấy lối cho tầu chạy.

Những người hôm nay cầm máy
Hôm qua còn vác cày
Phí bỏ hai bàn tay
Trong nhà thằng địa chủ
Mọi thứ còn bỡ ngỡ
Trên công trường thành thợ
Dắt máy như dắt trâu
Lửa điện lóe trên đầu
Ánh những bàn tay giải phóng

Đời dân ta mỗi ngày mỗi lớn
Bước đi từng bước khổng lồ,
Đem những giấc mơ
Biến thành sự thực
Thành bù loong đinh ốc
Gá lắp lại cuộc đời.

Thực dân làm mười hai năm
Ta hoàn thành trong bốn tháng
Mỗi ngày thi đua cách mạng
Bằng mấy chục ngày thường
Ta nắm cổ thời gian
Quất cho phi nước đại.
Kéo ngày mai gần lại
Thúc vào lưng cuộc đời
Mở máy đến chân trời cộng sản

Tiếng còi rúc gọi trong ánh sáng
Mời tất cả lên tầu.

2. 1956

(Giai phẩm mùa Xuân 1956)     
     

 

Ý kiến - Thảo luận

22:19 Friday,16.8.2013 Đăng bởi:  admin

Dạ, Liên cứ share bài đi. Cảm ơn Liên nhiều.


...xem tiếp
22:19 Friday,16.8.2013 Đăng bởi:  admin

Dạ, Liên cứ share bài đi. Cảm ơn Liên nhiều.

 
22:16 Friday,16.8.2013 Đăng bởi:  Đào Phương Liên
Mong được chia sẻ bài viết của Soi về nhà thơ Lê Đạt trên FB. Cảm ơn.
...xem tiếp
22:16 Friday,16.8.2013 Đăng bởi:  Đào Phương Liên
Mong được chia sẻ bài viết của Soi về nhà thơ Lê Đạt trên FB. Cảm ơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả