Chính trị

Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa 12. 01. 23 - 11:35 pm

Sáng Ánh

Équatorial Guinéa (hay Guinéa Xích đạo) là một nước tí hon thuộc Tây Ban Nha nằm ngay ‘nách’ của Phi châu trong vịnh Guinéa, giữa Nigeria thuộc Anh, Cameroon thuộc Đức, và Gabon thuộc Pháp. Nó gồm một hòn đảo là Bioko nơi đặt thủ đô Malabo và một phần trên lục địa vây bởi rừng già. Khí hậu ẩm ướt và bệnh tật khiến trong thế kỷ 19 lãnh thổ tí hon này (26.000 km2, gấp hai tỉnh Đắk Lắk) được mệnh danh là “Phòng đợi của Thần chết” và chẳng ai ngó ngàng đến.

Équatorial Guinéa

Năm 1839 Tây Ban Nha gạ bán cho Anh giá 60.000 Bảng (15.000 cây vàng). Anh lắc đầu. Năm 1903 lại gạ Đức. Đức không trả lời, và Pháp cũng không mua nhưng lấn tí đất trên phần lục đia không phải trả tiền thì cứ lấn. Kinh tế tại đó chỉ có trồng cacao mùa thất mùa đắc. Năm 1968 khi độc lập, dân số là 400.000 (ngày nay 1,6 triệu) trong đó có nhiều người lao động nhập cư từ Nigeria. Những năm đầu khốn khó đến nỗi một đại sứ Mỹ có câu đùa là thấy ai đi mà khập khiễng cả 2 chân thì đó là người Équatorial Guinéa !

Francisco Macias và thú vui giết người

Francisco Macias là tổng thống đầu tiên sau 200 năm đô hộ. Ông là một công chức thuộc địa tầm trung và tại vị trong 11 năm cho đến 1979, lúc cuối đời có thể mang bệnh tâm thần nặng. Ông cấm dùng từ “trí thức” và giết vô số người, kiểu như 2/3 đại biểu quốc hội và đa số bộ trưởng nội các, khiến khoảng 1/4 dân số bỏ nước ra đi. Giáng sinh năm 1975, tại sân vận động quốc gia quần chúng được mời đến xem xử tử tập thể 150 người đối lập. Nhạc phát là bài “Those were the days, my friend” của Mary Hopkins và đội hành quyết mặc đồ ông già Noel màu đỏ! Cháu ruột của tổng thống là Teodoro Obiang Macias chỉ huy an ninh quốc gia bèn đảo chánh năm 1979 khi thấy chính mình bị đe dọa mạng sống.

Francisco Macias bỏ chạy trốn trong rừng mang theo 60 triệu hay 150 triệu USD là toàn thể dự trữ quốc gia nhưng căn chòi gỗ ông giấu tiền bị bắn cháy và sau cùng khi bị bắt ông chỉ còn có một cái cặp bạc và một người cận vệ. Ông lãnh án 101 lần tử hình vì bọn trí thức nó biết đếm trên 100 và nó thù dai. Ông bị hành quyết bởi biệt đội Phủ tổng thống người Ma-rốc vì người Équatorial Guinéa nghe đâu rất sợ ông có phép báo thù từ thế giới bên kia. Thật ra ông đâu có bùa mê gì, vì trước khi ông bị lật vợ ông đã bỏ ông đi đâu mất. Khi ra pháp trường, Francisco Macias được kể là bình tĩnh và trang nghiêm, không thấy nói là ông đòi để nhạc bài gì.

Tổng thống Macias trước tòa năm 1979 khi ông lãnh 101 án tử hình. Ảnh từ trang này 

Gia tộc Obiang Macias tắm trong dầu

Cuộc sống tại Équatorial Guinéa có lẽ vẫn êm đềm thôi với dân chúng không có việc, đói khát đi lang thang nhặt rau nhặt củ. Nhưng trong thập niên 90 Équatorial Guinéa gặp phải lời nguyền của dầu hỏa và mở cửa cho công ty Mỹ Exxon Mobil vào khai thác. Équatorial Guinéa trở thành nước thứ ba sản xuất dầu khí tại Phi châu sau Angola và Nigeria. Tổng sản lượng quốc gia từ 1995 tăng vụt liên tục +40% đến +60% mỗi năm và số dầu lửa bán tính theo đầu người cao hơn cả Saudi! Équatorial Guinéa đúng ra có thể theo con đường các tiểu quốc dầu hỏa Trung Đông hay Brunei ở Đông Á đã vạch trước. Đó là một chế độ gia đình trị quân chủ hay cha truyền con nối chuyên chế quanh năm tắm bằng dầu; người dân ngược lại được chia phần phúc lợi, thí dụ như ở Qatar hay Lybia lập gia đình là chính quyền giúp mua nhà, y tế tốt và giáo dục cao cấp đều miễn phí, lau chùi hay dọn dẹp thì có lao động tay chân nước ngoài; không ai phải đói và đèn bật sáng chói như là UAE hay Kuwait, Oman.

Thế thì cũng được đi, nhưng Équatorial Guinéa lại không như vậy. Tầng lớp thống trị là gia đình Obiang Macias lấy hết nguồn lợi từ tài nguyên. Quỹ giáo dục quốc gia có tỷ lệ thấp nhất thế giới, năm 2005 là 14 triệu USD tí hon. Con trai cả của tổng thống là Teodorin năm đó mua một căn hộ ở Nam Phi giá 3 triệu với 2 xe Bentley và một xe Maserati. Đối với các công ty nước ngoài thì gia đình này lại dại, như thành ngữ “khôn nhà dại chợ”. Dầu hỏa khai thác ngay bên kia biên giới là Gabon được công ty Total (Pháp) trả cho 8 USD/thùng thì bên này ở tại Équatorial Guinéa công ty Exxon (Mỹ) trả cho có 3 USD! Chống “trí thức” thì nó như vậy. Độc tài gia đình trị thì phải biết đếm chứ không thì Tây nó lừa!

Obiang cha, một trong những lãnh tụ lâu đời nhất thế giới, cầm quyền từ 43 năm nay (1979). Ảnh từ trang này

Cho đến năm 2000 không ai biết Équatorial Guinéa ở đâu, nhưng tại Thế vận hội Sydney, trong bộ môn bơi lội, Eric Moussambani đoạt kỷ lục 100m (nam) chậm nhất thế giới và Paula Barila Bolopa đoạt kỷ lục 50m (nữ) cũng chậm nhất thế giới. Cả hai đều là người Équatorial Guinéa. Paula 8 tháng trước đó chưa hề biết lội và Eric thì cho hay: trong cuộc thi này anh xém nữa chết chìm ở 15 mét chót! Chuyện vui này lấp liếm một thực tế là không có một hạt thóc nào lọt sàng xuống nia được. Tuyệt đại đa số dân chúng Équatorial Guinéa , tức là 94,3% (2007), ở dưới mức nghèo khó được quy định của thế giới, trong khi GDP PPP bình quân của Équatorial Guinéa (2008) là 33.261 USD so với cựu mẫu quốc Tây Ban Nha cùng năm là 33.263 USD (World Bank).

Cuộc đảo chánh của địch thủ lưu vong Severo Moto

Tổng thống Obiang năm 2004 được để ý đến ở nước ngoài vì có chiến dịch PR nói xấu. Thật nhiều hơn giả hay giả nhiều hơn thật, ông được cho là ăn thịt người để làm bùa phép gì đó! Chuyện lãnh tụ Phi châu ăn thịt người là chuyện truyền thông Tây phương rất thích nói đến tuy không có bằng chứng như trước kia Bokassa Trung Phi hay Idi Amin của Uganda. Địch thủ của Obiang và lưu vong tại Tây Ban Nha là Severo Moto kể chuyện Obiang ăn bộ óc và bộ ngọc hoàn của một lãnh đạo cảnh sát và chỉ đợi Moto về nước để xực luôn bộ ngọc hoàn của ông này. Moto và Obiang thủa trẻ có lúc cùng theo đuổi một thiếu nữ. Lại có tin là ai mà lọt mắt của Obiang thì ông cho giết hết những người tình cũ của giai nhân đó và cắt luôn, có nghĩa là cô đã lỡ hôn rồi thì tôi phải xào tỏi. Chuyện kẻ hôn người xẻo này – Em đã hôn rồi sao tôi còn cắn – không biết được, nhưng điều chắc chắn là có hàng ngàn người bị thủ tiêu vì lý do chống đối. Phần Severo tung tin vào thời điểm đó để gợi chú ý là vì nhà lãnh tụ đối lập này có một kế hoạch.

Vào tháng 3. 2004, một chuyến Boeing 727 chở 70 người đáp xuống phi trường Harare, Zimbabwe. Phần lớn đám này thuộc tiểu đoàn “Trâu” 32 lừng lãy của Nam Phi trước và từng đánh thuê đây kia. Chỉ huy tốp này là Simon Mann, quí tộc Anh lắm tiền và tiên phong trong lãnh vực PMC (Private Military Company, Công ty Quân sự Tư nhân). Họ xuống đây để được giao cho súng ống trên đường sang Équatorial Guinéa lật đổ chế độ Obiang. Có 14 người tiền sát đã ở Équatorial Guinéa sẵn và một chuyên cơ khác đợi mang Moto về nước lên ngôi.

Đây là một chuyến buôn tổng thống đường dài chứ không phải là chuyện đánh thuê chém mướn. Moto đã ký‎ sẵn hợp đồng sang nhượng quyền khai thác tài nguyên này nọ với Mann và nhóm chủ mưu này nghĩ là được sự chấp thuận ngầm của các thế lực khu vực và quốc tế. Nhưng họ đã nhầm tai hại. Tại Harare họ bị Zimbabwe bắt giữ. Toàn bộ nhóm tiền sát tại Équatorial Guinéa cũng bị bắt luôn.

Thế là bắt về tội gì? Thử tưởng tượng đây là nước Mỹ thì nhóm 86 người này toan đột nhập thủ đô Washington DC, chiếm Nhà Trắng và giết tổng thống Hoa Kỳ cùng với toàn bộ nội các, Lầu Năm góc và các tướng lãnh, các cơ quan an ninh tình báo như FBI, CIA và các lãnh đạo. Hoa Kỳ gọi đó là tội khủng bố và bất cứ ai trên thế giới bị tình nghi về tội danh này đều có thể bị họ bắt cóc và giam giữ hoặc kín ở nơi nào đó bí mật hoặc mang về nhốt tại Guantanamo vô thời hạn và không xét xử. Tại Nam Phi họ vi phạm tội đánh thuê bị cấm đoán, và Zimbabwe truy tố họ về tội nhập cảnh bất hợp pháp và mua võ khí với giấy phép giả mạo.

Trong chuyện đảo chánh thuê này phát hiện thêm một nhà đầu tư đang sống tại Nam Phi và đổ tiền vào dự án lật đổ là Mark Thatcher. Ông là con trai của Người đàn bà Thép – cựu thủ tướng Anh Thatcher, mang biệt danh “Mày chuyên làm khổ mẹ” do cô em hay chị sinh đôi của ông đặt.

Obiang phụ sinh Obiang tử

Chuyện đảo chánh hụt dùng lính đánh thuê nước ngoài này đã biến tổng thống Obiang từ ngáo ộp ăn tươi ngọc hoàn trở thành nạn nhân. Équatorial Guinéa trở thành một nền dân chủ “lung lay” bị đe dọa! Chủ tịch World Bank Paul Wolfowitz (và thày dùi của Tổng thống Bush con trong chiến tranh Iraq) vào tháng 6.2005 phát biểu “Tôi rất ấn tượng về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Obiang và khả năng lãnh đạo của chính quyền ông” Tháng 4.2006 Obiang sang thăm Mỹ và ngoại trưởng Rice gọi ông là “Người bạn tốt”. Nhưng tiếng đẹp tốn tiền triệu PR quảng cáo này không được bao lâu.

Trong năm ấy, một nhà sản xuất nhạc Rap ở Nam California mua một biệt thự ở bờ biển Malibu giá 31 triệu, có hồ bơi, sân tennis và nước nóng nước lạnh với phòng ngủ chính rộng 450 m2. Nhà sản xuất này ngoài việc giao du với ca sĩ Eve còn phải làm thêm chức bộ trưởng nông nghiệp của Équatorial Guinéa với số lương 3.200 USD/tháng. Cậu tên là Teodorin Obiang và là con của tổng thống Équatorial Guinéa. Cậu cả Obiang là người có hai tay và dùng cả hai tay để vung vảy tiêu tiền.

Biệt thư mua 31 triệu USD của Obiang con ở Malibu và năm 2017 bán lại 67 triệu cho vợ chồng công ty Hong Kong Vitasoy (sữa đậu nành). Ảnh ở đây 

Sau 11.9 Hoa Kỳ xiết chặt lại việc kiểm soát chuyển tiền qua lại trên thế giới. Osama bin Laden vô tình mà làm hại Teodorin Obiang. Điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ về ngân hàng nhân dịp đó mà phát hiện ra Teodorin lỡ tiêu 315 triệu USD có nguồn gốc mập mờ. Cậu nhận phạt và hứa sẽ cho các tổ chức từ thiện giúp Équatorial Guinéa 31 triệu USD nhưng đến nay chưa thấy góp 1 đồng nào. Biệt thự nói trên bỏ đó và 2017 được một công ty địa ốc tân trang, bán giá 66 triệu USD. Nào đã là gì : tại Pháp năm 2017, Teodorin bị chính quyền Pháp xiết một căn hộ 115 triệu và 17 chiếc xe con. Năm 2018, cậu dùng chuyên cơ sang chơi Brazil bị hải quan xét hành lý tìm thấy 1,4 triệu tiền mặt và 20 cái đồng hồ trị giá 15 triệu. Hẳn là đồng hồ Thụy Sĩ. Năm 2019, Thụy Sĩ phạt cậu 1,5 triệu và xiết 25 xe con bán đấu giá được 25 triệu USD. Khổ chưa, nhưng an ủi là bầu cử 2016, bố cậu là ứng viên tổng thống và cậu là ứng viên đệ nhất phó tổng thống trúng cử vẻ vang hai bố con ta là 93.53% số phiếu.

Teodorin Obiang – Obiang con đi tới đâu bị xiết của tới đó. Ảnh ở đây 

Đời sống của dân chúng có chút cải thiện. Nếu mức nghèo khó như đã kể, năm 2007 là 94,3% thì năm 2018 chỉ còn có 89,8%. Thôi thì họ cũng đỡ khổ tí tị trong khi cậu Teodorin mất nào nhà nào xe và mất cả đồng hồ đeo tay. Lãnh tụ đối lập Severo Moto vẫn còn nguyên bộ ngọc hoàn chưa bị ai ăn mất và tiếp tục cuộc đời lưu vong kỳ bí. Năm 2005, Moto biến mất tại Croatia và bị nghi ngờ là tổ chức một cuộc đảo chánh khác. Khi xuất hiện trở lại ông kể là bị nhóm giết mướn Croatia bắt cóc mang lên du thuyền để thủ tiêu với giá 10 triệu. Nhưng vì không thấy Obiang trả tiền nên họ chưa giết vội. Khi biết Moto từng là tu sĩ mà họ thì là người công giáo nên giết mướn Croatia thả ông ra! Đến 2008 Moto còn dây dưa tại Tây Ban Nha vào một chuyện buôn súng.

Đảo chánh hậu chuyện

Trong vụ đảo chánh 2004, chỉ huy Simon Mann ở tù tại Zimbabwe 3 năm và bị trục xuất sang Équatorial Guinéa ở tù thêm 2 năm trước khi được ân xá.

Cựu đại úy biệt kích SAS Simon Mann (đeo kính) bị bắt giam tại Zimbabwe. Ảnh từ trang này 

Mark Thatcher “Mày chuyên làm khổ mẹ” tại Nam Phi lãnh án treo 4 năm và 450.000 USD tiền phạt nhưng vì có án nên Monaco là tiểu quốc của nhà giàu tước của ông quyền cư trú. Vì có án và là tội phạm nên Mark không được sang Mỹ sống với gia đình. Anh con ai kệ anh nhưng anh không có thẻ xanh nên vợ anh xin ly dị. Không biết vợ bỏ thì có mừng không nhưng Mark bất mãn vì “Thế thì 6.800 người Nam Phi làm lính đánh thuê cho Mỹ ở Iraq thì có ai phạt không?” Lên 52 tuổi và tài sản ước tính 80 triệu USD, Mark Thatcher mới phát hiện ra là cuộc sống đầy rẫy những bất công.

Mark Thatcher với bố mẹ ở Mỹ năm 1982. Ông được mẹ ông mời đi làm ăn nơi khác ngoài Anh quốc để khbaf khỏi bị lụy tai tiếng tuy nhiên khi ông bị bắt tại Nam Phi thì mẹ đóng tiền thế chân cho tại ngoại hầu tra. Ảnh ở đây

61 lính đánh thuê da đen ở tù Zimbabwe 14 tháng. Hậu cứ cũ của tiểu đoàn “Trâu” 32 tại Pomfret sau đó bị phá bỏ vì vấn đề chất độc abestos nên anh em tiểu đoàn này phân tán bốn phương trời. Nhưng cảm động nhất là tình huynh đệ chi binh. Tháng 5.2005, một người Nam Phi gốc Angola mang tên Apollo Naria đến thủ đô Équatorial Guinéa. Anh khai ở cửa khẩu là muốn đến nhà tù khét tiếng “Bãi Đen” để thăm bạn cũ.

Thế anh là gì?

Tôi là cựu quân nhân Tiểu đoàn “Trâu” 32 Nam Phi, trước mang lon trung úy.

An ninh Équatorial Guinéa nghi ngờ anh này là trinh sát sang dò xét việc giải thoát tù binh nên bèn bắt ngay, và muốn đi thăm thì nào cho mày đi thăm luôn. Đến 2006 thì không ai rõ số phận của trung úy còn thương bạn cũ này ra sao.

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả