Chính trị

Một cuộc đánh chiếm Quốc hội thành công: chiến dịch “Chuồng heo” 18. 01. 21 - 8:17 pm

Sáng Ánh

Nhân cuộc bạo loạn tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6. 1. 2021, xin nhắc lại một đánh chiếm tương tự nhưng… thành công, 42 năm về trước tại Nicaragua. Nó có một cái tên chính thức rất kêu nhưng người chỉ huy cuộc đánh chiếm này, vì coi các đại biểu là lợn cả nên gọi đó là “Operacion Chinchera”, chiến dịch chuồng heo, và tên này mới là tên được nhớ đến.


Toán đặc công đánh Quốc hội trước giờ ra quân, ngồi dựa cột là Eden Pastora, bên trái của ông là Dora Maria, bên phải là Hugo Torres, ảnh ở đây 

Vào lúc 12h15, 22.8.1978, cánh cửa của “Buồng Xanh”, tức là phòng họp của Quốc hội Nicaragua, bật mở khi cuộc họp mới bắt đầu được nửa tiếng. một tốp quân nhân mang sắc phục của Trung tâm huấn luyện Vệ binh (EEBI) ập vào, nai nịt và võ trang lẻng kẻng. Họ nổ một loạt súng lên trần để thị uy và chỉ huy là một trung niên hô lớn : “Vệ binh đây! Mọi người nằm xuống!” 49 đại biểu có mặt tuân lệnh và đại biểu Luis Pallais là anh em họ của tổng thống Anastasio Somoza nghĩ thầm, quân đội đảo chánh rồi!

Năm 1978 là năm thứ 42 liên tục gia đình Somoza làm phụ mẫu của quốc gia Nicaragua tại Trung Mỹ. Nếu quân đội, ở đây gọi là Vệ binh Quốc gia, có đảo chánh thì cũng chẳng có gì là lạ. Đây chẳng qua là truyền thống của các Cộng hòa gọi là “Vườn chuối”, nằm dưới tay của các công ty trồng trọt Mỹ tại Trung Mỹ hay dưới tay của phó vương địa phương là đại sứ Hoa Kỳ.

Nhưng lần này đại biểu Luis Pallais đã lầm. Các quân nhân này thật ra là du kích của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandino (FSLN) cải trang. Phong trào chống đối võ trang này thành lập từ 1961. Nó gồm ba thành phần liên kết, “FSLN-Vô sản” tức chủ trương Mác-Lê cổ điển, dựa vào giai cấp công nhân nhà máy. “FSLN-Chiến tranh Nhân dân Trường kỳ” là thành phần chủ nghĩa Mao, dựa vào nông thôn để bao vây thành thị. Thành phần thứ ba, Tercerista, là “FSLN-Nổi dậy”. Thành phần này theo chủ nghĩa quốc gia và ki-tô xã hội, cuối thập niên 70 là thành phần mạnh nhất, dựng sống dậy một FSLN èo uột do bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ những năm về trước. Các đặc công đánh Quốc hội là thuộc thành phần Tercerista này của tổ chức.

Dinh Quốc gia (ngày nay là Dinh Văn hóa) là cơ quan công quyền nằm ở trung tâm thành phố, diện tích 100mx100m trên 2 tầng ở một bãi mênh mang. Bình thường, tại đây có 3.000 người làm việc trong khi văn phòng tổng thống, vì lý do an ninh, thì lại nằm ở ngoại ô Tiscapa bên trong khu vực tổng hành dinh của Vệ binh cho chắc dạ.

Nhóm đánh chiếm gồm 25 người, chia làm hai toán, cải trang mang quân phục của Trung tâm Huấn luyện (EEBI). EEBI đây là lực lượng ưu tú của chế độ, do Đại tá Somoza con đích thân cầm đầu. Đơn vị này dạng Lực lượng Đặc biệt, cũng là tiểu đoàn bảo vệ Tổng thống Somoza bố, có nhiều chuyên gia đánh thuê, người Mỹ, Chile, Đức, Cuba lưu vong… và nói qua ít nhất là có hai cựu quân nhân Lực lượng Đặc biệt miền Nam Việt Nam (“Biệt kích Mỹ”) sau 1975 tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Lý do mang sắc phục này là để hống hách dằn mặt các quân nhân gác Dinh Quốc gia. Du kích cải trang EEBI khi tiến vào ra lệnh đuổi lính gác “Ra ngoài hết, sếp – tức tổng thống – sắp đến”.

Eden Pastora, Comandante Cero, bên phải đứng, trên xe ra trường bay với con tin, ngồi giữa là Dora Maria (nữ, thấy một con mắt), ảnh ở đây 

Tuổi trung bình của nhóm đặc công là 23 tuổi. Lớn nhất là Eden Pastora, bí danh là “Số Không” (Cero) và từ đó mang luôn tên Comandante (chỉ huy, lãnh đạo) Cero. Ông lúc đó 42 và bằng tuổi của chế độ Somoza. Nhỏ nhất là ba du kích 18 tuổi. Vai thứ nhì là Comandante Uno (Số Một) Hugo Torres, sau này là thiếu tướng cách mạng. Dưới tuổi trung bình và vai thứ ba là Comandante Dos (Số Hai) Dora Maria. Cô này mới 22 tuổi, gia nhập FSLN khi là sinh viên năm thứ ba trường thuốc. Sau này Dora Maria sẽ là Phó thủ tướng và bộ trưởng y tế nhưng lúc đó cô vừa ở Esteli xuống, trong rừng thẳm núi cao giữ chân xạ thủ đại liên ba càng. Theo cô thì trên đó lạnh đến nỗi khi đi tiểu thì ra khói, đói thì thường xuyên, có khi nhịn vài ngày, món ăn ngon nhất và nhớ mãi là cơm với nước Maggi (xì dầu).

Ngày hôm đó, 1.500 người trong Dinh bị giữ lại làm con tin. Ngoài các đại biểu Quốc hội,và người em bà con của tổng thống còn có cháu ruột của ông và bộ trưởng nội vụ. Eden Pastora ra lệnh gọi điện cho tổng thống để thương thuyết và 5 người môi giới giữa du kích và chính quyền là hồng y Obando y Bravo, tổng giám mục Managua, hai giám mục giáo phận Leon và giáo phận Granada tức là hai thành phố lớn nhất nước ngoài thủ đô, đại sứ Costa Rica và đại sứ Panama. Đòi hỏi của Mặt trận là các phương tiện truyền thông đăng tuyên cáo của FSLN, thả 50 tù nhân trong danh sách của họ, trao 10 triệu usd tiền mặt và có phương tiện hàng không ra nước ngoài.

Comandante Dos, Dora Maria Tellez (bịt mặt) tại Quốc hội Managua ngày đánh chiếm. Ảnh

Cuộc điều đình kéo dài 45 tiếng. Chính quyền chấp nhận hầu hết các điều kiện, thả các tù binh trừ những người họ đã lỡ tay giết rồi, không thật đấy, giờ biết làm sao đây cho nó sống dậy? Số tiền mặt thỏa thuận xuống còn nửa triệu thôi. Để biết, lúc đó, tài sản riêng của gia đình Somoza được ước tính là 900 triệu. Năm 1979, chính tổng thống nhận là chỉ có 100 triệu thôi, làm gì có chuyện gần tỉ. Không lực Venezuela cung cấp một máy bay quân sự và hàng không COPA của Panama cấp một máy bay dân sự. Toán đặc công giữ một số con tin VIP theo họ ra trường bay. Dọc đường, tuyên cáo của FSLN đăng báo và đọc trên đài khiến quần chúng đổ ra đường reo hò đưa tiễn. Trước khi ra khỏi Quốc hội, Eden Pastora gỡ lá cờ trong Phòng Xanh và bảo sẽ mang về trả lại vào ngày giải phóng.

Eden Pastora, Comandante Cero trở về ngay chỉ huy mặt trận miền Nam. Dora Maria, Comandante Dos cũng trở về và chỉ huy mấy ngàn du kích của mặt trận miền Tây. Theo cô gái lãnh đạo lúc đó 23 tuổi thì phần lớn chịu nghe quân lệnh của cô nhưng có người không. Pastora giữ lời hứa trả lại lá cờ, khi tháng 7 năm 1979 quân FSLN vào Managua, tổng thống Somoza bỏ chạy ra khỏi nước và năm 1980 bị ám sát tại Paraguay bằng tên lửa.

Nhưng lịch sử cũng lắm điều, Dora Maria về sau ly khai FSLN. Phần Pastora cũng thế, ông còn lập chiến khu ở miền Nam chống các đồng chí cũ. Sau ông lại đổi ý lần nữa, quay về làm bộ trưởng cho tổng thống FSLN Daniel Ortega.

Comandante Cero, người chỉ huy chiếm Quốc hội năm 1978 bị ba đời vợ bỏ. Ông tóm tắt như sau: “Làm cách mạng đầu tiên thì mất vợ và sau cùng thì mất mạng. Giữa hai cái này thì mất tự do, mất hạnh phúc và mất công ăn việc làm”. Các bạn cách mạng phò Trump mong lật đổ chính quyền dân cử mới nghe đấy mà tạc dạ nhé! Pastora mới qua đời vào tháng 6. 2020 vì bệnh tim, sau khi thử nghiệm thì biết không phải vì Covid 19.

Ý kiến - Thảo luận

0:58 Tuesday,19.1.2021 Đăng bởi:  SA
Năm 2006 mình sang Managua và sau đó có nhờ bạn tại đó tìm tông tích 2 người Việt thuộc lực lương EEBI (Tiểu đoàn Phủ Tổng thống). Người bạn không tìm ra ai trước thuộc lực lương EEBI này ở Nicaragua, có lẽ họ kháng chiến Contra trong thập niên 90 và sau đó an trí dưỡng già tại Florida.

Hai người Việt là do một cựu lực lượng biệt động Mỹ đánh thuê mang sang và
...xem tiếp
0:58 Tuesday,19.1.2021 Đăng bởi:  SA
Năm 2006 mình sang Managua và sau đó có nhờ bạn tại đó tìm tông tích 2 người Việt thuộc lực lương EEBI (Tiểu đoàn Phủ Tổng thống). Người bạn không tìm ra ai trước thuộc lực lương EEBI này ở Nicaragua, có lẽ họ kháng chiến Contra trong thập niên 90 và sau đó an trí dưỡng già tại Florida.

Hai người Việt là do một cựu lực lượng biệt động Mỹ đánh thuê mang sang và từng phục vụ dưới quyền ông ta ở Việt Nam. Sau 79, vị Mỹ này tiếp tục đánh đấm với Contra nhưng hai vị người Việt thì không thấy sử xanh nào nói đến.

Hai huynh "Biệt kích Mỹ" này chắc sanh khoảng 1945-1950 và nếu chịu khó ở nhà và ra ngoài đeo khẩu trang thì hẳn vẫn còn sống và được Covid tha. Các bạn này hai lần di tản, 1975 di tản khỏi Việt Nam và 1979 di tản khỏi Nicaragua.

Biết đâu 6 tháng 1 vừa qua, các bạn rủ nhau phất cờ vào Quốc hội Mỹ? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả