Gẫm & Bình

Sơn mài của Nguyễn Thị Hiền: rực rỡ, tươi tắn, và có nghề; tuy có khô và quen tay 13. 10. 13 - 4:02 pm

Lê Thanh Phong

Hoa hướng dương, sơn mài, 52 x 60cm, 2012

Tôi không phải là người trong làng nghệ, nhưng tôi rất thích tranh sơn mài. Nhân lúc rảnh rỗi cùng bạn ghé vào triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, thực lòng mà nói, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những bức tranh sơn mài rực rỡ, tươi tắn và có nghề như vậy.

Hình như các tác phẩm đều làm trong năm 2013. Đến gần thấy mặt tranh bóng loáng, phẳng và êm. Những mảng vỏ trứng lấp ló xen lẫn với màu được cẩn chuyên nghiệp và tử tế. Vỏ trứng được mài phẳng và đều khít. Họa sĩ đã sử dụng màu trong vắt như màu nước phủ nhẹ. Nhiều đoạn đẹp, khá lung linh.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí xưa kia khi sáng tác cũng có rất nhiều thợ sơn mài giúp ông, có sao đâu! Tranh của ông đẹp lồng lộng, sang trọng và sâu thẳm. Thỉnh thoảng có dịp, tôi vẫn ghé qua lầu 1 khu chính của Bảo tàng ngắm nghía tranh của cụ Trí, cụ Trầm, cụ Nguyễn Sáng và cả của Đào Minh Tri nữa. Trong tác phẩm sơn mài của các bậc tiền bối khi dụng sơn ta, vỏ trứng, vỏ trai, son và vàng bạc đưa vào tranh sao thấy mà tinh tế mà cứ như chơi. Tôi có cảm giác hình như các ngài đã đứng hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng để cân nhắc cho việc cẩn một mảng vỏ trứng thì phải. Ấy là chưa kể đến lúc các ngài dụng bút vẽ lên đó son và vàng. Không biết lúc đó có ai được đến gần các cụ không? Tôi cố hình dung không gian lúc đó như thế nào? Có một vẻ linh thiêng kỳ lạ toát ra từ những tấm tranh. Khi tranh đã hoàn thành sao mà trông cứ như không dụng công, cứ như có cánh bay lượn. Các mảng màu ẩn kín đáo vào nhau, tôn nhau lên trong cái óng vàng phẳng mịn của sơn ta. Các tầng vẽ chồng lấp như nằm dưới mặt gương lâu ngày càng trở nên lung linh như có ma thuật. Những mảng màu không còn đứng yên, như có nước, như có gió, trông giản dị mà cực tinh tế và nhẹ nhàng. Sơn mài xưa thật diệu, chả hiểu các cụ làm như thế nào… Như bức Vườn Xuân Bắc-Trung-Nam của cụ Nguyễn Gia Trí, nghe nói cụ làm bức tranh này theo đơn đặt hàng, làm ròng rã trên 10 năm!

Hoàng Trầm, Hạ Long, sơn mài, 120 x 140, 2009

Trước lúc xem tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, tôi có được hân hạnh xem tranh của các họa sĩ phía Bắc gồm 8 anh chị em họa sĩ cũng triển lãm ở đây trước đó vài ngày. Có rất nhiều tranh sơn mài khổ lớn, trông rất bắt mắt, kỳ công. Có một điều đặc biệt là, khi xem tranh của các họa sĩ này, cái cảm giác bị lôi cuốn, bị hấp dẫn, bị hút vào tranh không còn nữa. Tranh sơn mài của các vị mất đi cái ma lực lôi cuốn chết người của chất liệu sơn mài (nói rõ là sơn ta). Cứ thử xem, nếu không có vàng bạc gắn vào tranh, thông qua hình chụp, có ai còn biết và bảo rằng đó là tranh sơn mài! Nó giống như các tác phẩm vẽ bằng các chất liệu khác.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng vậy, mượn chất liệu để vẽ cái mình thích chứ không hiểu, không say đắm vì chất liệu đó. Đây là nói theo kiểu người trần mắt thịt của người buôn bán như tôi, mong các họa sĩ đại xá. Với tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, tôi hình dung ra câu chuyện và đối thoại trong quá trình làm tranh của họa sĩ với các nghệ nhân sơn mài:

Đoạn 1
Họa sĩ: “Đây là bản nét và phác thảo, những chỗ có dấu chữ thập hoặc tô chì nhẹ, anh cẩn trứng giúp tôi nhé! Hơn 40 tấm này anh làm bao lâu? Đến tháng 10 là mình triển lãm đấy!”

Đoạn 2
Họa sĩ: “Cậu làm nhanh lắm, trứng cẩn đẹp nhưng hơi mỹ nghệ quá, còn hơn 1 tháng nữa là triển lãm, cậu nghĩ liệu có kịp không? Những mảng màu tôi đánh dấu, cậu vẽ phụ cho tôi nhé! Làm cách nào cho nhanh khô là được, vẽ mỏng thôi. Để mình lo cái khoản đi nét.”

Đoạn 3
Họa sĩ: “Đã xong rồi à ? Làm kháu thế! Cậu sắp xếp ở lại mấy ngày giúp mình vẽ nhé! Làm việc với cậu thích lắm, ăn ý ra phết. Cậu vẽ theo chỉ dẫn của mình, đoạn nào không hiểu mình chỉ cho. Nhân vật chính mình lo, rây bạc và nhuộm màu mấy hồi!!!

Đoạn 4
Họa sĩ: “Trông cũng không đến nỗi nào, tốt đấy, màu tươi quá ! Còn mấy ngày nữa là chuyển đi rồi, cậu giúp mình làm bóng nhé!!!”

Đoạn 5
Họa sĩ: “Trời ơi ! Sao nó bóng như gương thế này, cậu dùng 2K à? Thích thật nhưng mà nhìn nghiêng không giống đánh bóng lắm, hy vọng bán được nhiều !!!”

Đấy là tôi hình dung ra vậy, khi cả loạt tranh của họa sĩ đều sáng tác năm 2013. Dẫu sao cuộc triển lãm lần này cũng gây ra bất ngờ lớn với tôi. Tôi cứ tự hỏi, tranh sơn mài là như thế này ư???

Nguyễn Thị Hiền, Ngái ngủ, sơn mài, 60 x 60cm, 2012

Vậy thì các cụ đã đúng hay lớp con cháu của các cụ đúng? Tôi nghi ngờ cả cái nhìn của mình, tôi lên Soi thấy có bạn bảo đấy là đồ mỹ nghệ và các bạn nhảy vào tranh luận rất đông. Có lẽ các bạn không bỏ công ra xem kỹ từng tác phẩm sơn mài. Tôi hơi tiếc là các bạn phê phán dữ quá. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã dụng công khá nhiều cho bộ tranh triển lãm. Tất nhiên phần vẽ quen tay theo lối minh họa kiểu báo Văn Nghệ xưa là điều không thể tránh khỏi, khi mà chưa đến 10 tháng họa sĩ đã vẽ trên 40 tấm sơn mài. Cũng phải thấy rằng, ngoài việc họa sĩ không sử dụng sơn ta cho tác phẩm, các xử lý kỹ thuật khác, như vẽ bạc, nhuộm bạc và sử dụng màu không mang tính truyền thống của sơn mài, còn lại họa sĩ đã xử lý rất có nghề và rất khéo léo.

Trong sơn mài truyền thống, các họa sĩ đi trước sử dụng bạc để vẽ chống lấp, cho đến nay một số tác phẩm đã bị thời gian làm hỏng. Các lớp bạc đã bị oxy hóa trở nêm xám và đen, độ bền của tác phẩm sơn mài đã bị đánh giá lại. Ngay cả bức tranh Quốc bảo của cụ Nguyễn Gia Trí trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bạc cũng đã bị đen xám lại không thể phục chế được nữa.

Một bức sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã xử lý bạc theo kiểu gì? Có khác với các họa sĩ khác không? Câu hỏi này vẫn còn lơ lửng, cần phải có thời gian lâu dài mới kiểm định được chất lượng, độ bền của tác phẩm. Tất nhiên khi tôi hỏi các nghệ nhân già, làng sơn mài, các bác bảo chỉ cần toát sơn nhiều lần thì bạc sẽ không bị mất màu ???…

Lại nói về cuộc triển lãm, tôi chắc chắn rằng: Mục đích của họa sĩ hướng tới không phải là “Báo các với các họa sĩ việc em làm” mà tới đối tượng khách hàng trong túi có tiền, kiến thức thẩm mỹ mang tính quần chúng, vừa vừa, và lượng khách du lịch nước ngoài hổ lốn. Chỉ tiếc là họa sĩ hơi ít tiền để có thể triển lãm 1 tháng. Nếu thế sẽ bán được nhiều tranh hơn. Tôi đã nhìn thấy chân dung họa sĩ in ở tấm quảng cáo, đặt trân trọng trong phòng triển lãm. Chắc họa sĩ đã ngót nghét ngoài 60. Cái kiểu đăng bài trên Soi và bị các họa sĩ trẻ đánh tơi tả, bà coi là “cái đinh” chả thấm tháp gì. Công bằng mà nói, từ tháng 5. 2013 họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã vẽ quyết liệt và mê man cho tới đầu tháng 10, có cuộc triển lãm với gần 70 bức tranh, cả sơn mài và sơn dầu là một kỳ tích đáng nể với người đã trọng tuổi.

Các bạn xem tranh hãy để công ngắm nghía những bức sơn mài phía trong khuất. Có những tấm rất đẹp và rung động, truyền được cảm hứng cho người xem và phải gạt ra khỏi đầu rằng đó là những bức tranh sơn mài không vẽ theo kiểu truyền thống. Các bạn sẽ thấy họa sĩ rất yêu tác phẩm của mình, phảng phất ở đó cái hồn của nông thôn Bắc vào những năm giữa thế kỷ 20. Những đứa trẻ thật trong trẻo và cảm động.

Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền như có ảnh hưởng chất tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tươi rói và rực rỡ. Kỹ thuật nhuộm bạc, cẩn trứng, vẽ mỏng gần với cách vẽ trên các lọ bình sơn mài trong tạo tác các sản phẩm mỹ nghệ. Có sao đâu!!! Xin đừng đay nghiến họa sĩ. Chắc là đọc các tranh luận trên Soi, bà lại lẩm bẩn: “Bọn thối mồm!”.

Nguyễn Thị Hiền, Hai chị em, sơn mài, 52 x 60cm, 2012

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền không sâu được, vì không sử dụng chất liệu sơn ta (lấy từ cây sơn) và chỉ vẽ từ 1 đến 2 lớp rồi mài nhẹ. Màu vẽ mỏng, sống, không phủ sau đó là phun bóng. Thời gian lại quá nhanh nên các độ ửng màu của các lớp sơn không có. Cái đẹp mang tính ngẫu nhiên khi mài cũng không có, cho nên phần nào bộc lộ vẻ khô cứng quen tay và quá khéo léo. Chất rung cảm vì thế mà vơi đi, tác phẩm có phần bị đơ, gần giống với tranh truyện của thiếu nhi. Cũng không sao nốt! Khối người thích kiểu vẽ của họa sĩ và họ đã lên tiếng bênh vực.

Còn tôi, khi rời khỏi bảo tàng, tôi lại như thằng dở hơi, nói với người bạn thân: “Mày ạ! Lại có một dạng mới của sơn mài.” Thằng bạn gà mờ của tôi lại thốt lên: “Đẹp đấy chứ! Chắc phải bỏ tiền ra tậu một hai tấm cho bộ sưu tập.”

Ý kiến - Thảo luận

23:43 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
Chị ơi sao vẽ 6 bông hoa, có dụ ý gì không hay là "bôi cho kín mặt tranh" ????
...xem tiếp
23:43 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
Chị ơi sao vẽ 6 bông hoa, có dụ ý gì không hay là "bôi cho kín mặt tranh" ???? 
19:56 Thursday,31.10.2013 Đăng bởi:  nguyen van cuong

Mình nghĩ tranh sơn mài phải khác cơ. Mình nhìn tranh của chị Hiền giống sơn dầu hơn. Làm sơn mài làm gì cho tốn tiền ra... Tranh của chị Hiền thiếu tính đặc trưng của sơn mài Việt Nam.....
Mong chị Hiền nghiên cứu kĩ về chất liệu... Tác phẩm của chị rất đẹp...


...xem tiếp
19:56 Thursday,31.10.2013 Đăng bởi:  nguyen van cuong

Mình nghĩ tranh sơn mài phải khác cơ. Mình nhìn tranh của chị Hiền giống sơn dầu hơn. Làm sơn mài làm gì cho tốn tiền ra... Tranh của chị Hiền thiếu tính đặc trưng của sơn mài Việt Nam.....
Mong chị Hiền nghiên cứu kĩ về chất liệu... Tác phẩm của chị rất đẹp...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả