Thị trường

Tình hình phòng vé phim Việt: Hay là cứ mặc kệ? 31. 08. 13 - 6:56 am

Thiên Lương

.

Ngành điện ảnh hiện đại, dù có tô vẽ bằng những lớp ánh sáng lóng lánh mỹ miều nào chăng nữa, về bản chất vẫn là sản xuất ra các sản phẩm thương mại hướng đến người dùng cuối. Đặc thù của ngành này là không thể làm một mình được, phải cần đến hàng trăm người, từ hạng bét như bà nấu bếp, anh chạy dây, cho đến chuyên gia cao cấp như quay phim, ánh sáng,… chi phí thiết bị phục vụ cho nó cũng không hề nhỏ, vì vậy chi phí sản xuất trung bình cho một tác phẩm điện ảnh chỉ có ngày càng tăng và tăng chứ không thể giảm được; nếu muốn làm nghệ thuật theo ý mình, có lẽ nên chọn nghề họa sỹ, nhà văn, nhạc sỹ,… chứ đừng hy vọng làm phim theo ý mình. Chi phí làm một bộ phim dù rẻ tiền như phim Việt, hiện nay cũng đã lên trên mức chục tỷ. Có những bộ phim đã tốn đến vài chục tỷ mà còn chưa đến đâu. Vậy đứng về góc độ kinh doanh, thì liệu có cách nào để phim Việt có lãi được hay không? Thử nhìn nhận nó dưới con mắt lạnh lùng và chi tiết của những con số kế toán xem sao!

Hiện nay “thời gian sống” của một bộ phim ngày càng bị rút ngắn, ngày xưa Hàm Cá Mập được chiếu ròng rã cả năm, bây giờ thì hãy quên chuyện đó đi, phim nào cũng chỉ sống được vài tuần ngoài rạp, thậm chí vài ngày! Phim Việt cũng không tránh được sự cạnh tranh khốc liệt đến như thế. Đường Đua ngắc ngoải sau 1 tuần công chiếu và chết hẳn sau 2 tuần. Lửa Phật sau 1 tuần cũng bắt đầu đuối, các rạp đang cắt suất xuống còn một nửa so với ngày đầu, ngoại trừ BHD cắn răng nai lưng gánh đứa con rứt ruột đẻ đau của mình bằng cách ra sức chiếu hàng chục suất ở hai cụm rạp nhỏ nhoi của mình bất chấp đa số suất chiếu của họ chỉ còn dưới 10 khách, và có những suất chẳng có một bóng người. Các phim Việt gần đây cũng không có phim nào lê lết được đến hết tuần thứ ba. Vậy, trong một hay hai tuần chiếu đó, phim Việt phải làm sao để thu đủ bù chi?

.

 Hãy tính thế này. Một phim được ủng hộ mạnh mẽ từ giới trong nghề và các cụm rạp như Lửa Phật sẽ có được khoảng 140 suất chiếu tại TP HCM và khoảng 60 suất trong các thành phố còn lại của Việt Nam (chỉ có kẻ hoang tưởng mới mơ đem phim Việt đi chiếu ở nước ngoài). Doanh thu phim Việt chủ yếu nằm ở TP HCM, chiếm đến 85% tổng doanh thu, do đó chúng ta xem xét chủ yếu ở thị trường TP HCM. Với 140 suất chiếu, tổng số ghế sẽ nằm ở mức 20 đến 25 ngàn ghế (có rạp dưới 100 ghế, có rạp hơn 200 ghế, tính trung bình vào khoảng 150 ghế). Trừ các suất chiếu ban ngày và đêm khuya, trừ các rạp luôn có truyền thống vắng khách, bất kể phim gì, thì thực sự số ghế có thể bán được tối đa chỉ vào khoảng 12 ngàn. Như vậy thì về mặt lý thuyết, khả năng bán được tối đa của một phim Việt sẽ chỉ là 84 ngàn vé trong tuần đầu tiên, với tổng doanh thu ước tính là 6 tỷ (giá vé từ 50 ngàn ở Galaxy cho đến 105 ngàn ở Megastar). Đến tuần thứ hai thì chắc chắn doanh thu sẽ giảm mạnh, và như vậy thì khả năng thu được 10 tỷ của một phim Việt trong giai đoạn không-phải-Tết-Ta chỉ ở con số tối đa là 10 tỷ. Không có cách gì hơn được nữa.

Thực tế các phim Việt gần đây, trong năm 2013 này, đều thu rất thấp, Đường Đua chốt sổ 1.3 tỷ; Lửa Phật đến 30. 8 cũng mới tròm trèm 4 tỷ, và cũng khó qua được con số 5 tỷ chốt sổ. (Những con số này được lấy từ các nguồn tin cậy từ Megastar và Galaxy cũng như BHD). Người thường có thể thấy sốc với các con số doanh thu thảm hại này, nhưng với người có kinh nghiệm thương trường, thì nó vô cùng hợp lý (thậm chí còn cao hơn tính toán!).

Con số 10 tỷ doanh thu kỳ vọng này sau khi trừ thuế VAT, trừ 50%-65% cho phòng vé, trừ 15% cho nhà phát hành, thì đến tay nhà làm phim chỉ còn đâu đó khoảng 4 tỷ. Điều này nói lên rằng, để làm phim Việt hòa vốn, thì chỉ có cách là làm phim với chi phí dưới 4 tỷ. Làm phim trên 4 tỷ bao nhiêu thì rủi ro lỗ cao bấy nhiêu! Tuy nhiên phim mà làm dưới 4 tỷ thì có lẽ sẽ không có ai thu xếp cho 140 suất chiếu hàng ngày tại TP HCM như Lửa Phật. Lại là bài toán quả trứng có trước hay con gà có trước!

.

Vậy có lối thoát nào cho phim Việt hay không? Suất chiếu rất khó tăng, do áp lực kinh khủng từ phim nước ngoài, thời gian sống khó kéo dài, do các rạp nhập phim ngày càng nhiều, tuần nào cũng có 4-10 phim mới, rạp không thể vì phim Việt mà hy sinh quyền lợi của họ, do chi phí nuôi rạp quá khổng lồ. Giá vé khó tăng, vì nếu làm 3D thì bán được vé cao, nhưng chi phí làm phim cũng quá lớn. Ngoài dịp Tết là thời gian giá vé tăng 20% so với ngày thường, suất chiếu có người xem tăng, do khán giả rảnh rỗi, và cũng do thời gian đó Mỹ ít có phim hay, thì còn cơ hội nào cho phim Việt trong thời gian trong năm hay không?

Tất nhiên nhà sản xuất phim có thể xoay thêm chút kinh phí từ các hãng tài trợ, nhưng với những con số như phân tích ở trên, thì tài trợ cũng không giúp gì được nhiều, chưa kể quảng cáo quá lộ liễu cũng làm mất khách kinh khủng. Phải chăng đã đến lúc các nhà làm phim Việt nên có một hiệp hội, chia sẻ rủi ro cho nhau, bàn tính phân chia thị trường, tránh việc tranh giành một miếng bánh quá nhỏ. Nếu dàn xếp được vụ Tết chỉ có 3 phim Việt thì có lẽ phim nào cũng có ăn, nếu dàn xếp được trong năm mỗi tháng chỉ chiếu nhiều nhất một phim Việt, thì cũng đỡ lỗ hơn chăng?

Cũng có thể đây chỉ là góc nhìn của một người nặng về tiền bạc, còn với các nghệ sỹ, những người chỉ cần được tham gia vào đoàn làm phim, đứng bên cạnh các “ngôi sao”, cũng đã là một hạnh phúc vô cùng to lớn, thì không nói được. Vậy thì các bạn hãy cứ làm phim, cho đến khi còn tìm được nhà tài trợ, và việc quái gì phải lo lắng đến đám khán giả ngoài kia! Cứ coi như toàn bộ doanh thu phòng vé dù có thế nào chăng nữa cũng đã là thắng lợi, cho nó thoải mái tinh thần!

*

(Hí họa trong bài là từ Internet)

Ý kiến - Thảo luận

18:51 Wednesday,4.9.2013 Đăng bởi:  Lan Chi
Tôi nghĩ Lửa Phật chỉ có 3 đối tượng khán giả chính: 1. Khách của hãng rượu tài trợ; 2. Người nhà của BHD; 3. Fans của Ngô Thanh Vân và Thái Hòa. Tuy nhiên, đối tượng 1 thì cũng ít, đi hết mấy ngày đầu rồi; đối tượng 2 cũng ít mà lại còn đi vé mời. Tưởng đối tư
...xem tiếp
18:51 Wednesday,4.9.2013 Đăng bởi:  Lan Chi
Tôi nghĩ Lửa Phật chỉ có 3 đối tượng khán giả chính: 1. Khách của hãng rượu tài trợ; 2. Người nhà của BHD; 3. Fans của Ngô Thanh Vân và Thái Hòa. Tuy nhiên, đối tượng 1 thì cũng ít, đi hết mấy ngày đầu rồi; đối tượng 2 cũng ít mà lại còn đi vé mời. Tưởng đối tượng 3 đông, ai dè cũng vắng. Phải chăng khách đã quá chán mấy chiêu trò PR của showbiz Việt?  
17:37 Monday,2.9.2013 Đăng bởi:  Nhung
Phim Mỹ cũng không dễ hòa vốn đâu, nhiều phim không tệ mà thu về vài chục ngàn đô doanh thu phòng vé à, nói cho cùng thì ngành điện ảnh rủi ro phá sản rất cao, nên các phim Việt đạt doanh thu vài chục ngàn đô la như Đường Đua cho đến hai ba trăm ngàn đô như Lửa Ph
...xem tiếp
17:37 Monday,2.9.2013 Đăng bởi:  Nhung
Phim Mỹ cũng không dễ hòa vốn đâu, nhiều phim không tệ mà thu về vài chục ngàn đô doanh thu phòng vé à, nói cho cùng thì ngành điện ảnh rủi ro phá sản rất cao, nên các phim Việt đạt doanh thu vài chục ngàn đô la như Đường Đua cho đến hai ba trăm ngàn đô như Lửa Phật vẫn là thành công nhất định, chỉ tiếc là đầu tư đúng người thì sẽ giúp cho phim thú vị hơn, kéo khán giả đến rạp cho mình và cho phim Việt khác. Tôi để ý thấy sau khi Bụi Đời Chợ Lớn bị tung lên mạng và khán giả thấy nó quá dở, thì sau đó mấy phim Việt đều thất thu nặng. Do tâm lý khán giả quá sợ phim Việt chăng.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả