Soi học

Lịch sử Hoàng gia Anh: Vua Anh cũng giết nhau như vua Tàu 15. 09. 13 - 7:15 am

Pha Lê

Chủ nhật học sử tiếp nhé…

Sau khi Vua Edmund I “cừ khôi” bị ám sát, xứ sương mù ra sao?

Anh em, con cái của Edmund lần lượt nối ngôi. Đầu tiên là vua Edred (em trai Edmund) rồi tới vua Edwy (con trai Edmund); hai ông này chả có gì đặc biệt lắm. Điều đáng kể duy nhất là Edwyn – giống với đa số vua Anh – làm Giáo hội phát khùng vì ông lén cưới con gái của bà mẹ kế (bất chấp sự phản đối của nhà thờ). Edwy chết trẻ, và em trai của ông – vua Edgar – lên thay anh.

Tác phẩm kính màu “Thánh Dunstan cứu Edwy khỏi địa ngục”. Vua Edwy là người đội vương miện đang chìa tay ra cho Thánh. Tác phẩm này ám chỉ việc Edwy lén cưới con gái của mẹ kế nên bị đày xuống địa ngục, phải chờ cho tới lúc Thánh Dunstan cưu mang

 Edgar, nói cho công bằng, cũng không đặc biệt lắm nếu xét về trí tuệ hay tài cầm quân, nhưng Edgar có công xoa dịu mối rạn nứt giữa Giáo hội và vua Anh (“di chứng” từ thời Edwyn), ông cũng là người “viết công thức” cho Lễ Đăng quang của Vua và Nữ hoàng Anh sau này. 

Tranh vẽ minh họa “Vua Edgar và Chúa” của một cuốn sách không rõ tên, chỉ biết là cuốn này nằm ở Đại học Cambridge.

 

Trước thời Edgar, vua Anh khi lên ngôi chỉ tuyên hệ rồi ngồi chờ nhà thờ phong chức phong tước, nhìn chung thì không “hoành tráng”. Edgar nghĩ ra cái lệ “đội vương miện”, cầm trịch cầm trượng này kia. Về sau, Vua lẫn Nữ hoàng Anh khi đăng quang sẽ vào nhà thờ, Tổng giám mục sẽ đội vương miện cho Vua/Nữ hoàng. Vua ngồi chễm chệ, với quả cầu (tượng trưng cho đức tin) cùng cây trượng (tượng trưng cho quyền lực) trên tay, oách vô cùng. 

Tranh vẽ Vua Edgar vào khoảng thế kỷ 13, tả rõ việc Vua khi lên ngôi sẽ được Tổng giám mục đội vương miện.

 

Bức kính màu tả lại chân dung Vua Edgar ở nhà thờ của Trường All Souls (thuộc Đại học Cambridge). Một tay Edgar cầm quả cầu, tay kia cầm cây trượng.

 

Hình chụp Nữ hoàng Elizabeth II hôm Đăng quang năm 1956, tay bà cũng ôm mấy món tiền bối Edgar từng ôm. Thế mới biết, một số luật của xứ sương mù từ năm chín trăm mấy tới giờ… vẫn vậy.

 

Nói chung Edgar không xấu, nhưng giống ông anh Ewyn, Edgar hơi chán trong vụ… cưới vợ.

Vợ đầu của Edgar – nữ quý tộc Ethelfleda – là người tốt. Bà hạ sinh Thái tử Edward, nhưng Elthelfleda mất sớm (có tài liệu ghi rằng Ethelfleda không phải vợ đầu, các sử gia vẫn còn đang cãi nhau chuyện này, nhưng Edward là con cả, nên cứ theo giả thuyết Ethelfleda làm vợ đầu). Edgar cưới vợ thứ hai – nữ quý tộc Elfrida. Bà này thì nham hiểm kinh khủng. Bà sinh Hoàng tử Ethelred. Lúc Edgar mất, Edward nối ngôi cha, trở thành vua Edward. Elfrida bực tức vô cùng khi thấy thằng con của mình không ngồi trên ngai vàng.

Vua Edward không hề ghét đứa em cùng cha khác mẹ, ông tặng hai mẹ con lâu đài để ở, và lui tới thăm hỏi thường xuyên. Edward chẳng nghi ngờ gì mẹ kế, nên trong một lần tới thăm em, ông bị Elfrida sát hại.

Bức chân dung kính màu của Vua Edward, vì lên ngôi chẳng bao lâu là bị mẹ kế ám sát nên trông Edward rất trẻ.

Edward mộ đạo (hơn mấy ông Vua Anh khác), rồi chết thảm, nên nhà thờ phong Thánh cho Edward, người đời gọi ông là “Thánh tử vì đạo Edward” (Saint Edward the Martyr). Có cái này tôi thắc mắc mãi: “Cậu cả Edward” lý ra phải là Edward I, còn ‘Edward Tử vì đạo’ là Edward II. Nhưng Hoàng gia Anh không ghi chép thế, Edward I và Edward II là vào thời mãi sau này. Mấy “Edward của những năm 900” không có đệ nhất đệ nhị, họ được chắc đến kèm theo “biệt danh”, tức chỉ là “Edward the Elder” và “Edward the Martyr” thôi. Ai biết thêm về vụ này xin chỉ giáo. 

Kính màu của nhà thờ Wimborne Minster, Anh quốc. Tác phẩm tả lại cảnh Edward bị ám sát. Ông Vua cưỡi ngựa đến thăm đứa em, nhưng bà mẹ kế ác độc cho người mai phục, đâm lén Edward từ sau lưng.

 

Tác phẩm điêu khắc gỗ “Vụ ám sát vua Edward”, Robert Carpenter, 1810.

 

Nơi nào đây? Chính là lâu đài Corfe – chỗ ở của hai mẹ con Elfrida, cũng là nơi Edward bị ám sát. Vào thời này thì lâu đài chỉ còn sót lại bấy nhiêu thôi, nhưng từ năm 900 tới giờ mà vẫn còn chừng đó gạch là hay lắm rồi.

 

Edward tử vì đạo, ông em cùng cha khác mẹ Ethelred lên ngôi theo đúng ý “mụ” Elfrida. Nhưng Ethelred có làm nên trò trống gì không? Nước Anh sắp có đánh nhau, có Vua “ngoài quốc tịch”, và (theo một số tài liệu) ông vua “mê dzai” đầu tiên. Chờ kỳ sau nhé! 

 

*

Về hoàng gia Anh:

- Nhóc 12 tuổi là thành viên chính thức của Hội Ảnh Hoàng gia

- Ai sẽ vẽ chân dung hoàng gia cho Kate Middleton? ARTINFO đề xuất 5 ứng viên

- Philip Treacy: mũ kiểu cọ cho
hoàng gia

- Một tuần săn tin em bé Hoàng Gia

- Lịch sử Hoàng Gia Anh: Có người La Mã, có Bê Đê, trước khi có vua

- Lịch sử Hoàng gia Anh: nhiều ông ‘chấm mút’ để có một ông vĩ đại

- Lịch sử Hoàng gia Anh: sau “vĩ đại” là “cừ khôi”

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Vua Anh cũng giết nhau như vua Tàu

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Vua thú tội gì?

- Lịch sử Hoàng gia Anh: Con hoang thì được làm vua

Ý kiến - Thảo luận

7:08 Thursday,19.9.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Hi Pha Lê,
Đang háo hức chờ kỳ tiếp theo đây!
...xem tiếp
7:08 Thursday,19.9.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hoàng Nghĩa
Hi Pha Lê,
Đang háo hức chờ kỳ tiếp theo đây! 
17:25 Wednesday,18.9.2013 Đăng bởi:  Nina
Cũng có thể là do người Trung Quốc (và Việt Nam) có tục kỵ húy - không được nhắc đến tên và những gì dính dáng đến các vị vua chúa. Còn châu Âu thì lại thích đặt tên con trùng với cha, ông, chú bác - để tỏ lòng yêu quý và để đứa cháu
...xem tiếp
17:25 Wednesday,18.9.2013 Đăng bởi:  Nina
Cũng có thể là do người Trung Quốc (và Việt Nam) có tục kỵ húy - không được nhắc đến tên và những gì dính dáng đến các vị vua chúa. Còn châu Âu thì lại thích đặt tên con trùng với cha, ông, chú bác - để tỏ lòng yêu quý và để đứa cháu này lớn lên cũng vĩ đại, hiển hách như cha ông chú bác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả